1. Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cẩn trọng - chính xác - tận tụy
Phong cách cẩn trọng, sâu sát đến từng chi tiết
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc viết và duyệt bản thảo. Các bản thảo, từ báo chí, thư từ, sách, tài liệu chính trị… đều được Người đọc đi đọc lại, sửa từng câu, từng chữ; sử dụng từ ngữ trong sáng, rõ nghĩa, chính xác, dễ hiểu, tránh sử dụng từ ngữ rườm rà, gây hiểu nhầm. Đối với các bản dịch, Người kiểm tra từng thuật ngữ để bảo đảm vừa đúng tinh thần nguyên bản, vừa đúng văn phong, từ ngữ tiếng Việt. Người nói: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”1 - ba câu hỏi giản dị ấy đã trở thành phương châm trong hoạt động báo chí, xuất bản của Người.
Sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của Bác chính là thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm cao đối với từng nội dung thông tin. Đặc biệt, trong các ấn phẩm phục vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Người luôn yêu cầu sự chính xác tuyệt đối, tránh những sơ suất có thể gây hiểu lầm, xuyên tạc hoặc sai lệch quan điểm chính trị.
Phong cách chính xác, trung thực, tôn trọng sự thật
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu rất cao về độ chính xác trong nội dung mỗi bài nói, bài viết. Đối với Người, một chữ sai cũng có thể gây lệch lạc về tư tưởng; một thông tin không chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Vì vậy, khi viết phải tôn trọng và bám sát thực tiễn khách quan, không tô hồng, cũng không bôi đen.
Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người luôn khẳng định phải: "Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra"2. Mặt khác, "Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”3. Khi đọc, sửa các văn kiện quan trọng, Người đã sửa đi sửa lại nhiều lần, cân nhắc cẩn thận từng câu, từng chữ, dẫn chứng minh họa... bảo đảm tính khoa học, tôn trọng sự thật và tôn trọng người đọc.
Phong cách tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động của tinh thần làm việc tận tụy, không mệt mỏi vì nước, vì dân. Người từng nói: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”4. Trong lĩnh vực xuất bản, Người dành rất nhiều thời gian cho việc đọc, viết, biên tập, chỉ đạo xuất bản sách, báo. Người quan tâm tới việc làm báo, viết sách, in ấn phải làm sao phát hành đến được với quần chúng nhân dân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Phong cách tận tụy của Người thể hiện ở sự không ngừng tự học hỏi, tự rèn luyện, đổi mới cách diễn đạt, đổi mới hình thức thể hiện để sách báo đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Sự tận tụy thể hiện trước hết: ''Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào đế vượt được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn''5; viết cho quần chúng phải từ những bài báo ngắn gọn, dễ hiểu; những mẩu chuyện nhỏ nhưng hàm chứa bài học lớn, có như vậy mới nắm được nhu cầu của xã hội, biết độc giả cần gì, xuất bản cho họ những ấn phẩm như thế nào. Sự tận tụy của Người còn thể hiện ở việc Người kiên trì sử dụng sách báo làm phương tiện để truyền bá tư tưởng cách mạng, ngay cả trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
2. Những kết quả nổi bật trong việc học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đảng bộ cơ quan Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Đưa nội dung học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành nền nếp trong mọi hoạt động
Trong 10 năm qua, Đảng ủy cơ quan Nhà xuất bản đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hệ thống việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, Đảng ủy đều quán triệt các chuyên đề cụ thể đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động Nhà xuất bản. Nội dung phong cách làm việc “cẩn trọng - chính xác - tận tụy trong công việc” được lồng ghép thường xuyên vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, giao ban hằng tháng, đánh giá cán bộ và đăng ký thi đua cá nhân. Việc học tập và làm theo Bác và vận dụng vào công việc chuyên môn đã trở thành nền nếp, công việc thường xuyên, ý thức tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên. Các nội dung về tính chính xác, cẩn trọng, tận tụy trong biên tập - xuất bản luôn là nội dung được ưu tiên quán triệt, nhắc nhở, kiểm điểm và biểu dương.
Từ năm 2018, các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ủy cơ quan Nhà xuất bản chú trọng nhiều hơn đến phong cách công tác của cán bộ, đảng viên, chuẩn mực đạo đức trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là yêu cầu về tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ trong các công việc biên tập - xuất bản.
Biến phong cách “cẩn trọng - chính xác - tận tụy” thành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp
Nghề biên tập sách là nghề đặc thù, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chịu khó. Do vậy, mỗi biên tập viên phải tự học, tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ chặt chẽ quy trình biên tập thì mới có thể bảo đảm được công việc, mới theo được nghề và làm nghề.
Trong nhiều năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Nhà xuất bản đã ban hành và tổ chức thực hiện “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật”, trong đó đã cụ thể hóa các tiêu chí về tính chính xác, cẩn trọng, trách nhiệm, tận tụy với công việc. Các chi bộ cũng đã cụ thể hóa thành các tiêu chí đạo đức phù hợp với từng đơn vị - từ biên tập, xuất bản, in, phát hành đến truyền thông và nghiên cứu khoa học.
Quy trình biên tập - xuất bản được Nhà xuất bản thực hiện nghiêm túc qua từng khâu công việc, bảo đảm chặt chẽ, qua nhiều bước kiểm duyệt nội dung, tăng cường kiểm tra chéo, duyệt nội dung kỹ lưỡng, kiểm soát từng câu từng chữ, từng lỗi chính tả, từng từ ngữ…, nhằm bảo đảm yêu cầu chính xác về nội dung, chuẩn về chính trị, khoa học về lập luận, kỹ lưỡng trong dẫn nguồn thông tin. Nhờ đó, sách của Nhà xuất bản bảo đảm về cả nội dung và hình thức, góp phần quan trọng nâng cao uy tín, thương hiệu của Nhà xuất bản. Đây là biểu hiện rõ nét nhất của sự “cẩn trọng - chính xác” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu gương.
Lan tỏa tinh thần “tận tụy vì nhiệm vụ chung” trong mọi khâu công tác
Trong 10 năm qua, Nhà xuất bản đã xuất bản hàng nghìn đầu sách, tài liệu, chuyên khảo có tính chính trị, lý luận, khoa học, góp phần khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để bảo đảm tiến độ và chất lượng sách, đội ngũ cán bộ, biên tập viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực học tập lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, thực hiện nói đi đôi với làm, giữ đúng tôn chỉ, mục đích là cơ quan xuất bản của Đảng và Nhà nước - đúng tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh.
Phong cách làm việc tận tụy đã thấm sâu vào tác phong, tinh thần, thái độ làm việc của phần lớn cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trong cơ quan. Biểu hiện là: Hằng năm, Nhà xuất bản luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sách lý luận, chính trị, pháp luật theo kế hoạch được giao. Cán bộ, viên chức, người lao động Nhà xuất bản ở mọi vị trí công tác đều sẵn sàng tăng ca, làm việc ngoài giờ; thậm chí nhiều bộ phận như các ban biên tập, chế bản, biên tập kỹ thuật, in, truyền thông, phát hành… thường xuyên làm ngoài giờ để bảo đảm tiến độ công việc, đặc biệt là trong những đợt xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng (như: Văn kiện Đại hội Đảng và các Văn kiện Hội nghị Trung ương; sách học tập nghị quyết của Đảng; sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách phục vụ các kỳ họp Quốc hội; sách phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước…). Việc bảo đảm tiến độ sách luôn gắn liền với bảo đảm chất lượng nội dung, đúng tinh thần “tận tụy mà không cẩu thả, tận tâm nhưng không chủ quan”.
Trong nhiều năm qua, việc tổ chức biên tập, xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2016 đến giữa năm 2025, Nhà xuất bản đã xuất bản gần 400 đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhiều thể loại, hình thức phong phú (sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tài liệu học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những mẩu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh; những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác…). Trong đó có những ấn phẩm tiêu biểu như: Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập); Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (10 tập); Tổng tập các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Học Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta học gì?; Hồ Chí Minh với công tác cán bộ; Hồ Chí Minh - tấm gương đạo đức sáng ngời; Học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh; Phong cách Hồ Chí Minh trong lãnh đạo và quản lý, v.v..
Đặc biệt, năm 2020, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản đã tổ chức biên tập, phát hành gần 60 đầu sách về Bác phục vụ bạn đọc rộng rãi. Năm 2022, Nhà xuất bản xây dựng các tủ sách điện tử về Hồ Chí Minh như: Tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tủ sách “Thanh niên học và làm theo lời Bác”. Năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, Nhà xuất bản xây dựng Tủ sách điện tử “Chủ tịch Hồ Chí Minh” phục vụ bạn đọc miễn phí với tổng số 585 cuốn sách có giá trị, phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung, góp phần làm sáng tỏ và sâu sắc tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản cũng đã trao tặng, cấp tài khoản đọc sách cho nhiều cơ quan, đơn vị ở trong và ngoài nước, nhằm cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp việc tiếp cận và đọc sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được thuận tiện và nhanh chóng hơn, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, năm 2023, Đảng ủy Nhà xuất bản đã chỉ đạo xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trụ sở Nhà xuất bản. Đây là nơi lưu giữ những đầu sách, hình ảnh, tư liệu có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nơi độc giả, cộng tác viên có thể tham quan, tưởng nhớ, tìm hiểu, đọc các ấn phẩm về Bác.
Những kết quả trên không chỉ phản ánh khối lượng công việc lớn, đa dạng, phong phú, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần tận tụy, cẩn trọng và chính xác trong công tác biên tập - xuất bản sách về Bác - lĩnh vực đặc biệt đòi hỏi sự chuẩn mực cao cả về chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp. Đây cũng là biểu hiện cụ thể của việc “học tập và làm theo Bác” từ chính những trang sách do cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản dày công thực hiện.
Xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến
Quá trình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một số chi bộ như Chi bộ Ban sách Giáo khoa và Tham khảo, Chi bộ Vụ Tổ chức - Cán bộ, Chi nhánh Nhà xuất bản tại Cần Thơ… được biểu dương, khen thưởng nhờ xây dựng được mô hình hay, cách làm hiệu quả và duy trì tốt tinh thần làm việc trách nhiệm, cầu thị, cẩn trọng trong từng khâu công việc như: mô hình thực hiện “Ba xây, ba chống, ba biết” (Ba xây: xây dựng tinh thần trách nhiệm với công việc, xây dựng mối đoàn kết nội bộ, xây dựng tinh thần tự học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn; Ba chống: chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, chống tham ô, lãng phí, chống bè phái, cục bộ; Ba biết: biết tôn trọng đồng nghiệp, cộng tác viên, biết tuân thủ quy trình biên tập, biết chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp); mô hình biên tập viên xây dựng nhật ký công việc gắn với tiêu chí “5 đúng” (đúng chủ đề, đúng tư tưởng, đúng thuật ngữ, đúng dữ kiện, đúng tiến độ); đơn vị tổ chức sinh hoạt chuyên đề về một lỗi nhỏ bị phát hiện để rút kinh nghiệm toàn bộ quy trình biên tập.
Nhiều tấm gương lao động quên mình, là điển hình tiêu biểu về sự tận tụy, trách nhiệm với công việc, là cán bộ mẫu mực để quần chúng noi theo. Nhiều cá nhân điển hình tiên tiến liên tục đạt các danh hiệu chiến sĩ thi đua, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen trong các phong trào thi đua. Năm 2024, Nhà xuất bản có 02 đồng chí được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, là minh chứng sống động cho hiệu quả của việc học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong môi trường xuất bản sách lý luận, chính trị.
3. Những bài học kinh nghiệm và giải pháp tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách làm việc cẩn trọng - chính xác - tận tụy
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, có thể khẳng định, phong cách làm việc cẩn trọng - chính xác - tận tụy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang từng bước trở thành chuẩn mực, nguyên tắc làm việc và tiêu chuẩn đạo đức trong Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Tuy nhiên, để việc học và làm theo phong cách của Bác tiếp tục đi vào chiều sâu, trở thành giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan xuất bản lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, cần tiếp tục hệ thống hóa, lượng hóa và thể chế hóa các chuẩn mực đạo đức thành cơ chế đánh giá, khen thưởng, đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch cán bộ trong toàn hệ thống.
Một là, tiếp tục khẳng định và bảo vệ tôn chỉ: “Chính trị - Tư tưởng - Khoa học” trong công tác xuất bản
Tôn chỉ xuất bản “Chính trị - Tư tưởng - Khoa học” là nền tảng cốt lõi, định hướng xuyên suốt mọi hoạt động của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Đây không chỉ là mục tiêu nội dung mà còn là yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ về thái độ, trách nhiệm, phương pháp và phong cách làm việc cẩn trọng trong biên tập, chính xác trong thông tin, tận tụy trong phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Nhà xuất bản đã luôn kiên trì giữ vững nguyên tắc, bản lĩnh chính trị trong việc lựa chọn đề tài, thẩm định, biên tập và xuất bản các ấn phẩm lý luận chính trị trước áp lực về tiến độ, nhu cầu của thị trường, sự cạnh tranh của công nghệ. Trung bình hằng năm, Nhà xuất bản tổ chức xuất bản từ 700 đến 1.200 đầu sách, trong đó phần lớn là các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu lý luận, giáo dục tư tưởng, phổ biến chính sách pháp luật, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, bối cảnh truyền thông đa nền tảng, thông tin đa chiều và xu hướng thị trường hóa xuất bản đặt ra không ít thách thức. Điều đó càng đòi hỏi người làm sách phải kiên định tôn chỉ, mục đích, kiên định và bản lĩnh, nhạy bén trong công tác biên tập, đặc biệt phải luôn học tập phong cách Hồ Chí Minh: cẩn trọng - chính xác - tận tụy trong từng công việc, từng cuốn sách. Giữ vững tôn chỉ ấy chính là giữ vững sứ mệnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm xuất bản trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên “vừa hồng, vừa chuyên”
Đội ngũ cán bộ, biên tập viên là lực lượng nòng cốt, trực tiếp hiện thực hóa sứ mệnh “người gác cửa” về chính trị - tư tưởng của Đảng. Do đó, xây dựng đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên” - vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, vừa có trình độ chuyên môn sâu, kỹ năng nghiệp vụ vững chính là điều kiện tiên quyết để học tập và làm theo hiệu quả phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xuất bản.
Trong thời gian qua, Đảng ủy và Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã quan tâm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng biên tập, ngoại ngữ và công nghệ xuất bản số cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện dân chủ, công khai, theo đúng tiêu chuẩn chính trị, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, góp phần hình thành đội ngũ biên tập viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: một bộ phận cán bộ còn thiếu chiều sâu lý luận, hạn chế trong ứng dụng công nghệ; tỷ lệ cán bộ trẻ am hiểu chính trị, giỏi nghiệp vụ chưa cao; chưa hình thành đủ các nhóm chuyên gia liên lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu biên soạn, biên tập sách đa ngành, liên ngành trong bối cảnh mới. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên “vừa hồng vừa chuyên” cần được xem là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, được triển khai đồng bộ qua đào tạo - bồi dưỡng - tuyển dụng - đánh giá - trọng dụng, gắn với chuẩn mực “cẩn trọng - chính xác - tận tụy” trong phong cách Hồ Chí Minh.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu và cấp ủy các cấp
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”6. Trong lĩnh vực xuất bản, nơi đòi hỏi từng câu chữ, từng cuốn sách đều mang tính định hướng về tư tưởng, “đi trước, mở đường”, có chức năng truyền bá tri thức, củng cố niềm tin, xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội thì vai trò nêu gương của người đứng đầu và cấp ủy các cấp càng mang ý nghĩa quyết định.
Tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, các đồng chí lãnh đạo, đảng ủy viên, lãnh đạo các đơn vị đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, gương mẫu trong thực hiện quy trình xuất bản, giữ nguyên tắc làm việc, kỷ luật phát ngôn, tinh thần phục vụ và bảo vệ tôn chỉ chính trị.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa “học tập” và “làm theo” Bác trong từng khâu công việc
Một trong những hạn chế phổ biến hiện nay trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tình trạng học tập mang tính lý thuyết, còn việc “làm theo” thiếu chiều sâu, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ cụ thể. Trong lĩnh vực xuất bản, để học tập phong cách “cẩn trọng - chính xác - tận tụy” của Bác trở nên thực chất và hiệu quả, điều cốt yếu là phải kết hợp chặt chẽ giữa “học” và “làm” trong từng khâu công việc, bởi đối với người làm công tác biên tập sách lý luận chính trị, điều quan trọng là phải có cái tâm trong sáng, chính trực, tấm lòng lương thiện. Trong bối cảnh hiện nay, việc học và làm theo Bác để mỗi cán bộ biên tập có “cái đầu lạnh”, “trái tim nóng” và “ngòi bút sạch'' là một trong những tiêu chí quan trọng để giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và lý tưởng cách mạng; tuyệt đối trung thành với đường lối và sự lãnh đạo của Đảng.
Có thể nói, những người làm công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã luôn thấm nhuần sâu sắc phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cẩn trọng trong suy nghĩ, chính xác trong hành động, tận tụy trong phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Đó vừa là sứ mệnh chính trị, vừa là trách nhiệm đạo đức, đồng thời là cách thiết thực nhất để mỗi chúng ta học Bác, làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể từ những trang sách mỗi ngày.
1 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 13, tr. 465.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 673.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 206.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 165.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16.