Khơi dậy, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững

Vũ Thị Kiều Trang

CT&PT - Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng do PGS,TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ trong gần 40 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

khoi-day-phat-huy-hieu-qua-moi-tiem-nang-va-nguon-luc-tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-chinh-tri-va-phat-trien-1702356276.jpeg
PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu đề dẫn.

Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng

Theo PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, có những việc chưa từng có tiền lệ. Trên thế giới, đại dịch COVID-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ... Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại...

Trong bối cảnh đó, với ý chí và quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được triển khai quyết liệt, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chương trình hành động thiết thực của Quốc hội, Chính phủ, quán triệt sâu rộng tới các bộ, ban, ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 nghị quyết và 54 kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển phát triển kinh tế...

Ở nửa đầu nhiệm kỳ này, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW ngày 01/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; các Hội nghị Trung ương 4, 6, 8 khóa XIII đã ban hành Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội năm trước, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội các năm sau. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước (Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng) với thông điệp rất rõ nét. Đó là, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII của Đảng đã nhận định: Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều tăng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại,... đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, có một điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là, Đảng ta đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn, trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, ở trong nước, nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn: Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%/năm; đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân,... hiện vẫn là những vấn đề lớn có nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas diễn biến phức tạp, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta...

Sau một thời gian chuẩn bị, hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng nhằm đánh giá kết quả thực hiện về phát triển kinh tế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tập trung thảo luận làm rõ 4 vấn đề

Tại Diễn đàn, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đề nghị các nhà khoa học, quý vị đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các nội dung:

Một là, phân tích, làm rõ sự cần thiết cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế bền vững. Làm rõ những vấn đề đặt ra để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn; nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hai là, đánh giá những thành tựu của nền kinh tế qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII; chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong nửa nhiệm kỳ còn lại cũng như giai đoạn tiếp theo.

Ba là, đề xuất các giải pháp, kiến nghị khơi dậy, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bốn là, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc, Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn và rất mong nhận được nhiều ý kiến xây dựng, tâm huyết, có giá trị của các quý vị đại biểu nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế.

PGS, TS. Vũ Trọng Lâm cho rằng: Diễn đàn kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng với sự góp mặt của các phóng viên, nhà báo đến từ nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, Ban tổ chức mong muốn các cơ quan thông tin truyền thông tích cực phổ biến và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cũng như những dấu ấn lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

Nhóm phóng viên

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin