Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh

CT&PT - Điện Biên là mảnh đất gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - Một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Với lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc và thiên nhiên hùng vĩ, Điện Biên là nơi hội tụ tinh hoa của vùng biên giới Tây Bắc. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, Điện Biên đã và đang nỗ lực phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển tỉnh thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

 Xác định mục tiêu và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên 3 trụ cột chính: (1) Du lịch lịch sử, tâm linh; (2) Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; (3) Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai bằng nhiều nhóm giải pháp, đặc biệt là huy động, lồng ghép thu hút, kêu gọi các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Điện Biên - Điểm đến ấn tượng

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là minh chứng hào hùng cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, thể hiện ý chí quyết tâm của dân tộc Việt Nam trước một lực lượng quân sự hùng mạnh với phương tiện chiến tranh hiện đại, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, năm 2009, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ bao gồm các di tích nổi bật, thu hút đông đảo du khách tham quan như: Đồi A1, Đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng,  Tượng đài kéo pháo, Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ…

Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, Điện Biên trở thành tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Tính đến nay, tỉnh Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia,18 di tích cấp tỉnh); 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là Nghệ thuật xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái.

Để phấn đấu trở thành điểm du lịch hấp dẫn, trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên quan tâm phát triển các loại hình du lịch lịch sử - tâm linh, du lịch văn hóa - sinh thái và du lịch trải nghiệm. Nhiều hang động vừa có giá trị khoa học (giá trị địa học), vừa có giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử, tín ngưỡng, được xếp hạng di tích cấp quốc gia: Pa Thơm, Chua Ta, Khó Chua La, Thẳm Khến, Xá Nhè, Mường Tỉnh, Thẳm Khương… Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang quan tâm thu hút khách du lịch trải nghiệm dịch vụ du lịch sông nước, tham quan, ngắm cảnh lòng hồ thủy điện, du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng với một số điểm du lịch nổi tiếng như: U Va, Hua Pe…

Trong những năm gần đây, nhiều công trình văn hóa - tâm linh đã được đầu tư xây dựng và được đưa vào khai thác, góp phần làm đa dạng hành trình khám phá Ðiện Biên như: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

Với mục tiêu đẩy mạnh quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và tiềm năng du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên với đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế, tỉnh Điện Biên thường niên tổ chức các lễ hội đặc sắc: Lễ hội đua thuyền đuôi Én và Giải vô địch dù lượn (tổ chức vào dịp Tết Dương lịch hằng năm tại Bến thuyền Cơ khí, thị xã Mường Lay); Lễ hội hoa Anh Đào (tổ chức vào trung tuần tháng 1 hằng năm tại xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ); Lễ hội Hoa Ban (tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm tại thành phố Điện Biên Phủ)..., với nhiều hoạt động văn hóa vô cùng hấp dẫn nhằm thu hút người dân, du khách trải nghiệm, khám phá, cảm nhận nét văn hóa đặc sắc, từ đó thêm ấn tượng về mảnh đất, con người Điện Biên. Hiện nay, nhiều điểm đến du lịch mới mang đặc trưng của từng địa phương cũng được đưa vào khai thác và bước đầu có kết quả tích cực: Chợ phiên, chợ đêm Tủa Chùa; chợ đêm xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ; điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ…

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển các hoạt động vui chơi giải trí và dịch vụ phục vụ du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 điểm vui chơi, giải trí, tiêu biểu như: Đào Viên Sơn, Tằng Quái Park, Tằng Quái Lầu, Tằng Quái Bin (huyện Mường Ảng); Pha Đin Pass, Pu Pha Đin (huyện Tuần Giáo); Thung lũng Hoa Hồng (huyện Điện Biên); Hồ Noong U, Đỉnh Phù Lồng (huyện Điện Biên Đông)... Với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, các điểm vui chơi có sức hút lớn đối với khách du lịch đến với tỉnh Điện Biên.

Tạo đà phát triển du lịch tỉnh Điện Biên

Ở giai đoạn trước năm 2021, phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên còn nhiều hạn chế: quy mô hoạt động du lịch nhỏ; chưa có nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; chưa thu hút được đông đảo khách du lịch, thời gian lưu trú của khách du lịch còn ngắn; kết cấu hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ; năng lực cạnh tranh của ngành du lịch tỉnh chưa cao; mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh Điện Biên gặp không ít khó khăn.

Trước thực trạng trên, với chủ trương “thích ứng an toàn”, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Điện Biên nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp, trọng tâm là tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và tính chất, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Theo đó, tỉnh tập trung vào các giải pháp về nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đặc biệt, triển khai lồng ghép, huy động, thu hút, kêu gọi các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên đã bố trí, huy động trên 8 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã huy động được hơn 5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí: Trung tâm thương mại và nhà ở thương mại thành phố Điện Biên Phủ; Khu dân cư Đô thị mới phía Bắc đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít; Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh; Khu thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí ven sông Nậm Rốm, Khách sạn Mường Thanh...

Trong hai năm trở lại đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức 6 đoàn famtrip để khảo sát, xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh. Trong đó, có những chuyến hành trình lớn: Ðoàn famtrip Caravan Tây Bắc khảo sát xây dựng, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch Tây Bắc năm 2021 với hơn 70 doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí; đoàn famtrip của Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội với 18 doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí; chủ trì tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh tại Luông Pha Băng, Lào, từ ngày 25/10 đến ngày 27/10/2023, với sự tham gia của 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Hội thảo quảng bá, xúc tiến du lịch vùng Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh tại Luông Pha Băng, Lào..., từ đó góp phần đưa hình ảnh Ðiện Biên đến gần hơn với du khách trong nước và nước ngoài.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh hoạt động du lịch hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên chỉ đạo tăng cường cải cách hành chính; duy trì đăng tải 27 bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực du lịch phục vụ việc tra cứu của các tổ chức, cá nhân; áp dụng tiêu chuẩn ISO trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực du lịch. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia khảo sát tiềm năng du lịch để đầu tư, xây dựng các dự án đều được tạo điều kiện phối hợp trên mọi phương diện. Từ năm 2021 đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn: Vingroup, Sun Group, Hải Phát, Flamingo Holding Group… đã đến khảo sát, ký kết thỏa thuận, nghiên cứu, đề xuất và triển khai xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn…

Nhờ những nỗ lực to lớn, từ năm 2020 đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh đã tăng đáng kể. Riêng trong năm 2023, tỉnh Điện Biên ước tính đón trên 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 23% so với năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng, đạt 109%, tăng 26,7% so với năm 2022. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch ước đạt 2,6 ngày.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, với sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên, 270 năm Ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh, đồng thời, đây cũng là năm thứ tư tỉnh triển khai thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.

Vừa qua, nhằm quảng bá, giới thiệu Chương trình Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và các sự kiện quan trọng khác góp phần xây dựng thành công thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên, tỉnh đã phối hợp tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, hướng đến việc giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Trong bối cảnh được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi, Dự án xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã hoàn thành, thực hiện đón các chuyến bay bằng máy bay A320, A321 từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Điện Biên và ngược lại. Hiện nay, tỉnh tiếp tục đề nghị nâng tần suất các chuyến bay, mở thêm các đường bay mới tới các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều hãng hàng không, đồng thời tiếp tục đề nghị mở các đường bay quốc tế. Điện Biên là địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn, hứa hẹn sẽ tạo “cú huých”, động lực, cơ hội để tỉnh Điện Biên thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 


Bài đăng trên Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 8 năm 2023.

Ngày nhận bài: 12/12/2023; Ngày phản biện: 15/12/2023; Ngày duyệt đăng: 20/12/2023.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hà Khánh: Điện Biên nỗ lực phát triển tiềm năng du lịch, Báo điện tử Quân đội nhân dân, ngày 07/5/2023, https://www.qdnd. vn/kinh-te/cac-van-de/dien-bien-no-luc-phat-trien-tiem-nang-dulich-727268.

2. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, ngày 10/3/2023, https://svhttdl. dienbien.gov.vn/portal/pages/2023-3-10/Phe-duyet-De-an-phattrien-du-lich-tinh-Dien-Bien-bldpumku9svj.aspx.

ThS. LÊ THÀNH ĐÔ

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin