1. Thực tiễn truyền thông chính sách về đa văn hóa trong thời gian qua
Truyền thông chính sách về đa văn hóa là khâu trung gian trong quá trình đưa các nghị quyết, chính sách về đa văn hóa đi vào thực tiễn cuộc sống, có vai trò đánh giá và giám sát công tác thực thi các nghị quyết, chính sách về đa văn hóa, định hướng và thu hút sự đồng thuận của người dân đối với các chính sách về đa văn hóa được Đảng và Nhà nước ban hành. Truyền thông chính sách về đa văn hóa hình thành văn hóa đối thoại nhằm bảo đảm quyền được biết của nhiều đối tượng công chúng đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng và thực thi chính sách về đa văn hóa. Khi các chính sách đa văn hóa được ban hành hợp lòng dân, công tác tổ chức khoa học, được sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông hiện đại, từ các kênh báo chí chính thống đến mạng xã hội và các nền tảng công nghệ chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Sự thành bại của chính sách đa văn hóa phụ thuộc nhiều vào công tác truyền thông, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và truyền thông chính sách trong toàn xã hội về đa văn hóa đã góp phần làm cho mọi người dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của đa văn hóa trong phát triển bền vững; nắm vững nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp; và đặc biệt là tôn trọng sự đa dạng trong văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, tạo điều kiện để phát huy hiệu quả vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của đa văn hóa. Các phương thức truyền thông chính sách về đa văn hóa cũng ngày càng được mở rộng như: truyền thông đối thoại giữa các nhà xây dựng, quản lý, thực thi chính sách với những đối tượng hướng đến của chính sách; truyền thông chính sách đa văn hóa thông qua báo chí - xuất bản đến với số lượng người dân đông đảo; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong truyền thông chính sách... Báo chí - xuất bản trong thời gian qua cũng đã góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thông qua việc kịp thời truyền tải những thông tin về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhân dân. Nhiều tin, bài, tác phẩm có giá trị lan tỏa những nét đẹp về văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội, từ đó tác động tích cực và nhân lên những điều tốt đẹp. Nhiều tin, bài, tác phẩm có nội dung chuyên sâu giới thiệu những nét văn hóa riêng biệt, đẹp đẽ của các dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư tại nhiều vùng miền trên đất nước đến với bạn đọc trong nước và quốc tế, qua đó, không chỉ khẳng định chủ trương tôn trọng đa dạng văn hóa dân tộc và hội nhập văn hóa quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng, mà còn được nhân dân hết lòng ủng hộ. Bên cạnh đó, báo chí - xuất bản, đặc biệt là báo chí, cũng đã phát hiện, phản ánh và lên tiếng mạnh mẽ trước nhiều hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, lệch chuẩn, rung lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa, mở rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Dù vậy, truyền thông chính sách về đa văn hóa trong thời gian qua vẫn còn tồn tại không ít hạn chế cần khắc phục như: nhận thức, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân thực thi truyền thông chính sách về đa văn hóa chưa cao; triển khai tổ chức truyền thông chính sách về đa văn hóa chưa kịp thời, thiếu tính sáng tạo; năng lực của đội ngũ cán bộ truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; chưa huy động được tối đa các nguồn lực trong truyền thông chính sách về đa văn hóa… Trước những tác động mạnh mẽ của sự phát triển khoa học - công nghệ và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bản thân đối tượng, phương tiện, quy trình trong truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng cũng đang có những thay đổi lớn: đối tượng truyền thông ngày càng đa dạng; nhận thức của đối tượng truyền thông ngày càng được nâng cao; thói quen tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin chính sách của các đối tượng truyền thông cũng ngày càng trở nên chủ động và tích cực; phương tiện truyền thông được hiện đại hóa từng giờ, từng phút khiến thời gian truyền thông được rút ngắn, quy mô truyền thông được mở rộng và quy trình truyền thông thay đổi với nhiều chiều hướng… Chính vì vậy, hoạt động truyền thông chính sách nói chung, truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng cần được phát huy hiệu quả thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng.
2. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hiện nay
Một là, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về văn hóa, đa văn hóa nói riêng cần nhận thức đầy đủ vai trò, mục đích của truyền thông đối với sự thành, bại của truyền thông chính sách. Cần huy động, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông vào việc phổ biến chính sách; phản biện, giám sát và hoàn thiện chính sách.
Hai là, cần đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của truyền thông chính sách trong văn hóa, đặc biệt là truyền thông chính sách về đa văn hóa. Truyền thông chính sách trong thời đại 4.0 cần phát huy vai trò quan trọng của báo chí truyền thông nhằm hoàn thiện chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng cùng với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, vấn đề truyền thông chính sách cần được đầu tư đổi mới để thích nghi với môi trường truyền thông hiện đại và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội Việt Nam.
Ba là, chủ động phát huy vai trò của truyền thông hiện đại trong ban hành cũng như thực thi chính sách, cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch đến người dân. Ðể tránh những dư luận xấu, tình trạng tin giả, tin thất thiệt gây khó khăn cho công tác ban hành và thực thi chính sách đã từng xảy ra thời gian qua, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng luôn phải đi trước một bước. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa cần được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân thực hiện, trao đổi, giám sát, kiểm tra. Phương pháp truyền thông cần tính khoa học, chuyên nghiệp, phù hợp với từng đối tượng chính sách, khách quan về nội dung nhưng sáng tạo trong hình thức thì mới có thể thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Cùng với đó, tổ chức truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về các chính sách văn hóa có tác động lớn và trực tiếp đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, có ý kiến trái chiều trong quá trình đề xuất chính sách, pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí tạo tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, cần ưu tiên công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ truyền thông, bởi xét cho cùng, muốn truyền thông chính sách tốt phải có nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, am hiểu về văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về truyền thông chính sách. Hội nghị nhằm mục đích nâng cao trình độ nghiệp vụ, trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng về truyền thông chính sách cho cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí.
Năm là, công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất nội dung tin, bài của các cơ quan báo chí cần có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của tin bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa dân tộc trong đời sống cộng đồng, việc tiếp thu những văn hóa tốt đẹp của nhân loại…; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, lượng hóa xu hướng thông tin, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của tòa soạn.
Sáu là, truyền thông chính sách phải thu hút được sự quan tâm của các cộng đồng dân tộc, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài, cộng đồng quốc tế, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, thế hệ trẻ… đối với lĩnh vực văn hóa và đa văn hóa, góp phần đưa văn hóa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
LÊ NGỌC TOÀN
Đại học Văn hóa Hà Nội