Vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững tại Quảng Bình

CT&PT - Phát huy vai trò cộng đồng địa phương là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững ở Quảng Bình. Việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế, đầu tư hạ tầng và tăng cường liên kết sẽ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân.

Cộng đồng địa phương là bộ phận nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, vừa mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường tự nhiên vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, con người bản địa. Quảng Bình là địa phương “hội tụ” nhiều yếu tố về cảnh quan thiên nhiên cùng các giá trị về lịch sử, văn hóa con người phong phú - đây là cơ sở quan trọng để hình thành và phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, qua đó phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở lợi thế, thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong  phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững ở Quảng Bình vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
1. Thực trạng vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở Quảng Bình
Cộng đồng còn là một tập thể gồm những thành viên gắn với nhau bằng những giá trị chung1, là những người định cư trên một lãnh thổ nhất định, giống nhau về điều kiện tồn tại và hoạt động sản xuất, có sự gần gũi về tư tưởng, văn hóa, nền sản xuất, có sự quan tâm chia sẻ về quyền lợi và trách nhiệm trong cộng đồng đó.
Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai2. Mục tiêu là tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và cộng đồng địa phương. Trong đó, cộng đồng địa phương là những người sinh sống lâu năm trên các vùng, trung tâm du lịch, họ đã và đang sử dụng các tài nguyên trên cùng phạm vi để tồn tại. Ngày nay, du khách không chỉ muốn tham quan các danh lam thắng cảnh mà còn muốn trải nghiệm văn hóa bản địa, các hoạt động thường nhật trong đời sống của người dân địa phương, vì thế sự tham gia của cộng đồng là tất yếu trong các hoạt động du lịch.
Điều 6 Luật Du lịch 2017 quy định: “Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường”3. Như vậy, cộng đồng địa phương là nguồn cung cấp các dịch vụ và sản phẩm du lịch địa phương, là người bảo tồn và gìn giữ văn hóa, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với văn hóa địa phương và mang tính bền vững. Họ còn tham gia vào quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng quyết định liên quan đến phát triển điểm du lịch; tham gia vào hoạt động và quản lý, đánh giá các hoạt động du lịch… Thực tế cho thấy, sự tham gia của cộng đồng trên cơ sở chia sẻ lợi ích với các bên liên quan trong phát triển du lịch không chỉ giúp duy trì những đóng góp lâu dài về kinh tế mà còn đảm bảo sự hỗ trợ và giám sát cần thiết đối với hoạt động du lịch. Vì vậy, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch chính là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy du lịch bền vững.
Bởi sự tham gia của cộng đồng sẽ thúc đẩy các điểm du lịch phát triển nhanh, bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ, lưu trú, góp phần giữ chân du khách và khai thác tối đa tiềm năng du lịch. Bên cạnh đó, còn tạo thêm sinh kế, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường; tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội… - những yếu tố cốt lõi trong định hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay. Không những thế, sự tham gia của cộng đồng địa phương còn giúp giảm xung đột giữa khách du lịch và người dân địa phương, mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao dân trí, tạo giá trị cho du lịch không ngừng phát triển và mở rộng.
Quảng Bình là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, sở hữu tiềm năng phong phú về du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn. Với lợi thế về địa lý, giao thông, nguồn nhân lực, văn hóa, lịch sử, xã hội phong phú và tài nguyên đa dạng, nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Quảng Bình đã đẩy mạnh các hoạt động, mô hình du lịch nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương là định hướng nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình nhằm phát triển du lịch bền vững.
Ngay từ Đại hội lần thứ XV (2010), Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã xác định: “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Gần đây, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong bốn khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, xác định nhiệm vụ: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch… Nâng cao chất lượng các dịch vụ, phát triển du lịch đồng bộ và hiệu quả, tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn hàng đầu  trên bản đồ du lịch Việt Nam, là hình ảnh, thương hiệu của Việt Nam trên thị trường du lịch thế giới”4.
Để hiện thực hóa chủ trương, ngày 09/12/2020, Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025, xác định 5 quan điểm, trong đó khẳng định: “Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết việc làm cho người lao động… phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư”5. Chương trình xác định mục tiêu và đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh đến phát huy vai trò của cộng đồng địa phương đối với phát triển du lịch như phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử… nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trưởng, xây dựng văn hóa du lịch Quảng Bình an toàn, thân thiện, mến khách.
Tiếp đó, ngày 22/01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đã xác định mục tiêu chung là đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 
Đặc biệt, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch tiếp tục được xác định là trụ cột, một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững6...
Gần đây, ngày 05/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 593/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTG ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, trong đó xác định "huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phát triển du lịch"7.
Bên cạnh, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư ở Quảng Bình luôn quan tâm đến phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Điều đó được thể hiện thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa - du lịch, các hội nghị và hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các hội nghị liên vùng, quốc tế về kết nối tour du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới...
Trên cơ sở định hướng chiến lược đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai nhằm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững.
Thứ hai, các hoạt động du lịch hướng đến phát huy vai trò cộng đồng ngày càng được triển khai đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
Trước hết, thời gian qua, để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về phát triển du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về vai trò, vị trí, lợi ích của ngành du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về nghề du lịch đến đội ngũ học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên và thông tin phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư. Đồng thời, tích cực xây dựng và phát triển các sản phẩm, mô hình du lịch cộng đồng nhằm huy động nhân dân tham gia phát triển du lịch.
Theo đó, để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, Quảng Bình đã tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Căn cứ trên tiềm năng, lợi thế, Quảng Bình hiện đang tập trung vào 03 nhóm mô hình chủ yếu là du lịch sinh thái và du lịch sinh thái kết hợp với du lịch nông nghiệp, du lịch bản địa.
Đối với mô hình du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tập trung chủ yếu tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với các loại hình sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch sông nước. Nổi bật có Oxalis Adventure Tours là đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam và khu vực châu Á về du lịch mạo hiểm, ngoài ra còn tích cực hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn thông qua tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động toàn thời gian và người khuôn vác. Công ty Jungle Boss với ba mảng kinh doanh là du lịch mạo hiểm, tiếp nhận du khách trải nghiệm nông nghiệp, hướng dẫn du khách tham quan và sử dụng dịch vụ ẩm thực. Công ty đã tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động bản địa.
Mô hình du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp là một trong những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, thu hút lượng du khách lớn, nhất là khách quốc tế, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng bản địa, vừa góp phần tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của Phong Nha - Kẻ Bàng đến với thế giới. Điển hình như Chày Lập Farmstay and Resort, đây là một mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu, sản phẩm lưu trú chất lượng cao. Chày Lập Farmstay đã tuyển dụng 60 nhân viên, trong đó 90% là người dân địa phương. 
Mô hình các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay) cũng khá phát triển, trong đó hệ thống homestay đã có sự đầu tư bài bản và phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi, các dịch vụ, phát triển rất tốt được khách du lịch yêu thích, thu hút khách, phần lớn là khách nước ngoài hay du khách lựa chọn cho các kỳ nghỉ như Victory Road Villas, Sơn Đoòng Bungalow, Eureka Homestay, Hồ Khanh Homestay… Ngoài các mô hình homestay và farmstay còn có các hình thức kinh doanh du lịch khác nhằm phục vụ nhu cầu của du khách như: dịch vụ ăn uống, thuê xe đạp leo núi, hoạt động dã ngoại, tham gia các trò chơi dân gian, tham gia các hoạt động hàng ngày cùng với người dân bản địa...
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cộng đồng không ngừng được phát triển, mở rộng như: tham quan quần thể danh lam thắng cảnh và các làng nghề truyền thống; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa; du thuyền ngắm cảnh sông Nhật Lệ kết hợp tham quan các danh thắng, di tích lịch sử… Xây dựng và đưa vào khai thác một số làng văn hóa, du lịch như Cự Nẫm (Bố Trạch); Cảnh Dương (Quảng Trạch); Tân Hóa (Minh Hóa) với sản phẩm đặc trưng là “trải nghiệm cuộc sống mùa lụt”; một số làng nông thôn mới kiểu mẫu như Mai Thủy, Bắc Trạch…
Thứ ba, cộng đồng địa phương đã đóng góp quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, không ngừng nâng cao vị thế, hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Trước hết, sự tham gia của cộng đồng địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch. Thời gian qua, du lịch Quảng Bình chịu tác động lớn của Đại dịch Covid-19, khiến lượng khách suy giảm. Điển hình như năm 2020, tổng số khách đến Quảng Bình chỉ đạt trên 1,8 triệu lượt, giảm 63% so với năm 2019, riêng khách quốc tế giảm tới 81%. Doanh thu du lịch cũng sụt giảm nhanh chóng, năm 2020, tổng thu từ du lịch chỉ đạt khoảng 2.127 triệu đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 20198. Tuy nhiên, từ khi mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022) đến nay, du lịch Quảng Bình phục hồi mạnh mẽ. Đến năm 2024, số lượt khách du lịch đạt khoảng 5.200.000 lượt khách, trong đó, khách nội địa ước đạt 5.053.900 lượt khách; khách quốc tế ước đạt 146.100 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.980 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 20239
Như vậy, hoạt động kinh doanh du lịch không chỉ phục hồi mà còn vượt mức trước đại dịch Covid-19, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… trong đó sự đóng góp, nỗ lực của cộng đồng địa phương là yếu tố then chốt giúp du lịch Quảng Bình phục hồi nhanh và bền vững.
Đặc biệt, cộng đồng địa phương đã tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch, góp phần tăng cường các nguồn lực du lịch Quảng Bình một cách bền vững. Họ tham gia giám sát các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch; quy hoạch du lịch; phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ… Điều này đã góp phần quan trọng vào việc tăng lượng khách và kéo dài thời gian lưu trú. Nếu năm 2020, cả tỉnh có 30 sản phẩm du lịch, thì đến nay có hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, trong đó có nhiều sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 
Toàn tỉnh hiện có 533 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 8.475 phòng. Trong đó có 22 cơ sở đã được xếp hạng (3 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao và 1 khách sạn 1 sao); còn lại là hệ thống nhà nghỉ, homestay, farmstay và các loại hình lưu trú khác (511 cơ sở với 6.400 phòng), đa thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư tại các địa phương như Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy,… Về lữ hành, hiện có 53 đơn vị lữ hành, trong đó có 25 đơn vị lữ hành quốc tế, 28 đơn vị lữ hành nội địa. Toàn tỉnh có 04 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Về nhân lực du lịch, tính đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có khoảng 15.300 lao động trong lĩnh vực du lịch, gồm 4.500 lao động trực tiếp và khoảng 10.800 lao động gián tiếp. Tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ đang hoạt động là 384 người, trong đó có 182 hướng dẫn viên quốc tế, 202 hướng dẫn viên du lịch nội địa10.
Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch, thương mại, dịch vụ… hoạt động sôi động, tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp. An ninh du lịch được bảo đảm, văn hóa du lịch từng bước hình thành, ngày càng hướng tới văn minh, hiện đại.
Với những kết quả đạt được, Quảng Bình tiếp tục được báo chí, truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn, đáng trải nghiệm hàng đầu tại Việt Nam. Ví dụ năm 2023, vượt qua 260 hồ sơ đến từ 60 quốc gia trên thế giới, Làng du lịch Tân Hóa được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bầu chọn là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023; Phong Nha được bầu chọn là điểm đến xếp thứ 02 trong số 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024 (sau Hội An) do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Booking.com công bố trong khuôn khổ giải thưởng Traveller Review Awards lần thứ 12; Lonely Planet - tạp chí lớn nhất thế giới về hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch đã công bố danh sách các điểm đến đáng tham quan nhất (must-see) tại Việt Nam, trong đó Quảng Bình góp mặt 4/6 điểm đến đầu tiên được vinh danh trong danh sách…
Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng đã tạo nền tảng cơ bản, vững chắc cho phát triển bền vững. Nhân dân tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch cộng đồng như chèo thuyền, lái xe điện, làm porter, bán hàng, thợ chụp hình, bảo vệ, lái xe du lịch, nhà hàng, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch,… tạo việc làm, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhiều người dân. Đồng thời, du lịch cộng đồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo, mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo vệ môi trường, an ninh du lịch, giữ gìn những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, việc phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững còn một số hạn chế, bất cập như: việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa theo quy định, quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể, thiếu một quy hoạch chiến lược cho sự phát triển du lịch cộng đồng; các sản phẩm du lịch cộng đồng còn ít so với tiềm năng, nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện, chất lượng sản phẩm và dịch vụ chưa cao; cơ sở hạ tầng du lịch chưa hiện đại, thiếu các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách, đặc biệt là du khách quốc tế; sự hỗ trợ cho cộng đồng dân cư còn hạn chế như các chủ thể kinh doanh phục vụ du khách còn nhiều lúng túng, thiếu hiểu biết về khách du lịch quốc tế, thiếu vốn ngoại ngữ để giao tiếp với khách; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch mặc dù đã được cơ quan nhà nước hỗ trợ, tạo sân chơi, nhưng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa chủ động tham gia; liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch chưa cao;  đa số người dân chưa được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ kinh doanh lưu trú du cũng như chưa hiểu biết hết các quy định của pháp luật về kinh doanh lưu trú, tạm trú của khách nước ngoài và các quy định khác có liên quan; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập... 
2. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở Quảng Bình thời gian tới.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và hành động của người dân vào tham gia phát triển du lịch bền vững.
Sự tham gia của người dân địa phương là điều kiện cần thiết để bảo đảm  cho sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng; tăng cường sự trao đổi thông tin trong chính cộng đồng địa phương và giữa cộng đồng địa phương với các bên liên quan nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng thuận và gắn kết. Giúp người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng một cách công bằng; trao quyền chủ động cho người dân trong hoạt động du lịch cộng đồng và đa dạng hóa loại hình du lịch nhằm thu hút và tăng cường sự tham gia của người dân địa phương vào phát triển du lịch. Bên cạnh các chương trình nâng cao năng lực, chia sẻ nguồn lợi cần được quan tâm đến việc nghiên cứu sản phẩm, nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch đặc biệt là du lịch có liên quan đến văn hóa, di sản và lối sống của người dân bản địa…
Thứ hai, cần xây dựng, hoàn thiện quy hoạch mang tính chiến lược trong phát triển các mô hình du lịch cộng đồng.
Hiện nay, Quảng Bình đã có Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó du lịch được xác định là một trong những ngành trọng tâm để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, ngành du lịch cần rà soát, cập nhật và hoàn chỉnh công tác quy hoạch du lịch của tỉnh cho phù hợp với quy hoạch ngành du lịch Việt Nam và quy hoạch vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới, nhằm khai thác tối đa và phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng cần chú ý đến các yếu tố như: đặc điểm và chất lượng nguồn nhân lực; phát huy giá trị tài nguyên nhân văn; kết nối với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và bảo tồn di sản văn hóa. Các hoạt động bổ trợ cho du lịch cộng đồng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa vào tour, tuyến. Đồng thời, cần ưu tiên tổng kết, phổ biến các mô hình điểm, mô hình du lịch cộng đồng thành công để chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng điển hình.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế, chính sách để đưa các mô hình du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả, thực chất.
Hoạt động tự phát của du lịch cộng đồng đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần ban hành các văn bản, thể chế, quy định liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng. Điều này trước hết để tạo hành lang pháp lý, vừa kịp thời chấn chỉnh, vừa mang tính định hướng cho các bên liên quan trong hệ sinh thái du lịch cộng đồng tại Quảng Bình. Ban hành các quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm đối với các dự án phát triển du lịch tại địa phương trong việc ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương; quy định về khai thác bền vững, tôn tạo tài nguyên du lịch địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm có thế mạnh; chính sách hỗ trợ nhân dân như hỗ trợ mặt bằng, vốn kinh doanh; chính sách miễn, giảm thuế… Đồng thời, cần thiết phải đưa nội dung phát triển du lịch cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chiến lược và mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa vùng miền…
Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và xúc tiến, quảng bá, liên kết thị trường du lịch.
Cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng tại các địa bàn phát triển du lịch cộng đồng. Các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư vay vốn để đầu tư kinh doanh du lịch. Chính quyền địa phương cần quy hoạch và hỗ trợ cộng đồng dân cư về mặt bằng kinh doanh; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc phát triển du lịch tại các khu vực nghèo, tranh thủ tối đa sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm huy động tổng hợp các nguồn tài chính phục vụ phát triển.
Đồng thời, cần xây dựng các chương trình giới thiệu sản phẩm địa phương lồng ghép với các chương trình, thông tin chung. Chú trọng vai trò của doanh nghiệp du lịch lớn trong việc kết nối với các hộ kinh doanh, cộng đồng và chính quyền địa phương. Tăng cường kết nối giữa các bên liên quan để truyền thông cho du lịch cộng đồng, cần có chiến lược định vị cho thương hiệu du lịch cộng đồng phù hợp, từ việc lập kế hoạch, thực thi cho đến hoạt động truyền thông. Tận dụng cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch với các bên liên quan...
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ, kỹ năng của cộng đồng địa phương trong tham gia phát triển du lịch.
Cần tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho người dân địa phương như tổ chức các khóa học về quản lý doanh nghiệp nhỏ, chủ doanh nghiệp, chủ hộ có tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn,… Các khoá học ngắn hạn vừa đào tạo kỹ năng phục vụ, vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn trong phục vụ du lịch; …Đặc biệt, đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhất là các cơ sở kinh doanh, hướng dẫn viên, nhân viên lễ tân, nhà hàng,…
Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch lớn hỗ trợ đào tạo tại chỗ cho cộng đồng. Hình thành mạng lưới cố vấn du lịch cộng đồng từ cán bộ văn hóa xã, hướng dẫn viên du lịch, nhà nghiên cứu văn hóa bản địa… nhằm giúp người dân tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực, phát triển dịch vụ có chất lượng.



1. Nguyễn Khắc Viện: Từ điển xã hội học, Nxb. Thế giới, 1994.
2. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich 2017322936.aspx?anchor=dieu_3.
3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017322936.aspx?anchor=dieu 6.
4. Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình, 2020, tr. 72-73.
5. Tỉnh ủy Quảng Bình: Chương trình hành động số 01-Ctr/TU, ngày 09/12/2020 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025.
6. Xem https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-377-QD-TTg-2023-phe-duyet-Quy-hoach-Quang-Binh-2021-2030-563045.aspx.
7. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-593-KH-UBND-2024-phat-trien-du-lich-toan-dien-nhanh-ben-vung-Quang-Binh-608396.aspx.
8. Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình: Báo cáo số 65/BC-SDL, ngày 11/11/2020 về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch năm 2021.
9, 10. Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình: Báo cáo số 1469/BC-SDL, ngày 20/11/2024 về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2024 và xây dựng kế hoạch năm 2025.

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin