FDI tương tác với vốn đầu tư trong nước, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ngành

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Kể từ năm 2000, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng không ngừng, đặc biệt trong giai đoạn từ 2006 - 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có bước phát triển vượt bậc (World Bank, 2022). Sự gia tăng trong dòng vốn đã mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế ngành.

Trong thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm làm rõ tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế nói chung. Nghiên cứu của Nguyễn Thành Nam (2018) đã cho thấy, dưới tác động của các nhân tố thể chế và môi trường vĩ mô, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có tác động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cùng kết quả nghiên cứu, Panagiotis Pegkas (2015) chỉ ra rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Âu. Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều nghiên cứu lại cho thấy rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài không có mối quan hệ đối với tăng trưởng kinh tế hay nếu có tác động thì cũng theo chiều hướng tiêu cực.
Nhiều nghiên cứu đã so sánh hiệu quả giữa FDI và đầu tư trong nước. Đối với các nước đang phát triển, FDI đã được chứng minh có hiệu quả hơn đầu tư trong nước (Borenzstein et al., 1998). De Gregorio (1992) trong nghiên cứu của ông thấy rằng hiệu quả sử dụng của FDI cao gấp ba đầu tư trong nước. Blomstrom và cộng sự (1992) xác nhận rằng không có bằng chứng của hiệu ứng ly tâm (crowding - out) lên đầu tư trong nước. Trái lại, sau khi chạy mô hình cho 12 quốc gia trong giai đoạn 1971 - 2000, Agosin và Machado (2005) kết luận rằng trong ba châu lục đang phát triển (châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh), FDI đã khiến đầu tư trong nước không thay đổi, thậm chí FDI còn thay thế đầu tư trong nước. Đặc biệt, có vẻ là có lực ly tâm từ đầu tư trong nước bởi FDI ở châu Mỹ Latinh. Như vậy, các kết quả thực nghiệm hiện nay, tìm thấy các kết luận hỗn hợp về tác động của FDI lên đầu tư trong nước và tác động đó không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Một phát hiện lý thú khác là FDI chứng tỏ gây hiệu ứng “hướng tâm” lên đầu tư trong nước (Borenzstein và cộng sự, 1998). Theo đó, FDI có thể có hai ảnh hưởng đến đầu tư trong nước: (i) gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường sản phẩm và thị trường tài chính, MNCs có thể chiếm lấy vị trí của các doanh nghiệp trong nước, nhưng (ii) FDI cũng có thể kích thích cho sự mở rộng của các doanh nghiệp trong nước thông qua việc bổ sung nhau trong sản xuất (hiệu ứng liên kết) và hiệu ứng lan tỏa năng suất (Borenzstein, De Gregorio, và Lee, 1995). Như thế, FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng theo hai cách: 1) nó gia tăng tổng đầu tư bằng cách thu hút mức đầu tư trong nước cao hơn; và 2) thông qua mối quan hệ tương tác của công nghệ hiện đại hơn với vốn con người của nước tiếp nhận đầu tư, bởi FDI thường có năng suất cao hơn so với đầu tư trong nước.
Liên kết giữa các ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp được biểu hiện chủ yếu thông qua quá trình trao đổi trực tiếp giữa các công ty nội địa với các công ty nước ngoài những hàng hóa (tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào) và dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tiêu chí đo lường cơ bản của mối liên kết này là tỷ trọng giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ của các công ty nội địa với các công ty nước ngoài trong tổng giá trị hàng hóa được trao đổi. Tốc độ tăng của tỷ trọng này là cơ sở để đánh giá mức độ liên kết giữa các công ty trong ngành công nghiệp với nhau. Khi các công ty xuyên quốc gia quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó ở nước ngoài thì sự dồi dào về nguyên vật liệu đầu vào ở nước sở tại là một mục tiêu ưu tiên để lựa chọn ngành đầu tư. Trong khi đó, các công ty nội địa thường nắm giữ nguồn nguyên liệu này, tất nhiên họ phải hợp tác với nhau, mối liên kết được thiết lập. Sự liên kết này thông qua các hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ giữa các công ty trong nước và công ty nước ngoài. Thông qua mối liên kết này, đã tạo ra năng lực sản xuất mới cho các ngành kinh tế nội địa và các công ty trong nước. Sự liên kết giữa các ngành chặt hay lỏng hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện phát triển của nền kinh tế hoặc tính khả thi của những chính sách thu hút FDI của nước chủ nhà. Chẳng hạn, ở các nước không có chính sách khuyến khích tỷ lệ nội địa hóa hay năng lực cung cấp hàng hóa và dịch vụ của các công ty trong nước kém, thì việc tạo được mối liên kết giữa các công ty nước ngoài với các công ty trong nước là rất khó khăn. Vì vậy, để duy trì được mối liên kết này các doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là chất lượng sản phẩm được sản xuất theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn mới, do đó thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước không ngừng nâng cao đổi mới phương thức kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trường hợp của Việt Nam, trong nhiều năm gần đây đã có nhiều chính sách khuyến khích các công ty nước ngoài sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu trong nước (chính sách nội địa hóa các ngành công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy,...). Nhưng, các công ty trong nước chưa cung cấp được hàng hóa và dịch vụ một cách tốt nhất cho sản xuất công nghiệp, chỉ dừng lại ở mức cung cấp nguyên liệu thô là chủ yếu, điều này đã làm tách biệt giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước. Mặt khác, các ngành công nghiệp phụ trợ lại chưa được chuẩn bị đầy đủ. Hiện nay, nhiều nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp phải nhập từ nước ngoài, trong khi đó nếu chúng ta có chiến lược đầu tư hợp lý sẽ cung cấp được nguồn nguyên liệu này. Do đó, mức độ liên ngành công nghiệp giữa các công ty trong nước và công ty nước ngoài tại Việt Nam còn ở mức thấp, không tạo sự gắn kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tình hình này cần sớm được khắc phục để phát triển cân đối các ngành công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. FDI vào ngành này sẽ tác động lan tỏa đến các ngành khác, điều này xuất phát từ các lý do sau đây: thứ nhất, các công ty trong nước thường nắm giữ nguồn nguyên liệu, hàng hóa và dịch vụ, đồng thời có khả năng và mong muốn cung cấp các yếu tố sản xuất cho các công ty nước ngoài; thứ hai, bất kỳ một ngành công nghiệp nào cũng cần phải có các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp phụ trợ này thường do các công ty trong nước đảm nhiệm; thứ ba, FDI thường tập trung vào các khu công nghiệp nên xu hướng các công ty trong khu công nghiệp liên kết với nhau nhằm giảm chi phí đầu vào.
Tác động lan tỏa của FDI khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, làm gia tăng áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, từ đó lôi kéo các doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia ngày càng sâu hơn của quá trình phân công lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sở dĩ có tác động lan tỏa này là do chêch lệch về trình độ phát triển của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ưu thế về vốn, trình độ công nghệ và đặc biệt là kỹ năng quản lý kinh doanh của các công ty nước ngoài chiếm ưu thế. Sự xuất hiện của FDI thay đổi cấu trúc thị trường sản phẩm, các doanh nghiệp trong nước phản ứng trước sự thay đổi này bằng cách điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm duy trì thị phần và mục tiêu lợi nhuận.
Thông qua hoạt động FDI làm xuất hiện nhiều lĩnh vực và ngành kinh tế mới, FDI tạo tác động liên kết các ngành công nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, từ đó khơi dậy đầu tư trong nước. Sự có mặt của FDI, tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đất nước cũng như trong từng ngành và lĩnh vực. FDI mang lại cho mỗi quốc gia, mỗi khu vực những cơ hội phát triển theo các đường hướng khác nhau trong xu thế toàn cầu hóa, trong đó các quốc gia thường lựa chọn con đường phát triển rút ngắn. Hoặc phát triển theo con đường du nhập kỹ thuật tiên tiến của các nền kinh tế phát triển, từ đó xây dựng cho mình những ngành công nghiệp chủ lực dẫn dắt nền kinh tế, hoặc là nhập khẩu các bằng phát minh sáng chế, các bí quyết công nghệ. Trong bối cảnh đó, FDI sẽ mang đến cho các quốc gia tiếp nhận đầu tư về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất.

NCS. HOÀNG TRUNG HẢI
Học viện Khoa học Xã hội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin