Báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Báo chí có vai trò quan trọng, là tuyến đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi mới, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Thành tựu, kết quả của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí có ý nghĩa quan trọng trên cả phương diện chính trị, tư tưởng - lý luận và thực tiễn, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đất nước tiếp tục phát triển vững vàng trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Báo chí Việt Nam là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng, Nhà nước, có vai trò quan trọng, là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng. Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão; công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, báo chí cách mạng không chỉ là diễn đàn tin cậy của nhân dân, giữ vai trò tuyên truyền, định hướng tư tưởng, mà còn là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, đồng hành, cổ vũ cho cái tốt, cái đẹp; đồng thời, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, những tiêu cực diễn ra trong đời sống xã hội.

Xác định rõ nhiệm vụ đó, trong những năm qua, báo chí cả nước đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn tồn tại một số hạn chế. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xác định rõ các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động báo chí trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ nhất, là tính định hướng của báo chí trong đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch.

Báo chí ở nước ta ra đời trước hết là phục vụ lợi ích công, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích xã hội. Thể chế chính trị ở nước ta hoạt động, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch”. Yêu cầu này đặt ra cho các cơ quan báo chí và những người làm báo phải quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Những năm gần đây, hoạt động báo chí Việt Nam đứng trước một nguy cơ không nên xem nhẹ vì đã có biểu hiện “nhạt Đảng, xa chính trị” ở một số cơ quan báo chí và người làm báo.

Do đó, hoạt động báo chí cần được quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền của các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản, bảo đảm cân đối nội dung tuyên truyền theo hướng “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực để cho dòng chảy thông tin tốt đẹp ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội.

Trước mỗi sự kiện nhạy cảm, cần bám sát định hướng, kịp thời chỉ đạo báo chí về nội dung tuyên truyền và phân công nhiệm vụ cụ thể cho phóng viên bảo đảm đánh đúng, đánh trúng mục tiêu, trúng đối tượng, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin; chú trọng tuyên truyền những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phát huy vai trò giám sát của nhân dân và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận chính trị tư tưởng, lý luận.

Thứ hai, năng lực cán bộ, phóng viên và chất lượng nội dung và hình thức thể hiện của tờ báo.

Đây là nhân tố có vai trò tiên quyết đối với sự thành công của một tờ báo nói chung và hiệu quả của việc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.

Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin, các phóng viên có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin giống nhau, nhưng điều quan trọng là mỗi phóng viên phải thể hiện được những góc nhìn, góc khai thác riêng, đổi mới phương pháp thông tin nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao tính thuyết phục người nghe trong bối cảnh “ngập lụt” thông tin, xây dựng được nội dung mang đậm bản sắc của tờ báo mình; đặc biệt, tùy vào yêu cầu, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí để xây dựng các sản phẩm, tác phẩm báo chí về chủ đề xây dựng Đảng cho phù hợp; hình thức thể hiện phải sinh động, hiện đại, dễ tiếp cận thông tin, tạo tâm lý thoải mái và hứng thú cho độc giả.

Bên cạnh đó, chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo được làm nên từ chính chất lượng nguồn nhân lực của báo. Đó là đội ngũ phóng viên, biên tập viên sắc sảo, linh hoạt, bắt kịp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, đội ngũ họa sĩ thiết kế, trình bày, kỹ sư công nghệ có chuyên môn. Đặc biệt, là trình độ quản lý, hoạch định chiến lược phát triển của đội ngũ quản lý báo chí.

Vì vậy, để làm nên thành công của một tờ báo, nâng cao hiệu quả của việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước tiên cần xây dựng nội dung và hình thức thể hiện đặc sắc, hấp dẫn, mang bản sắc riêng, kết hợp kế hoạch tuyển chọn và bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng về thao tác nghiệp vụ, cần nâng cao tính cụ thể hóa Nghị quyết bằng những chi tiết, con số, việc làm cụ thể để chứng minh những luận điểm nêu trong Nghị quyết. Cần có những bài bình luận, chuyên luận phân tích có hệ thống những biểu hiện, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ tính chiến đấu đi liền tính thuyết phục.

Thứ ba, là tính chính thống của báo chí.

Hiện nay, có nhiều trang báo thuộc các cơ quan, ban, ngành, tổ chức khác nhau ra đời. Cũng bởi thế mà các tin bài được lấy từ những nguồn rất khác nhau, đứng trên góc nhìn, quan điểm của các lực lượng khác nhau, không ít các tin bài là những tin “xào xáo”, “lá cải”, giật gân câu khách, bịa đặt hoặc cố tình xuyên tạc sự thật với mục đích câu khách hay bôi xấu, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Điều đó đã gây ra không ít trở ngại cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí hiện nay.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tổ chức tại Quảng Ninh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Thường trực Ban Bí thư) cho rằng: “Tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí vẫn tiếp diễn; xuất hiện một số biểu hiện thông tin không phù hợp tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí, xa rời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục”.

Báo chí phải tự lột xác, vượt lên chính mình để đáp ứng nhu cầu công chúng, làm chủ trên mặt trận truyền thông, gánh vác và làm tròn sứ mệnh của mình chứ không phải là chạy theo mạng xã hội hay thậm chí là để mạng xã hội dẫn dắt. Báo chí không những cần phải cung cấp thông tin chính xác, khách quan, chân thực, báo chí chính thống còn cần khẳng định vai trò của mình qua việc phản bác những thông tin sai lệch, bịa đặt để định hướng dư luận. Luật Báo chí 2016 quy định: Báo chí không chỉ có nhiệm vụ “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”, “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; mà nhà báo cần có trách nhiệm tham gia “bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Trong vai trò đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí tiếp tục khẳng định vị trí mũi nhọn của mình. Muốn đem đến hiệu quả trong việc đấu tranh này, cần nắm rõ những ưu thế và hạn chế của từng thể loại báo chí, những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó, phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, quản lý của nhà nước đối với hoạt động báo chí ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thế lực thù địch

Nói đến quản lý Nhà nước đối với báo chí là nói đến những hoạt động của bộ máy Nhà nước nhằm bảo đảm cho hoạt động báo chí được ổn định và phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Với vai trò là thiết chế trung tâm trong hệ thống chính trị, Nhà nước đại diện cho nhân dân, bảo đảm cho công dân được thực hiện các quyền cơ bản của mình, trong đó có quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhà nuớc có trách nhiệm điều tiết để bảo đảm báo chí phát triển, đáp ứng các nhu cầu về thông tin của nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do ngôn luận, tự do báo chí để đưa ra các luận điệu sai trái, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” gây mất an ninh chính trị và trật tự trong nước.

Qua việc khái quát trên chúng ta có thể hiểu quản lý Nhà nước đối với báo chí là tổng thể những hoạt động của bộ máy Nhà nước trên cơ sở những quy định của pháp luật bảo đảm cho báo chí thực hiện được nhiệm vụ thông tin của mình và chịu sự điu chỉnh thống nhất của pháp luật.

Các hoạt động của báo chí xét trên bình diện chung có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy, muốn bảo đảm được các hoạt động này đi vào khuôn khổ đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật, chúng ta cần có những nguyên tắc quản lý phù hợp, đó là:

- Nguyên tắc tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

- Nguyên tắc bảo đảm quyền thụ hưởng thành quả hoạt động báo chí một cách bình đẳng của tất cả công dân.

- Kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng việc tôn trọng tự do báo chí, tự do ngôn luận làm trái pháp luật.

Thứ năm, sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và toàn cầu hóa ảnh hưởng đến vai trò của hoạt động báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tạo ra xu hướng truyền thông đa phương tiện, truyền thông hội tụ, thông tin đa dịch vụ, thông tin có tính tương tác… Sự bùng nổ thông tin làm thay đổi mạnh mẽ đời sống và các mối quan hệ xã hội, do đó các nước sẽ phải đối mặt gay gắt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng sẽ trở thành yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp tới mọi quốc gia, dân tộc và cả các cá nhân.

Điều dễ thấy nhất là công nghệ đã giúp báo chí tiếp cận trực tiếp, nhanh hơn, rộng hơn với công chúng; giúp nhà báo thuận lợi hơn trong việc thu thập, kiểm chứng thông tin, tạo ra các tác phẩm để gửi tới tòa soạn... Với sự hỗ trợ của công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất, xuất bản các sản phẩm báo chí nhanh hơn nhiều so với phương thức hoạt động của báo chí truyền thống.

Với sự tích hợp và giao thoa của các thành tựu công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi số đang tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc, một “xã hội thông tin” mà trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi về phương thức sản xuất dẫn đến yêu cầu mới về sự phát triển của lực lượng sản xuất trên toàn thế giới. Do đó, báo chí có điều kiện thuận lợi để dễ dàng tiếp cận với một lượng thông tin lớn, đa chiều, đồng thời có cái nhìn toàn diện hơn đối với từng vấn đề.

Mặt khác, trong bối cảnh chuyển đổi số, với sự hỗ trợ của công nghệ, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo để tạo ra những sản phẩm báo chí mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, hấp dẫn với độc giả. Đó là những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) với sự kết hợp của chữ viết, hình ảnh, video, ảnh động, file âm thanh…; các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới, như: infographics, mega story, e-magazine, long-form… tạo nên “những món ăn tinh thần” mới mẻ, ấn tượng, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và hình ảnh minh họa đơn thuần.

Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của báo chí. Đó là:

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và truyền thông đa phương tiện, sự tác động ngày càng sâu rộng của mạng xã hội, xu hướng hội tụ công nghệ và sự suy giảm vai trò của báo in trên thế giới trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt và ngày càng phức tạp đến hoạt động báo chí nước ta.

Hiện nay, báo chí không còn là kênh truyền thông độc tôn như trước đây khi mà mạng xã hội với những ưu thế áp đảo về sức lan tỏa và tính tương tác đang chiếm được cảm tình của cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an ninh mạng, nạn tin giả, tin tức “giật gân”, “giật tít”, tin tức không được kiểm định tràn lan trên mạng xã hội… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thông tin của báo chí chính thống. Đây cũng là khởi nguồn của những vấn đề tiêu cực như: cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin không được kiểm định, thông tin thiếu lành mạnh như bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy… đang ngày càng trở nên phổ biến. Nghiêm trọng hơn là việc các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng mạng xã hội để làm công cụ thúc đẩy mạnh mẽ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với cơ sở hạ tầng - kỹ thuật và công nghệ cũng như nguồn lực quản lý báo chí ở nước ta hiện nay. Chuyển đổi số gắn liền công nghệ kỹ thuật số, trong đó công nghệ thông tin là cầu nối, có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến việc thực hiện thành công các hoạt động báo chí - truyền thông hiện đại. Do vậy, thách thức về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn liền với phát triển và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là những thách thức to lớn đối với nền báo chí nước ta hiện nay.

Trước những vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số, đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các vấn đề một cách đúng đắn, có giá trị định hướng dư luận và đặc biệt là phải kịp thời, đúng lúc, không để rơi vào thế bị động. “Tiếng nói của báo chí” phải trở thành chủ đạo, có sức thuyết phục cao, đủ sức đẩy lùi những quan điểm, luận điệu sai trái, lệch lạc, phản động, cơ hội, vô trách nhiệm đã và đang phát tán, tương tác trên internet, mạng xã hội... Từ đó, báo chí mới có thể là người bạn đồng hành, góp phần định hướng hành vi đúng đắn của con người trong bối cảnh hiện nay.

ThS. NGUYỄN THỊ KIỀU

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin