Tác động của FDI đến quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế - Một số vấn đề bàn luận

CT&PT - Trong những năm vừa qua, hoạt động của các doanh nghiệp FDI đã tạo ra các tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước. FDI đã có những tác động nhất định đến quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đến các quốc gia nhận đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Thứ nhất, FDI là nguồn hỗ trợ cho phát triển

FDI là một trong những nguồn quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về vốn ngoại tệ của các nước nhận đầu tư, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển, bởi hầu hết các nước kém phát triển đều rơi vào cái “vòng luẩn quẩn” đó là: thu nhập thấp dẫn đến tiết kiệm thấp, vì vậy, đầu tư thấp và rồi hậu quả thu lại là thu nhập thấp. Vốn đầu tư là cơ sở tạo ra công ăn việc làm trong nước, đổi mới công nghệ, kỹ thuật, tăng năng suất lao động... từ đó tạo tiền đề tăng thu nhập, tăng tích lũy cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để tạo ra vốn cho nền kinh tế chỉ trông chờ vào vốn nội bộ thì hậu quả khó tránh khỏi là sẽ tụt hậu trong sự phát triển chung của thế giới. Do đó, vốn nước ngoài sẽ là một “cú hích” để góp ghần đột phá vào cái “vòng luẩn quẩn” đó. Đặc biệt, FDI là nguồn quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu vốn mà không gây nợ cho các nước nhận đầu tư. 
Theo mô hình lý thuyết “hai lỗ hổng” của Cherery và Stront có hai cản trở chính cho sự tăng trưởng của một quốc gia đó là: Tiết kiệm không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư được gọi là “lỗ hổng tiết kiệm”, và thu nhập của hoạt động xuất khẩu không đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu được gọi là “lỗ hổng thương mại”. Hầu hết các nước kém phát triển đều gặp trở ngại trong quá trình phát triển do hai lỗ hổng trên rất lớn. Vì vậy, FDI góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng xuất khẩu của nước nhận đầu tư, thu một phần lợi nhuận từ các công ty nước ngoài, thu ngoại tệ từ các hoạt dộng dịch vụ cho FDI.
Thứ hai, chuyển giao công nghệ
Lợi ích quan trọng khác mà FDI mang lại cho nước nhận đầu tư đó là: công nghệ khoa học hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến. Khi đầu tư vào một nước nào đó, chủ đầu tư không chỉ vào nước đó vốn bằng tiền mà còn chuyển cả vốn hiện vật như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu....(hay còn gọi là cộng cứng) trí thức khoa hoạch bí quyết quản lý, năng lực tiếp cận thị thường ...(hay còn gọi là phần mềm.). Do vậy, đứng về lâu dài đây chính là lợi ích căn bản nhất đối với nước nhận đầu tư. FDI có thể thúc đẩy phát triển các nghề mới, đặc biệt là những nghề đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao, vì thế nó có tác dụng to lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, dịch chuyển cơ cấu kinh tế của các nước nhận đầu tư. FDI còn mang lại kinh nghiệm quản lý, kỹ năng kinh doanh và trình độ kỹ thuật, những kiến thức sản xuất phức tạp cho các đối tác của nước nhận đầu tư thông qua những chương trình đào tạo và trong khi tiếp nhận công nghệ của các nước nhận đầu tư. 
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước thu hút FDI đã cải thiện đáng kể trình độ kỹ thuật công nghệ của mình. Chẳng hạn như đầu những năm 60 Hàn Quốc còn kém về lắp ráp xe hơi, nhưng nhờ chuyển nhận công nghệ Mỹ, Nhật, và các nước khác mà năm 1993 họ đã trở thành những nước sản xuất ô tô lớn thứ 7 thế giới.
Trong điều kiện hiện nay, trên thế giới có nhiều công ty của nhiều quốc gia khác nhau có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài và thực hiện chuyển giao công nghệ cho nước nào tiếp nhận đầu tư. Đây là cơ hội cho các nước đang phát triển có thể tiếp thu được các công nghệ thuận lợi nhất. Nhưng không phải các nước đang phát triển được “hưởng không” mà họ phải trả một khoản “chi phí” không nhỏ trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ này.
Thứ ba, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngoài tranh thủ vốn và kỹ thuật của nước ngoài, các nước đang phát triển muốn thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu là: đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế để khoát ra khỏi các vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo. Thực tiễn và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, các quốc gia nào thực hiện chiến lược kinh tế mở cửa với bên ngoài, biết tranh thủ và phát huy tác dụng của các nhân tố bên ngoài biến nó thành những nhân tố bên trong thì quốc gia đó tạo được tốc độ tăng cao.
Mức tăng trưởng ở các nước đang phát triển thường do nhân tố tăng đầu tư, nhờ đó các nhân tố khác như tổng số lao động được sử dụng, năng suất lao động cũng tăng lên theo. Rõ ràng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển và là tiền đề để khai thác những tiềm năng to lớn trong nước nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Thứ tư, thúc đẩy quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế
Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế không chỉ đòi hỏi của bản thân sự phát triển nội tại nền kinh tế, mà còn là đòi hỏi của xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong bộ phận quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại bởi thông qua đó, các quốc gia sẽ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình phân công lao động quốc tế. Để hội nhập vào nền kinh tế giữa các nước trên thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thay đổi cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với sự phân công lao động quốc tế. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của nước phù hợp với trình độ chung trên thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài và ngược lại, chính hoạt động đầu tư lại góp phần thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bởi vì thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã làm xuất hiện nhiều lĩnh vực và ngành kinh tế mới ở các nước nhận đầu tư, mặt khác đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp vào sự phát triển nhanh chóng trình độ kỹ thuật công nghệ ở nhiều ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động ở một số ngành này và tăng tỷ trọng của nó trong nền kinh tế. 
Ngoài những tác động trên đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài còn góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước (thông qua việc nộp thuế của các đơn vị đầu tư và tiền thu từ việc cho thuê đất ....), cải thiện cán cân quốc tế cho nước tiếp nhận đầu tư (bởi hầu hết các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài là sản xuất ra các sản phẩm hướng vào xuất khẩu phần đóng góp của tư bản nước ngoài và việc phát triển xuất khẩu là khá lớn trong nhiều nước đang phát triển. Ví dụ như Singapore lên72,1%, Brazin là 37,2%, Mehico là 32,1%, Đài Loan là 22,7%, Nam Hàn 24,7%, Agentina 24,9%), mở rộng thị trường cả trong nước và ngoài nước (đa số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đều có phương án bao tiêu sản phẩm). Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút một khối lượng đáng kể người lao động ở nước nhận đầu tư vào làm việc tại các đơn vị của đầu tư nước ngoài góp phần đáng kể vào việc làm giảm bớt nạn thất nghiệp, đặc biệt là đối với thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, nơi có lực lượng lao động rất phong phú với tỷ lệ thật nghiệp cao thì đầu tư trực tiếp nước ngoài đước coi là chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề trên đây (vì đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra được các điều kiện về vốn và kỹ thuật, cho phép khai thác và sử dụng các tiềm năng về lao động). Ở một số nước đang phát triển số người làm việc trong các xí nghiệp chi nhánh nước ngoài so với tổng người có việc làm đạt tỷ lệ tương đối cao như Singapore 54,6%, Brazin 23%, Mehico 21%. Mức trung bình ở nhiều nước là 10%, trong khi đó, ở Việt Nam có khoảng trên100 nghìn người đang làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

NCS. TRƯƠNG HOÀNG ĐỨC
Đại học Kinh tế Luật Tp. Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin