Nhận thức giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực văn hóa trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của nguồn lực văn hóa. Tuy nhiên, trước tình hình mới với những thời cơ, thách thức đan xen, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; làm cho văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”1. Đó là kết quả nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên mọi lĩnh vực, trong đó văn hóa là một “mặt trận” vô cùng quan trọng. Để phát huy vai trò của văn hóa trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, quan điểm chỉ đạo này được thể hiện đầy đủ và hệ thống trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2022.

Nội dung bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tập trung làm rõ các vấn đề: (i) Cách tiếp cận văn hóa nói chung và mô hình văn hóa Việt Nam hiện nay; (ii) Khẳng định vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng và trong giai đoạn hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; (iii) Đánh giá khách quan những thành tựu và hạn chế của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; (iv) Xác định nguyên nhân và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế cũng như phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

1. Về cách tiếp cận văn hóa

Trên cơ sở kế thừa nền tảng lý luận khoa học về văn hóa cũng như sự trải nghiệm thực tiễn cách mạng Việt Nam, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận văn hóa dưới góc độ giá trị. Dù đề cập văn hóa theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, hình thức tồn tại là vật thể hay phi vật thể… thì tựu trung, nói đến văn hóa là nói đến giá trị. Bài viết không dừng lại ở “giá trị” trừu tượng hay lý luận chuyên sâu, mà được cụ thể hóa, trở nên gần gũi, dung dị và dễ hiểu. Theo đó, văn hóa được hiểu là hệ thống các giá trị “tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”2. Để dễ hiểu, dễ hình dung, Tổng Bí thư đặt các giá trị đó trong đối tượng, bối cảnh cụ thể như: “một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa”3…, đồng thời chỉ rõ “những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”4. Có thể thấy, với cách diễn đạt gần gũi, những quan điểm, nhận định của Tổng Bí thư về văn hóa đã trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, đối với các đồng chí là cán bộ, công chức đang công tác tại địa phương, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư có giá trị thực tiễn sâu sắc, dễ nhận thức và vận dụng trong công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cho quần chúng nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định mô hình phát triển của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là “Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nền văn hóa đó là sự kết tinh tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vừa thống nhất trong đa dạng, vừa tiếp thu, tiếp biến các thành tựu văn hóa nhân loại. Đó là nền văn hóa chứa đựng các giá trị hiện đại, dân chủ, tiến bộ, nhân văn; là lòng yêu nước, tinh thần tự cường, đoàn kết, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình; cần cù, giản dị trong lối sống, tinh tế trong ứng xử… Chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, trong đó, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

2. Vai trò của văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng và trong giai đoạn hiện nay

Để làm rõ vai trò, trọng trách “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã minh chứng bằng các mốc lịch sử hào hùng của đất nước, đó là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hay Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối…5. Bên cạnh đó, bài viết còn kết hợp sử dụng phương thức dẫn lời hiệu triệu, kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các sự kiện lịch sử của đất nước: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”6; “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO7; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”8; “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”9; hay những câu khẩu hiệu hào hùng trong kháng chiến: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”; “Còn cái lai quần cũng đánh!” (chị Út Tịch). “Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!” (Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi)10... Vai trò của văn hóa lúc này được phát huy ở sự củng cố niềm tin, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc và trở thành “sức mạnh tinh thần”, góp phần đánh thắng kẻ thù, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và sự nghiệp đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những điều kiện củng cố tính nội lực của văn hóa, đó là xây dựng văn hóa và xây dựng con người. Theo đó, xây dựng văn hóa trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới; xây dựng con người hướng đến sự hoàn thiện về tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ. Để hiện thực hóa “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần quan tâm các lĩnh vực cụ thể của văn hóa như: “phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh…; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”11.

Có thể thấy, với cách diễn đạt chặt chẽ, chuẩn xác, song cũng rất đỗi dung dị, gần gũi, giàu hình ảnh đã giúp bài viết của Tổng Bí thư có sức lôi cuốn mạnh mẽ, dễ gây ấn tượng, giàu tính thuyết phục, dễ nhớ và dễ lan tỏa đối với người đọc. Đặc biệt, những dẫn chứng lịch sử đắt giá được Tổng Bí thư sử dụng không chỉ minh chứng cho động lực của văn hóa, mà còn góp phần hun đúc, thắp sáng, nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

3. Đánh giá khách quan những thành tựu và hạn chế trên lĩnh vực văn hóa và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Những thành tựu, hạn chế

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực văn hóa như: nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, đa dạng của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung12.

Bên cạnh những thành tựu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn đề cập những hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa như: nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của văn hóa chưa thực sự sâu sắc; văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa còn phiến diện, chưa đồng bộ. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới. Môi trường văn hóa bị “ô nhiễm” bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về nhu cầu hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác văn hóa còn lúng túng, chậm trễ; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa được coi trọng đúng mức, chưa có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước văn hóa nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc13

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan cơ bản của những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, đó là: “trong công tác lãnh đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao”14.

Có thể khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy cái nhìn khách quan, cụ thể, trực diện và thẳng thắn về những mảng sáng và mảng tối của “bức tranh” văn hóa Việt Nam, đó là “bức tranh” chân thực về đời sống văn hóa của đất nước, đồng thời đặt ra câu hỏi lớn để các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên nhanh chóng tìm ra lời giải, kịp thời chỉ đạo, định hướng, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên.

Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Trên cơ sở chỉ ra thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa của nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng các hình thức văn hóa của các dân tộc, vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa.

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từng bước xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, tham gia điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư15.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên một cách thống nhất, đầy đủ và hiệu quả, bài viết của Tổng Bí thư đã gợi ý các giải pháp cụ thể như:

(i) Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong phát triển bền vững; (ii) Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới;

(iii) Quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại; (iv) Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội…

4. Sự vận dụng trong quá trình công tác của mỗi cán bộ, đảng viên

Có thể thấy, mặc dù bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không được trình bày quy mô, đồ sộ như những công trình, cuốn sách nghiên cứu chuyên khảo, song đã đúc kết những vấn đề cơ bản, quan trọng, có tính định hướng, chỉ đạo trên lĩnh vực văn hóa, góp phần củng cố cơ sở để từng bước hiện thực hóa “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực vận dụng vào thực tiễn công tác, bảo đảm phù hợp với chuyên môn, công việc mà mình phụ trách.

Thứ nhất, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cấp ủy, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, thực sự coi trọng vai trò của văn hóa với tư cách là “nền tảng tinh thần của xã hội”, “là động lực phát triển bền vững” đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Thứ hai, các cấp chính quyền có trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm đời sống văn hóa của nhân dân. Các đơn vị chức năng, các ban, ngành cần tăng cường phối hợp thực hiện để văn hóa “thấm sâu vào trong đời sống của nhân dân”, giúp giá trị văn hóa lan tỏa đến nhân dân ở các vùng, miền, hải đảo một cách đồng đều... Các hoạt động sáng tạo, bảo tồn, truyền bá cần được bảo đảm về cơ chế, điều kiện và nhân lực. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo - “quốc sách hàng đầu”, chú trọng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước nguy cơ bị mai một…

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức tại các ban, ngành hoạt động văn hóa chuyên trách và các đơn vị đào tạo cần quan tâm đến tính chất của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Một mặt, cần nâng cao nhận thức, có giải pháp cụ thể nhằm tăng cường gìn giữ, phát huy bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương; mặt khác, tích cực hội nhập, tiếp thu, tiếp biến những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong quá trình quản lý văn hóa, ngoài biện pháp hành chính, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, nhằm loại bỏ những sản phẩm phản văn hóa không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các lĩnh vực văn hóa: giáo dục, văn học nghệ thuật, truyền thông đại chúng, du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản… được chắp cánh, phát huy sáng tạo các giá trị đặc thù của từng lĩnh vực, góp phần củng cố, phát huy nội lực của đất nước trong tình hình mới.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức ở các cơ quan liên ngành trong lĩnh vực văn hóa. Văn hóa là khái niệm rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó dù không trực tiếp làm công tác văn hóa, song mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hệ thống, nhằm phát huy lợi thế, nguồn lực từ nhiều cơ quan, đơn vị, tránh sự chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Thứ năm, mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác, tích cực xây dựng lối sống văn hóa với các giá trị đạo đức, nhân văn, biết yêu thương, chia sẻ, luôn đoàn kết, tương trợ mọi người. Bên cạnh đó, cần bổ sung những giá trị văn hóa hiện đại, năng động, chủ động sáng tạo, ý thức pháp luật…, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ngoài ý thức xây dựng lối sống văn hóa, mỗi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực, tích cực xây dựng các môi trường tiểu văn hóa như: văn hóa công sở; văn hóa giao tiếp; văn hóa kinh doanh; văn hóa trong Đảng…, từ đó vừa góp phần hoàn thiện bản thân, vừa tạo được niềm tin từ cộng đồng, xã hội, tạo động lực phát triển của địa phương.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25.

2, 3, 4. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 159.

5. Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 160-161.

6, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534, 280.

7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 130; t. 14, tr. 321.

10, 11, 14. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 161, 165, 168.

12, 13, 15. Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 166, 167, 171-172.

TS. TRẦN THỊ THÚY VÂN

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin