Những trăn trở đối với văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại đổi mới và hội nhập sâu rộng hôm nay

Phạm Thị Hương

CT&PT - Trên cơ sở tập hợp những bài viết chú dụng tính khảo cứu và tìm hiểu sâu rộng về văn hóa của nhà báo, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” cho thấy cái nhìn đa chiều về văn hóa, đặt văn hóa trong sự biến thiên của lịch sử, giữa những biến động của thời đại, vượt lên cuộc chiến gian lao, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của quốc gia ở thời bình. Qua đó, không chỉ khẳng định vị thế, sứ mệnh của văn hóa, thể hiện tình yêu, sự trân trọng và niềm tự hào đối với những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, mà còn cho thấy nỗi niềm trăn trở của tác giả đối với sự phát triển của văn hóa trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Với dung lượng hơn 500 trang sách, gần 80 bài viết thuộc nhiều thể loại: xã luận, bình luận, chuyên luận, bút ký, phóng sự, ghi chép, Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập mang đậm hơi thở cuộc sống, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để đặt vấn đề, lập luận và lý giải. Mặc dù không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, song với tầm nhìn bao quát, sự trải nghiệm và đam mê dấn thân vào hiện thực, phản ánh bức tranh xã hội với biết bao vui buồn - thế sự, tác giả Nguyễn Hồng Vinh đã cho thấy những vấn đề được đề cập thực sự là “câu chuyện” của văn hóa Việt Nam hôm nay, từ đó tạo nên sức thuyết phục, hấp dẫn của cuốn sách.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Nếu chỉ đọc lướt qua, sẽ thấy đây chỉ là sự tổng hợp các bài viết rời rạc, không phải là công trình nghiên cứu có hệ thống với lối hành văn khoa học, song nếu đọc kỹ, đọc nghiền ngẫm và lưu tâm, sẽ thấy cuốn sách là sự tập hợp những vấn đề đặt ra trong nhiều lĩnh vực, không chỉ luận bàn những vấn đề cơ bản, trọng tâm của đời sống xã hội, mà còn là bài học về hướng tiếp cận, cách xử lý cụ thể, sát thực với truyền thống và con người Việt Nam hôm qua và hôm nay, nhất là từ nhận thức đúng về sức mạnh của văn hóa, đến hành động cụ thể của con người trước thực trạng văn hóa. Đặc biệt, cách đặt tên phần mang đậm “màu sắc” văn chương đã góp phần “mềm hóa” hiệu quả những bài viết chính luận trong cuốn sách.

Phần thứ nhất - Văn hóa còn thì dân tộc còn gắn trực tiếp với chủ đề chính, tạo nên “xương sống” của cuốn sách, cho thấy góc nhìn sâu sát và thấu đáo về thời cuộc, khẳng định vị thế, tầm vóc lịch sử của văn hóa trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có thể nói, ở phần này, những vấn đề cốt lõi của văn hóa, con người, xã hội, hay trách nhiệm của gia đình với tư cách là một thành tố quan trọng của xã hội trong quá trình toàn cầu hóa; câu hỏi cần khả thủ cái gì? cần điều chỉnh và cách tân trong lĩnh vực chỉ đạo xây dựng văn hóa ra sao? phải kế thừa và hội nhập với thế giới thế nào để vẫn giữ được bản sắc, truyền thống dân tộc?; vai trò của văn học, nghệ thuật khi tham gia xây dựng đạo đức xã hội, tạo nền tảng tinh thần xã hội ở cả hai mặt “xây và chống”; những bài học mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa phương pháp luận trong bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh gắn với những nhiệm vụ cách mạng cụ thể... đã được tác giả trình bày một cách bài bản, có căn cứ, mang tính định hướng và chỉ đạo rõ ràng, thật sự hữu ích đối với những người làm công tác tuyên truyền, tư tưởng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Đề cập những vấn đề văn hóa mang tầm vĩ mô, song dưới ngòi bút sắc ngọt, linh hoạt, những vấn đề tưởng chừng mang tính lý luận hàn lâm lại trở nên gần gũi và vô cùng sinh động, nhất là khi bàn về quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa là động lực thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Con người sáng tạo văn hóa, nhưng chính văn hóa cũng tác động trở lại con người, điều chỉnh hành vi, làm phong phú thêm đời sống của con người. Không lựa chọn cách diễn đạt của các nhà nghiên cứu, rằng con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, là khách thể chịu sự tác động của văn hóa, song thông qua những “Văn hóa và con người”, “Văn hóa - một góc nhìn thực tiễn”, “Quan hệ giữa cũ - mới, giữa xưa - nay trong văn hóa”, “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”..., người đọc đều có thể thấy rõ vị trí quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa; hiểu rõ muốn phát triển văn hóa phải có con người và phát triển văn hóa để phát triển con người. Thành công của tác giả chính là khiến người đọc hiểu được điều căn cốt đó.

Bên cạnh việc làm rõ quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về văn hóa, thể hiện sự tri ân, trân trọng, ca ngợi và tự hào khi văn hóa Việt Nam ra đời từ lịch sử và trở thành biểu tượng của quốc gia trên trường quốc tế với nét đẹp của tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo..., tác giả cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập của văn hóa giữa thời đại đầy biến động, trong đó đặc biệt là vấn đề “tư duy về văn hóa chuyển đổi khá chậm trước tình hình kinh tế - xã hội chuyển động rất nhanh”. Phải chăng chính sự chậm trễ trong đổi mới tư duy cùng cách thức tổ chức thực hiện theo lối cũ chính là lực cản khi triển khai cụ thể các cơ chế, chính sách về văn hóa? Yêu cầu đặt ra trước nhất là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, phải được đầu tư đúng mức để phát triển như kinh tế, chính trị. Đã đến lúc các tổ chức và cơ quan chuyên môn cần nghiêm túc rà soát lại chiến lược văn hóa của ngành mình, địa phương mình để thấy rõ những yếu tố bất cập trong quá trình phát triển, từ đó kịp thời bổ sung những nội dung và quan điểm mới, bởi thực tiễn cuộc sống vận động nhanh hơn, đòi hỏi chính sách về văn hóa và con người không được chậm hơn đời sống. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, việc tận dụng tốt cơ hội phụ thuộc rất lớn vào con người - chủ thể sáng tạo văn hóa và cũng là nhân tố gìn giữ văn hóa, cội nguồn tạo nên bước chuyển mới, chất lượng mới trong các hoạt động văn hóa hiện nay. Song, làm thế nào để “văn hóa thấm sâu trong tâm lý quốc dân”, làm thế nào để áp dụng hiệu quả những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 và làm thế nào để tạo bước chuyển trong lĩnh vực văn hóa? Đó là vấn đề khiến tác giả trăn trở.

Tính thiết thực của các bài viết nằm ở chỗ: căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tác giả nêu vấn đề, đánh giá thực trạng và bao giờ cũng rút ra những ý kiến thuộc về giải pháp, về cách khắc phục những hạn chế, bất cập. Vẫn là bàn về văn hóa, con người, đạo đức, gia đình, vẫn là nói về công tác tư tưởng, những định hướng mà văn học, nghệ thuật cần hướng tới, song tác giả Nguyễn Hồng Vinh thường lựa chọn cách tiếp cận từ thực tiễn, đánh giá thực tiễn, từ đó mới đề xuất phương cách giải quyết. Tính ứng dụng của văn hóa được vận dụng ở đây đã làm giảm bớt sự kinh viện, lý thuyết của vấn đề; giải quyết vấn đề từ trong chủ trương và tổ chức thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm quản lý lâu năm chính là cách tác giả thuyết phục người đọc. Theo tác giả, để xây dựng và phát triển văn hóa trong tình hình mới, trước hết phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, cần thực hiện nghiêm những quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển văn hóa. Chỉ như vậy chúng ta mới có một kế hoạch bài bản và đồng bộ trong nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa cũng như trong việc tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Có thể đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung làm tốt hơn nữa sứ mệnh cao cả là xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nếu phần thứ nhất được xem là “xương sống”, bàn luận trực tiếp những vấn đề gắn với cuốn sách, thì với phần thứ hai - Chữ tình còn mãi với thời gian và phần thứ ba - Báo và văn vẫn đua nở dưới nắng, mặc dù ít gắn với chủ đề chính, song người đọc lại có cơ hội hiểu thêm những khía cạnh khác của tác giả Nguyễn Hồng Vinh. Vẫn là cách đặt tên ý vị, đậm chất văn chương lãng mạn, nội dung các bài viết trong hai phần này gắn với những kỷ niệm về đời người, đời nghề của tác giả với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bày tỏ sự tri ân với những nhân vật lịch sử, các nhà báo lão thành, bạn nghề, bạn văn chương và những ấn tượng sâu sắc đọng lại trong mỗi chuyến đi của ông. Đó là “Mấy cảm nhận sâu sắc về Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, “Mấy kỷ niệm đẹp về Giáo sư Nguyễn Đức Bình”, “Vài mẩu chuyện chưa biết về “cây chính luận” Trần Kiên”, “Thương nhớ nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông”, “Nhà văn Vũ Hạnh, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - văn hóa”... Thông qua mỗi bài viết, tác giả khẳng định niềm tin yêu, sự quý trọng nhân cách làm nghề giữa những cây bút luôn tâm huyết, dành cả cuộc đời để trăn trở, đau đáu cho sự nghiệp phát triển và gìn giữ nền văn hóa dân tộc.

Trong ký ức của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của tờ báo Đảng, thường xuyên quan tâm tạo điều kiện làm việc cho báo Đảng, ngay cả khi về hưu vẫn luôn tâm huyết, trách nhiệm với đất nước và nhân dân. Có lẽ vì thế mà sau buổi gặp gỡ, trao đổi, tác giả luôn ghi nhớ lời căn dặn của Thủ tướng về lương chi, đạo đức của người làm báo, về phẩm chất và những yếu tố cần có của một người trên cương vị quản lý cơ quan báo chí. Đối với nhà văn Vũ Hạnh - một nhà văn đa tài, tác giả bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp tích cực và hiệu quả của ông trên mặt trận đấu tranh bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc. Đối với nhà thơ Vũ Huy Thông, tác giả không chỉ bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của nhà thơ, mà còn mong muốn gửi gắm tiếng lòng của mình và nhiều đồng nghiệp đã từng chia ngọt sẻ bùi, gắn bó mật thiết với nhà thơ trên chặng đường báo chí và thi ca gần trọn nửa thế kỷ...

Nếu việc nhắc lại những ấn tượng, kỷ niệm với các đồng chí lãnh đạo, các nhà văn hóa là cách làm sáng rõ hơn những tấm gương văn hóa để mỗi người soi rọi vào chính mình, thì việc viết về các vùng đất văn hóa là cách làm nổi bật những điển hình để tham khảo, học tập. Đó là Thái Bình với “Bình yên một vùng quê”, là “Về thăm Kinh Bắc - Bắc Ninh”, là Đồng Tháp với “Những miệt vườn thấm đẫm nhân văn” hay “Âm vang tình đất, tình người”... Thông qua cách đề cập vấn đề vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, việc đưa ra những “điều chỉnh sinh thái” trong các bài viết cũng là lời kêu gọi, đề xuất các giải pháp để môi trường ngày càng nhân văn, xanh, sạch, đẹp hơn. Cói thể nói, cái tinh tế của Nguyễn Hồng Vinh chính là đã lựa chọn biểu tượng văn hóa là những nhân cách văn hóa mang tính chi phối, có sức ảnh hưởng trong đời sống nói chung, trong đó biểu tượng văn hóa trong bảo vệ môi trường sinh thái là yếu tố quan trọng cấp thiết, nhất là khi suy thoái môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.

Giống như tên gọi Người giữ lửa - tên một tập sách của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, với Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập, ngọn lửa định hướng tư tưởng, ngọn lửa nghề và những trăn trở của ông về văn hóa, con người Việt Nam thời hội nhập vẫn trọn vẹn nồng nhiệt qua mỗi bài viết. Từ những bài viết mang tính định hướng, bàn về những vấn đề mang tầm vóc của nghề, theo định hướng của Đảng, Nhà nước, cho đến những bài giới thiệu sách của bạn bè, đồng nghiệp, những lời tâm tình, chia sẻ của ông... đều đã vượt lên trên khuôn khổ một bài báo, trở thành những tư liệu quý, đậm chất nghiên cứu về văn hóa, gợi mở thêm suy ngẫm về những vấn đề vĩ mô dù mới chỉ là nét chấm phá ban đầu. Từ đó, giúp người đọc có góc nhìn đa chiều và tranh biện khi quan sát và cảm nhận cuộc sống với sự đan xen phức tạp giữa cái tích cực và cái bất cập, nhiều vấn đề vốn bị che lấp bởi bộn bề, lo toan; đồng thời, thấy được sự cần thiết phải chung tay góp sức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, củng cố đạo đức, nhân cách và lẽ sống trong bối cảnh hội nhập đầy thách thức.

ThS. Phạm Thị Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin