Kinh nghiệm về quản lý và sử dụng đất đai của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam

Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp cần quán triệt và thực hiện thật tốt để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong đó, “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai” là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý, sử dụng đất đai của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất những bài học cho Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.

CT&PT - Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp cần quán triệt và thực hiện thật tốt để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong đó, “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai” là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý, sử dụng đất đai của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất những bài học cho Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.

1. Kinh nghiệm quản lý, sử dụng đất đai của một số quốc gia trên thế giới

Kinh nghiệm của Mỹ

Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Có nhiều thành tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế này, trong đó, hệ thống pháp luật và cách thức quốc gia này quản lý, sử dụng đất đai chính là một trong những thành tố tối trọng.

Về diện tích, nước Mỹ có tổng diện tích đất là 9.155.898 km2 với tổng dân số tính đến ngày 15/02/2022 là 334.101.763 người. Mật độ dân số của Hoa Kỳ là 36 người/km2.

Về chế độ sở hữu đất đai, Mỹ thực hiện mô hình đa sở hữu đất đai, đồng thời thừa nhận sở hữu đất đai của tư nhân và của Nhà nước. Cụ thể, luật đất đai của Mỹ công nhận và khuyến khích quyền sở hữu tư nhân về đất đai; các quyền này được pháp luật bảo hộ như một quyền cơ bản của công dân. Cho đến nay, có thể thấy, việc công nhận và khuyến khích quyền sở hữu tư nhân về đất đai có vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân nhằm nâng cao giá trị của đất đai, tạo ra hiệu quả đáng kể trong việc sử dụng đất với phạm vi toàn xã hội. Bên cạnh đó, luật đất đai của Mỹ cũng khẳng định vai trò ngày càng lớn và có vị trí quyết định của Nhà nước trong quản lý đất đai. Các quyền định đoạt của Nhà nước bao gồm: quyền quyết định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quyền quy định về quy hoạch kiến trúc đô thị và công trình xây dựng; quyền quy định về mục đích sử dụng đất; quyền xử lý các tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền ban hành các quy định về tài chính đất; quyền thu hồi đất thuộc sở hữu tư nhân để phục vụ các lợi ích công cộng trên cơ sở đền bù công bằng cho người bị thu hồi… Về bản chất, quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở Mỹ tương đương với quyền sử dụng đất ở Việt Nam.

Về cách thức quản lý và sử dụng đất đai, nước Mỹ gồm 48 tiểu bang nằm liền kề trên một diện tích lớn. Để quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng đất đai một cách tối ưu, Bộ Nông nghiệp nước này đã chia đất đai thành 6 loại chính: thảo nguyên/đồng cỏ, rừng, đất trồng trọt, khu vực sử dụng đặc biệt (Special Use), khu vực hỗn hợp và khu đô thị. Trên cơ sở đó, Chính phủ Hoa Kỳ có chính sách phát triển và cách thức sử dụng đất phù hợp với từng loại đất, phân chia các loại đất thành các khu vực phát triển rất cụ thể. Chẳng hạn, có vùng trồng trọt chuyên để cung cấp trong nước, có vùng chỉ chuyên trồng các loại cây phục vụ cho xuất khẩu có giá trị cao; bên cạnh các khu rừng do Chính phủ Liên bang quản lý, cũng có các khu rừng để dành cho thuê lại phục vụ sản xuất lâm nghiệp; trong khi đó, các vùng thảo nguyên cỏ, vùng đồng bằng luôn được Mỹ quan tâm và bảo vệ diện tích không bị thu hẹp bởi các mục đích sử dụng khác. Thông qua việc phân loại đất và mục đích sử dụng, có thể thấy Chính phủ Mỹ cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Bản đồ về cách thức sử dụng đất của Hoa Kỳ

Về đăng ký đất đai và tài sản gắn liền trên đất, các bang ở Hoa Kỳ đều có luật đăng ký và hệ thống thi hành hoàn chỉnh. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu đất đai, tránh những vụ chuyển nhượng có tính gian lận, để bảo đảm cho bất kỳ người nào muốn thực hiện giao dịch cũng có thể biết có những quyền, tài sản và lợi ích nào thuộc về hoặc liên quan tới mảnh đất hoặc ngôi nhà cụ thể.

Về trách nhiệm quản lý quy hoạch đối với các cấp địa phương, Chính phủ Mỹ có sự phân công rõ ràng và cụ thể từng nhóm nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý quy hoạch đối với các cấp chính quyền, từ chính quyền liên bang, chính quyền tiểu bang đến chính quyền địa phương. Bên cạnh các cấp chính quyền, quá trình quản lý quy hoạch ở Mỹ còn có sự tham gia tích cực của công chúng, góp phần bảo đảm cho quá trình này diễn ra một cách dân chủ, tiếp thu đầy đủ mọi ý kiến và đề xuất của các bên liên quan. Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật của Mỹ cũng được kiện toàn. Trong thực thi pháp luật về đất đai, các cấp chính quyền có thể tự thực hiện sửa đổi và điều chỉnh mô hình luật pháp, hành chính và tư pháp trong phạm vi quyền hạn, giúp hạn chế tình trạng phê duyệt chồng chéo và hiệu quả giám sát thấp. Về thành phần tổ chức quy hoạch của chính quyền địa phương, có sự tham gia của các thành viên là công dân ở mọi lĩnh vực trong xã hội, do đó có thể đưa ra những ý kiến và đề xuất quan trọng, cần thiết về lĩnh vực chính sách và phê duyệt dự án quy hoạch. Chính quyền địa phương khởi xướng các quy định về quy hoạch, trước khi có hiệu lực phải thông qua hội nghị cùng cấp xét duyệt, trong quá trình xét duyệt, trưng cầu dân ý. Một số tiểu bang cho phép công chúng trực tiếp tham đề xuất trong quá trình lập quy định, có một số tiểu bang thì chọn theo cách toàn dân biểu quyết quy hoạch. Nhờ vậy mà tại quốc gia này, công tác quản lý, quy hoạch đô thị đã trở thành một công cụ góp phần kiểm soát và định hướng phát triển đô thị đạt được mục tiêu đề ra.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, với tổng diện tích đất là 9.390.784km2 và dân số 1.446.887.396 người tính đến ngày 15/02/2022. Mật độ dân số của quốc gia này là 154 người/km2.

Về chế độ sở hữu đất đai, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thi hành chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về đất đai - đó là chế độ sở hữu nhà nước và chế độ sở hữu tập thể của quần chúng lao động. Trong đó, toàn bộ đất đai thành thị thuộc về sở hữu nhà nước; đất nông thôn và ngoại ô thành phố, ngoài đất do pháp luật quy định thuộc về sở hữu nhà nước, còn lại là sở hữu tập thể. Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng dưới dạng giao quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp… tức là đã cho phép người sử dụng đất được quyền định đoạt về đất đai, Nhà nước chỉ khống chế bằng quy định mục đích sử dụng đất và thời gian sử dụng đất (quy định là từ 40 - 70 năm). Điều kiện để chủ sử dụng đất được phép chuyển nhượng sau khi được giao đất là: nộp đủ tiền sử dụng đất cho Nhà nước; đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã đầu tư vào sử dụng đất theo đúng mục đích được giao (thông thường là từ 25% trở lên theo dự toán xây dựng công trình khi lập hồ sơ xin giao đất). Chủ sử dụng đất nếu không thực hiện đúng các quy định sẽ bị thu hồi đất.

Về quy hoạch sử dụng đất, luật pháp Trung Quốc quy định, Nhà nước có quyền và có trách nhiệm xây dựng quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi cả nước và trong từng cấp chính quyền theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Đối với đất đai thành thị, Nhà nước tiến hành quản lý bằng quy hoạch. Quy hoạch tổng thể thành phố là kế hoạch có tính tổng thể, lâu dài, chiến lược và chỉ đạo về phát triển kinh tế và xã hội với các công trình xây dựng của thành phố. Đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất các cấp được xây dựng phải bảo đảm các nguyên tắc sau: (1) Phải bảo vệ nghiêm ngặt 120 triệu ha đất canh tác; (2) Sử dụng đất phải tiết kiệm, đem lại hiệu quả sử dụng cao nhất; (3) Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích sử dụng đất của các ngành kinh tế, xã hội và các địa phương; (4) Tăng cường bảo vệ môi trường, phát triển sinh thái tự nhiên nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sống cho người dân của cả nước; (5) Tăng cường kiểm soát vĩ mô của Nhà nước đối với việc sử dụng đất.

Về phân loại đất để quản lý, ở Trung Quốc có 3 loại đất là: (1) Đất dùng cho nông nghiệp: là đất đai trực tiếp sử dụng cho sản xuất nông nghiệp bao gồm đất canh tác, đồng cỏ, đất nuôi trồng thuỷ sản. (2) Đất xây dựng: là đất được sử dụng để xây dựng công trình kiến trúc, nhà cửa đô thị, dùng cho mục đích công cộng, khai thác khoáng sản, đất sử dụng trong các công trình an ninh quốc phòng. (3) Đất chưa sử dụng: là loại đất còn lại không thuộc 2 loại đất nêu trên.

Về kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đai, Nhà nước quy định tổng kiểm kê đất đai 5 năm 1 lần và có thống kê đất đai hàng năm, việc thống kê đất đai hàng năm được tiến hành ở các cấp quản lý theo đơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương. Hồ sơ đất đai được thiết lập đến từng chủ sử dụng đất và cập nhật biến động liên quan đến từng chủ sử dụng đất, đến từng mảnh đất. Kết quả của cuộc điều tra đất đai liên quan đến hiện trạng sử dụng đất sẽ được công bố rộng rãi tới người dân sau khi đã được chính quyền địa phương kiểm tra tính chính xác và được chính quyền địa phương cấp cao hơn phê duyệt. Đối với kết quả điều tra toàn quốc, kết quả sẽ được công bố rộng rãi sau khi được Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Các quy định về điều tra đất đai sẽ do Cơ quan hành chính phụ trách đất đai thuộc Hội đồng Nhà nước, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng.

Về tài chính đất, Trung Quốc không có hình thức giao đất ổn định lâu dài không thời hạn, do đó, luật quy định Nhà nước thu tiền khi giao đất, người sử dụng đất phải nộp đủ tiền sử dụng đất cho Nhà nước mới được thực hiện các quyền; Nhà nước coi việc giao đất thu tiền là biện pháp quan trọng để tạo ra nguồn thu ngân sách đáp ứng nhu cầu về vốn để phát triển.

Về quyền sử dụng đất của người nước ngoài, Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu các công trình trên đất khi mua hoặc khi được hưởng quyền sử dụng đất cho một mục đích và thời hạn cụ thể. Quyền sử dụng đất không bao gồm quyền sử dụng tài nguyên, khoáng sản hoặc tài nguyên dưới lòng đất. Thông thường, công trình trên đất phải được sở hữu bởi cùng một đối tượng được quyền sử dụng đất.

Kinh nghiệm của Pháp

Pháp là quốc gia phát triển, với tổng diện tích đất là 547.571km2 và dân số là 65.525.535 người tính đến ngày 15/02/2022. Mật độ dân số của quốc gia này là 120 người/km2.

Về chế độ sở hữu trong quan hệ đất đai, luật pháp quốc gia này quy định tồn tại song hành hai hình thức sở hữu là sở hữu tư nhân về đất đai và sở hữu nhà nước đối với đất đai và công trình xây dựng công cộng. Trong trường hợp cần sử dụng đất cho các mục đích công cộng, Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu đất đai tư nhân nhường quyền sở hữu thông qua chính sách bồi thường thiệt hại một cách công bằng.

Về công tác quy hoạch đô thị, do đa số đất đai tại Pháp thuộc sở hữu tư nhân, vì vậy để phát triển đô thị, công tác quy hoạch đô thị ở Pháp được quan tâm chú ý từ rất sớm và được thực hiện rất nghiêm ngặt. Cho đến nay, Luật Đô thị ở Pháp vẫn không ngừng phát triển, khuyến khích quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai và khẳng định sự can thiệp ngày càng sâu sắc hơn của Nhà nước, cũng như của các cộng đồng địa phương vào công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch đô thị.

Về công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, mặc dù là quốc gia duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng công tác quản lý nhà nước về đất đai của Pháp được thực hiện rất chặt chẽ. Điều đó được thể hiện qua việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính. Hệ thống hồ sơ địa chính rất phát triển, quy củ và khoa học, mang tính thời sự để quản lý tài nguyên đất đai và thông tin lãnh thổ, trong đó thông tin về từng thửa đất được mô tả đầy đủ về kích thước, vị trí địa lý, thông tin về tài nguyên và lợi ích liên quan đến thửa đất, thực trạng pháp lý của thửa đất. Hệ thống này cung cấp đẩy đủ thông tin về hiện trạng sử dụng đất, phục vụ nhiệm vụ quy hoạch, quản lý và sử dụng đất có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, đảm bảo cung cấp thông tin cho hoạt động của ngân hàng và tạo cơ sở xây dựng hệ thống thuế đất và bất động sản công bằng.

Tóm lại, qua những kinh nghiệm quản lý, sử dụng đất đai của Mỹ, Trung Quốc và Pháp, có thể thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới, dù quy định chế độ sở hữu đối với đất đai khác nhau, đều có xu hướng ngày càng tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Xu thế này phù hợp với sự phát triển ngày càng đa dạng của các quan hệ kinh tế, chính trị theo xu thế toàn cầu hoá hiện nay. Mục tiêu của mỗi quốc gia là nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên trong nước, tăng cường khả năng cạnh tranh để phục vụ cao nhất cho quyền lợi của quốc gia, đồng thời có những quy định phù hợp với xu thế mở cửa, phát triển, tạo điều kiện để phát triển hợp tác đầu tư giữa các quốc gia thông qua các chế định pháp luật thông thường, cởi mở nhưng vẫn giữ được ổn định về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.

2. Một số gợi ý cho Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng đất đai hiện nay

Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam

Đất đai là tài nguyên quý báu, đóng vai trò quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn lực này, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý đất đai, thường xuyên tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật đất đai, đề ra và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng thời kỳ lịch sử.

Kể từ khi Luật Đất đai ra đời lần đầu tiên năm 1987 đến nay, hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai ở nước ta đã phát triển và cơ bản hoàn thiện. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai, đổi mới về giá đất đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, từng bước thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã góp phần làm giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai được quy định cụ thể. Thị trường bất động sản nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng đã từng bước đi vào nề nếp và ổn định, các đơn vị tư vấn định giá đất được hình thành và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo ra nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập còn tồn đọng liên quan đến vấn đề đất đai ở Việt Nam thời gian qua: “Việc khai thác, sử dụng, định giá đất còn nhiều hạn chế, chưa sát thực tế, nhất là trong vấn đề xác định thuế, địa tô, gây thất thu ngân sách nhà nước”; “Liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai và nhiều thủ tục khác chưa thông suốt, hiệu quả”; “Khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”. Những hạn chế này đã làm cản trở quá trình hình thành thị trường đất đai minh bạch, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa ở nước ta.

Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai theo tinh thần Đại hội XIII

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021.

Kế thừa và phát triển một cách sáng tạo các chủ trương, chính sách quản lý tài nguyên đất đai của các Đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những chủ trương, chính sách hoàn toàn mới đối với vấn đề đất đai, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai”. Cụ thể:

(1) Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai.

(2) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất.

(3) Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất.

(4) Quản lý và sử dụng hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất.

(5) Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất.

Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nước ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước trong tình hình mới, đưa Việt Nam thành một nước hùng cường, vững mạnh.

Đề xuất những bài học trong quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai ở Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm thế giới và những chủ trương, đường lối của Đảng

Thứ nhất, ban hành đồng bộ, kịp thời hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai, đồng thời các quy định pháp luật dù có điều chỉnh nhưng vẫn phải bảo đảm tính kế thừa. Xây dựng các quy chế, quy định trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tăng cường công tác quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương; thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến của nhân dân về lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thứ hai, tập trung điều chỉnh, hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về thông tin đất đai bao gồm bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính… xây dựng và vận hành hệ thống thông tin điện tử, đáp ứng nhu cầu thông tin đất đai của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Phải xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đất đai thống nhất, đồng bộ trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại. Thống nhất phương pháp phân loại, quản lý hồ sơ đất đai và công khai thông tin từ trung ương đến địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dữ liệu đất đai.

Thứ ba, cần phải xác định việc đăng ký quyền về tài sản không chỉ là lợi ích của người dân mà đó chính là lợi ích của cả Nhà nước. Để làm tốt việc này cần phải có những biện pháp mạnh để tạo ra những sự thay đổi về mặt nhận thức của cả bộ máy quản lý và đội ngũ công chức nhà nước.

Thứ tư, tăng cường quyền lực của Nhà nước, không có nghĩa là hạn chế quyền của các chủ thể sử dụng đất. Quyền lực Nhà nước phải mạnh, để đảm bảo cho mọi chủ thể được hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật quy định và mọi chủ thể đều được tự do phát triển.

Thứ năm, về dự báo quy hoạch phát triển và nhu cầu sử dụng đất, cần chú trọng quy hoạch các ngành, phát huy lợi thế từng vùng, góp phần chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng ngành, nghề và trình độ phát triển. Cần bám sát các chỉ tiêu quy hoạch để dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Thông qua dự báo quy hoạch phát triển và nhu cầu sử dụng đất, kiến nghị và tham mưu với chính quyền các cấp định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, cần xây dựng các chính sách đất đai phù hợp với thị trường, tạo hành lang pháp lý cho người sử dụng đất. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đất đai theo quy định, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ bảy, đổi mới hệ thống tài chính về đất đai trên cơ sở khẳng định quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước.

Thứ tám, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý điều hành về lĩnh vực đất đai trên cả nước cũng như ở mỗi địa phương để cán bộ, công chức, viên chức và người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Thứ chín, chú trọng việc đào tạo cán bộ chuyên môn tham gia vào công tác quy hoạch sử dụng đất, quản lý nhà nước, đội ngũ tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất và cán bộ, chuyên gia thẩm định, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Song song với đó là tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về đất đai, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.


VŨ THỊ KIỀU TRANG

Tạp chí Chính trị và Phát triển

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin