Xuất bản Cuốn sách “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan - Từ thụ yếu quy”

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Đây được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên trên mặt trận phòng, chống tham nhũng trong lịch sử dân tộc. “Từ thụ yếu quy” hiểu theo đúng nghĩa đen là những quy tắc chủ yếu (yếu quy) của việc từ chối (từ) và có thể nhận (thụ) những thứ biếu xén mà người có chức quyền cần luôn luôn tỉnh táo phân biệt để giữ mình.

cuon-sach-ban-ve-nan-hoi-lo-va-duc-thanh-liem-cua-nguoi-lam-quan-tu-thu-yeu-quy-cua-tac-gia-dang-huy-tru-chinh-tri-va-phat-trien-1684986669.jpg
Cuốn sách “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan - Từ thụ yếu quy” của tác giả Đặng Huy Trứ.

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản phối hợp với Hội Sử học Việt Nam xuất bản Cuốn sách “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan - Từ thụ yếu quy” của tác giả Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) do hai dịch giả của nhóm Trà Lĩnh là Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh thực hiện.

Đặng Huy Trứ được biết đến là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ 19 với tư tưởng phát triển kinh tế, phát triển khoa học quân sự và cải cách xã hội, đặc biệt là lĩnh vực đạo đức công vụ. Ông nổi tiếng với tác phẩm “độc nhất vô nhị” “Từ thụ yếu quy” - trước tác bằng Hán văn.

Đây được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên trên mặt trận phòng, chống tham nhũng trong lịch sử dân tộc. “Từ thụ yếu quy” hiểu theo đúng nghĩa đen là những quy tắc chủ yếu (yếu quy) của việc từ chối (từ) và có thể nhận (thụ) những thứ biếu xén mà người có chức quyền cần luôn luôn tỉnh táo phân biệt để giữ mình.

Nội dung tác phẩm “Từ thụ yếu quy” gồm hai phần chính: “Không thể nhận” (từ) và “Có thể nhận” (thụ). Ngoài ra, sau mỗi phần này, tác giả còn kèm theo hai đề mục là Tổng luận và Suy rộng ra để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

“Từ thụ yếu quy” là một công trình khá đồ sộ, với trên 1.000 trang chữ Hán, được công bố vào cuối những năm 60 của thế kỷ XIX. Đã hơn một thế kỷ rưỡi kể từ khi tác phẩm ra đời, thời đại đã thay đổi, xã hội cũng đã đổi thay rất nhiều, những nội dung Đặng Huy Trứ đề cập trong tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị, rất thiết thực, có ý nghĩa thời sự cho cả ngày hôm nay và mai sau.

Theo Trang Thông tin và Cuộc sống, Trang thông tin của TTXVN

Ngọc Anh Tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin