1. Thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý trong thời gian qua
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025, đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý có số lượng và cơ cấu tương đối hợp lý. Tính đến ngày 30/6/2024, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý là 318 đồng chí; giảm 17 đồng chí so với năm 2015.
Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy Hòa Bình đặc biệt quan tâm thực hiện công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy nói riêng bảo đảm về cơ cấu theo 3 độ tuổi, cơ cấu cán bộ nữ, cơ cấu cán bộ là người dân tộc thiểu số do địa bàn tỉnh Hòa Bình có đến 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đều quan tâm tiến hành bổ sung những đồng chí đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, bổ nhiệm để không chỉ bảo đảm về số lượng mà còn bảo đảm cả về cơ cấu. Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là từ khâu quy hoạch, đề án nhân sự đại hội các cấp bảo đảm theo đúng cơ cấu về giới tính, độ tuổi, dân tộc… Từ đó, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bảo đảm về cơ cấu và chất lượng.
Theo số liệu thống kê tại thời điểm ngày 30/6/2024, cán bộ trẻ chiếm 4,7%, cán bộ nữ chiếm 17,9%, cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 50% trong tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cả 3 chỉ số này đã được nâng lên so với thời điểm năm 2015. Qua đó, bảo đảm sự toàn diện, có tính kế thừa trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đều bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh; bảo đảm cơ cấu hợp lý, độ tuổi từng bước được trẻ hóa, có sự kế tiếp 3 độ tuổi, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Ngày càng có nhiều cán bộ nữ tham gia trong các cấp ủy và các vị trí lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều cán bộ nữ đang giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chất lượng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý những năm gần đây đã được nâng lên, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị theo vị trí việc làm, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Về chuyên môn nghiệp vụ: Trong tổng số 318 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có 16 đồng chí có trình độ tiến sỹ (chiếm 5%), 197 đồng chí có trình độ thạc sỹ (chiếm 62%), 105 đồng chí trình độ đại học (chiếm 33%). Về trình độ lý luận chính trị, 100% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ cao cấp, cử nhân.

Đặc biệt, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 29/01/2019 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý. Tỉnh ủy cũng đã thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm… góp phần ngăn chặn tiêu cực, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý cũng được đánh giá là có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, thái độ làm việc trách nhiệm, có mối quan hệ tốt với nhân dân.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng; có trình độ, kiến thức, năng lực quản lý, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện và phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ; có uy tín trong tập thể và nhân dân; có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc thông suốt, hiệu quả và khả năng nắm bắt và xử lý tình huống thực tiễn, chỉ đạo, tham mưu xây dựng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng của tỉnh hiệu quả.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý hầu hết đạt tín nhiệm cao và tín nhiệm, không có tín nhiệm thấp, số cán bộ có phiếu tín nhiệm cao đạt trên 90%.
Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình quan tâm và bước đầu có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số lượng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bảo đảm về số lượng; chất lượng từng bước được nâng cao. Đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo đảm số lượng, năng lực được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có uy tín, trách nhiệm, bám cơ sở, có trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Công tác cán bộ nói chung, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý nói riêng đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng. Các khâu của công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, kiểm tra, giám sát... được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tỉnh ủy Hòa Bình đã tích cực, nghiêm túc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý trong thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, cụ thể là:
Trước hết là, mất cân đối về số lượng, cơ cấu. Cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là cán bộ trẻ chỉ chiếm 4,7%, nữ chỉ chiếm 17,7%. Đến cuối năm 2025, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chỉ còn 3/318 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (chiếm 0,94%); cán bộ vừa là nữ, vừa là dân tộc thiểu số dưới 40 tuổi chỉ còn 1/318, chiếm 0,31%. Tỷ lệ này chưa bảo đảm theo yêu cầu của Trung ương. Như vậy, có thể thấy rõ là Hòa Bình đang thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý. Tỷ lệ cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở Hòa Bình tăng chậm, thiếu bền vững và chưa đạt yêu cầu đề ra. Chuẩn bị cho nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỉnh Hòa Bình đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt cán bộ trẻ để đưa vào đề án nhân sự cấp ủy các cấp.
Chất lượng đội ngũ cán bộ về cơ bản được đào tạo bài bản, được cập nhật, nâng cao kiến thức . Tuy nhiên, còn một bộ phận không nhỏ trước đây được đào tạo từ trung cấp, cao đẳng hoặc đại học không chính quy, vừa học vừa làm, sau đó mới học nâng cao hoàn chỉnh bằng cấp. Cụ thể, đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có đến 25% là đào tạo tại chức. Trình độ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn hạn chế đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm đổi mới, chưa có những đột phá mạnh mẽ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Một số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý làm việc chưa hiệu quả, chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chưa thực sự đề cao tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chưa có nhiều cán bộ có tư duy, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý làm việc hời hợt, qua loa.
Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn nhất trong chất lượng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý đó là tình trạng mất cân đối về chuyên ngành đào tạo trong đội ngũ lãnh đạo quản lý từ tỉnh đến huyện. Cụ thể, tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện nay là 318 đồng chí, nhưng chuyên ngành kinh tế tổng hợp chiếm 56%, chuyên ngành văn hóa - xã hội chiếm 26% và chỉ có 11% là chuyên ngành kỹ thuật… Thực tế này gây ra những hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như luân chuyển cán bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, đã có 16 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vi phạm các quy định trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó đã có 6 người bị xử lý hình sự. Việc cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật, bị khởi tố… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, chính quyền.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý bằng các khâu của công tác cán bộ còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác đánh giá cán bộ có lúc, có nơi chưa sát thực tế, chưa gắn với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác luân chuyển chưa được thực hiện hiệu quả. Thực tế khi rà soát cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện tại thời điểm tháng 5/2021, có đến 80 đồng chí được bổ nhiệm lại đến lần thứ 3; thậm chí có đồng chí được bổ nhiệm lại lần thứ 4, lần thứ 5. Lãnh đạo cấp phó thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 78 đồng chí đã được bổ nhiệm lại lần thứ 2 và 13 đồng chí bổ nhiệm lại lần thứ 3.
Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, bố trí, phân cấp quản lý, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ vẫn còn có những tiêu cực như: nâng đỡ người thân, quen trong quá trình tuyển chọn, bổ nhiệm. Một số chính sách cán bộ chưa được điều chỉnh kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, gây ra nhiều tâm tư trong đội ngũ cán bộ. Ví dụ, hiện nay, tại Tỉnh Hòa Bình, cán bộ tự học nâng cao lên trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chưa được nhận bất cứ một khoản hỗ trợ nào. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng nói chung còn có những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chuyển biến chưa đồng đều. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh trong việc phê bình và tự phê bình.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý trong thời gian tới
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho cấp ủy thì cần đặc biệt chú ý đến việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đối với công tác cán bộ nói chung, việc xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nói riêng.
Hai là, cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý. Hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, quy định về tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể. Khi thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển… phải đặc biệt quan tâm đến việc đáp ứng các tiêu chí cụ thể này.
Ba là, nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ, chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Trước hết là nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ. Cần xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá cán bộ bảo đảm có sự định lượng, định tính, có các tiêu chí cụ thể để việc đánh giá cán bộ thực sự thực chất, chính xác. Chấm dứt tình trạng đánh giá qua loa, nể nang. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Thực tế hiện nay tại tỉnh Hòa Bình cho thấy công tác quy hoạch cán bộ vẫn còn nhiều bất cập.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ. Đây là một giải pháp rất quan trọng vì trong bối cảnh tình hình mới đang đặt ra nhiều thách thức hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu thực tiễn, nắm vững các quy định, có như vậy mới làm tốt công tác tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Năm là, quan tâm công tác tạo nguồn, thu hút người tài, khắc phục tình trạng mất cân đối trong chuyên ngành đào tạo; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cần quan tâm thực hiện công tác phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp.
Sáu là, quan tâm phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc. Hiện nay tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Hòa Bình đang thấp hơn so với quy định. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ nói chung, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình quản lý nói riêng. Công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cần tập trung vào các nội dung như: kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ vững phẩm chất cách mạng…
Tám là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị và nhân dân trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý. Đây là một giải pháp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quản lý. Tăng thêm cơ chế, điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động giám sát, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp và nhân dân được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực.
NGUYỄN DƯƠNG LIỄU
Báo Hòa Bình