
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm vóc “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”, việc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản của GS.TS. Furuta Motoo - Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội mang ý nghĩa đặc biệt về mặt học thuật và văn hóa - đối ngoại.
Không đơn thuần là một công trình nghiên cứu, cuốn sách là kết quả của gần nửa thế kỷ gắn bó sâu sắc và đầy tâm huyết mà GS.TS. Furuta Motoo dành cho Việt Nam - đất nước mà ông không chỉ quan sát bằng con mắt học giả, mà còn cảm nhận bằng trái tim của một người bạn đồng hành. Mỗi trang sách là sự kết tinh giữa tư duy học thuật nghiêm cẩn với trải nghiệm cá nhân phong phú và tinh thần đối thoại liên văn hóa, thể hiện tầm nhìn sâu rộng về lịch sử, xã hội, giáo dục và bản sắc văn hóa Việt Nam trong dòng chảy khu vực và toàn cầu.
Khác biệt rõ nét so với nhiều công trình lịch sử được biên soạn theo lối biên niên cổ điển, Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản là sự giao thoa độc đáo giữa nghiên cứu hàn lâm và trải nghiệm cá nhân, giữa tư duy phân tích lịch sử với những quan sát mang tính nhân học - xã hội học sâu sắc. Trong tác phẩm này, GS.TS. Furuta Motoo không chỉ đặt mình ở vị trí người nghiên cứu, mà còn hiện diện như một chứng nhân đã dành gần nửa thế kỷ để dõi theo, tìm hiểu và gắn bó với Việt Nam.
Bắt đầu tiếp cận Việt Nam từ cuối thập niên 1960 - thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở vào giai đoạn khốc liệt, cam go, GS.TS. Furuta Motoo đã chọn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp đại học. Sự lựa chọn ấy không đơn thuần mang tính học thuật, mà còn thể hiện một định hướng lâu dài trong hành trình tri thức của ông. Từ điểm khởi đầu đó, ông từng bước khẳng định vị trí của mình như một trong những học giả Nhật Bản hiếm hoi sở hữu nền tảng sâu rộng về lịch sử hiện đại Việt Nam, đồng thời trở thành “cầu nối” quan trọng trong đối thoại học thuật và văn hóa giữa hai quốc gia.
Nội dung tác phẩm Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản được cấu trúc thành 10 chương, với bố cục chặt chẽ, nội dung phong phú và phạm vi khảo cứu rộng. Qua đó, tác giả mang đến một cái nhìn toàn diện về các mặt trọng yếu trong đời sống lịch sử, kinh tế và xã hội của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại.
Điểm đặc sắc của cuốn sách nằm ở khả năng kết nối hài hòa giữa bình diện vi mô và vĩ mô: từ những khía cạnh gần gũi của đời sống thường nhật như phong tục, tín ngưỡng, ngôn ngữ, lối sống và văn hóa giao tiếp của người Việt, đến những chủ đề mang tính chiến lược như tiến trình dựng nước và giữ nước, thể chế chính trị, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Không dừng lại ở bình diện quốc gia, tác phẩm còn khắc họa sinh động nhiều không gian văn hóa - địa lý đặc trưng như đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi Tây Bắc, khu vực Đông Nam Bộ hay các đô thị tiêu biểu như Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... Những địa danh này được tái hiện không chỉ qua lăng kính nghiên cứu mà còn mang đậm trải nghiệm cá nhân, tạo nên một chiều sâu cảm xúc và nhân văn hiếm thấy trong các công trình khảo cứu nước ngoài về Việt Nam.
Một trong những điểm cuốn hút đặc biệt của Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản chính là cách tiếp cận “từ dưới lên” mà GS.TS. Furuta Motoo theo đuổi một cách nhất quán và đầy thuyết phục. Thay vì tập trung vào những sự kiện chính trị lớn hay thiết chế mang tính thượng tầng, tác giả chú trọng quan sát đời sống thường nhật - nơi mà bản sắc xã hội Việt Nam thể hiện rõ nét nhất qua những hành vi, ứng xử cụ thể của người dân.
Từ câu chuyện “xin đường” khi đi xe đạp - một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ đầy tinh tế trong giao thông đô thị, cho đến hình ảnh người thợ cắt tóc vỉa hè vội ôm gương bỏ chạy khi lực lượng trật tự xuất hiện, những chi tiết nhỏ bé ấy được tác giả xem như biểu hiện điển hình của một xã hội linh hoạt, thích nghi cao và vận hành mạnh mẽ từ nền tảng cộng đồng.
Từ góc nhìn ấy, GS.TS. Furuta Motoo đưa ra một nhận định giàu hàm ý: Việt Nam là một xã hội “khó cai trị” chứ không phải “vô tổ chức”. Cụm từ “bất trị” mà ông từng sử dụng trong một hội thảo học thuật không mang tính phê phán, mà nhấn mạnh vào đặc điểm tổ chức xã hội có chiều sâu từ cơ sở - nơi mà cộng đồng dân cư đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối, điều chỉnh hành vi thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống quản lý hành chính. Chính đặc điểm đó khiến cho mô hình kiểm soát hành chính chặt chẽ “từ trên xuống” như ở Nhật Bản khó có thể áp dụng nguyên vẹn ở Việt Nam, bởi sức ép xã hội ngược chiều từ cơ sở rất lớn và mang tính quyết định trong quá trình hình thành các chuẩn mực ứng xử.
Không chỉ dừng lại ở quan sát xã hội, Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản còn thể hiện chiều sâu học thuật của GS.TS. Furuta Motoo thông qua những phân tích sắc sảo về các vấn đề lịch sử và văn hóa cốt lõi của Việt Nam. Một trong những luận điểm đáng chú ý của tác giả là cách lý giải sự khác biệt giữa chế độ khoa cử của Việt Nam và Trung Quốc. Theo ông, chế độ trung ương tập quyền ở Việt Nam chủ yếu nhằm chống lại áp lực từ phương Bắc, chứ không phát triển tự nhiên từ nhu cầu nội tại. Trên nền tảng đó, ông nhìn nhận hệ thống chính trị hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như sự tiếp nối của truyền thống “tập quyền mềm dẻo” - một mô thức cầm quyền linh hoạt, điều hòa giữa nguyên tắc tập trung và thực tiễn ứng xử bản địa.
Lĩnh vực tôn giáo - tín ngưỡng được tác giả tiếp cận không chỉ như một phạm trù tâm linh, mà còn là phương thức tổ chức xã hội mang tính chất văn hóa sâu sắc. Thay vì dừng lại ở việc liệt kê số lượng tín đồ, GS.TS. Furuta Motoo phân tích vai trò của tín ngưỡng dân gian trong đời sống cộng đồng, từ nghi thức “nhập trạch” trong đời sống đương đại đến cách chính quyền địa phương lựa chọn giữ lại cây đa và cổng làng cổ trên trục giao thông hiện đại như một hình thức dung hòa giữa phát triển và niềm tin tâm linh. Qua đó, ông khẳng định: tín ngưỡng ở Việt Nam là biểu hiện sinh động của một xã hội linh hoạt, thực tiễn và thấm đẫm chiều sâu văn hóa ứng xử.
Một đóng góp đáng kể khác của cuốn sách là phần nghiên cứu công phu về lịch sử chữ viết Việt Nam. Từ ảnh hưởng của Hán văn, sự hình thành và thoái trào của chữ Nôm, đến quá trình Latinh hóa và sự hình thành chữ Quốc ngữ, tác giả không chỉ tái hiện quá trình chuyển dịch văn tự mà còn đưa ra nhận định giàu chiều sâu văn hóa: chữ Quốc ngữ là một “cuộc cách mạng thầm lặng” vừa nâng cao dân trí, đồng thời cũng gây ra “đứt gãy” trong tiếp nhận di sản Hán học, một vấn đề mà đến nay vẫn còn nhiều tranh luận.
Cần lưu ý rằng, một số nhận định của GS.TS. Furuta Motoo trong tác phẩm mang tính cá nhân, khác biệt với quan điểm chính thống tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giữ nguyên lập luận của tác giả, đồng thời chú thích rõ đây là quan điểm riêng, cho thấy thái độ tôn trọng tính đa chiều học thuật và sự cởi mở trong tiếp cận tri thức xuyên biên giới. Chính ở đó, giá trị độc đáo của cuốn sách được khẳng định: một cái nhìn ngoại biên nhưng không ngoại lệ, một sự quan sát khách quan song đầy thiện chí và sự thấu cảm.