Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Admin

CT&PT - Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày toàn văn bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ngày 16/5/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tuyển chọn hơn 150 bài viết, bình luận, đánh giá, phân tích về bài viết của Tổng Bí thư được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung tuần tháng 5/2021 đến nay. Các bài viết đều đánh giá cao giá trị tư tưởng, ý nghĩa, tính lý luận sắc bén trong bài viết của Tổng Bí thư, bày tỏ sự đồng thuận, niềm tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

CT&PT - Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày toàn văn bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ngày 16/5/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tuyển chọn hơn 150 bài viết, bình luận, đánh giá, phân tích về bài viết của Tổng Bí thư được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung tuần tháng 5/2021 đến nay. Các bài viết đều đánh giá cao giá trị tư tưởng, ý nghĩa, tính lý luận sắc bén trong bài viết của Tổng Bí thư, bày tỏ sự đồng thuận, niềm tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Kể từ khi được công bố ngày 16/5/2021 đến nay, bài viết thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của độc giả trong và ngoài nước. Đã có hơn 1.000 bài viết, bình luận, phân tích, đánh giá về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên mọi vùng miền của Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như các chính đảng, chính khách, học giả quốc tế được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những chia sẻ của bạn đọc cho thấy, bài viết của Tổng Bí thư đã được đón nhận với niềm tin tưởng sâu sắc, có tác động to lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi người dân, tiếp thêm động lực, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đặc biệt, bài viết đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, là cơ sở để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Toàn cảnh Lễ ra mắt cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 16/11/2021.

Nội dung cuốn sách kết cấu thành ba phần:

Phần thứ nhất in toàn văn bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ngày 16/5/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng rõ cốt lõi, bản chất của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta một cách đơn giản, dễ hiểu nhất, bằng những luận giải khoa học nhất, phân tích logic, khách quan nhất. Với lập trường duy vật biện chứng, nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ khách quan, trong sự vận động và phát triển không ngừng, từ nhiều chiều cạnh, trên cơ sở tổng kết, phân tích, so sánh sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là dựa trên kinh nghiệm thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư đã có những đánh giá, phân tích hết sức khách quan về bản chất của chủ nghĩa tư bản, khẳng định sự phát triển vượt bậc, những thành tựu to lớn của chủ nghĩa tư bản hiện đại và những thích nghi, biến đổi của chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay; đồng thời, chỉ rõ những vấn đề tồn tại song hành, như: khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn xã hội, khoảng cách giàu nghèo, suy giảm môi trường sinh thái, bất bình đẳng xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh, xã hội với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà chúng ta đang cần và hướng tới là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ sự phát triển trong nhận thức và quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua các thời kỳ. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, song chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Theo Tổng Bí thư, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần phải coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế còn tồn tại và những thách thức mới nảy sinh trong quá trình phát triển đất nước. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của sự thắng lợi và phát triển.

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị cao về tư tưởng - lý luận và định hướng thực tiễn, vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức, tư tưởng về những nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần lần thứ XIII, vừa trực diện đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, lan tỏa những giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phần thứ hai tuyển chọn hơn 100 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân trên mọi vùng, miền của Tổ quốc về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư.

Nội dung các bài viết đã cụ thể hóa, làm phong phú thêm những luận cứ, luận điểm quan trọng, những vấn đề lý luận và thực tiễn trong bài viết của Tổng Bí thư. Với lập luận khoa học, sắc bén, các đồng chí lãnh đạo, nhà nghiên cứu đã góp thêm luận cứ để khẳng định rằng: xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân ta đang đi phù hợp với xu thế của lịch sử, với điều kiện cụ thể của Việt Nam; đồng thời, phân tích rõ hơn những mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước.

Nói về những thành tựu sau 35 năm đổi mới đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được trong 35 năm qua là minh chứng sinh động khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn dân tộc và xu thế thời đại, kế thừa tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại, như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu đã làm và mong muốn.GS, TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, “là thành tựu nhận thức lý luận quan trọng của Đảng, đồng thời là kết quả đúc kết từ thực tiễn sáng tạo sinh động của nhân dân, thể hiện tư tưởng, nguyện vọng và ý chí của cả dân tộc”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, luận điểm về “sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó” của Tổng Bí thư “là cách tiếp cận mới”, “phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và tình hình đất nước ngày nay”.

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: “Chứng kiến một thế giới đầy biến động, bất an, đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp hành tinh, nhưng nhân dân ta vẫn được sống, làm việc và học tập trong môi trường an toàn, tự do và hạnh phúc, chúng ta càng thấm thía hơn về giá trị của chủ nghĩa xã hội và niềm tin sâu sắc vào đường tới tương lai của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn”.

Bên cạnh đó, các bài viết của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, từ cán bộ, đảng viên, giáo viên, kỹ sư, bí thư chi bộ, đến già làng, cán bộ hưu trí,… đều thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với cơ đồ của dân tộc; sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Già làng Tou Prong Dzung nhận thấy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “củng cố niềm tin sắt son cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc”, “là tài liệu quan trọng giúp các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về con đường chúng ta đi, đích chúng ta đến”. Với bút danh Phan Minh Nguyệt, đồng chí Cát Huy Quang, Trưởng phòng Biên tập Quốc phòng - An ninh, báo Quân đội nhân dân bày tỏ: “Đọc kỹ bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi càng hiểu rõ vì sao Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, “những lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất thuyết phục và những điều Tổng Bí thư nêu ra cũng chính là mong muốn của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam”; đồng thời, đóng góp thêm ý kiến về hai vấn đề rất cần thiết để củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí song hành với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chiến lược, đề án, chính sách về phát triển giáo dục, chăm sóc, y tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Dưới lăng kính của các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động khác nhau, từ những vùng miền, địa phương khác nhau, nhiều bài viết được đăng trên các báo và tạp chí đã bày tỏ sự tâm đắc, đồng tình với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những góc nhìn, chiều cạnh hết sức phong phú, đa dạng. Từ khía cạnh mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên và các giá trị văn hóa, PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng gắn với con đường phát triển bền vững đất nước về cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, mang tầm vóc chiến lược, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong dài hạn, đất nước có “của ăn, của để””. Tâm đắc với quan điểm của Tổng Bí thư là phải dựa vào dân nếu muốn đi lên chủ nghĩa xã hội, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa mong muốn: “phát huy vai trò của nhân dân thì tiềm năng của đất nước sẽ được khai thông và bứt phá”. Các tác giả khác cũng cụ thể hóa những nội dung, luận cứ, luận điểm của Tổng Bí thư vào các lĩnh vực như: “bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững” (kỹ sư lâm nghiệp Vũ Đức Triển); “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” (tác giả Nguyễn Hữu Quyền); “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội” (tác giả Trịnh Thanh Vũ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau); “dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” (tác giả Nguyễn Thị Hằng);...

Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sự hưởng ứng nhiệt tình, sâu rộng bài viết của Tổng Bí thư chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phần thứ ba tuyển chọn 50 bài trao đổi, trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam của các học giả, chuyên gia, chính khách, lãnh đạo các đảng cộng sản, đảng lao động, văn nghệ sĩ, nhà báo nước ngoài... bình luận, đánh giá, bày tỏ suy ngẫm, cảm nhận về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Qua các bài viết, có thể thấy, dư luận quốc tế đánh giá cao và đồng thuận với những luận điểm trong bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Nhiều ý kiến của chính giới, của các học giả cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn cho chủ nghĩa xã hội thế giới, làm phong phú thêm tư tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời có ý nghĩa thiết thực đối với các nước đã và đang kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Theo đồng chí Phuvông Ùnkhămxẻn, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “được ví như một giáo trình có giá trị khoa học cao, định hướng cho hoạt động của nhà tư tưởng, lý luận, chiến sĩ cách mạng, cán bộ, đảng viên của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa”. Ngài Keo Baphnom, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia đánh giá, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng, “góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng, “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam…, nhân dân Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Với cách nhìn toàn diện, gắn công cuộc đổi mới của Việt Nam với xu thế quốc tế, phân tích những vấn đề mang tính toàn cầu đối với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, TS. Ruvislei González Saez, Trưởng ban Nghiên cứu châu Á - châu Đại Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế (CIPI) của Cuba nhận định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ “có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận - thực tiễn”, mà còn “là tài liệu tham khảo cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới phấn đấu cho sự phát triển của các xã hội công bằng nhất”. Bàn về ý nghĩa quốc tế của bài viết, GS, TSKH. Andrey Vassoevich, Viện trưởng Viện Đông Phương học, Trường Đại học Sư phạm quốc gia A.I. Herzen, Liên bang Nga cho rằng: “Quan điểm của Tổng Bí thư về phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội là ý tưởng gần gũi không chỉ với hàng triệu người Việt Nam, mà còn với đông đảo người dân trên thế giới”. Đồng chí Francesco Maringiò - Ban Quốc tế, Đảng Cộng sản Italia khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã giúp mở rộng hiểu biết về sự độc đáo của chủ nghĩa xã hội Việt Nam và làm phong phú thêm tư tưởng xã hội chủ nghĩa của thế giới”. Đồng chí Amiad Horowitz - đảng viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ cho rằng: “Bài viết có tầm quan trọng to lớn đối với phong trào cộng sản quốc tế”, “Vì lẽ đó, những người cộng sản trên khắp địa cầu nên nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

*

* *

Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Bối cảnh mới hiện nay mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội, song cũng chứa đựng không ít thách thức, đặc biệt là đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc xuất bản cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cung cấp tài liệu nghiên cứu hết sức giá trị, là định hướng quan trọng giúp các nhà lãnh đạo, quản lý, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc hơn nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó củng cố niềm tin vững chắc, kiên định vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đóng góp tích cực vào việc phát triển, tiếp thêm sinh lực để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta “luôn tươi mới”, thực sự “mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.


Vũ Thị Kiều Trang

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin