Giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ qua những di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương - Thực trạng và giải pháp

CT&PT - Giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh phổ thông qua di sản văn hóa (DSVH) của địa phương là một trong những hoạt động hết sức cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học. Tỉnh Phú Thọ - mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là địa phương có những DSVH tiêu biểu, thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua các DSVH. Bài viết tập trung phân tích thực trạng giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ qua những DSVH tiêu biểu, từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này

 1. Thực trạng giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ qua những di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương

Thực hiện Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của DSVH; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh sử dụng DSVH trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết, bởi từ thời đại các Vua Hùng dựng nước đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tỉnh Phú Thọ đã tích lũy cho mình những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Với 1.374 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 238 DSVH được xếp hạng cấp tỉnh, 73 DSVH được xếp hạng cấp quốc gia, có 01 Di tích Quốc gia đặc biệt là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và 02 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại gồm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”... Việc các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sử dụng DSVH trong dạy học không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tiếp thu kiến thức mà còn tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của các em, từ đó giúp các em có thái độ và hành vi thân thiện, bảo vệ và phát huy những giá trị của DSVH.

Trên cơ sở xác định mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua những DSVH tiêu biểu, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát thực trạng hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Kết quả khảo sát được như sau:

Bảng: Thực trạng giáo dục giá trị truyền thống qua những DSVH tiêu biểu của địa phương cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Nội dung khảo sát

Điểm trung bình

(thang điểm 10)

Đánh giá

Thực trạng nội dung giáo dục

5,45

Trung bình

Thực trạng hình thức tổ chức

4,29

Yếu

Thực trạng phương pháp giáo dục

5,41

Trung bình

Thực trạng kiểm tra đánh giá

5,6

Trung bình

Thực trạng thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, giáo viên

7,4

Khá cao

Thực trạng công tác phối hợp tổ chức

5,21

Trung bình

Thực trạng lập kế hoạch tổ chức

5,09

Trung bình

Thực trạng tổ chức thực hiện

5,36

Trung bình

Thực trạng chỉ đạo thực hiện

5,37

Trung bình

Thực trạng kiểm tra đánh giá

4,85

Yếu

Nguồn: Kết quả điều tra của nhóm tác giả.

Trong những năm gần đây, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã chú trọng việc giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH tiêu biểu của địa phương: xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp DSVH trong một số môn học phù hợp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các DSVH. Các nhà trường đã tập trung chỉ đạo giáo viên sưu tầm tư liệu, thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với DSVH, đầu tư chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện hoạt động. Từ đó, góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, thu hút sự tham gia của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho học sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu cho thấy, không ít giáo viên đã nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc giáo dục giá trị truyền thống qua DSVH cho học sinh phổ thông; tích cực tận dụng lợi thế của địa phương để sáng tạo trong lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp giảng dạy; xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với mục tiêu chương trình, phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương, gia đình, được phụ huynh và học sinh ủng hộ. Một số bài học gắn với DSVH bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ về chất lượng giáo dục, tạo sự hứng thú phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong học tập của học sinh. Qua đó, giúp các em nắm vững kiến thức lịch sử, có những trải nghiệm thú vị, thêm yêu quý, trân trọng mảnh đất quê hương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động giáo dục giá trị truyền thống qua DSVH tiêu biểu của địa phương cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: hoạt động giáo dục gắn với DSVH chưa được tiến hành bài bản; nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh về hoạt động giáo dục gắn với DSVH còn hạn chế, chưa thấy rõ ý nghĩa, vai trò của hoạt động giáo dục đối với việc giữ gìn và bảo vệ di sản; điều kiện để tổ chức, thực hiện hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh qua DSVH còn chưa bảo đảm (nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, tài liệu học tập còn nghèo nàn, thiếu chính xác; hiểu biết về DSVH và năng lực tổ chức hoạt động giáo dục gắn với DSVH của đội ngũ giáo viên còn hạn chế); chưa đa dạng hình thức và phương pháp giáo dục, chủ yếu mới chỉ dừng ở mức độ tích hợp DSVH qua bài dạy; các hoạt động trải nghiệm, tham quan, dạy học thực địa chưa được tổ chức thường xuyên; công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường chưa thực sự hiệu quả; công tác kiểm tra, đánh giá của các cấp quản lý còn chưa chặt chẽ, sâu sát… Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH của địa phương.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ qua những di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền giúp cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của hoạt động giáo dục giá trị truyền thống thông qua các DSVH tiêu biểu của địa phương

Các cơ quan quản lý giáo dục như: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương cũng như các trường phổ thông phải xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí như: Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng khác… để tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về những tấm gương, những điển hình đổi mới, sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với DSVH của địa phương. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị của DSVH, nhất là việc ứng xử tích cực với DSVH để làm gương cho học sinh.

Hai là, các trường phổ thông cần chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục gắn với nội dung giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH tiêu biểu của địa phương theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường gắn với DSVH tiêu biểu của địa phương góp phần khắc phục những hạn chế của chương trình sách giáo khoa hiện hành, nâng cao chất lượng dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường. Để làm tốt giải pháp này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ và các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương giao quyền chủ động cho các trường phổ thông trên địa bàn trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh. Nhà trường chủ động lựa chọn những bài học có nội dung tích hợp giáo dục DSVH, đặc biệt chú ý xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt văn nghệ gắn với DSVH…, bảo đảm tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục trong năm học không ít hơn thời lượng được quy định trong chương trình hiện hành.

Ba là, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH tiêu biểu của địa phương.  

Các cấp quản lý, chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực (ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng…) để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện giáo dục cho các trường phổ thông, trong đó cần dành riêng một khoản kinh phí nhất định để phục vụ việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với DSVH. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH; thiết lập một số website riêng về giáo dục DSVH để giáo viên, học sinh khai thác và sử dụng trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực của giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó tập trung vào một số năng lực cốt lõi để thực hiện việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với DSVH: năng lực dạy học tích hợp, kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, xây dựng kế hoạch phát triển chương trình nhà trường…

Bốn là, lựa chọn và thực hiện hiệu quả các hình thức, phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh gắn với DSVH.

Việc sử dụng hợp lý, linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về các hình thức, phương pháp dạy học tích cực đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Ngoài việc tổ chức cho học sinh học tập trên lớp, cần coi trọng việc giao nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh học tập tại nhà và ngoài nhà trường. Tiếp tục đưa Hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các DSVH tiêu biểu khác vào dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Giáo viên tạo điều kiện tối đa để học sinh tham gia vào quá trình tổ chức các hoạt động gắn với DSVH như: lập kế hoạch, phân công người thực hiện, viết bài thu hoạch,... để các em tìm tòi, khám phá, liên hệ kiến thức đã học với thực tiễn. Đẩy mạnh đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập gắn với DSVH của học sinh, bảo đảm đúng quy chế, kịp thời động viên, khích lệ, tạo hứng thú học tập cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình về các vấn đề liên quan đến DSVH.

Năm là, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục gắn với DSVH cho học sinh tại các trường phổ thông

Thực hiện tốt giải pháp này sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước về giáo dục, kịp thời phát hiện những sai phạm để điều chỉnh, biến quá trình kiểm tra thành quá trình tự kiểm tra, tự đánh giá của nhà trường, giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với DSVH. Các cơ quan quản lý, nhà trường cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo định hướng đổi mới nội dung thanh tra gắn với yêu cầu công tác quản lý của ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong đó, tập trung thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, thực hiện các quy định của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức dạy học, giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, các trường phổ thông cần tăng cường đổi mới công tác quản lý thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề nhằm điều chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH.

Sáu là, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các đơn vị  chức năng trong việc giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH tiêu biểu của địa phương

Một trong những nhiệm vụ trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay là tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh qua DSVH cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền địa phương, ban quản lý DSVH, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, đặc biệt sự phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xã hội hóa giáo dục; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần trong tổ chức các hoạt động giáo dục giá trị truyền thống qua DSVH cho học sinh. Làm được điều đó sẽ giúp nhà trường, giáo viên có đầy đủ thông tin, tư liệu, điều kiện vật chất và nhân lực trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động.

TS. Đặng Minh Phụng

Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS. Phạm Đức Chiển

Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin