
Điểm nhấn có tính đột phá trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 2025 là quy định về mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm cấp tỉnh và cấp xã, chính thức kết thúc hoạt động của cấp hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025. Đây không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật về phân cấp hành chính, mà còn phản ánh bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy tổ chức bộ máy: giảm tầng nấc trung gian, tăng tính tự chủ cho địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành, giám sát và phục vụ nhân dân, là minh chứng rõ nét trong hiện thực hóa chủ trương “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” của hệ thống chính trị.
Bên cạnh việc cải cách mô hình chính quyền, Hiến pháp sửa đổi năm 2025 cũng ghi nhận rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, việc mở rộng quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho các tổ chức chính trị - xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp đã mở ra không gian chính trị - pháp lý cho sự tham gia của nhân dân vào quá trình hoạch định chính sách công.
Ngay sau khi Hiến pháp sửa đổi được công bố, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phát hành cuốn sách Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực quản lý hành chính. Theo đó, Luật không chỉ điều chỉnh cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, mà còn đề cao vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường tính tự chủ và tinh thần phục vụ trong hoạt động quản lý địa phương.
Có thể thấy, sự gắn kết chặt chẽ giữa Hiến pháp và luật tổ chức bộ máy là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và minh bạch trong quản trị nhà nước.
Việc nghiên cứu, nắm vững nội dung Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 không chỉ giúp nâng cao hiểu biết pháp lý trong xã hội, mà còn góp phần quan trọng vào việc hình thành một nền văn hóa pháp quyền hiện đại - nơi mỗi người dân, mỗi tổ chức đều hành động dựa trên pháp luật và tinh thần trách nhiệm xã hội. Đây chính là nền tảng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, lấy người dân làm trung tâm và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.