1. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta Sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của trong Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt - Lào, có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ coi Điện Biên Phủ là ngã tư chiến lược, nối liền các biên giới các nước Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc; hòng biến Điện Biên Phủ trở thành căn cứ không quân, lục quân phục vụ tối ưu cho các mưu đồ của chúng. Từ tháng 11/1953, dưới sự giúp sức của Mỹ, Pháp đã xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với hơn 16.000 quân ở Điện Biên Phủ1. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, cuối tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nhận định về tình hình chiến sự Đông Xuân 1953 - 1954 và đề ra phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến: “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”2. Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo về phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trung tuần tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận Điện Biên Phủ. Người căn dặn: “phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, Quyết tâm giữ vững chính sách, Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi”3. Ngày 21/12/1953, trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm lần thứ chín Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị ra sức thi đua giết giặc lập công và hoàn thành nhiệm vụ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trả lời các nhà báo nước ngoài về triển vọng cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chiến thắng sẽ thuộc về nhân dân và các lực lượng vũ trang Việt Nam. Ngày 13/3/1954, sau gần 4 tháng chuẩn bị, bộ đội Việt Nam nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ. Ngày 15/3/1954, sau khi nhận được tin về hai trận thắng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã gửi điện khen ngợi và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng”4. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 07/5/1954, bộ đội Việt Nam toàn thắng, toàn bộ quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh.
Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến ngày 07/5/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chiến dịch. Sau ngày toàn thắng, Người gửi nhiều thư khen ngợi đến bộ đội, dân công, nhân dân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dịch và tặng Huy hiệu Điện Biên Phủ cho các cán bộ, chiến sĩ. Trong thư viết ngày 08/5/1954, Người nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”5. Phát biểu tại Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”6.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của phương Tây), tạo ra cơn chấn động lớn đối với Pháp, Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ không lâu, hàng loạt các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh lần lượt giành được độc lập với các hình thức và mức độ khác nhau. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sâu rộng trên toàn thế giới.
Có thể khẳng định, trong lịch sử thế giới cận - hiện đại, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 của nhân dân Việt Nam được coi là sự kiện nổi bật, có tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình quân sự, chính trị trên thế giới trong nhiều thập kỷ; là một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Trong lịch sử dân tộc, Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân, như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đó là sự phối hợp đồng loạt tiến công của chiến trường Điện Biên Phủ với các chiến trường trên toàn Đông Dương, như: Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên, Khu V, Nam Bộ... làm cho địch bị phân tán, không có khả năng tiếp ứng cho nhau. Điện Biên Phủ thất thủ, kế hoạch Nava thất bại. Chiến thắng Đông - Xuân 1953 - 1954 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của kẻ thù, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao. Ngày 08/5/1954, Hội nghị Giơnevơ tiến hành thảo luận về chiến tranh Đông Dương. Tham dự Hội nghị có đại diện của 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia7. Trải qua 75 ngày, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định Giơnevơ) được ký kết, gồm 6 chương, 47 điều và các phụ bản kèm theo. Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia. Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy cách mạng Lào và Campuchia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, con người, truyền thống lịch sử Việt Nam. Với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, huy động được sự ủng hộ của quốc tế để đánh thắng kẻ thù xâm lược. Quán triệt tư tưởng chiến lược đánh lâu dài, đồng thời chủ động đề ra và thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự sáng tạo, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng địch từng bước để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ kết thúc thắng lợi là minh chứng khẳng định sức mạnh và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, thắng lợi của cuộc kháng chiến, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ, là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, đưa nước nhà bước vào kỷ nguyên mới. Miền Bắc được giải phóng, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
2. Tiếp tục phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng miền Nam vẫn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua hơn 20 năm đấu tranh vô cùng anh dũng, đầy gian khổ, hy sinh, với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.
Đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhờ kiên trì và thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có bước phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong gần 40 năm qua, mức tăng trưởng trung bình gần 7%/năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người tăng gấp 10 lần, nếu như GDP năm 1986 là 430,19 USD thì đến năm 2023 tăng lên mức 4.284,5 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, năm 2023, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%, giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều mới8.
Trong bối cảnh mới hiện nay, để phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các quốc gia trên thế giới, tạo thế đan xen có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác. Đồng thời, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh. Giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, dựa vào nội lực là chính; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh; xây dựng và không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin - truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu mốc lịch sử quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta; khẳng định chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Mặc dù 70 năm đã trôi qua, song Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 mãi mãi là niềm tự hào, nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bài đăng trên Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 3 năm 2024
Ngày nhận: 15/02/2024; Ngày phản biện: 10/3/2024; Ngày duyệt đăng: 21/3/2024
1. Từ điển Hồ Chí Minh sơ giản, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 95.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930 - 1954), quyển 2 (1945 - 1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 424-425.
3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 8, tr. 378, 434, 466.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 271.
7. Xem Những nội dung chính và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơnevơ, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 04/4/2024, https://baocaovien.vn/nhung-noi-dung-chinhva-y-nghia-lich-su-cua-hiep-dinh-gionevo/4659.html.
8. Xem Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 34-35.
ThS. PHẠM NGỌC HÒA
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp