Kế hoạch nêu rõ, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân cần tập trung vào các nội dung sau:
Một là, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng.
Hai là, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời.
Ba là, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.
Bốn là, thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc.
Năm là, thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập.
Sáu là, thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu.
Theo nội dung Kế hoạch, Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, chia thành 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ 2023 - 2025): Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp bộ, ngành, địa phương và cấp Trung ương vào năm 2025 để triển khai giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030): Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào thi đua; chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng và ban hành bộ tiêu chí công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh, “Đơn vị học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng học học tập” và “Công dân học tập”; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) triển khai, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn khen thưởng sơ kết, tổng kết, đánh giá Phong trào thi đua.
Trước ngày 15/12 hàng năm, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Phong trào thi đua về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp.
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử
Kiều Trang tổng hợp