Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền học tập ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay: Thực trạng và giải pháp

CT&PT - Trong xu thế hội nhập quốc tế, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, ngoài trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, yêu cầu quan trọng đối với sinh viên là phải có năng lực ngoại ngữ. Do đó, học tập ngoại ngữ là yêu cầu cấp thiết đối với sinh viên hiện nay, nhất là đối với sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

1. Yêu cầu của thị trường lao động và sự cần thiết của việc học tập ngoại ngữ đối với sinh viên

Thị trường lao động Việt Nam đang trải qua những biến động mạnh mẽ. Sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế vào thị trường toàn cầu, cùng với quá trình chuyển đổi số đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi người lao động phải không ngừng nâng cao kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm và năng lực ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động ở một số ngành nghề, cùng với tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao vẫn là những thách thức lớn. Để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn đặt ra, sinh viên cần chủ động tìm hiểu về thị trường, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cụ thể, không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Thị trường lao động ngày nay không chỉ gói gọn trong phạm vi một quốc gia, mà đã mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, thậm chí là các doanh nghiệp nội địa cũng đang tìm kiếm những ứng viên có trình độ chuyên môn, khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo đáp ứng mục đích giao tiếp, thương thảo và hợp tác với các đối tác quốc tế. Do đó, ngoài trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, sinh viên cần phải có năng lực ngoại ngữ.

Ngoại ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa của tri thức và cơ hội. Khi thành thạo một ngoại ngữ, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, tìm hiểu nền văn hóa của các nước, từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác hiệu quả và giải quyết các vấn đề phát sinh trong môi trường đa văn hóa ngày nay. Ngoài ra, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ còn giúp sinh viên tự tin thể hiện bản thân, trình bày ý kiến và thuyết phục người khác, từ đó tăng khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp. 

Không chỉ vậy, năng lực ngoại ngữ còn giúp sinh viên thích ứng tốt hơn với môi trường làm việc đa văn hóa. Khi làm việc trong một tổ chức quốc tế, sinh viên không chỉ cần biết sử dụng ngoại ngữ, mà còn cần hiểu biết về văn hóa của các quốc gia khác nhau, bởi điều này giúp sinh viên dễ dàng hơn trong làm việc nhóm và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc thành thạo ngoại ngữ giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm được công việc hấp dẫn, đặc biệt là trong các công ty đa quốc gia. Đồng thời, ngoại ngữ còn là “chìa khóa” giúp sinh viên thăng tiến nhanh trong sự nghiệp, nhận được mức lương cạnh tranh và có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc học ngoại ngữ còn rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, đàm phán và giải quyết vấn đề, giúp sinh viên trở thành những nhân viên năng động và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Trong môi trường làm việc cạnh tranh, khả năng sử dụng thành thạo một hoặc nhiều ngoại ngữ là một lợi thế lớn giúp sinh viên nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Những sinh viên có kỹ năng ngoại ngữ tốt có thể tiếp cận các tài liệu chuyên môn quốc tế, tham gia vào các khóa học trực tuyến của các trường đại học hàng đầu thế giới và nắm bắt được các yêu cầu mới nhất trong ngành nghề của mình. Điều này không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn, mà còn mở rộng tầm nhìn và khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

2. Thực trạng học tập ngoại ngữ của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 16/01/1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập ngoại ngữ đối với sinh viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo ngoại ngữ và khuyến khích sinh viên học tập ngoại ngữ. Nhà trường đã xây dựng khung chương trình đào tạo ngoại ngữ phù hợp với các ngành học và đào tạo đầy đủ bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Cùng với đó, đặt ra yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ đầu ra cho sinh viên đối với các chuyên ngành: Triết học; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Kinh tế chính trị; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Chính trị phát triển; Chính sách công; Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa; Văn hóa phát triển; Truyền thông chính sách; Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; Công tác tổ chức; Quản lý xã hội; Quản lý hành chính nhà nước; Quay phim truyền hình; Biên tập xuất bản; Xuất bản điện tử; Công tác xã hội; Kinh tế và quản lý; Quản lý kinh tế; Quản lý công. Sinh viên khi tốt nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu.

Đối với các chuyên ngành: Quan hệ chính trị và Truyền thông quốc tế; Thông tin đối ngoại; Báo in; Ảnh báo chí; Báo phát thanh; Báo truyền hình; Báo mạng điện tử; Phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện; Sản phẩm truyền thông đa phương tiện; Sản phẩm truyền thông đại chúng; Truyền thông đại chúng ứng dụng; Truyền thông quốc tế; Quan hệ công chúng chuyên nghiệp; Quảng cáo - Marketing; Xã hội học; Truyền thông marketing, sinh viên khi tốt nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu.

Đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo chất lượng cao: Báo truyền hình chất lượng cao; Báo mạng điện tử chất lượng cao; Kinh tế và Quản lý chất lượng cao; Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu chất lượng cao, sinh viên từ khóa 39 trở đi khi tốt nghiệp phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 do các Trung tâm khảo thí quốc tế cấp.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh: Sinh viên khi tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương cấp độ C1 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu; đồng thời, phải có khả năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ khác tương đương cấp độ B1 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu.

Đối với các ngôn ngữ khác, sinh viên chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt trình độ ngoại ngữ tương đương với chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh của chuyên ngành đó theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu.

Trong thời gian qua, nhà trường đã có những bước cải tiến trong chương trình giảng dạy ngoại ngữ như: Tăng cường số lượng và chất lượng các môn học ngoại ngữ và đổi mới phương pháp giảng dạy như dạy học tích hợp và học qua thực hành. Với chương trình đào tạo phù hợp, đội ngũ giảng viên chất lượng cao và môi trường học tập cởi mở, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khi tốt nghiệp không chỉ thành thạo ngoại ngữ, mà còn có khả năng giao tiếp tự tin, ứng dụng ngôn ngữ vào thực tiễn công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhiều sinh viên đã đạt được những kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế, nhận được học bổng du học và có cơ hội làm việc tại các tổ chức quốc tế. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc học tập ngoại ngữ của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sinh viên của trường đang đối mặt với thách thức lớn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Trình độ ngoại ngữ của một bộ phận sinh viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Một số sinh viên có thành tích học tập ngoại ngữ tốt, nhưng việc sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo vẫn chưa phổ biến. Nhiều sinh viên còn tự ti khi giao tiếp bằng ngoại ngữ và chưa đạt được kỳ vọng của nhà tuyển dụng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do động lực học tập của sinh viên chưa cao, phương pháp giảng dạy chưa đa dạng, cơ sở vật chất còn hạn chế… Một số sinh viên cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi phải đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong thời gian ngắn. Sự chênh lệch về năng lực ngoại ngữ giữa các sinh viên cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều sinh viên có năng lực ngoại ngữ tốt từ cấp học phổ thông, trong khi đó một số sinh viên khác có nền tảng ngoại ngữ chưa tốt, dẫn đến tình trạng không đồng đều về trình độ trong lớp học. Sinh viên còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả. 

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực học tập ngoại ngữ của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Một là, nâng cao ý thức tự học tập ngoại ngữ của sinh viên

Trước hết, mỗi sinh viên cần ý thức sự cần thiết của việc học ngoại ngữ; đồng thời phải tự rèn luyện và trau dồi hằng ngày. Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, mà còn phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo, bởi trong thời đại toàn cầu hóa, việc thành thạo một ngoại ngữ không chỉ mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn, mà còn giúp sinh viên tự tin giao tiếp, mở rộng mối quan hệ và khám phá văn hóa của các nước trên thế giới. 

Hiện nay, sinh viên có rất nhiều thuận lợi trong việc rèn luyện ngoại ngữ, có thể tham gia vào các câu lạc bộ ngoại ngữ, các buổi giao lưu ngoại ngữ, hay học qua các phần mềm, ứng dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số sinh viên vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình tự học. Áp lực học tập, thiếu phương pháp học tập hiệu quả và sự thiếu hụt về thời gian là những trở ngại lớn cần được khắc phục. Vì vậy, sinh viên cần xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng, tận dụng tối đa các nguồn tài liệu trực tuyến và tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường và xã hội.

Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tăng cường giao tiếp bằng ngoại ngữ 

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải được thường xuyên đổi mới. Các chương trình giảng dạy cần tập trung vào việc phát triển cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết, đồng thời khuyến khích sinh viên thực hành ngoại ngữ trong các tình huống thực tế.

Tiếp tục cải tiến chương trình giảng dạy, áp dụng các phương pháp học tập hiện đại như học qua dự án, học qua thực hành và sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Hơn nữa, việc đào tạo ngoại ngữ cũng cần phải linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu học tập khác nhau của từng sinh viên.

Đội ngũ giảng viên cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới. Giảng viên cần áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, khuyến khích sinh viên tự học và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Khuyến khích giảng viên tham gia các khóa học, hội thảo quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. 

Nhà trường cần đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường giờ học thực hành và tạo môi trường học tập năng động. Đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tích hợp công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ. Việc cung cấp tài liệu học tập phong phú, đa dạng cùng với cơ sở vật chất hiện đại như phòng học thông minh, phòng lab ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế. 

Ba là, tạo môi trường cho sinh viên có cơ hội được trau dồi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Nhà trường cần tạo môi trường thuận lợi để sinh viên được trau dồi và rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua việc khuyến khích sinh viên tham gia các hội thảo, diễn đàn, hay các hoạt động ngoại khó. Qua đó, giúp sinh viên tự tin hơn trong giao tiếp, mở rộng mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đây là một yếu tố quan trọng giúp sinh viên thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. 

Đồng thời, nhà trường cần quan tâm đến việc thành lập và tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ dành cho sinh viên, hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh EFC. Việc tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ không chỉ giúp sinh viên nâng cao khả năng giao tiếp, mà còn mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp. Hơn nữa, việc học ngoại ngữ còn giúp sinh viên tự tin hơn khi giao tiếp với người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và làm việc trong môi trường quốc tế. Để câu lạc bộ ngoại ngữ thực sự hiệu quả, nhà trường cần tổ chức đa dạng các hoạt động như: cuộc thi hùng biện, diễn kịch bằng ngoại ngữ, giao lưu với người nước ngoài, hoặc tổ chức các buổi xem phim, nghe nhạc nước ngoài. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, mà còn tạo không khí vui vẻ, giúp sinh viên có thêm động lực học tập.

Bốn là, tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp, nhất là các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, để tạo cơ hội thực tập, giao lưu và làm việc cho sinh viên

Việc hợp tác với các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo cơ hội thực tập cho sinh viên, giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc quốc tế. Các chương trình hợp tác này sẽ giúp sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về yêu cầu của thị trường lao động và sự cần thiết phải nâng cao kỹ năng ngoại ngữ. Đồng thời, việc liên kết với các đối tác nước ngoài giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm trong môi trường làm việc quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động.

Năm là, kịp thời động viên, khen thưởng đối với những sinh viên có thành tích cao trong việc học ngoại ngữ

Để khuyến khích sinh viên học tập ngoại ngữ, nhà trường cần động viên, khen thưởng kịp thời đối với những sinh viên có thành tích học tập tốt, với các hình thức phù hợp như: Tặng giấy khen, học bổng, cơ hội tham gia các chương trình giao lưu, du học... Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi lễ tuyên dương, vinh danh cũng là một cách để tôn vinh những thành tích xuất sắc của sinh viên, tạo động lực cho sinh viên cố gắng học tập. Kịp thời động viên, khen thưởng không chỉ là một hình thức ghi nhận thành tích, mà còn là một cách để khơi dậy niềm đam mê học ngoại ngữ của sinh viên, từ đó giúp sinh viên có thêm động lực để tìm tòi, khám phá và chinh phục những thử thách mới.

NGUYỄN ĐỖ MINH TÂM

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin