Cần có chiến lược phù hợp trong chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Chuyển đổi số là cơ hội đầy hứa hẹn để lĩnh vực xuất bản đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, thách thức về nền tảng công nghệ, thay đổi thói quen đọc sách và cạnh tranh thị trường… đòi hỏi toàn ngành cần có chiến lược kịp thời, phù hợp nhằm tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ hơn.

Sách điện tử còn ít ỏi

Khoảng 5 năm trở lại đây, chuyển đổi số được xác định như một nhiệm vụ cấp thiết của ngành xuất bản, trong đó lĩnh vực sách điện tử góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc đồng thời tăng tính kết nối giữa thị trường trong nước với nước ngoài.

Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản (NXB) nhưng chỉ có 17 đơn vị đủ điều kiện được cấp phép xuất bản, phát hành sách điện tử. Từ năm 2019-2021, bình quân mỗi năm toàn ngành đạt từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử.

Trong đó, một số đơn vị nổi bật như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản gần 1.200 đầu sách, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản hơn 1.000 đầu sách. Năm 2022, xuất bản điện tử tăng 59% so với năm 2021 với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 15 triệu lượt người dùng.

Trên thị trường, nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại đã được xuất bản, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị xuất bản với các doanh nghiệp công nghệ. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp bằng xuất bản điện tử đã thành công như Công ty TNHH công nghệ WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos...

Năm 2023, ngành xuất bản kỳ vọng tiếp tục có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, xét cả số lượng và chất lượng vẫn không nhiều NXB, doanh nghiệp phát triển tốt lĩnh vực này và dù thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình phong phú song mức độ tiếp cận bạn đọc chưa cao.

Thách thức trong quá trình chuyển đổi số tiếp tục đặt ra nhiều thử thách. Là một trong những đơn vị tiên phong phát triển mảng sách điện tử, đến nay Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 10 năm kinh nghiệm, đại diện Nhà xuất bản khẳng định, dù tiềm năng nhưng khi bắt tay vào thực hiện, đơn vị đã gặp không ít khó khăn mà nan giải nhất là phải đối diện với nạn vi phạm bản quyền bởi việc làm giả phiên bản điện tử rất dễ, việc người dùng chia sẻ miễn phí hoặc bán với giá rẻ cũng khiến cho thị trường bị thu hẹp lại.

Vấn đề bảo mật là bài toán khó đặt ra đối với hệ thống xuất bản, phát hành. Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe Lê Hoàng Thạch chia sẻ, bản quyền là vấn đề đơn vị rất trăn trở và quyết liệt thực hiện.

Thông qua nhiều biện pháp, tính đến tháng 7/2020, công ty đã gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm bản quyền trên các kênh khác nhau; lượng bạn đọc sử dụng loại hình sách nói dần tăng lên cho thấy bạn đọc đã dần thay đổi nhận thức trong việc tôn trọng bản quyền.

Huy động sự vào cuộc của toàn ngành

Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20-30% tổng số đầu sách được xuất bản. Thời gian qua, một vài mô hình chuyển đổi số được triển khai thành công, trong đó có thể kể đến thư viện số dành cho cộng đồng ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) và Cổng Sách điện tử phục vụ giảng viên, sinh viên của Trường đại học Ngoại thương (phối hợp NXB Thông tin và Truyền thông).

Các mô hình nêu trên được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại giúp bạn đọc được tự do khai thác đa lĩnh vực từ học tập, nghiên cứu đến vui chơi, giải trí… đồng thời tăng cường kết nối với nhiều đối tác là các cơ quan, tổ chức, bộ, ban, ngành, các hiệp hội, mạng lưới nghiên cứu cùng nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài.

Năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã có bước chuyển mạnh khi xây dựng nền tảng công nghệ để phát triển sách điện tử. Trang Stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook của đơn vị hiện cung cấp hàng trăm xuất bản phẩm điện tử giá trị, có nguồn thông tin chính thống cho bạn đọc.

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông những năm qua cũng tập trung giới thiệu trên sàn thương mại điện tử sách giấy và nền tảng xuất bản điện tử. Trong số 601 đầu sách đơn vị thực hiện năm 2021, có đến 282 đầu sách điện tử, trong đó, cuốn “Cẩm nang phòng, chống Covid-19 trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” có hơn 120.000 lượt người đọc…

Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, để chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và hành động về chuyển đổi số, tiếp sau đó là đầu tư, đón nhận công nghệ, đồng thời, phải vượt qua những cạnh tranh, nhất là vấn đề bản quyền. Ứng dụng, khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề cần huy động sự vào cuộc của toàn ngành và của nhiều ngành.

Trong tương lai gần, ngành xuất bản cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo hướng dân tộc hóa nhưng vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng số. Trong bối cảnh hiện nay, sách cần đa dạng về hình thức, dịch vụ để đáp ứng cùng lúc nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Đây là điều mà các đơn vị xuất bản còn bộc lộ hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ AI, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản tuy có một số điểm sáng tích cực nhưng nhìn chung còn chậm, nhất là trong khối các Nhà xuất bản.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này là do một số quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, các cơ quan chủ quản thiếu sự quan tâm đầu tư cho nền tảng xuất bản điện tử cùng những hạn chế về năng lực công nghệ của các đơn vị xuất bản.

Theo các chuyên gia, để chiến lược chuyển đổi số đạt hiệu quả cao cần có kế hoạch cụ thể và giám sát tiến độ thực hiện. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh hoàn thiện nền tảng chung, nền tảng kết nối giữa các NXB, các tính năng hỗ trợ, quản lý quy trình, quản trị đơn vị… cần phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực xuất bản, nhất là các tiêu chuẩn, định mức liên quan sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện đo lường, thống kê và công bố định kỳ kết quả về triển khai; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến kiến thức pháp luật trong hoạt động xuất bản; rà soát, chấn chỉnh quy trình và nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho nhân sự.

Đối với các NXB, cần tập trung cụ thể hóa các nội dung, chú trọng các giải pháp về nâng cao số lượng, chất lượng sách điện tử; siết chặt quản lý quy trình xuất bản để hạn chế thấp nhất sai phạm; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt, biên tập viên.

Các NXB luôn phải nắm rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc của đất nước, từ đó đề ra những kế hoạch hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền tải tri thức cho cộng đồng và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển. Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, nghiên cứu và phát triển các kênh phát hành và truyền thông sách trên các nền tảng xuyên biên giới cũng là nhiệm vụ quan trọng trong chuyển đổi số và phát triển văn hóa đọc.

Theo Báo Nhân dân Điện tử

Lưu Thị Thảo Tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin