Đắk Lắk hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

CT&PT - Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 126-KH/TW, ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 thể hiện chủ trương sáng suốt, kịp thời của Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, là tiền đề quan trọng để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới. Bài viết làm rõ thực trạng triển khai các chủ trương này tại tỉnh Đắk Lắk và khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chỉ đạo sâu sát, quyết tâm, thông suốt 
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Chương trình số 27-CTr/TU, ngày 10/4/2018 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể; thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân, các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy định của Trung ương. 
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, kế hoạch của Trung ương; chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sâu sát với tinh thần nhất quán, xuyên suốt và đồng bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra 2 tổ chức đảng và 2 đồng chí bí thư huyện ủy về lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Kế hoạch số 87-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18.
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn trực thuộc. Hằng năm, trong chương trình kiểm tra, giám sát của huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các ban tham mưu, giúp việc trong việc tổ chức, thực hiện các nghị quyết, chương trình, chỉ thị… của cấp trên đều lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. 
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 4242-CV/TU, ngày 02/12/2024 về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Quyết định số 2048-QĐ/TU, ngày 10/12/2024 thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Kế hoạch số 251-KH/TU, ngày 12/12/2024 về tổng kết và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Việc thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đã giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy tốt những mặt tích cực, sáng tạo; kịp thời chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm và những nguyên nhân chủ quan, khách quan để từng cấp ủy tự đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm sửa chữa, khắc phục, hoàn thiện.
Kết quả toàn diện, đồng bộ, thực chất
Đến cuối tháng 4/2025, tỉnh Đắk Lắk hoàn thành kết thúc hoạt động 7 đảng đoàn và 3 ban cán sự đảng, Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.
Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, kết thúc hoạt động của Ban Dân tộc và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ về Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh; giải thể Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và biên giới lãnh thổ quốc gia về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. 
Thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; thành lập Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin và Truyền thông; thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường; thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ.
Qua sắp xếp, Đắk Lắk đã giảm 1/6 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy xuống còn 5 cơ quan, bằng 16,7%; giảm 6/19 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh xuống còn 13 cơ quan, bằng 31,6%. Đối với tổ chức bên trong, giảm 41/176 đơn vị xuống còn 135 đơn vị, bằng 23,3%, trong đó, giảm 2 đơn vị thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, 29 đơn vị thuộc các sở, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và 10 đơn vị thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với cấp huyện, 15/15 huyện ủy, thị ủy, thành ủy hoàn thành hợp nhất Ban Tuyên giáo và Dân vận (giảm 15 cơ quan, tham mưu chuyên trách cấp ủy cấp huyện).
Như vậy, khối chính quyền cấp tỉnh giảm 6 sở, ngành và tương đương so với trước khi sắp xếp. Hiện nay, tổng số cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là 13, cụ thể gồm: Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nội vụ; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư Pháp; Sở Thanh tra; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Về tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh giảm 30/135 đầu mối hành chính (4 văn phòng, 5 thanh tra, 2 chi cục, 18 phòng chuyên môn), đạt tỷ lệ 22,22% và giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở. Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh giảm 9 đơn vị, còn lại 125 đơn vị được sắp xếp theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ.
Đối với khối chính quyền cấp huyện, sau khi giải thể và thành lập, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện còn lại 150 phòng, giảm 35 phòng. Hiện mỗi huyện, thị xã, thành phố còn 10 phòng gồm: Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Nội vụ; Phòng Dân tộc và Tôn giáo; Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị; Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin; Phòng Nông nghiệp và Môi trường; Thanh tra huyện; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp còn 916 đơn vị, giảm 1 đơn vị theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm, chỉ định, giới thiệu ứng cử đối với 48 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó có 1 ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy; 8 tỉnh ủy viên; 10 giám đốc sở và tương đương; 37 phó giám đốc sở và tương đương. 
Đến thời điểm hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh quyết định cho 139 đồng chí nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 22 đồng chí gồm: 2 đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, 2 đồng chí là giám đốc sở, 7 đồng chí là phó giám đốc sở, 11 đồng chí là ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, 113 đồng chí là lãnh đạo cấp phòng, công chức các sở, ngành cấp tỉnh, 4 người lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Một số kinh nghiệm bước đầu
Sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là một chủ trương đúng đắn, khoa học, được thực hiện bài bản, thận trọng, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Quá trình thực hiện đã góp phần củng cố niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Từ thực tiễn triển khai, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng sau:
Một là, bám sát định hướng, chủ trương của Đảng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải bảo đảm quán triệt sâu sắc và bám sát chủ trương, quan điểm, mục tiêu nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cùng với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng.
Cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và sự đồng thuận của nhân dân. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Ba là, tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Việc tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, tổng thể, đồng bộ và có tính liên thông; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn kết chặt chẽ quá trình đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động.
Bốn là, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, có trọng điểm.
Cần tổ chức thực hiện ngay những việc đã rõ, những nội dung đã đủ điều kiện, đồng thời mạnh dạn thực hiện thí điểm những việc mới, chưa được quy định, chưa có tiền lệ, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, không cầu toàn, không nóng vội nhưng cũng không chậm trễ. Sắp xếp tổ chức bộ máy chú trọng tính hiệu quả, hiệu lực hoạt động sau khi sắp xếp, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.
Năm là, bảo đảm tính sáng tạo, thận trọng và đồng bộ.
Quá trình sắp xếp bộ máy cần được tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, thận trọng và đồng bộ, phù hợp với thực tiễn địa phương. Bảo đảm quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên là tiêu chí được đặt lên hàng đầu; đồng thời thực hiện nghiêm túc, nhất quán quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; phát huy dân chủ thực chất, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện.
Sáu là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cần xây dựng cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối củaĐảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, chấn chỉnh, uốn nắn những nơi làm thiếu quyết liệt, cầm chừng, kém hiệu quả.
Quyết tâm cao, tạo sự đồng thuận trong sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Đắk Lắk tập trung vào một số chủ trương, giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Trung ương và Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, chủ trương của Trung ương liên quan đến đến đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở sau sắp xếp đi vào hoạt động thông suốt, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, doanh nghiệp. 
Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; phân định rõ thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hướng tới thực hiện địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ những chồng chéo, bất cập, tạo động lực đổi mới và phát triển; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, phân bổ nguồn lực hợp lý.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Gắn với đó là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có số lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương trong tình hình mới.
Thứ tư, chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, sàng lọc, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm, bảo đảm lựa chọn đúng, trúng cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm trong tổ chức, bộ máy mới. Sớm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ theo mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động mới và tình hình cụ thể của tỉnh.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; rà soát, tinh giản biên chế đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, bảo đảm hiệu quả, hiệu năng hoạt động của các tổ chức sau khi sắp xếp theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản và sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp đã và đang vận hành ổn định, hiệu quả, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân là nền tảng để kiến tạo nền hành chính hiện đại, phục vụ đất nước phát triển bền vững. Hơn bao giờ hết, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ở tỉnh Đắk Lắk đang thể hiện rõ thông điệp: Mọi đổi mới, cải cách đều bắt nguồn từ lợi ích của nhân dân và hướng tới phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đó không chỉ là mục tiêu, mà còn là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn và là lời cam kết chính trị, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với Nhân dân.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin