Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong việc tuyển chọn, biên tập, xuất bản, cuốn sách Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kịp ra mắt bạn đọc nhân dịp Xuân Nhâm Dần, năm 2022. Từ hàng nghìn bài viết đuợc sưu tầm, cuốn sách tuyển chọn và giới thiệu 271 bài tiêu biểu, mang tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Cuốn sách có dung lượng hơn 600 trang, chứa đựng những cảm xúc và tâm sự giản dị, mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành và sâu sắc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đặc biệt, tác giả của những bài thơ, bài viết đó là những người cầm bút chuyên nghiệp và không chuyên, chủ yếu thuộc các tầng lớp nhân dân, mong muốn bày tỏ tình cảm và lòng kính trọng của mình đối với nhà lãnh đạo đức độ, tài ba, luôn dốc sức, dốc lòng cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước, không màng bổng lộc, không vun vén cho cá nhân hay gia đình.
Mỗi bài viết, bài thơ trong cuốn sách lại có một cảm nghĩ riêng, không theo một công thức hay niêm luật nào: có bài nói về tác phong làm việc, có bài viết về một cử chỉ, cách ứng xử, xử lý một công việc cụ thể của Tổng Bí thư, hay đơn thuần chỉ là những mẩu chuyện được các tác giả kể lại trong loạt bài: ““Thói quen” đặc biệt của nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”, “Một người bạn ân tình”, “Một con người bình dị”, “Ai cũng biết đất nước ta có một người...”, nhưng tất cả đều có một điểm chung là toát lên tấm lòng chân thành, tình cảm trong sáng dành cho Tổng Bí thư - một nhà lãnh đạo cấp cao, có tầm tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước, nói đi đôi với làm và quyết tâm làm bằng được; một con người thanh cao, có lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, khiêm nhường, gần gũi với nhân dân.
Bài viết “Điều giản dị, nhân cách lớn” chia sẻ câu chuyện của một cựu chiến binh may mắn có dịp được gần gũi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội. Bài viết cho thấy góc nhìn chân thực về lối sống bình dị từ lời nói, việc làm, gần gũi với người lao động trong công tác cũng như trong đời sống của Tổng Bí thư: “Đồng chí ngồi cạnh bàn chúng tôi, cơm mua theo suất tùy theo khẩu vị, bình đẳng như mọi người, có ưu tiên hơn là do các đồng chí thường xuyên ăn cơm muộn nên nhân viên nhà bếp thường để phần. Việc ăn trưa như vậy diễn ra thường xuyên, suốt cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và cả nhiệm kỳ khóa XII”. Chỉ từ những việc làm nhỏ, nếp sinh hoạt giản dị đã thể hiện rõ đức tính quý báu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta.
Dù đã là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành những từ ngữ trân trọng và ấm áp khi kể về thầy cô và bạn bè. Tác giả Khương Thủy đã nhắc lại chia sẻ của Tổng Bí thư khi về thăm trường cũ - Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều trong bài “Câu chuyện về tình thầy trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”: ... với sự cởi mở và gần gũi, Đồng chí say sưa kể về những kỷ niệm thuở học trò, về thầy cô, bạn bè yêu dấu, về một thời là “học sinh giỏi Văn và được chọn đi thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc”, về thầy chủ nhiệm Lê Đức Giảng. Khi gặp các thầy giáo, cô giáo, Đồng chí vẫn khiêm tốn, giản dị giữ cách xưng hô thuở học trò: “Em báo cáo các thầy, các cô, bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng khi về trường em xin phép được các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của nhà trường... Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy cô và các bạn học. Em nói vậy các thầy cô thấy có được không?”. Những câu chuyện cảm động về những năm tháng học trò của Tổng Bí thư được các tác giả kể lại, đã để lại bài học trân quý về truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc từ những điều giản dị và thân quen nhất.
Trong bài “Đồng chí ấy là ai?”, tác giả Ngọc Hoàng cũng đã khắc họa hình ảnh rất đỗi giản dị, thân thương của Tổng Bí thư: Ngay cả khi đã là Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị..., Đồng chí vẫn sử dụng xe công vụ là một chiếc Toyota Crown 1998 có tuổi đời đã hơn 20 năm, phu nhân của Đồng chí vẫn đi một chiếc xe Honda Cub, các con của Đồng chí đều là những công chức bình thường; thậm chí, khi đám cưới con gái Đồng chí hầu như không ai biết, chỉ một số bạn bè thân lắm mới nhận được thiệp báo hỷ mà thôi1. Chính nhân cách và đạo đức của Tổng Bí thư đã trở thành tấm gương sáng ngời, không chỉ trong gia đình mà còn đối với cả xã hội.
Bởi sự khiêm nhường, gần gũi và mộc mạc đó, Tổng Bí thư luôn nhận được sự quý trọng, quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Khi biết tin Tổng Bí thư bị mệt do đi công tác xa vào thời điểm thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhất, người dân trên mọi miền đất nước đều ngóng trông tin về tình hình sức khỏe của Đồng chí. Có rất nhiều bài thơ bày tỏ sự quan tâm, lo lắng cho sức khỏe của Tổng Bí thư như đối với người thân ruột thịt của mình: “Nỗi niềm” của tác giả Trần Thọ Ngô, “Bao điều dân mong” của tác giả Phạm Thanh Dương, “Toàn dân mong chờ” của tác giả Nguyễn Văn Thành. Ai cũng mong Tổng Bí thư sớm bình phục để cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục đảm đương các trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó. Bởi, theo tác giả Hồng Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn “Nặng ân tình nước non!”, là “Người lãnh đạo vì dân” (tác giả Nguyễn Như Tuyển) và luôn “Vì dân hết lòng” (tác giả Công Lý). Khi sức khỏe bình phục, Tổng Bí thư tiếp tục lãnh đạo đất nước, đem lại niềm tin, niềm vui và sự yên lòng cho nhân dân, điều đó được diễn tả sâu sắc qua những bài thơ: “Tin vui” của tác giả Dương Bá Trực, “Niềm tin... Niềm vui...!” của tác giả Thu Hồng, “Để dân, nước được nhờ” của tác giả Hòa Bình,...
Bên cạnh thể hiện tình cảm quan tâm, lo lắng của nhân dân cho sức khỏe của Tổng Bí thư, còn có những bài thơ tràn đầy hân hoan và hạnh phúc chúc mừng sinh nhật Tổng Bí thư, trong đó có bài thơ của tác giả Đinh Sỹ Hòa: “Kính mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước/Bảy mươi sáu tuổi, hiền từ, đẹp thay/Tâm sáng, tóc trắng như mây/Hai vai trọng trách dựng xây nước mình/Đất nước ổn định, yên bình/Hội nhập quốc tế, tiến trình rộng sâu/Nâng tầm nguyên thủ, đứng đầu/Giao lưu hợp tác năm châu tưng bừng”. Qua mỗi vần thơ, nhân dân mong Tổng Bí thư luôn “khỏe mạnh trường thọ”2, tâm trong, trí sáng để “lãnh đạo đất nước hùng cường tự do”, giúp nhân dân muôn nơi an lòng, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có vai trò to lớn của Tổng Bí thư - người khởi xướng và giữ vai trò “tổng chỉ huy” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đã có hàng trăm bài viết, bài thơ thể hiện sự đồng tình, quyết tâm cao với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cuộc chiến vô cùng cam go, phức tạp, nhạy cảm, đối tượng lại chính là đồng chí, đồng đội của mình, song Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải làm từng bước, kiên trì, chắc chắn, nghiêm minh; “xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”3. Mặc dù rất đau lòng khi phải xử lý cán bộ, nhưng với tinh thần “không để còn những vùng cấm”, Tổng Bí thư cùng Đảng, Nhà nước ta kiên quyết xử lý đến cùng những tập thể, cá nhân có sai phạm, kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Điều này đã được thế hiện rõ qua những vần thơ của tác giả Vũ Bình Minh: “Muốn cho nước mạnh dân giàu/Phải tìm cách diệt mọt sâu hàng đầu/Nhọt ung cắt dẫu chịu đau/Nhưng là cách chữa để mau phục hồi”.
Trong cuộc chiến cam go này, Tổng Bí thư cùng Đảng, Nhà nước ta đã thắp lên ngọn lửa niềm tin trong nhân dân bằng tất cả dũng khí và trí tuệ của mình. Trong bài viết “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - “vị Tướng” có vai trò đặc biệt trong cuộc chiến chống giặc nội xâm!”, tác giả Minh Trung đã nhắc lại những câu nói đầy chất “thép” của Tổng Bí thư: “Cử tri và nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “Việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”, “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”4... Đó không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mà còn là thông điệp tỏ rõ sự không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng. Song, “xử thế nào phải cho mọi người “tâm phục khẩu phục”, phải nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn. Ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm mà phải xử để răn đe, ngăn ngừa, để không xảy ra nữa mới là tốt; chống cũng là để xây...”5.
Theo Tổng Bí thư, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, không có tình cảm chân chính thì không thể vượt qua. “Ai chả thích của, thích tiền,... Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng nhất, cao quý nhất”. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ duy trì công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, mà còn là người truyền lửa, giữ lửa “con người cách mạng” với danh dự và lòng tự tôn trong mỗi cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, Tổng Bí thư luôn mong mỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Đề cập lời khẳng định của Tổng Bí thư “Chúng ta tiếp tục học tập, noi gương, làm theo Bác và truyền lại cho các thế hệ mãi sau này, đoàn kết một lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân thực sự có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, giữ vai trò, vị thế xứng đáng trên trường quốc tế như Bác Hồ đã dạy”, hay lời nhắc nhở “biết ơn một cách thật lòng, phải tự sửa, tự soi mình, học tập theo Bác một cách chân thành, thực chất, để mình trưởng thành, cố gắng là học trò nhỏ của Bác”, bài viết ““Thói quen” đặc biệt của nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng"' đã thể hiện sinh động sự quan tâm đặc biệt, cũng như mong muốn đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả của Tổng Bí thư.
Trên cơ sở đề cập, phân tích những phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư tại các hội nghị, phiên họp, các bài viết trong cuốn sách đã thể hiện sự ngưỡng mộ trước tư duy lý luận và tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn. Bài viết “Những định hướng lớn cho một chặng đường xa” của GS, TS. Từ Thị Loan viết về “những vấn đề “đại sự” của quốc gia, dân tộc” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, đó là: “Phát triển văn hóa phải đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội”, với mục tiêu tổng quát là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. GS, TS. Hoàng Chí Bảo cũng thể hiện sự tâm đắc với những chỉ đạo rất quan trọng, mang tính gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua bài viết “Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước từ chuẩn mực văn hóa”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi đi thông điệp về quyết tâm xây dựng “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam” - một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh: “Gốc vừng, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đã có rất nhiều cảm xúc xung quanh bài phát biểu sâu sắc và ý nghĩa này. Tác giả Trần Thường với bài viết “Ấn tượng về sự dung dị trong thông điệp “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư” đã ghi lại cảm nghĩ của các đại sứ bên lề Hội nghị, thể hiện “ấn tượng” về quan điểm ngoại giao của Tổng Bí thư, trong đó: “Đại sứ Việt Nam tại Malaixia Trần Việt Thái cho biết, sau khi lắng nghe trực tiếp bài phát biểu của Tổng Bí thư, ông thấy đây là bài phát biểu lịch sử với những thông điệp rất sâu sắc”.
Có thể thấy, những phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ thể hiện sự kiên định, quyết tâm, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, tạo hiệu ứng lan tỏa, là nguồn cảm hứng có sức lay động lòng người chạm đến trái tim, tình cảm của người đọc, người nghe với ấn tượng, cảm nhận về một chính trị gia mẫn tiệp, một “sĩ phu Bắc Hà” thời đại Hồ Chí Minh. Nói về những ấn tượng sâu sắc đó, tác giả Đỗ Thịnh đã viết: "Cũng vì dân, hết mình trong sáng/Dám nghĩ, dám làm, chống tham nhũng rất cao/Liêm khiết, vô tư, chẳng tư túi chút nào!".
Bên cạnh thể hiện niềm tin yêu của nhân dân trong nước đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuốn sách cũng đề cập đến tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ các nước láng giềng gần gũi như Lào, Campuchia, Trung Quốc, đến các quốc gia xa xôi như Liên bang Nga, Pháp, Mỹ, Cuba, Nicaragoa... đều thể hiện sự quan tâm, trân trọng, đánh giá cao vai trò của Tổng Bí thư trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong điện mừng, thư chúc mừng thành công của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam trong việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đều khẳng định, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại vào chức vụ cao nhất của Đảng đã chứng tỏ Đồng chí luôn giành được uy tín cao trong nội bộ Đảng và trong nhân dân sau nhiều năm tận tụy cống hiến cho quốc gia, dân tộc, thể hiện rõ vai trò của cá nhân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đồng thời, tin tưởng rằng, với vai trò nổi bật, hoạt động chính trị sáng suốt, cùng kinh nghiệm dày dặn trong lãnh đạo, chỉ đạo của mình, trong thời gian tới, Tổng Bí thư sẽ tiếp tục dành tâm sức cho sự nghiệp đấu tranh vì khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Trong những trang cuối, cuốn sách đề cập sự kiện Tổng Bí thư được Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên bang Nga trao tặng Giải thưởng Lênin - phần thưởng cao quý nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong hoạt động xã hội, góp phần thúc đẩy công bằng, nhân văn và tiến bộ xã hội; vì sự nghiệp bảo vệ và hiện thực hóa những giá trị của chủ nghĩa xã hội,... Nghị quyết trao tặng giải thưởng được Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga thông qua đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 76 ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghị quyết nêu rõ: với “những đóng góp cá nhân to lớn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển phong trào cộng sản trong giai đoạn hiện nay; nhiều năm hoạt động nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin; nghiên cứu khoa học những vấn đề thời sự của chủ nghĩa xã hội khi còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Chủ tịch Hội đồng Lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; có những nỗ lực không ngừng nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và anh em giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga”6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vinh dự được trao giải thưởng cao quý này, đó không chỉ là niềm tự hào đối với cá nhân Đồng chí, mà còn là vinh dự của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, nhân dân Nga đối với những nỗ lực không ngừng của Đảng và nhân dân Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa tư tưởng của V.I. Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Như một lẽ tự nhiên, với sự chân thành trong mỗi bài viết, vần thơ, cuốn sách Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tâm tư, tình cảm trong sáng của nhân dân đối với nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng; đồng thời, thể hiện sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cũng giống như cuốn sách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế được xuất bản năm 2019, cuốn sách này nhận được sự quan tâm, đón nhận nhiệt tình của cán bộ, đảng viên, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và quần chúng nhân dân. Để phố biến, lan tỏa rộng rãi nội dung giá trị của cuốn sách đến đông đảo bạn đọc, bên cạnh việc xuất bản sách giấy, cuốn sách được xuất bản điện tử trên website www.stbook.vn và thuviencoso.vn, bạn đọc có thể tiếp cận dễ dàng nội dung sách điện tử qua mã QR code của cuốn sách.
1. Ngọc Hoàng: “Đồng chí ấy là ai?”, in trong sách Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 67-68. Nguồn: https://www.vietnamdilen.vn/dongchiaylaai, ngày 08/7/2020.
2. Nguyễn Thị Huệ: “Tâm Bác sáng ngời", Sđd, tr. 377. Nguồn: https://www.phonvinhhanhphuc.vn/tambacsangngoi, ngày 05/3/2020.
3. Bắc Văn: "Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng", Sđd, tr. 142, Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nha-lanh-dao-co-tam-co-tam-cua-dang-637910/, ngày 10/3/2021.
4, 5. Minh Trung: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - “vị Tướng” có vai trò đặc biệt trong cuộc chiến chống giặc nội xâm”, Sđd, tr. 25-26, 27-28. Nguồn: https://phaply.net.vn/tong-bi-thu-chu- tich-nuoc-nguyen-phu-trong-vi-tuong-co-vai-tro-dac-biet-trong-cuoc-chien-chong-giac-noi-xam-a204368.html, ngày 06/3/2019.
6. Bắc Văn: “Giải thướng Lênin, phần thướng cao quý trao tặng Tổng Bí thư", Sđd, tr. 608-609. Nguồn: https://nhandan.vn/chinhtri/ giai-thuong-le-nin-phan-thuong-cao-quy-trao-tang-tong-bi-thu--679430/, ngày 23/12/2021.
PGS, TS. PHẠM MINH TUẤN
Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật,
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương