1. Thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ, tiếp giáp với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên 7.942,60 km2, chiều dài bờ biển 192 km. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Phan Thiết là trung tâm tỉnh lỵ, 01 thị xã và 08 huyện, trong đó có 01 huyện đảo Phú Quý) với 124 xã, phường, thị trấn và 691 thôn, khu phố. Tỉnh Bình Thuận có 35 thành phần dân tộc, dân số 1.258.788 người/377.403 hộ gia đình. Trong đó, có 34 dân tộc thiểu số với 104.066 khẩu/25.665 hộ, chiếm tỷ lệ 8% dân số của tỉnh1. Tính đến ngày 31/5/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Thuận là 24.446 người/25.963 số được giao. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là 1.546 người, chiếm tỷ lệ 6,32% so với tổng số biên chế hiện có2.
Trong những năm qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Thuận đã ban hành các văn bản, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phát triển như: Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND, ngày 20/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Thuận; Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND, ngày 10/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND. Theo đó, đối với chính sách đào tạo sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức, ngoài các mức hỗ trợ theo quy định chung, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ thêm 5.000.000đ/người/toàn khóa học (Ngày 27/3/2024, Ủy bân nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND). Theo Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND, ngày 25/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là nam khi được cử đi đào tạo được hỗ trợ 25.000 đồng/người/ngày thực học; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là nữ khi được cử đi đào tạo được hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày thực học. Bên cạnh đó, ngày 10/10/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết: Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện lồng ghép theo các quy định do Trung ương ban hành như: Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Về kết quả đạt được
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng bộ tỉnh, cùng với sự tham gia của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, bảo đảm đúng quy định.
Trong thời gian qua, việc triển khai các văn bản, chính sách, pháp luật của Chính phủ về công tác cán bộ như: Quyết định số 163/QĐ-TTg, ngày 25/01/2016 về phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025”; Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 về “Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức”; Quyết định số 771/QĐ-TTg, ngày 26/6/2018 về phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025” và các văn bản của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận có liên quan đến chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số… đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ người dân tộc thiểu số phát triển. Hiện nay, chưa nhận thấy có bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được tăng cường.
Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng theo các quy định, hướng dẫn và kế hoạch của Trung ương. Trong đó, tập trung vào việc phát hiện và tạo nguồn, quy hoạch đối với những cán bộ là người dân tộc thiểu số trẻ, có năng lực và triển vọng phát triển trong tương lai. Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc đã được nâng cao, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực thi công vụ được nâng lên, khắc phục tình trạng khép kín trong từng ngành, từng địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng đã được tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện ngày càng hiệu quả. Định kỳ hằng năm, các cơ quan, đơn vị và địa phương đều cử hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ do các cấp, các ngành tổ chức, qua đó tạo bước chuyển biến tích cực về trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2016 - 2023, về đào tạo: cấp tỉnh, cấp huyện đã cử 369 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo sau đại học các chuyên ngành luật, y khoa, các chuyên ngành bộ môn của ngành giáo dục và đào tạo, quản lý công, trong đó có 43 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 11,7%; cấp xã đã cử 177 cán bộ, công chức tham gia lớp đại học luật, trong đó có 45 công chức người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 25,4%. Về bồi dưỡng: cấp tỉnh, cấp huyện đã cử 22.882 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó có 936 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 4,9%; cấp xã đã cử 22.561 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó có 3.807 lượt cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 16,87%3.
Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ các tiểu dự án cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với Tiểu dự án 2 “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc”, từ 2022 - 2024 đã tổ chức 08 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 222 học viên, trong đó có 129 học viên người dân tộc thiểu số. Đối với Tiểu dự án 4 “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp”, từ 2023 - tháng 6/2024, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp tại thành phố Phan Thiết với 200 lượt người tham dự; 01 hội nghị tập huấn triển khai chính sách phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất cộng đồng với 70 người tham dự; tổ chức 01 đoàn tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện chương trình tại các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng4.
Thứ ba, công tác bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, quan tâm.
Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỉnh Bình Thuận thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn, tỷ lệ, điều kiện, cơ cấu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số và được cử tri tín nhiệm. Quy trình, thủ tục ứng cử, đề cử, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, công tác hiệp thương được triển khai dân chủ, trung thực, khách quan. Kết quả là đã bầu được 07 đại biểu Quốc hội, trong đó có 01 người là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 14,29%). Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được bầu là 53 đại biểu, trong đó, có 02 người trúng cử là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 3,8%); tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu là 339 đại biểu, trong đó, có 18 người trúng cử là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 5,31%); tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được bầu là 2.987 đại biểu, trong đó có 342 người trúng cử là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 11,45%)5.
Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được thực hiện đúng quy định hiện hành, bảo đảm công khai, chặt chẽ phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và thực hiện đúng quy định, tạo động lực cho cán bộ người dân tộc thiểu số phát huy trình độ, năng lực, phấn đấu vươn lên phục vụ cộng đồng. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên.
Thứ tư, việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng các quy định.
Về công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển được thực hiện theo Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND, ngày 31/7/2020 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định việc bố trí số lượng cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn; Quy định số 944-QĐ/TU, ngày 03/4/2018 của Tỉnh ủy Bình Thuận về luân chuyển cán bộ trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, việc bố trí, sử dụng, luân chuyển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận được thực hiện đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, đúng sở trường và năng lực công tác. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ ngoài các tiêu chuẩn chung về phẩm chất và năng lực, tỉnh cũng đã chú ý hơn tiêu chuẩn về sự tín nhiệm của đồng bào các dân tộc, khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân các dân tộc ít người. Nhờ đó đã phát huy hết hiệu quả và năng lực làm việc và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn.
Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch ban hành, đúng thẩm quyền; trình tự, thủ tục tuyển dụng được đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Có chế độ ưu tiên cho người dân tộc thiểu số trong thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức. Khi trúng tuyển, được xem xét bố trí vào các vị trí, chức danh phù hợp. Kết quả, năm 2023, trong đợt thi tuyển công chức, có 47 người trúng tuyển, trong đó có 03 người dân tộc thiểu số được tuyển dụng và bố trí công tác; tuyển dụng viên chức cấp tỉnh gồm 28 viên chức là người dân tộc thiểu số; tuyển dụng viên chức cấp huyện có 17 viên chức là người dân tộc thiểu số6.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên.
Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng còn tổ chức việc tự kiểm tra hằng năm, đối với những cán bộ có biểu hiện suy thoái, giảm sút uy tín cũng kịp thời có những định hướng và xử lý khi bị vi phạm. Đồng thời, địa phương còn thực hiện lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác cán bộ và thực hiện các chính sách liên quan đến công tác cán bộ.
Về hạn chế, bất cập
Thứ nhất, mặc dù tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, tuy nhiên, hiện nay số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số cũng còn ít, chưa đồng đều ở các cơ quan tổ chức hành chính và các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện còn thấp so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đạt thấp.
Thứ hai, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số hiện nay vẫn chưa đồng đều, còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ quản lý nhà nước, trình độ lý luận chính trị còn cao. Một số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực nắm bắt, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phương pháp và kỹ năng xử lý tình huống còn yếu, chưa đáp ứng được vị trí việc làm theo yêu cầu đề ra.
Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn dàn trải; một số cán bộ, công chức tuy được đào tạo nhưng định hướng chưa tốt, chưa gắn với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng. Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành chưa nhiều, số lượng luân chuyển còn ít. Thiếu sự kế thừa và chuyển tiếp trong công tác cán bộ; quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, nhiều nơi vẫn còn khép kín, cục bộ, địa phương; việc bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa có bước đột phá; công tác đánh giá cán bộ có trường hợp chưa đúng thực chất; nội dung còn chung chung nên hiệu quả và tác dụng chưa cao; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế.
Thứ tư, việc nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn thực hiện chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng hay chế độ chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn chưa cụ thể. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên và xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội còn ít nên con, em là người dân tộc thiểu số khi tốt nghiệp ra trường chất lượng còn thấp so với mặt bằng chung, trong khi đó, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức phải thông qua kỳ thi tuyển dụng bằng hình thức cạnh tranh theo quy định hiện hành nên dẫn đến cơ hội trúng tuyển của con, em là người dân tộc thiểu số còn thấp.
Thứ tư, việc theo dõi, đôn đốc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác cán bộ nói chung, về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số có lúc, có nội dung còn hạn chế, chưa thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, vì hiện nay địa phương chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề riêng mà chủ yếu thực hiện lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác cán bộ và thực hiện các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nói chung, dẫn đến hiệu quả có lúc, có nơi chưa được cao.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của địa phương, của đất nước, nhất là tiếp tục chỉ đạo các các sở, ban, ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường mở các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác cán bộ, nhất là những vấn đề liên quan đến các khâu trong công tác cán bộ.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện nghiêm túc các khâu trong công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó coi trọng chất lượng, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả, chuyên sâu, phù hợp với vị trí công tác, đáp ứng nhu cầu và khả năng phát triển của cán bộ nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng việc phát hiện, tuyển chọn và tiếp tục có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số chất lượng cao phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh nhà, nhất là nguồn cán bộ trẻ, điển hình trong các phong trào thi đua của các ngành, các cấp, các lĩnh vực công tác nhằm bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển của cán bộ người dân tộc thiểu số… Chú ý công tác bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhằm động viên tinh thần, trách nhiệm, cống hiến cho tỉnh nhà.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng, năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đang tham gia công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể nhằm rà soát, nắm bắt tình hình để từ đó tiến hành thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh.
Bốn là, cần tiếp tục quan tâm, xem xét và tạo điều kiện thuận lợi cho con em là người dân tộc thiểu số khi tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng vào làm việc nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp, nhất là tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì đây sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả công việc ở cơ sở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Năm là, mỗi cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phải tích cực phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học tập, tự rèn luyện vươn lên về mọi mặt để học hỏi, trau dồi kiến thức để lĩnh hội những tri thức mới và tiếp thu những kinh nghiệm hay nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giáo.
Tóm lại, công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng cũng như việc nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận là vấn đề rất cấp bách và cần thiết, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số vững mạnh, đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn cách mạng, từ đó đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Thuận đạt được thắng lợi vẻ vang.
1. Tỉnh ủy Bình Thuận: Báo cáo tổng kết 10 năm (2013 - 2023) thực hiện chủ trương kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận: Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023.
3, 4, 5, 6. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận: Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023.