Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức ra mắt cuốn sách Nếu chúng ta không cháy lên của nhà văn Ma Văn Kháng.
40 bài viết là 40 câu chuyện xảy ra trong đời sống thực, chất chứa suy tư, chiêm nghiệm của tác giả trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại. Nhà văn đề cập đến trách nhiệm công dân; gương người tốt việc tốt; việc trọng dụng người tài đức; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Trong đó, bài viết có tựa đề Sách, ‘thuốc’ chữa trị bệnh ngu dốt thể hiện nỗi trăn trở của ông với việc đọc sách, đặc biệt là của cán bộ thời nay.
Ngay mở đầu, nhà văn Ma Văn Kháng trích dẫn câu trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy (tác giả người Nga Nicolai Ostrovsky): “Đời người chỉ sống có một lần, sống sao cho khỏi xót xa ân hận những tháng năm sống hoài sống phí”.
“Đây là cuốn sách với câu nói được coi như phương châm sống, khắc họa thành công nhân vật anh hùng trong bão táp cách mạng. Đây cũng là cuốn sách luôn có trong ba lô với súng đạn ra trận cùng lớp thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, nhà văn Ma Văn Kháng viết.
Ông cho rằng, sách có vị trí đặc biệt như vậy, nhưng tỷ lệ người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), giai đoạn 2014-2019 tỷ lệ đọc của người Việt Nam tăng từ 4,1 đầu sách/người/năm lên 4,6 đầu sách/người/năm. Năm 2020, do dịch bệnh nên con số này giảm còn 4,1 đầu sách/người/năm. Trong hơn 400 triệu bản sách phát hành, có tới 300 triệu bản là sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 96 triệu dân, phần sách phổ thông có lẽ chỉ đạt 1 đầu sách/người/năm. Chỉ số này cho thấy sức đọc của người Việt quá thấp.
Nhà văn Ma Văn Kháng kể, thời bao cấp, ông làm thư ký riêng cho Bí thư tỉnh ủy của một tỉnh miền núi, yêu văn chương nghệ thuật, đặc biệt đọc rất nhiều lúc còn trẻ. Thế nhưng, khi ở cương vị đứng đầu một tỉnh ông Bí thư lại chẳng có thời gian ngó ngàng đến những cuốn sách mình yêu thích.
Hãy khoan không nói đến việc thời gian bị chi phối bởi các phương tiện thông tin, đặc biệt là mạng Internet - làm cho tình trạng lười đọc sách có thêm một lý do trở thành căn bệnh trầm kha. Ông muốn nói đến nhịp sống hối hả của guồng máy kinh tế - xã hội, khiến cho nhiều người không còn khoảng trống để tự bồi bổ học vấn bằng việc đọc sách, tự học, trong khi khối lượng kiến thức xã hội và tự nhiên gia tăng chóng mặt.
“Đại thi hào Nguyễn Trãi chỉ ra rằng, sự học là nguồn cội của tất thảy những thành công: “Nên thợ nên thầy vì có học. Có ăn có mặc bởi hay làm”. Ham học hỏi, thích hiểu biết, tham gia việc học là một cách hưởng thụ, là nhu cầu suốt đời của người Việt. Lịch sử dân tộc từng biết đến rất nhiều tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn... Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn tự học. Người đã từng nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Với Người, sách chính là 'thuốc' chữa tội ngu”, ông viết.
Chính vì thế, theo nhà văn Ma Văn Kháng, chúng ta phải chủ động điều chỉnh nhịp điệu cuộc sống, công việc của mình. Sống chậm lại, hài hòa giữa các nhu cầu. Và không thể không có sự phân bổ thời gian cho việc đọc sách, tự học, kết hợp hưởng thụ và nâng cao trình độ.
"Tự học, đọc sách là con đường lớn mỗi người nhất thiết phải qua nếu muốn tiến kịp yêu cầu của cuộc sống hôm nay", nhà văn khẳng định.
Tại buổi ra mắt tác phẩm Nếu chúng ta không cháy lên, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương khẳng định, khi viết về vấn đề chính trị, xã hội, thời sự, ngòi bút của nhà văn Ma Văn Kháng có sự khác biệt bởi ông khai thác, nhìn nhận, phản ánh qua lăng kính của khoa học xã hội nhân văn như văn hóa học, triết học, tâm lý học…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ma Văn Kháng đã kết hợp ngòi bút của nhà văn và nhà báo trong các bài viết khiến những vấn đề chính luận trở nên nhẹ nhàng, gần gũi, thấm thía.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Báo Thời nay (Báo Nhân Dân) cho rằng, cuốn sách dễ tiếp cận với độc giả hiện nay, nhất là người trẻ, bởi tác giả đã hòa nhịp với đời sống đương đại để viết.
Theo Báo VietNamNet
Ngọc Anh Tổng hợp