Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở chủ nghĩa lập hiến
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, một nhà nước dân chủ, tiến bộ phải là một nhà nước có Hiến pháp, cơ chế tổ chức và việc thực hiện quyền lực nhà nước phải được quy định trong Hiến pháp. Một nhà nước không được tổ chức và hoạt động trên cơ sở những quy định của Hiến pháp thể hiện ý chí của nhân dân thì nhà nước đó là bất hợp hiến, bất hợp pháp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, xuất phát từ yêu cầu phải bảo vệ chính quyền non trẻ vừa được thiết lập và sớm tổ chức xây dựng xã hội mới trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhất là trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, đồng thời để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong nước, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”1, “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”2 để lập nên Quốc hội, từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy nhà nước, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân, bảo đảm tính hợp hiến, tính chính danh của Nhà nước, được tổ chức và vận hành theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động trong xã hội, các chủ thể hoạt động trong khuôn khổ thể chế chính trị, phải hợp hiến, hợp pháp, tinh thần “thượng tôn pháp luật” phải thấm sâu vào đời sống xã hội, có tác dụng điều chỉnh mọi mối quan hệ, mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính hợp hiến, hợp pháp và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước Việt Nam đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, được thực thi trong đời sống xã hội, phù hợp với bối cảnh mới trong nước và quốc tế.
Nhà nước do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phục vụ quyền lợi của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng. Do vậy, “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân”3; “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”4. Theo đó, các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân, là công bộc của nhân dân, “gánh việc chung cho dân”5. Khi đất nước mới giành được chính quyền, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực trên cơ sở những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Chính phủ mới thực hiện tốt vai trò kiến tạo, từ đó tạo động lực xã hội mạnh mẽ và nhận được sự đồng thuận cao của toàn dân trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân, do dân, vì dân không có nghĩa là “nhà nước toàn dân”, nhà nước phi giai cấp, mà đó là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân thể hiện ở việc toàn bộ hoạt động của nhà nước từ pháp luật, cơ chế, chính sách đến những nguyên tắc tổ chức và hoạt động đều thể hiện tư tưởng, quan điểm của giai cấp công nhân, nhằm từng bước xây dựng quyền làm chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh có sự thống nhất, hòa quyện với nhau, bắt nguồn từ sự thống nhất giữa lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc. Theo Người, giai cấp công nhân Việt Nam có vai trò, sứ mệnh lịch sử, trước hết là đối với dân tộc mình, “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”6. Vai trò đó được thể hiện ở đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản, Đảng lãnh đạo dân tộc Việt Nam từng bước thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược, sách lược đó. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam được thể hiện trong Luận cương chính trị của Đảng năm 1930: Giai cấp công nhân Việt Nam thông qua Đảng của mình lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị của xã hội cách mạng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa, phát triển tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giai cấp công nhân Việt Nam đã đem ánh sáng Cách mạng Tháng Mười soi tỏ cho con đường cách mạng Việt Nam. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương, chính đảng của giai cấp công nhân thành lập, đã vạch rõ cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một Cương lĩnh chính trị toàn diện do Đảng của giai cấp công nhân đề ra. Cách mạng Việt Nam từ đó được giai cấp công nhân và chính đảng của nó thống nhất lãnh đạo, đã phát triển nhanh chóng và vững chắc”7. Người khẳng định: “… phải kinh qua giai cấp công nhân tổ chức, đấu tranh cách mạng. Kinh qua trường kỳ xây dựng, để thực hiện chế độ cộng sản”8.
Tổ chức quyền lực nhà nước hợp lý và khoa học, bảo đảm chủ quyền của nhân dân; xây dựng chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt và chịu trách nhiệm trước nhân dân
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, thống nhất thuộc về một chủ thể duy nhất là nhân dân. Trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực, phải có sự phân công, phân quyền rõ ràng, tránh sự chuyên quyền, độc đoán, góp phần phát huy dân chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề hệ trọng, bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích nhân dân thắng thắn phê bình, tham gia giám sát công việc của Nhà nước, của Chính phủ, “mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”9. Theo đó, để kiểm soát tốt quyền lực nhà nước, cần thực hành dân chủ rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và cán bộ nhà nước.
Trên cương vị lãnh đạo đất nước, đã có lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đưa ra quyết định cứng rắn để xử lý người phạm tội tham nhũng, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phép nước, đồng thời bảo vệ uy tín của Đảng, lợi ích của nhân dân. Người chỉ rõ, trong Nhà nước, “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”10, thậm chí, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”11. Người khẳng định: “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”12, và “muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”13. Đến nay, những lời chỉ dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở nước ta.
Nhà nước có đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là công bộc của dân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”14; công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ quyết định; chủ trương, đường lối, chính sách dù có hay, có đúng mà không có đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn cao thì cũng không thể thực hiện được. Bộ máy nhà nước có trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả hay không trước hết phụ thuộc vào những con người trong tổ chức bộ máy đó. Vì thế, chất lượng, năng lực, hiệu lực và hiệu quả điều hành, quản lý của nhà nước phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Do vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nhà nước mới phải bắt đầu từ công việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”15. Người khẳng định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”16, “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém17. Vì vậy, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”18. Người nghiêm khắc phê bình một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, do bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân nên “có cái thái độ xa quần chúng”19, “quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân”20, “quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...21. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, tự sửa chữa để tiến bộ. Công tác cán bộ phải dựa vào dân, phát hiện, tuyển chọn cán bộ từ phong trào cách mạng của nhân dân; đưa cán bộ thâm nhập vào hoạt động thực tiễn thông qua sự giúp đỡ, kiểm soát của nhân dân.
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 7.
3, 4, 5, 6, 8, 9, 15, 20, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 262; t. 6, tr. 232; t. 4, tr. 64-65; t. 7, tr. 392; t. 8, tr. 292; t. 9, tr. 81; t. 15, tr. 612; t. 4, tr. 65; t. 11, tr. 611.
7, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 365, 375.
11, 12, 13, 17, 19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75, 637-638, 327, 280, 286.
14, 16, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309.
TS. Lê Thị Thuý
Học viện Báo chí và Tuyên truyền