Hoàn thiện thể chế thúc đẩy đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

CT&PT - Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; đồng thời là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu được đặt ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và các quy định pháp luật liên quan bảo đảm phù hợp với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

1. Vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan. Đây là một trong những động lực rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên “bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên”... Những bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển của các quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, nhấn mạnh và phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa ra quan điểm: Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ1.
Đến Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên cụm từ “đổi mới sáng tạo” với tư cách là thuật ngữ riêng được đưa vào Văn kiện. Đổi mới sáng tạo được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời nội hàm của đổi mới sáng tạo ngày càng được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”2; đồng thời xác định tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (theo Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022). Chiến lược đưa ra ba quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó quan điểm thứ nhất chỉ rõ: “1- Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh”3.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 107/NQ-CP, ngày 09/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/ TW, trong đó giao Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng các đề án tăng cường năng lực, phát triển 4 cơ quan ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển”4. Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (ngày 13/01/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là chìa khóa vàng, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu; đồng thời cũng là hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là phương tiện quan trọng để đạt được mục đích. Đột phá đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá sáng tạo mới tạo ra những bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, vượt qua rào cản, giới hạn của hiện tại để đạt được kết quả vượt trội, nổi bật, đột phá, mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn và tạo ra ảnh hưởng lớn”5. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn”6.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Khoa học và công nghệ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước được tăng cường. Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất được nâng cao, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2024, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, cho thấy chủ trương phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đúng đắn. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả của việc chuyển các nguồn lực đầu vào (thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…) thành kết quả đầu ra trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo7.
2. Thể chế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta trong thời gian qua
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này được thể hiện rõ trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, với nhiều quy định, chính sách có tính đột phá, tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ ở phạm vi quốc gia, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, bên cạnh đó là các luật: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Dữ liệu năm 2024. Trong hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có 4 luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ; ngoài ra, có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Trong hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến cuối năm 2024, Quốc hội đã thông qua 8 luật liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy và thứ tám đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, trong đó có những luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới8.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng. Nhìn vào hệ thống các quy định hiện nay có thể thấy, Luật Khoa học và Công nghệ cùng các văn bản hướng dẫn tập trung chủ yếu vào việc tạo lập hành lang phục vụ quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, như: quản lý các tổ chức khoa học, công nghệ; quy định về cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ; quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; quản lý hoạt động đầu tư cho khoa học, công nghệ của doanh nghiệp (thông qua Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ)... Trong khi hoạt động khoa học, công nghệ vốn là nhu cầu, yêu cầu nội tại của nền sản xuất và xã hội, nảy sinh từ hoạt động đổi mới, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức. Vì vậy, cần chuyển mạnh từ tư duy quản lý sang tư duy phát triển, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ. Đây chính là nút thắt quan trọng cần được tháo gỡ để huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách khuyến khích “cầu”, trước hết có thể tập trung vào chính sách tiêu dùng của Chính phủ đối với các sản phẩm khoa học, công nghệ, thông qua các cơ chế thử nghiệm, đặc thù, từ đó làm cơ sở hoàn thiện, mở rộng chính sách.
Cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức khoa học, công nghệ, nhất là các tổ chức sự nghiệp công lập chưa phù hợp, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế, nhất là thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu.
Hệ thống pháp luật hiện chưa có các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng và “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi đó mong muốn tạo ra sức hút từ môi trường làm việc linh hoạt, tự chủ trong nghiên cứu và có cơ hội tham gia các dự án quốc tế khó thực hiện. Các chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học xã hội còn một số bất cập. Trong nước, các viện nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội khó có khả năng thu hút nhân tài từ nước ngoài, nhất là khi các chính sách đãi ngộ chưa đủ sức cạnh tranh.
Các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ hiện tại chưa thực sự hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và làm suy giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu. Thiếu sự bảo vệ hữu hiệu khiến các sáng chế có nguy cơ bị sao chép, xâm phạm bản quyền, làm giảm giá trị của tài sản trí tuệ cũng như làm giảm động lực của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh, làm cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản trí tuệ trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
3. Giải pháp hoàn thiện thể chế tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

 

5-1735888636-1749554000.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do đó, để hoàn thiện thể chế tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Kinh phí cần “đủ và đúng thời điểm” để bảo đảm tính mới và hiệu quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp xây dựng kế hoạch cho hoạt động khoa học và công nghệ; mở rộng phạm vi và khuôn khổ tài trợ của mô hình quỹ khoa học và công nghệ. Tạo cơ chế, chính sách thử nghiệm đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, nhằm làm rõ vai trò của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các đại học vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức khoa học, công nghệ quan trọng; thực hiện cơ chế vượt trội nhằm thu hút và “giữ chân” nhân tài theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW...
Ba là, hoàn thiện chính sách phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; trong đó, tập trung tăng thu nhập thường xuyên cho nhân lực nghiên cứu của tổ chức khoa học, công nghệ, hạn chế thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Thúc đẩy phát triển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cả khu vực các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và doanh nghiệp. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ban hành chế độ, chính sách thu hút các nhà khoa học đầu ngành, mở rộng phạm vi, đối tượng khen thưởng, bảo đảm phù hợp với các thành phần tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bốn là, chú trọng xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thiết lập các cơ chế báo cáo rủi ro kịp thời, đồng thời có quy trình xử lý rủi ro linh hoạt, phù hợp với tình huống cụ thể. Bảo đảm quyền lợi của các nhà nghiên cứu, khuyến khích họ báo cáo rủi ro một cách trung thực và kịp thời.
Năm là, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cao nhằm mục đích chuyển giao cho doanh nghiệp sau khi hoàn thiện công nghệ; tham gia, tổ chức các hội nghị chuyên đề quốc tế về các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm; thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài tham gia quá trình nghiên cứu, đánh giá các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sử dụng các chỉ số khoa học, công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế trong thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ; xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài…
Sáu là, rà soát, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Bảy là, hoàn thiện chính sách bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phù hợp với các hiệp định thương mại mới; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm hiệu quả việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khắc phục tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên “bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên” trong
thế giới ngày nay.


1.    Xem Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, https:// tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/ nghi-quyet-so-20-nqtw-ngay-01112012-hoi-nghi-lan-thu-6-ban-chap-hanh-trung-uong-dang- khoa-xi-ve-phat-trien-khoa-hoc-va-576.
2.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115.
3.    Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, https://thuvienphapluat. vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-569-QD-TTg-2022-Chien-luoc-phat-trien-khoa-hoc- cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-512896.aspx.
4.    Tô Lâm: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 01/11/2024, https://www.tapchicongsan.org. vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon- minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang- cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie.
5.    “Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 13/01/2025, https://bocongan.gov. vn/tin-hoat-dong-cua-bo/hoi-nghi-toan-quoc-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi- moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-t43162.html.
6.    “Phát huy hơn nữa vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực”, Báo Sài Gòn giải phóng điện tử, ngày 15/5/2024, https://www.sggp.org.vn/phat-huy-hon- nua-vai-tro-cua-kh-cn-va-doi-moi-sang-tao-tren-tat-ca-cac-linh-vuc-post739967.html.
7.    Xem Hà Linh: “Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 21/12/2024, https://nhandan.vn/hoan-thien-the-che-thuc-day-khoa- hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post851770.html.
8.    Xem Trần Thanh Mẫn: “Chủ trương, giải pháp về thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/01/2025.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin