Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Lưu Thị Thảo

CT&PT - Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại Việt Nam đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, là động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế; đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu với quy mô đứng thứ hạng cao trên thế giới... Tuy nhiên, thương mại Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Để khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

1. Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển thương mại

Định hướng chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam được xây dựng qua các kỳ đại hội Đảng gắn liền với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước, thể hiện qua hai giai đoạn:

Ở giai đoạn mở cửa và lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, từ Đại hội VI (năm 1986) đến Đại hội X (năm 2005): Đây là giai đoạn Đảng và Nhà nước ta xác định xuất khẩu là một trong những trọng tâm của mô hình tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Đảng đã xác định: Chuyển chiến lược công nghiệp hóa theo cách hướng nội (thay thế nhập khẩu) trước đây bằng mô hình hỗn hợp, hướng về xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu; đề ra ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Trong đó, chương trình hàng xuất khẩu được xác định là mũi nhọn, có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong 5 năm (1986 - 1990) và khâu chủ yếu của toàn bộ quan hệ kinh tế đối ngoại, đặt trọng tâm xuất khẩu phải trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các ngành, các cấp với mục tiêu tăng nhanh khối lượng xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu. Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đề ra chủ trương: Xây dựng một nền kinh tế hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu. Trong giai đoạn này, do quy mô nền kinh tế còn hạn chế, thu nhập đầu người còn thấp nên thị trường trong nước chưa có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Ở giai đoạn cơ cấu lại và điều chỉnh mô hình tăng trưởng gắn phát triển xuất khẩu với mở rộng thị trường trong nước: Từ Đại hội XI (năm 2011) của Đảng đến nay, với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và quá trình tích lũy tăng trưởng từ giai đoạn trước, đã đóng góp quan trọng trong việc mở rộng không gian tăng trưởng và đặt ra yêu cầu về cấu trúc lại nền kinh tế để phù hợp với bối cảnh mới và sự gia tăng nhanh chóng của khu vực thị trường trong nước. Theo đó, tại Đại hội XI, Đảng ta chủ trương: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả; từ đó, cụ thể hóa thành các định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020: Mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước; đa dạng hóa thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do và thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu cả quy mô và tỷ trọng, phấn đấu cân bằng xuất, nhập khẩu. Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam”1. Đến Đại hội XII, Đảng ta xác định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa vào cả vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”2.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cụ thể hóa thành hệ thống khung khổ pháp luật và chính sách đồng bộ để triển khai thực hiện với một số luật, chính sách quan trọng3, góp phần định hình hệ thống khung khổ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại và sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển thương mại.

2. Thực trạng phát triển thương mại ở Việt Nam trong thời gian qua

Thời gian qua, hoạt động thương mại ở Việt Nam phát triển nhanh, xếp thứ ba (sau In-đô-nê-xi-a và Thái Lan) trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử, trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, đạt được nhiều kết quả

Những kết quả đạt được:

1 - Về phát triển xuất khẩu

Thương mại quốc tế với đóng góp tích cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và thực thi, đã mở rộng không gian và động lực tăng trưởng cho xuất khẩu và là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua, trong đó có các kết quả nổi bật:

Một là, quy mô xuất khẩu liên tục được mở rộng, tỷ trọng so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 71,5% năm 2011 lên 104,2% năm 2020 (nếu tính cả nhập khẩu thì tỷ trọng xuất, nhập khẩu/GDP tăng tương ứng từ 134,53% lên 204,2%) và đạt tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 là 731,3 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm, cao hơn gần 5 lần so với mức bình quân toàn cầu và cao hơn các đối tác cạnh tranh chính và các quốc gia trong khu vực; từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, với quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới (năm 2020) và thứ hai (sau Xin-ga-po) trong ASEAN; đứng thứ 17 về xuất khẩu mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2020) và nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới đối với nhiều mặt hàng, như dệt may, da giày, gạo, điện thoại di động,...

Hai là, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch ngày càng tích cực, bền vững và hướng vào lõi công nghiệp hóa, đã thể hiện được sức chống chịu tốt hơn trong những thời điểm khó khăn của thương mại thế giới và khu vực; trong đó: Cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng giảm mạnh mặt hàng xuất khẩu thô, hàm lượng chế biến thấp (tỷ trọng xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% năm 2011 xuống còn khoảng hơn 1,3% năm 2022); tăng nhanh xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo (từ 61,3% năm 2011 lên 86% năm 2022) và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao (lên 41,4% năm 2015 và lên khoảng hơn 48% năm 2022). Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, đóng góp quan trọng trong việc duy trì và cải thiện tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường có FTA và có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa. Cơ cấu về thành phần xuất khẩu chuyển dịch theo hướng gia tăng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Ba là, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển thành công từ một quốc gia nhập siêu sang xuất siêu với mức thặng dư thương mại năm sau cao hơn năm trước và đạt mức kỷ lục vào năm 2022 (đạt 12,4 tỷ USD); trong đó, chủ yếu xuất siêu sang các khu vực thị trường có tiêu chuẩn cao, như Mỹ và châu Âu, góp phần tích cực làm lành mạnh cán cân thanh toán và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực trực tiếp thúc đẩy khu vực sản xuất, kinh doanh trong nước.

2 - Về phát triển thị trường trong nước

Thương mại trong nước đạt được một số thành tựu nổi bật, trở thành động lực tăng trưởng mới của ngành, qua đó cùng với xuất khẩu thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong những giai đoạn gặp khó khăn từ thị trường bên ngoài. Cụ thể:

Thứ nhất, thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp ngày càng lớn trong GDP, với tỷ lệ phân phối hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối bán lẻ luôn trên 80%, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang trở thành địa bàn có mức độ hấp dẫn đầu tư lớn, thuộc nhóm các quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, xếp thứ 3 (sau In-đô-nê-xi-a và Thái Lan) trong khu vực ASEAN về quy mô bán lẻ. Theo đó, hình thành được hệ thống thị trường thống nhất và ổn định trong toàn quốc, với mạng lưới tổ chức phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu một cách khá chặt chẽ, gắn kết sản xuất - chế biến với thị trường và tiêu dùng. Đội ngũ thương nhân ngày càng phát triển lớn mạnh. Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn và miền núi, hải đảo, góp phần gắn chặt sản xuất với tiêu thụ, hàng hóa với thị trường trong nước.

Thứ hai, phát triển thị trường trong nước từng bước phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân: Kết cấu hạ tầng thương mại có sự chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại, với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tăng gần 2 lần trong 10 năm qua gắn với chuyển dịch cơ cấu chủ sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng đa dạng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước cùng với sự lớn mạnh của một số doanh nghiệp phân phối lớn trong nước, góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ và chuyển dịch cơ cấu phân phối hàng hóa sang các kênh phân phối hiện đại, từng bước góp phần bảo đảm các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Thứ ba, công tác kết nối cung - cầu cơ bản được thực hiện tốt. Các chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tiếp tục được duy trì và từng bước mở rộng theo hình thức xã hội hóa, tạo thuận lợi cho sản xuất. Công tác điều hành giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, cơ bản bám sát theo tín hiệu thị trường, góp phần bình ổn giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Thứ tư, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 27%/năm, chiếm xấp xỉ 7% quy mô thị trường bán lẻ trong nước, đạt cao nhất trong nhóm các nước ASEAN và được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ năm, trật tự, kỷ cương trên thị trường đang từng bước được xác lập, hạn chế các vi phạm pháp luật trong hoạt động phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Công tác quản lý thị trường, xử lý cạnh tranh; phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với hàng hóa lưu thông trong nước ngày càng được củng cố, góp phần lành mạnh hóa và nâng cao chất lượng thị trường.

Một số hạn chế và nguyên nhân:

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thương mại Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, như xuất khẩu vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); quy mô thị trường trong nước còn nhỏ, chưa khai thác hiệu quả về quy mô của một quốc gia có 100 triệu dân; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi,... Cụ thể:

1 - Đối với phát triển thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên phụ liệu (chiếm trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu) dẫn đến giá trị gia tăng xuất khẩu thấp và giảm dần qua các năm (trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN tăng dần qua các năm), khiến hàng hóa Việt Nam phải tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh, dễ gặp bất lợi mỗi khi giá thế giới biến động tăng.

Chất lượng hàng hóa nhìn chung chưa đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn của các thị trường do năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế; chưa tận dụng hiệu quả thuế quan ưu đãi từ các FTA (trung bình tỷ lệ sử dụng thuế quan ưu đãi cho tất cả FTA đã ký, có hiệu lực là 33 - 37% và chỉ tăng nhẹ trong giai đoạn 2015 - 2020) do các ngành công nghiệp cung cấp tư liệu, linh kiện cho sản xuất hàng xuất khẩu chưa phát triển để khai thác một cách hiệu quả các cam kết về nguyên tắc xuất xứ. Chi phí sản xuất và thương mại đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam đang ngày càng tăng và cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics và chi phí tuân thủ các biện pháp phi thuế quan (chi phí hải quan, chi phí tại các cảng, quản lý chuyên ngành,...); năng lực cung cấp dịch vụ logistics của các doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia.

Bên cạnh đó, mức độ đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, chủ thể xuất khẩu chưa cao và chậm thay đổi. Xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào một số khu vực thị trường, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU). Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn là động lực chính trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nắm giữ chủ yếu về nguồn cung nguyên liệu, máy móc, thiết bị, sản xuất, thị trường và khách hàng.

Ngoài ra, Việt Nam chưa khai thác tốt tiềm năng xuất khẩu tại các thị trường và mặt hàng xuất khẩu; một số mặt hàng xuất khẩu, như hàng hóa môi trường, các sản phẩm Halal sang các thị trường người Hồi giáo và sản phẩm Kosher sang thị trường người Do Thái,... và các thị trường chưa có FTA, như khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh, Bắc Âu, Đông Âu (mới chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu) vẫn còn nhiều dư địa để phát triển; các thị trường có các FTA, các nước có chung đường biên giới và các kênh xuất khẩu mới, như thương mại điện tử xuyên biên giới, xuất khẩu qua hệ thống phân phối ở nước ngoài, vẫn còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thêm vào đó, quản lý nhập khẩu của Việt Nam còn bất cập, vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chủ yếu từ các thị trường công nghệ thấp của châu Á; việc xây dựng và thực thi các công cụ kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, công nghệ nhập khẩu, nhập khẩu biên mậu chưa thực sự hiệu quả.

2 - Đối với phát triển thị trường trong nước

Dung lượng của thị trường trong nước còn thấp, chỉ chưa bằng 1/2 lần thị trường xuất khẩu và đang ngày càng bị doãng ra (tỷ trọng thị trường trong nước so với xuất khẩu giảm từ 77,2% năm 2011 xuống còn khoảng 58,51% vào năm 2020); sức mua trong nước còn hạn chế do thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp và chưa có các trung tâm mua sắm mang tầm quốc tế như một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Xin-ga-po) để khai thác nhu cầu của thế giới.

Hệ thống phân phối hiện đại mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô hàng hóa lưu thông qua hệ thống này chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu bán lẻ (khoảng 10%) so với các nước phát triển (trên 70%); chi tiêu bình quân đầu người qua hệ thống này mới đạt khoảng 38 USD/năm, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại (sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm đấu giá,...) chưa phát triển, chưa khai thác được lợi ích tối đa của thương mại điện tử; kết cấu hạ tầng thương mại các vùng nông thôn, miền núi nhìn chung còn hạn chế và chậm được cải thiện.

Các chủ thể tham gia phát triển thị trường trong nước còn manh mún với sự chiếm lĩnh của kênh phân phối truyền thống (xấp xỉ 90% quy mô thị trường) đã hạn chế việc phát triển của hệ thống phân phối chuyên nghiệp với sự dẫn dắt của một số tập đoàn phân phối lớn theo mô hình chuỗi cung ứng, kết nối giữa sản xuất với thị trường; hệ thống các quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa áp dụng cho các nhà bán lẻ chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử mặc dù đang tăng trưởng nhanh, nhưng quy mô thị trường thương mại điện tử còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô của toàn thị trường bán lẻ (chỉ chiếm khoảng 7% toàn thị trường) và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (là 11 - 14%); thanh toán điện tử trong thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; công tác quản lý các hoạt động mua, bán trên thị trường thương mại điện tử còn hạn chế dẫn đến thất thu thuế, tình trạng hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến, đặc biệt các sàn thương mại điện tử và các mạng xã hội. Ngoài ra, công tác kiểm soát thị trường trong nước vẫn còn nhiều bất cập; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân hạn chế:

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, cụ thể:

Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển thương mại còn chưa thực sự được quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở các cấp, nhất là ở các địa phương; chưa xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá và cơ chế theo dõi, giám sát. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ có tính chất liên ngành, liên vùng và đa lĩnh vực còn hạn chế.

Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật phát triển ngành chưa đủ mạnh, chưa kết nối một cách hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ cho phát triển thị trường; việc điều chỉnh khung chính sách, pháp luật về thương mại để phù hợp với các FTA đã ký kết còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách mang tính trọng tâm, đột phá để hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Mô hình tăng trưởng chậm thích ứng với các đổi mới, như đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, thuận lợi hóa thương mại...; năng lực xử lý các cú sốc từ bên ngoài (xung đột thương mại, đại dịch COVID-19), nhất là cân bằng giữa sản xuất và thương mại gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng (logistics, chuỗi giá trị, cụm ngành công nghiệp,...) có lúc, có việc còn chậm.

Năng lực thực thi hội nhập chưa cao, chủ yếu tập trung vào chiều rộng; chưa tận dụng tốt các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả, khơi thông sản xuất và tận dụng tốt các cơ hội thị trường do hội nhập mang lại...

3. Một số giải pháp

Thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột địa - chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa bảo hộ của một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam có xu hướng gia tăng; sức ép lạm phát và tăng lãi suất cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia dẫn tới tổng cầu giảm, đặc biệt là hàng hóa nước ta sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn khi một số nước xuất khẩu đang dần mở cửa lại nền kinh tế sau khi khống chế được đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các nước phát triển ngày càng dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; các nguy cơ về sự thiếu ổn định của chuỗi cung ứng, biến động giá cả hàng hóa cùng với các rủi ro an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói,...) dẫn đến rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ là những tác động không thuận lợi đối với hoạt động thương mại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong bối cảnh đó, để phát huy những thành tựu đạt được; xử lý có hiệu quả những hạn chế đã được nhận diện nhằm khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại chiến lược, kế hoạch, đề án về cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại ngành, phát triển thương mại trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa quốc gia giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, ngành công thương cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp trọng tâm sau:

Về phát triển xuất khẩu:

Một là, tập trung theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản,... có tác động mạnh tới thương mại của Việt Nam để có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Hai là, chú trọng phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La-tinh còn nhiều dư địa khai thác. Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng, như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Nga, Mê-xi-cô, In-đô-nê-xi-a và Thổ Nhĩ Kỳ); thị trường Halal (Trung Đông, Ma-lai-xi-a, Bru-nây). Sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để ký kết, đưa vào thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với I-xra-en. Thúc đẩy đàm phán FTA với các nước Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), như Bra-xin, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay, Pa-ra-goay để khai thác, mở rộng thị trường Mỹ La-tinh. Hướng đến các thị trường mới, nhiều tiềm năng, như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu,... Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ba là, đẩy mạnh triển khai hiệu quả “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg, ngày 14/11/2022; đồng thời, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển các thị trường đến năm 2030 để có định hướng tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả.

Bốn là, tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương; tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Năm là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng năng lực sản xuất mới nhằm chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển.

Sáu là, chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục tổ chức tốt các hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; giữa các bộ, ngành liên quan với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để kịp thời cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường (nhất là các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng), các quy định, chính sách mới của các thị trường sở tại, tư vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Bảy là, tăng cường tổ chức hướng dẫn, thông tin tuyên truyền về các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, nâng cao nhận thức hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xu hướng xanh hóa trong tiêu dùng và các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia phát triển đối với các ngành hàng xuất khẩu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu và khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Tám là, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tạo thuận lợi hóa thương mại, tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ cho các sở công thương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu và các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Về phát triển thị trường trong nước:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước4; trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam và tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị và các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.

Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử.

Thứ năm, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi và hải đảo.

Thứ sáu, chú trọng phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối. Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.116-117.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.87.

3. Như: Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chiến lược phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và thời kỳ đến năm 2030; Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

4. Như: Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”...

NGUYỄN HỒNG DIÊN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin