Nghiên cứu một số mô hình kinh tế tuần hoàn ở vùng Đông Nam bộ

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đây là một mô hình ưu việt, hạn chế tối đa việc tạo ra rác thải, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Một trong những “hình mẫu” thí điểm dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế tuần hoàn đó là vùng Đông Nam Bộ.

Mô hình tái sử dụng và tái chế chất thải ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mô hình tái sử dụng và tái chế thất thải để giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải, triển khai phân loại rác tại nguồn, nghiên cứu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thay thế cho công nghệ chôn lấp nhằm tận dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, để hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn, Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng một số công nghệ sau:

Một là, tái tạo khí bãi rác: Khí bãi rác có hàm lượng mêtan lên tới 50% và hàm lượng năng lượng khoảng 17 MJ/Nm3, cho thấy tiềm năng phục hồi năng lượng của khí bãi rác. Khí bãi rác có thể được sử dụng tương tự như khí sinh học nhằm thu hồi năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện và nhiệt điện kết hợp (CHP). Thành phố Hồ Chí Minh có kinh nghiệm về sản xuất điện từ khí sinh học và kết nối với lưới điện thông qua hoạt động của bãi rác Gò Cát. Bãi rác có hệ thống thu gom và khai thác khí gồm 21 công trình thu gom khí dọc giếng. Tất cả các giếng được kết nối với một hệ thống đường ống làm từ polyetylen. Khí bãi rác phải thông qua một thiết bị khử nước và được chuyển đến cho các máy phát điện. Nếu đạt đủ công suất, hệ thống thu hồi khí có thể thu được 879.650 tấn khí (646.050 tấn CO2 và 233.000 tấn CH4)1. Việc lắp đặt hệ thống thu hồi khí bãi rác tại địa điểm Gò Cát là ví dụ đầu tiên cho hệ thống thu hồi khí tại một bãi rác ở Việt Nam và cho tới nay, hệ thống này vẫn hoạt động hiệu quả.

Hai là, công nghệ điện rác: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) hiện đang hợp tác với các đơn vị và Chính phủ Nhật Bản đưa công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng với mục tiêu không phát thải khí CO2 trong suốt quy trình vận chuyển đến xử lý. Tại chợ nông sản Thủ Đức, rác hữu cơ được thu gom bằng xe điện và dùng chính điện được tạo ra từ quá trình xử lý rác để sạc ngược lại cho xe, tạo nên một vòng khép kín năng lượng giúp giảm phát thải khí CO2. Hệ thống gồm hai thành phần chính: hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác. Sau thời gian vận hành, công nghệ này cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hiệu quả của dự án đã được SIHUB triển khai kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. SIHUB hiện đang thực hiện chuyển giao công nghệ này và nội địa hóa tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, góp phần giải quyết vấn nạn rác thải, đem lại môi trường sống tốt cho người dân.

Ba là, công nghệ đốt (thu hồi hoặc không thu hồi năng lượng): Công nghệ đốt là quá trình xử lý chất thải có liên quan đến quá trình đốt cháy các hợp chất có trong chất thải. Thiêu hủy có thu hồi năng lượng là một trong những công nghệ biến chất thải thành năng lượng (WTE) như khí hóa, nhiệt phân và phân hủy yếm khí.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng công nghệ đốt trong xử lý chất thải nguy hại do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố thực hiện. Mặc dù, công suất xử lý của dự án còn tương đối nhỏ (khoảng 60 tấn/ngày), chưa đáp ứng được khối lượng rác thải phát sinh của Thành phố, song dự án này được coi là tiên phong, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu và chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải của Thành phố. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất viên RDF2 từ rác thải công nghiệp không nguy hại cũng bắt đầu được thử nghiệm với mục đích thay thế các nhiên liệu đốt truyền thống, tạo nền tảng cơ sở nhằm phát triển thị trường nhiên liệu RDF, góp phần làm tăng lợi nhuận và làm giảm áp lực xử lý rác thải.

Thành phố hiện cũng đang triển khai hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho hơn một vạn người dân trên địa bàn - một giải pháp cần thiết nhằm tạo ra nền tảng, cơ sở cho các hoạt động tái sinh, tái chế, tái sử dụng rác tối ưu.

Mô hình kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương đã biến nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp tưởng như không có giá trị thành “tài nguyên” để tạo ra năng lượng và các sản phẩm có giá trị.

Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương bắt đầu đi vào vận hành từ đầu năm 2018. Đây là dự án xử lý rác thải lớn nhất tại Bình Dương, được xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn vay ODA. Ngoài việc thu gom và xử lý rác thải, khu liên hợp xử lý chất thải của tỉnh Bình Dương còn được đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị.

Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã thực hiện rất hiệu quả 2 trong 3R là Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế). Rác thải được thu gom về nhà máy bằng những thiết bị hiện đại. Tại đây, rác được phân loại thành rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Rác thải y tế cũng được phân loại ngay từ khâu đầu tiên với quy trình chặt chẽ nhằm tránh sự lây nhiễm. Rác thải sau khi được phân loại sẽ được đem đi chôn lấp hoặc chuyển qua lò đốt. Tro sau khi đốt được sử dụng theo các nhu cầu khác nhau như trộn với xi măng để làm gạch block, gạch bê tông. Tro từ nguồn rác hữu cơ được pha trộn thêm các chất vi lượng để tạo thành phân bón cho các loại cây công nghiệp, lúa và hoa màu. Nước rỉ rác cũng được xử lý và có thể sử dụng để nuôi một số loại cá như: cá rô phi, cá Koi.

Trong dự án có nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân bón với công suất 840 tấn/ngày; tái chế tro, bùn thải để sản xuất gạch với công suất 2.000m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước để sản xuất gạch với công suất 100 tấn/ngày... Đặc biệt, đối với phần rác thải không thể tái chế có thể tận dụng bằng cách thu gom khí để tạo ra hệ thống máy phát điện với công suất lên tới 2.000kvA.

Việc coi “rác thải là một loại tài nguyên” nhằm tái chế, tận dụng rác, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được chi phí.

Mô hình kinh tế tuần hoàn của Heineken tại tỉnh Vũng Tàu

Heineken Việt Nam đã chia sẻ sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn, qua đó cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực, đóng góp cho xã hội và môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Cụ thể:

Thứ nhất, tiến tới không rác thải cần chôn lấp: gần như 100% chai bia thủy tinh của Heineken được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế. Gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng; các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, giấy bìa, nhôm, nhựa và giấy cũng được tái sử dụng hoặc tái chế.

Thứ hai, xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường.

Thứ ba, 4/6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải CO2. Nhiên liệu sinh khối được sinh ra từ việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa làm nguyên liệu tạo ra hơi nước phục vụ cho việc nấu bia; giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận (năm 2018).

mo-hinh-tuan-hoan-kt-25-01-1693899666.jpg

Mô hình kinh tế tuần hoàn của Heineken.

Mô hình kinh tế tuần hoàn của trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại tỉnh Bình Phước

Mô hình chăn nuôi của trang trại Lộc Phát có diện tích 54ha, với quy mô 2.400 con heo nái và 10.000 heo giống hậu bị. Với quy mô tương đối lớn, vấn đề phát thải khí và chất thải chăn nuôi của trang trại đang làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Để xử lý những chất thải trong quá trình chăn nuôi, giảm thiểu tác hại đối với môi trường, trang trại Lộc Phát đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (biogas) với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Quá trình phân hủy yếm khí trong hệ thống biogas giúp tiêu diệt trứng giun, sán, mầm bệnh, mùi của khí và chất thải chăn nuôi không bị phát tán, bảo đảm vệ sinh môi trường. Toàn bộ chất thải chăn nuôi sẽ được thu gom vào hệ thống xử lý, khí metan tạo ra được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho hệ thống máy phát điện và nhu cầu gas của toàn trang trại. Năng lượng sinh học được tạo ra đã đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng của trang trại. Bên cạnh đó, nước thải và bã sau quá trình xử lý sinh học sẽ được sử dụng để tưới và làm phân hữu cơ cho hàng chục nghìn hécta cao su trong vùng.

Mặt khác, vấn đề xử lý lượng nhau thai heo và heo con mới sinh bị chết được trang trại giải quyết một cách hiệu quả khi biến nó trở thành nguồn đầu vào cho trang trại nuôi cá sấu với số lượng gần 4.000 con. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn của trang trại không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho trang trại Lộc Phát.


1. L. M.: LFG Energy Project Development Handbook, Washington, DC, USA, United States Environmental Protection Agency, 2015.

2. RDF là nhiên liệu từ phế phẩm.

3. D.A. Vermunt: Exploring barriers to implementing different circular business models, Journal of Cleaner Production, 2019.

4. Unilever triển khai mô hình phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế rác thải bao bì nhựa hướng tới mục tiêu 100% lượng rác thải bao bì nhựa từ các sản phẩm của Unilever sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng cho đến năm 2025.

5. Tập đoàn SCG thay thế nguồn nguyên liệu chính là bột giấy tự nhiên bằng giấy phế liệu; bùn thải từ sản xuất giấy được sử dụng làm phân bón cho cây bạch đàn - một nguyên liệu thô để sản xuất giấy.

PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin