Những bức thư của Bác Hồ nhân dịp đầu năm học mới do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chọn lọc, xuất bản, giới thiệu 14 bức thư, bức điện và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh, sinh viên, các thầy giáo, cô giáo và cán bộ làm công tác giáo dục nhân dịp khai trường đầu năm học mới trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1968. Không chỉ có ý nghĩa khích lệ, cổ vũ tinh thần thi đua học tập của các em học sinh, sinh viên, cuốn sách còn là nguồn động lực to lớn, giúp các thầy giáo, cô giáo và cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành giáo dục thêm trân quý và quyết tâm thực hiện sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng của mình. Đồng thời, thể hiện mong muốn, khát vọng của Người về việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam toàn diện, khoa học, hiện đại, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Mục đích của giáo dục là phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh, từ đó đào tạo những người công dân có ích cho đất nước
Theo Người, để phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh, trước hết, nội dung giáo dục phải toàn diện, bao gồm: thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục. Trong đó, thể dục giúp thân thể khỏe mạnh; trí dục giúp ôn lại những điều đã học và học thêm những tri thức mới; mỹ dục để biết yêu cái đẹp, phân biệt cái đẹp với cái không đẹp; đức dục là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học và yêu trọng của công2.
Theo Người, giáo dục nhằm đào tạo những công dân có ích, những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, do đó, giáo dục phải xác định mục đích dạy và học là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải gắn nội dung giáo dục với thực tế, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và xã hội: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”3.
Đối với mỗi cấp học, ngành học, Người yêu cầu phải có định hướng cụ thể về nội dung và phương pháp giáo dục:
- Đại học cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, nhằm thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học cần bảo đảm cho học sinh những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ qua những nội dung không cần thiết cho đời sống thực tế.
- Tiểu học cần chú trọng giáo dục cho các cháu thiếu nhi lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Người, Đảng, Nhà nước ta xác định: Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Để đạt được mục tiêu giáo dục đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mở, liên thông, bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, với các cấp học: mầm non, trung học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Khẳng định vai trò to lớn của việc học đối với tương lai của đất nước, trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới, Người viết: “Ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”4. Trong Thư gửi các học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp trường khai giảng năm 1955, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”5.
Bên cạnh việc chỉ rõ nhiệm vụ của học sinh, Người cũng khẳng định nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo. Người căn dặn: Thầy và trò phải luôn luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng. Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, đạt được những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật trong tương lai...
Thực hiện lời dạy của Người, ngày nay, giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”6.
Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân; liên hệ chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội
Hiện nay, phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm được quan tâm, chú trọng. Theo đó, người thầy đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ. Học sinh, sinh viên không những được tự do trao đổi, tranh luận với nhau, mà còn được trao đổi và thảo luận cùng thầy, cô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”7; “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”8.
Ngày nay, phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao. Tổ chức, gia đình và cá nhân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với cơ sở giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Với nội dung và ý nghĩa sâu sắc, cho đến nay Những bức thư của Bác Hồ nhân dịp đầu năm học mới vẫn vẹn nguyên giá trị, là di sản vô giá của dân tộc, động lực thôi thúc các thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên và những người làm công tác giáo dục ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, cùng cộng đồng, xã hội chung tay, góp sức, vun đắp, bồi dưỡng thế hệ tương lai của nước nhà, góp phần đưa đất nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
1, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187, 35.
2, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 175.
3, 5, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 647, t. 9, tr. 375; t. 15, tr. 508.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 136.
NGUYỄN THỊ THÚY NGA
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ