Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của ngoại giao ngày càng trở nên quan trọng, đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn ngoại giao, cung cấp nguồn tài liệu phục vụ cho hoạt động đối ngoại của đất nước là việc làm có ý nghĩa chiến lược. Việt Nam - Hoa Kỳ là hai quốc gia có nhiều “duyên nợ”, với mối quan hệ được xây dựng từ hàng thế kỷ trước, nhiều cột mốc đáng nhớ đã được hai bên nỗ lực xây dựng nên trong chiều dài lịch sử quan hệ. Đến nay, Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực và toàn diện. Do vậy, việc xuất bản các ấn phẩm nhằm cung cấp tài liệu cho bạn đọc tham khảo về đất nước, con người, thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước cờ hoa cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật quan tâm chú trọng trong những năm qua.
Nhiều cuốn sách đã được xuất bản như: Góp phần tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của PGS, TS. Phạm Xanh; Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2020) do PGS, TS. Hoàng Văn Hiển, TS. Dương Thúy Hiền đồng chủ biên; Quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2020) của tác giả Đoàn Ngọc Tuấn và Trần Nam Tiến; Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari do Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ (Đồng chủ biên)… của nhiều tác giả có kinh nghiệm dày dặn qua nhiều năm công tác, cùng nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại và kỹ năng ngoại giao, qua đó, bạn đọc có được cái nhìn toàn diện về mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nội dung cuốn sách Quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2020) của các tác giả Đoàn Ngọc Tuấn (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) và Trần Nam Tiến (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), là sự chắt lọc từ luận án tiến sĩ của TS. Đoàn Ngọc Tuấn, được PGS, TS. Trần Nam Tiến hiệu đính và chỉnh sửa bản thảo. Hai tác giả cuốn sách đã nỗ lực giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về quá trình bình thường hóa quan hện Việt Nam - Hoa Kỳ, giải đáp chính xác những biến đổi về chất trong mối quan hệ trong lịch sử bang giao của hai quốc gia, khẳng định nỗ lực vượt qua những khó khăn và khác biệt.
Sách gồm 3 chương: “Những nhân tố tác động đến quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020”; “Thực trạng quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020”; “Một số nhận xét và những vấn đề tồn tại trong quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020”.
Trong cuốn sách, các tác giả đã đi sâu phân tích bối cảnh quốc tế và những yếu tố tác động, chi phối quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ; thực trạng, những bước phát triển trong quan hệ của hai nước; đưa ra những phân tích về các nhân tố tác động đến quan hệ chính trị hai nước, đánh giá những thành công và hạn chế, chỉ ra thuận lợi và thách thức, từ đó đưa ra những nhận xét và đánh giá về tiến trình phát triển của mối quan hệ trên. Cuốn sách cũng góp phần khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, giúp độc giả hiểu rõ hơn những thành tựu về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Cuốn Góp phần tìm hiểu quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ tái hiện lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ khi Th. Jefferson chưa làm Tổng thống nước Mỹ vào thế kỷ XVIII cho đến thời kỳ của Tổng thống H. Truman và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thập kỷ 40 của thế kỷ XX và những chuyển biến của mối quan hệ này cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Trong 220 năm đó đã diễn ra nhiều cơ hội tốt đẹp cho hai dân tộc hiểu biết lẫn nhau, làm bạn với nhau, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đã bị bỏ lỡ.
Trong suốt chiều dài hơn hai thế kỷ ấy, hai quốc gia đã tạo dựng cho mình những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử quan hệ. Mốc son chói lọi nhất được đánh dấu vào ngày 11/7/2005, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau 20 năm gián đoạn từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam tháng 4/1975. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển sâu và đa dạng hơn. Hai nước đã mở rộng trao đổi chính trị, đối thoại về nhân quyền, an ninh quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế.
Cuốn sách còn giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thấy rõ tư tưởng chỉ đạo trong quan hệ ngoại giao của Người: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.
Cuốn Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Pari do tác giả Lưu Văn Lợi (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao) và Nguyễn Anh Vũ (Nguyên Đại sứ nước ta tại Italia) biên soạn, giới thiệu xung quanh các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều cán bộ ngoại giao với các chính khách và nhà ngoại giao nhiều nước khác nhau như chuyện “Những phái viên của Pari”, “Nhà báo Mỹ đầu tiên đến miền Bắc Việt Nam”... Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cung cấp thông tin về những cuộc vận động ngoại giao của Tổng thống Hoa Kỳ L.B. Giônxơn trước thềm hội nghị Pari.
Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam kéo dài gần 5 năm thực sự là cuộc đấu tranh vô cùng gay go, phức tạp đầy kịch tính trên mặt trận ngoại giao, bắt đầu từ Hội nghị bốn bên ngày 18/01/1969 đến Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973. Đây cũng chính là nội dung thứ hai của cuốn sách Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam (1968 - 1973) sau nội dung cuộc đấu tranh tại bàn đàm phán đòi Mỹ chấm dứt ném bom và các hành động chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cuốn sách có nhiều tư liệu phong phú và quý giá, lần đầu tiên được công bố về các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam với các chính khách và nhà ngoại giao nhiều nước trên thế giới.
Với những kiến thức mới mẻ, chuyên sâu và được biên soạn một cách kỹ lưỡng, các ấn phẩm trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt là đối với những cán bộ, nghiên cứu sinh, sinh viên đang công tác, học tập trong lĩnh vực chính trị quốc tế, đặc biệt là mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.
Kiều Trang tổng hợp