1. Lê Thánh Tông là vị hoàng đế thứ năm của nhà Lê sơ, trị vì từ năm 1460 đến năm 1497, tổng cộng 37 năm. Vua được xem là một vị hoàng đế anh minh, theo Sử thần Ngô Sỹ Liên trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được”1. Trong thời kỳ cầm quyền của ông, nhà nước Đại Việt mạnh mẽ, phát triển rực rỡ ở mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự. Ông cũng mở rộng đáng kể lãnh thổ Đại Việt sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man.
Thông qua những phát kiến, cải cách mạnh mẽ của mình ở khắp các phương diện từ pháp luật, thiết chế bộ máy, nhân sự… vua Lê Thánh Tông đã xây dựng nền quan chế trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Điều này hoàn toàn khác biệt so với thời gian vua Lê Thánh Tông mới lên ngôi, khi đó đất nước chìm trong tham nhũng, tướng sĩ lo bòn rút, hưởng lạc, quan lại chia bè phái, nhân dân đói khổ oán thán. Vua Lê Thánh Tông thể hiện là người có quan điểm trọng Nho giáo sâu sắc, không chỉ tập trung mạnh mẽ quyền lực vào ngai vàng mà còn định hướng học tập của kẻ sĩ trong thiên hạ. Các cải cách của Vua Lê Thánh Tông rất đa dạng, tác động trực diện đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là việc thiết lập nên hệ thống pháp lý và nền quan chế kỷ cương, nghiêm minh, hiệu quả tạo tiền đề cho văn hoá liêm chính của bậc làm quan cũng như hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Nghiên cứu về triều đại vua Lê Thánh Tông, có thể rút ra một số giá trị lịch sử liên quan đến công tác giáo dục liêm chính, phòng, chống tham nhũng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chú trọng giáo dục liêm chính, định hướng học tập, xây dựng nhân cách của kẻ sĩ trong thiên hạ “tạo nguồn” cho đội ngũ quan lại.
Các triều đại phong kiến trong lịch sử thường dựa trên một hoặc một số học thuyết để hình thành nên hệ tư tưởng chính trị của chế độ, nhà nước đó. Dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, Nho giáo là học thuyết chủ đạo, được vận dụng một cách triệt để. Với tư tưởng đó, Lê Thánh Tông cùng quần thần của mình đã tổ chức việc học tập, hướng kẻ sĩ vào con đường chính thống Nho giáo đó là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong bốn điều tu - tề - trị - bình ấy thì tu thân phải là gốc của mọi ý nghĩ và hành vi suốt cuộc đời. Đạo lý này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, khi sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi chúng ta là nền tảng vững chắc cho sự thành công sau này. Theo đó, tu thân phải đạt được ba đức tính nhân - trí - dũng. Nhân tức là có nhân nghĩa, thể hiện tấm lòng yêu thương cha mẹ, gia đình. Trí là trí tuệ của kẻ sĩ, dùng trí đó giúp gia đình, đất nước vững mạnh. Có nhân, có trí nhưng cần có cả dũng. Dũng ở đây rộng lớn hơn vũ lực, dũng còn là sự dũng cảm, dám đương đầu với thử thách, dám “làm nghiệp lớn”. Trong giáo dục chữ “nhân” thì cũng bao hàm cả “liêm” và “chính”, bởi “liêm” và “chính” là những phẩm chất thể hiện cốt cách của người quân tử.
Để hướng kẻ sĩ vào con đường học tập, Lê Thánh Tông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng các nhà học, trường học, mở rộng quy mô giáo dục ra toàn quốc, vốn các triều đại trước đó còn có sự bó hẹp trong phạm vi giới quý tộc. Đặc biệt, vua thường xuyên giám sát việc giảng dạy cũng như học tập ở Quốc tử giám, đích thân đọc các bài thi, tự mình gặp gỡ, đối đáp và lựa chọn nhân tài làm việc. Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân - Văn bia năm 1487. Nhờ có hệ thống giáo dục được mở rộng, những nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng từ trong dân gian, thi tuyển, bổ nhiệm vào các chức quan về cơ bản thấm nhuần cốt cách quân tử của Nho giáo, đặc biệt trọng liêm sỉ, giữ gìn danh dự không chỉ trong công việc mà còn cả lối sống sinh hoạt thường ngày.
Nhận thức được rằng “trăm quan là nguồn gốc của trị loạn”, nền quan chế dưới thời vua Lê Thánh Tông có quy định hết sức nghiêm khắc trong thi cử, để thực sự lựa chọn được người vừa có tài, vừa có đức độ. Để lựa chọn đội ngũ quan lại có tài năng, “thực học”, triều đình trị tội rất nặng với mọi hành vi gia lận trong thi cử. “Những cử nhân vào thi hội mà mượn người làm hộ bài thi cùng người làm hộ đều phải biếm ba tư; thi hương thì phải biếm hai tư. Người giấy sách vở đem vào trường thi bị phạt 80 trượng”2. Trong các bài thi, người ra đề đặc biệt chú trọng khai thác những điển tích Nho giáo, thơ kinh Khổng tử hướng học trò xây dựng hình tượng người quân tử hội tụ đầy đủ phẩm chất “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Những phẩm chất, cốt cách đó chính là nền tảng để triều đình vua Lê Thánh Tông có được những cá nhân “tài đức vẹn toàn” tận trung làm việc, tránh xa thói hủ hóa, tham ô, nhũng nhiễu dân lành.
Thứ hai, luật pháp nghiêm minh tạo sự răn đe để quan lại “giữ liêm”, “không dám” tham nhũng.
Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) là một trong số những bộ luật thể hiện bước phát triển rất cao, vượt bậc về tư duy pháp lý cũng như kỹ thuật lập pháp của nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ Quốc triều hình luật ngày nay chúng ta còn giữ được cho thấy đây không chỉ là thành quả lớn lao ngành lập pháp đời Lê Thánh Tông mà nó được sinh ra trên cơ sở kế thừa nhiều thành tựu lập pháp của các triều đại trước, của Trung Quốc và của các vua đầu triều Lê. Trong Bộ luật này, các quy định về phòng, chống tham nhũng đã được làm rõ, đặc biệt là tên hành vi phạm tội và các chế tài xử phạt.
Chẳng hạn như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thất thoát tài sản, trục lợi, bòn rút tài sản công: “Làm những thuyền ngự, cầu hay đường ngự cùng những cung điện thường hay ngự mà không bền chặt thì người thợ phải tội lưu đi châu xa, người chủ làm bị xử tội biếm hay đồ; quan giám đương được giảm tội một bậc. Nếu không chỉnh đốn hay thiếu thốn thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, nhẹ thì được giảm môt bậc”3; tội nhũng nhiễu vì vụ lợi: “Các quan tướng súy tại các phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình sách nhiễu tiền tài của nhân dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả lại cho dân…”4; tội lạm quyền chiếm đoạt tài sản xác định: “… Nếu người nào lạm chiếm quá phần đất đã định thì bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư; người có vườn ao rồi mà lại chiếm nơi khác thì tội thêm một bậc. Nếu người nào có công được vua cấp thêm đất thì không kể”5. Trong một số trường hợp, những người biết tội phạm mà không báo cáo lại còn ăn hối lộ để bao che thì cũng bị xử lý. “Những người coi chợ và người lính thợ thấy trong chợ có người làm đồ vật giả dối hay phá hủy tiền đồng mà tha thứ không bắt trình quan, thì bị tội biếm hoặc phạt. Người ăn hối lộ dung túng việc đó thì tội cũng giống như chính phạm”6… Khi xét kỹ đến các chế tài xử phạt, có thể thấy Bộ luật Hồng Đức quy định mức phạt rất nặng đối với tội tham nhũng như nhẹ thì giáng chức quan, làm việc khổ sai, nặng thì phải đi lưu đày.
Thứ ba, sự nghiêm minh, gương mẫu của người đứng đầu chính quyền phong kiến, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông.
Giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng muốn đạt hiệu quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào uy tín, hình ảnh và tính nêu gương của những người nắm giữ quyền lực. Mặc dù là người nắm trọn trong tay quyền lực nhà nước, khai thác triệt để học thuyết Nho giáo trong việc củng cố quyền bính đối với ngai vàng nhưng vua Lê Thánh Tông là người chính trực, luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến quần thần. “Các quan đại thần và các quan tâu việc biết có điều bất tiện, hại đến quân dân mà không hết sức giãi bày để bỏ điều ấy đi thì xử tội biếm hay bãi chức. Nếu a dua trước mặt để thuận ý vua, lúc lui chầu lại nói khác, thì xử tội đồ hay tội lưu”7. Sự chính trực và cầu thị đó giúp cho vua luôn nhận được những góp ý, tham mưu chính xác trong trị nước. Sâu sắc và quan trọng hơn, đó là tấm gương về nhà lãnh đạo coi trọng sự dân chủ, xây dựng khí chất quân tử, liêm chính, mẫu mực trong làm việc, tiền đề để phòng, chống sự tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền.
Là một người rất coi trọng vai trò của pháp luật và sự nghiêm minh đối với chế tài xử lý quan lại tham ô nhưng vua Lê Thánh Tông luôn hi vọng đội ngũ quan lại biết sai, sửa sai, tự kiểm điểm và thay đổi. Vua từng nhắc nhở Thái bảo Lê Lăng nên “cẩn thận về sau như trước, phải thanh liêm, phải công bằng” , cảnh tỉnh Tả đô đốc Lê Thọ Vực phải “hết lòng thành, bỏ lòng riêng” . Nếu đã nhắc nhở mà cố tình tái phạm, đặc biệt là những hành vi tham ô, nhũng nhiễu, lạm quyền thì vua Lê Thánh Tộng xử phạt rất nghiêm khắc để đảm bảo sự công bằng, bảo vệ tầng lớp dưới trong xã hội. Có viên quan là Lê Bô phạm tội tham tang, phải luận vào tội kình nhưng Thượng thư Trần Phong lại đứng ra xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Lê Thánh Tông cương nghị nói rằng: “Trần Phong xin cho người can tội tham tang được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà chịu tội lỗi, thế là Trần Phong dám làm trái cả phép tắc tổ tông, tùy tiện tác uy tác phúc để làm hại cả nước. Vậy hạ lệnh cho pháp ty xét xử trị tội theo luật định”8. Rất nhiều chức quan có vị trí quan trọng trong triều đình nhưng vua Lê Thánh Tông cũng hết sức nghiêm minh trừng trị trong đó có Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm, Trấn điện Phó tướng quân Lê Hán Đình, Thương thư Bộ hình Đỗ Tông Nam… về những tội danh có liên quan đến tham nhũng.
Thứ tư, thiết lập hệ thống cơ quan giữ vai trò giám sát nền quan chế.
Xuất phát từ những yêu cầu mới, trong những năm từ 1460-1471, vua Lê Thánh Tông tiến hành việc cải cách các chức vụ và cơ quan hành chính. Trong đó. Vua trực tiếp chỉ đạo 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Hình, Binh, Công (do Thượng thư đứng đầu). Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông tăng cường bộ phận được ví như “thanh tra quan lại”, ngoài Ngự sử đài có 6 khoa là Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Chức năng giám sát của lục Khoa đối với lục Bộ được xác định cụ thể: “Phát tiền, thu tiền là chức việc của Bộ Hộ mà giúp việc vào việc đó phải có khoa Hộ, bộ Lại tuyển dùng không đúng nhân tài thì khoa Lại được quyền bác đổi, bộ Lễ để nghi chế mất trật tự thì khoa Lễ được quyền đàn hặc, khoa Hình được bàn về việc xử đoán của bộ Hình trái hay phải, khoa Công được kiểm về việc làm của bộ Công chăm hay lười”9. Các Khoa hoạt động độc lập, không bị chi phối bởi Thượng thư các bộ. Nếu các Bộ có sai phạm trong hoạt động, người đứng đầu các Khoa được phép báo cáo trực tiếp lên nhà vua.
Đối với cơ quan Ngự sử đài giữ vai trò giám sát nền quan chế, đội ngũ quan lại của triều đình. Đây là cơ quan xuất hiện vào thời Trần nhưng trong thời gian vua Lê Thánh Tông trị vì, Ngự sử đài đã có nhiều đổi mới, phát triển vượt bậc. Vua Lê Thánh Tông xác định Ngự sử đài gồm: Đô, Phó đô ngự sử, Tư vụ tỉnh, Kinh lịch ty, Án ngục ty, Chiếu ma sở và 6 Ty ngự sử trực thuộc đóng ở các đạo. Để hoạt động của Ngự sử đài được phát huy tối đa hiệu quả, các bộ phận trong cơ cấu tổ chức của cơ quan này đều có các chức năng chuyên biệt, như Tư vụ tỉnh nắm các việc văn phòng tổng hợp; Kinh lịch ty phụ trách đăng lục các án; Án ngục ty phụ trách về hình ngục; Chiếu ma sở phụ trách việc văn án, sổ sách. Tính chuyên sâu, chuyên môn hóa của các bộ phận được đề cao và củng cố là biện pháp quan trọng giúp triều đình có thể thiết lập nên kênh kiểm soát quyền lực mạnh mẽ, hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng có thể xảy ra.
Thứ năm, sự hợp lý trong bố trí và sử dụng quan lại theo chính sách “hồi tỵ”.
Chính sách hồi tỵ tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó. Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó. Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Sử liệu chép lại rằng: Ngày 22 (tháng 5, năm 1486), cấm quan lại nhận chức ở ngoài lấy đàn bà con gái trong bộ hạt của mình. Tháng 9 (1488), xuống chiếu rằng: Từ nay, các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau. Tháng 8, ngày mồng 2 (1495), có lệnh cho châu huyện chọn đặt xã trưởng. Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng trong một xã. Ngày 28 (tháng 4, năm 1497), định lệnh đổi đi nơi khác. Như các viên quản quân, quản dân ở Nghệ An, nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì bộ Lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay. Lệnh này sau đó được áp dụng trong phạm vi cả nước10.
Hồi tỵ là giải pháp giúp vua Lê Thánh Tông có thể quản lý và khống chế đội ngũ quan lại câu kết, ngăn ngừa sự lạm dụng chức quyền, địa vị để kết bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình. Chính sách này cũng góp phần phòng ngừa, tạo cơ chế giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương.
2. Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng, tham nhũng gây ra những hậu quả vô cùng to lớn cho xã hội, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của một quốc gia, dân tộc. Tham nhũng làm cho chế độ chính trị, nhà nước dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tấn công, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng thực hiện. Bên cạnh việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, cũng như tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế, việc tìm hiểu các giá trị lịch sử của cha ông ta, nhất là trong xây dựng cốt cách quân tử, người làm quan, các phương pháp phòng, chống tham nhũng là một việc làm có ý nghĩa, thể hiện sự “ôn cố tri tân”. Mặc dù đã cách chúng ta nhiều thế kỷ, những biến đổi về kinh tế, văn hoá, xã hội và chế độ chính trị có sự thay đổi lớn, song khi nghiên cứu về công tác giáo dục liêm chính, phòng chống tham nhũng dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, có thể rút ra một số giá trị tham khảo, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, hình thành “hệ miễn dịch tự nhiên” với tham nhũng. Xây dựng văn hoá liêm chính không chỉ trong khu vực công mà còn là xã hội liêm chính. Coi trọng công tác giáo dục liêm chính từ trong gia đình, nhà trường và xã hội với sự mẫu mực của cha mẹ, thầy cô. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, vận dụng những giá trị hợp lý trong các học thuyết về Đức trị và Pháp trị, kết hợp nhuần nhuyễn để hình thành nhân cách con người.
Hai là, hoàn thiện pháp luật và cơ cấu tổ chức về phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu nâng mức chế tài xử phạt hành vi tham nhũng, nhất là với những hành vi tham nhũng “vặt” để tránh bỏ lọt, dung túng cho sự “bất liêm” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Mạnh tay nghiêm trị các hành vi tham nhũng để tạo thành hành lang sắt khiến cán bộ, công chức, viên chức luôn phải “giữ liêm” để tránh “sai một ly, huỷ hoại cả sự nghiệp”. Tuyên truyền, giáo dục để người dân liêm chính trong thực hiện công việc, nhất là với các cơ quan công quyền để phòng ngừa nạn hối lộ, mua chuộc, đút lót… Đối với các thiết chế phòng, chống tham nhũng, nghiên cứu phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan thanh tra nhà nước theo hướng thiết lập lại mô hình hoạt động độc lập hơn, khách quan hơn, tương tự như mô hình Ngự sử đài dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Ba là, đổi mới công tác tuyển dụng, bố trị và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu ban hành quy định về nghiêm cấm đề bạt bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng kế thừa những tinh hoa, khoa học của luật hồi tị. Trong đó, quy định rõ ràng, cụ thể đối với từng trường hợp người thân trong một gia đình, dòng họ không được giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong cùng một cơ quan, đơn vị, địa phương; những người cùng quê không cùng lúc giữ các chức vụ đứng đầu địa phương, đơn vị; cha mẹ, vợ chồng, con cái không cùng lúc làm trong một cơ quan, đơn vị... Hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. Không lấy việc bố trí chức vụ, phong hàm, phong, thăng quân hàm, nâng ngạch để thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.
Bốn là, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước. Xây dựng chính sách nhà ở theo hướng: Nhà nước thống nhất ban hành cơ chế, chính sách; địa phương quy hoạch đất ở, nhà ở; cán bộ, công chức, viên chức mua và thuê mua. Thực hiện nghiêm, đúng đắn, chính xác chế độ thi đua, khen thưởng. Đây là một trong số những biện pháp kinh tế được nhiều quốc gia áp dụng thành công để phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng phù hợp trong thời gian tới để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, giúp họ toàn tâm cống hiến phục vụ và “giữ liêm”.
1. Cao Huy Giu, Đào Duy Anh dịch: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr.220.
2. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.60.
3. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Sđd, tr.163.
4. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Sđd, tr.73.
5. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Sđd, tr.88.
6. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Sđd, tr.81.
7. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Sđd, tr.196.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.509.
9. Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr.120.
10. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 530.