Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề ở Việt Nam

CT&PT - Trong buổi gặp mặt thân mật hơn 100 đại biểu là các nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, những làng nghề ở Việt Nam không chỉ là nơi hoạt động sinh kế mà còn là không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Chiều 09/11/2023, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt thân mật hơn 100 đại biểu là các nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam năm 2023. 

Ý kiến của đại diện nghệ nhân, thợ giỏi đều khẳng định, cùng với sự đổi mới của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần quan trọng để các làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng gia đình nghệ nhân, thợ giỏi, tạo việc làm ổn định cho nhiều người; các làng nghề có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân làng nghề được nâng lên.

Các làng nghề truyền thống của Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thành công hơn nữa rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ các chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, nhất là trong tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; phát huy các sáng kiến trong lao động, sản xuất; hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tận dụng các nguồn nguyên liệu ở địa phương để sản xuất các sản phẩm truyền thống; phát triển hơn nữa việc truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, từ sự tinh xảo của đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, những vật liệu thân thiện, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của người Việt đã trở thành các sản phẩm nghệ thuật giá trị, chứa đựng những câu chuyện giàu cảm xúc, phản ánh vẻ đẹp trong lao động và cuộc sống của người Việt Nam.

Mỗi sản phẩm của các nghệ nhân có cuộc đời, số phận, tình yêu cuộc sống, có chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của lịch sử, hàm chứa sức sống văn hóa mãnh liệt. Đây là điều rất đặc biệt và đáng tự hào.

Chủ tịch nước cho biết, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của các nghệ nhân, thợ giỏi Việt Nam sáng tạo và làm ra luôn là các món quà tinh tế trong hoạt động đối ngoại, gây ấn tượng với các nhà lãnh đạo và bạn bè quốc tế về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá cao sự phát triển của làng nghề Việt những năm qua, mang lại nhiều việc làm cho người dân, nhất là người dân ở nông thôn mọi lứa tuổi, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt.

Chủ tịch nước cho rằng những làng nghề ở Việt Nam không chỉ là nơi hoạt động sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn là không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Chủ tịch nước khẳng định, có được thành tựu to lớn đó, trước hết công lao thuộc về các nghệ nhân, thợ giỏi và Nhân dân các làng nghề trong cả nước đã có những đóng góp, cống hiến quan trọng. Các nghệ nhân, thợ giỏi được coi là hồn cốt của làng nghề, báu vật sống của địa phương và quốc gia.

Các nghệ nhân trong lĩnh vực khác nhau, nhưng đều đam mê, yêu nghề, sáng tạo, có bàn tay khéo léo và tâm hồn của người nghệ sỹ. Để trở thành nghệ nhân, thợ giỏi là cả quá trình nỗ lực khổ luyện bền bỉ trong thực tiễn lao động và cả những giai đoạn thăng trầm trong nghề.

Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy trong bối cảnh vừa qua, khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều lĩnh vực sản xuất khó khăn, ngành thủ công mỹ nghệ cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, các nghệ nhân và làng nghề đã nỗ lực vượt qua.

Chủ tịch nước đánh giá cao, biểu dương những cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương, đất nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề ở Việt Nam. Đi liền với đó là hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất thủ công mỹ nghệ, phát triển làng nghề du lịch.

Chủ tịch nước cũng đề nghị hoàn thiện bộ tiêu chí xét duyệt, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, cơ chế truyền nghề và hỗ trợ các nghệ nhân trong xây dựng thương hiệu và tiếp thị.

Chủ tịch nước mong muốn các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì con đường lao động nghệ thuật, tôn vinh hơn nữa văn hóa Việt, vừa bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề, vừa bồi dưỡng, phát triển lớp người kế cận, tính toán đến việc truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, công nhận thêm các nghệ nhân, thợ giỏi đủ tiêu chuẩn phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay.

Chủ tịch nước mong muốn đời sống các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ngày càng được cải thiện để có thêm nhiều sản phẩm mới, làm rạng danh nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và góp phần đưa văn hóa Việt phổ biến rộng rãi hơn đến bạn bè quốc tế.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyết Thắng tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin