1. Đại đoàn kết toàn dân tộc - Giá trị truyền thống trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Đoàn kết là một truyền thống vô cùng quý báu, được hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ ngàn xưa, khi thường xuyên phải đối diện với thiên tai, địch họa, các thế hệ người Việt Nam ta đã cố kết lại, hình thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tạo nên biết bao kỳ tích, chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà.
Điều này được minh chứng rõ nét ngay từ thời đại các vua Hùng dựng nước, khi người Việt cổ đã biết gắn kết cộng đồng trong lao động, sản xuất. Đến thời An Dương Vương, cư dân Âu Lạc đã xây dựng nên nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Đến thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân ta đã kiên cường đấu tranh để giữ vững bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, đồng thời đoàn kết đứng lên giành lại quyền độc lập, tự chủ trước các triều đại phong kiến phương Bắc. Sau khi đất nước giành được độc lập, truyền thống đoàn kết tiếp tục được phát huy cao độ trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Thời kỳ cận hiện đại, đối mặt với sự xâm lược của kẻ thù phương Tây lớn mạnh, dân tộc Việt Nam phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đứng lên chống giặc, giữ nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với quan điểm đúng đắn, sáng tạo về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có vấn đề đại đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng cách mạng, Đảng ta xác định đây là một trong những công tác cơ bản cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình vận động cách mạng. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được phát huy mạnh mẽ, giúp dân tộc ta làm nên những chiến thắng vĩ đại.
Kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng đổi mới, phát triển tư duy lý luận về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của vấn đề đoàn kết dân tộc và tập hợp lực lượng cách mạng. Chiến lược đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất được xây dựng phù hợp với từng thời kỳ lịch sử đã giúp huy động sức mạnh to lớn của tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo cùng tham gia vào cuộc đấu tranh, bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết 50 toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, giành lại độc lập, tự do cho nước nhà. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt 9 năm trường kỳ, gian khổ, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thời kỳ thể hiện sâu sắc, rõ nét nhất tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta. Với khát vọng cháy bỏng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã huy động cao độ sức mạnh tinh thần và vật chất vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các phong trào thi đua sôi nổi “Một người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, với quyết tâm “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến lớn”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, giá trị đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy trong bối cảnh mới, nhất là từ khi công cuộc đổi mới được thực hiện. Trong bối cảnh tình hình đất nước, thế giới có nhiều biến đổi, Đảng ta tiếp tục có sự phát triển toàn diện, sâu sắc hơn trong nhận thức, tư duy lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta nêu khái niệm mới về khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, khẳng định khối liên minh công - nông - trí là nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất. Đảng chủ trương đoàn kết mọi người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài, trên cơ sở lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó tư duy, lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát triển lên một tầm cao mới. Cụm từ “đại đoàn kết toàn dân” được bổ sung, hoàn chỉnh thành “đại đoàn kết toàn dân tộc”, với ý nghĩa mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết không chỉ đối với nhân dân trong nước, mà còn với cả cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tiếp đó, trên cơ sở mở rộng khái niệm và nội hàm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung đặc trưng về tính dân tộc, khẳng định các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta khẳng định phát huy sức mạnh toàn dân tộc không chỉ gắn với thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà còn phải kết hợp với sức mạnh của thời đại, của hòa bình, hợp tác và phát triển, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với sự phát triển của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với phát huy ý chí toàn dân tộc cũng nằm trong mục tiêu, định hướng, khát vọng phát triển đất nước, với mục tiêu cụ thể là đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã cụ thể hóa chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đại hội XIII, ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết khẳng định lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ toàn dân đồng lòng, chung sức vì tương lai của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thực hiện quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ khi đổi mới đến nay, nhiều hình thức tổ chức và vận động quần chúng nhân dân đã diễn ra sôi nổi nhằm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, chung sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”1. Về kinh tế, “Từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%. Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu, là đối tác thương mại lớn thứ 22 trên thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, 52 thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD”2. Các lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng: nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy; chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt3. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Trong thời kỳ mới, nhiều phong trào thi đua yêu nước được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”; cùng với các phong trào của đoàn thể như: “Thi đua lao động giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Xây dựng quỹ Vì phụ nữ nghèo”, “Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, “Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”, “Phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng”; v.v.. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có thể nói, trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã tỏa sáng rực rỡ, tập hợp sức mạnh của con người Việt Nam, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, góp phần xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cho đất nước. Những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… trong thời gian qua là minh chứng rõ nét khẳng định giá trị to lớn của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
2. Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng; tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với nhiều thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen. Trên thế giới, chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; hoạt động ly khai, can thiệp lật đổ, khủng bố diễn ra ở nhiều nơi như xung đột giữa Nga và Ukraina, giữa Israel và Palestine, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, v.v.. Trong khu vực, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng và có ảnh hưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, gây thù hằn tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khoét sâu các mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, kích động biểu tình, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội. Nguy hiểm hơn, các thế lực này đã và đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; đối lập với lực lượng vũ trang; phá hoại khối liên minh công - nông - trí; kích động, chống đối, làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp đến công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự nghiệp xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”4.
Trước tình hình trên, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, phải tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc luôn cần được củng cố, tăng cường, phát huy ngày càng toàn diện, hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân ta cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân cần tiếp tục nâng cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. “Tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới”5. Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng về hình thức công tác vận động, tuyên truyền. Các cấp ủy đảng tăng cường trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Chú trọng xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và trong nhân dân…
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Thường xuyên quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan tâm thực hiện những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp, giai cấp trong xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt trong khối liên minh công - nông - trí. Giai cấp nông dân phải được quan tâm phát triển toàn diện; chú trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài, trọng dụng trí thức cả ở trong và ngoài nước. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, tôn vinh những người có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng cống hiến cho đất nước. Chăm lo xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, đồng thời phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần làm chủ và khát vọng vươn lên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ… Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo…
Thứ ba, “kiên trì thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết trong Đảng theo các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”6. Giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ khi làm tốt công tác xây dựng Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh” thì nhân dân mới thật sự tin tưởng, ủng hộ, phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp chung dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm, bảo đảm không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tổ chức tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia,…
Thứ tư, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng cơ chế phù hợp để nhân dân tham gia ý kiến vào quá trình hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước, những vấn đề có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân”7. Phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xã hội, tăng cường sự đồng thuận xã hội, gắn với đề cao ý thức trách nhiệm của công dân, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Song song với đó, thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, làm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là liên minh chính trị, liên hiệptự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”8.
Thứ năm, để tối ưu hóa việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, để đông đảo người dân có thể tham gia thực hiện và thực sự là chủ thể của quá trình lao động, sản xuất, sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần tích cực phát triển quê hương, đất nước. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, phong trào tự quản của nhân dân cần được triển khai, duy trì, nâng cao chất lượng. Với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình, cần làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng kịp thời, tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt. Tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tiếp tục tổ chức tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”…, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, sát hợp với thực tế.
Thứ sáu, tăng cường công tác phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động nắm bắt tình hình, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời đề ra những chủ trương, biện pháp sát thực nhằm xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”9.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, chính sách đối với văn nghệ sĩ, trí thức... nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từng bước tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén của nhân dân trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục lợi dụng những vấn đề nổi cộm về dân tộc, tôn giáo, những hạn chế, bất cập trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo… ở các cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, có biện pháp chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đối với đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nhằm ổn định cuộc sống, có địa vị pháp lý vững chắc, hòa nhập xã hội ở nước sở tại, phát triển kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước. Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách đúng đắn và nhất quán về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”. Quan điểm đúng đắn của Đảng, cùng sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo kiều bào và nhân dân cả nước là vũ khí sắc bén đập tan những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua các giai đoạn lịch sử, tạo thành sức mạnh vật chất to lớn, động lực mạnh mẽ, nhân tố quan trọng làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là chiến lược của Đảng trong lãnh đạo cách mạng, mà còn là một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng. Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học kinh nghiệm quý báu cần tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy ý chí, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước của toàn dân ta, tạo nên sức mạnh to lớn nhằm đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
1, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 59, 65, 88-89.
2. “Kinh tế Việt Nam nhìn lại sau gần 40 năm đổi mớiˮ, Tạp chí điện tử VnEconomy, ngày 05/4/2024, https://vneconomy.vn/kinh-te viet-nam-nhin-lai-sau-gan-40-nam-doi-moi.htm.
5, 6, 7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 140, 149, 154, 157, 141-142.