Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới

Vũ Thị Kiều Trang

CT&PT - Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đẩy mạnh tấn công mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, trong đó tập trung tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

1. Sự cần thiết phải bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới

Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu nổi bật và vĩ đại của loài người về lý luận phát triển xã hội. Sức sống và ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được chứng minh qua các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống áp bức, bóc lột, vì một xã hội công bằng, tiến bộ, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nganăm 1917. Tại Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”1. Theo đó, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới luôn là nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Bản chất cách mạng, khoa học và sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác - Lênin

Thực tiễn đã chứng minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng, có giá trị và sức sống trường tồn. Đến nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều bài nói, bài viết của các chính khách, nhà khoa học ở trong và ngoài nước đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng. Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của C. Mác vẫn tỏa sáng và phải dựa vào C. Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại.

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), Hồ Chí Minh viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Trả lời phỏng vấn của nhà báo người Pháp Sáclơ Phuốcniô ngày 15/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”3.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam

Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận quan trọng quyết định sự hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lênin cung cấp thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt ra những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, tư tưởng, về tinh thần xử lý mọi việc. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong hệ thống phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như quá trình Người nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách cơ bản, hệ thống. Ngày 12/7/1946, trong cuộc họp báo diễn ra tại biệt thự Roayan Môngxô, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”4. Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin để đưa ra các quan điểm riêng, mà luôn “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: trước khi đến với chủ nghĩa Lênin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ đồng tình với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”5. Nhưng “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”6.

Không chỉ tự học, Hồ Chí Minh còn học tập chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhà trường cách mạng, học qua lớp ngắn hạn của Trường Đại học Phương Đông (Mátxcơva, năm 1924). Từ tháng 10/1934 đến cuối tháng 9/1938 (với bí danh Lin), Hồ Chí Minh học tại Trường Quốc tế Lênin, là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích học chủ nghĩa Mác - Lênin là để “phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa”7, “Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin”8. Người nhấn mạnh: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Theo Người: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”10. Trong bài viết V.I. Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam đăng trên Báo Nhân Dân, số 2951, ngày 22/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin”11.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là… kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”12. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh quan điểm này. Nhờ sự kiên định, vững vàng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, chính trị ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.

Sự chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch

Dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc bảo vệ và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta ngày càng trở nên cấp thiết. Những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại đã xâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt, sự phổ biến của internet, mạng xã hội,… đã phá vỡ giới hạn về không gian, thời gian của giao tiếp thông thường. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch ráo riết chống phá, phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch; có quan điểm thừa nhận giá trị lịch sử, song lại phủ nhận giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin. Một số quan điểm lại cho rằng ở Việt Nam hiện tại, học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, nhằm mục đích cô lập, tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin. Những luận điểm sai trái đó không chỉ nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Thắng lợi của cách mạng cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 90 năm qua là kết quả tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Trong đó, có một thực tế không thể phủ nhận, đó chính là nhờ Đảng ta đã được vũ trang bằng lý luận cách mạng và khoa học nhất của thời đại chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tình hình mới, việc tiếp tục kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là một tất yếu khách quan, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết.

Ngay từ Luận cương chính trị (tháng 10/1930) cho đến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) đến nay, Đảng ta có sự phát triển, bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng”. Qua đó cho thấy nhận thức đúng đắn, sâu sắc của Đảng ta về mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới, đồng thời đúc rút một số bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định: “trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội13. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”14. Có thể thấy, Đảng ta xác định rõ quan điểm: công cuộc đổi mới hiện nay phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh… Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Lịch sử đã chứng minh, nếu mơ hồ, dao động về hệ tư tưởng sẽ lúng túng trong hoạch định chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức và tất yếu dẫn đến thất bại trong hành động. Vì vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, nhất là trong bối cảnh mới của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuyệt đối kiên định, vận dụng linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Giải pháp bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới

Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong giai đoạn cách mạng mới không chỉ nhằm khẳng định bản chất khoa học, đặc trưng, tính ưu việt của chủ nghĩa Mác - Lênin so với các học thuyết khác trong lịch sử, mà đó còn là mệnh lệnh, yêu cầu sống còn đối với những người cộng sản chân chính.

Để làm được điều đó, đòi hỏi trên hết và trước hết là những người xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận phải vững vàng, góp phần nâng cao bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; bảo vệ và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam; tích cực vận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền nhằm kết nối, chia sẻ những thông tin hữu ích, đấu tranh ngăn chặn những nhận thức, quan điểm sai trái, thù địch; đa dạng hóa các hình thức đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, gắn lý luận hóa thực tiễn với thực tiễn hóa lý luận; xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận chính trị có lập trường kiên định, vững vàng, gắn với kiến tạo đội ngũ những nhà khoa học chuyên ngành và liên ngành, nhằm xây dựng đội ngũ các nhà lý luận xuất sắc, trong đó các nhà lý luận chính trị đóng vai trò nòng cốt; xây dựng cơ chế nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cơ bản, thực sự dân chủ và minh bạch; chú trọng sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu lý luận chính trị; có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với các nhà khoa học lý luận chính trị, giúp họ yên tâm công tác, luôn tâm huyết trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Kiên quyết, chủ động vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch; đa dạng hóa các hình thức đấu tranh; tiếp tục phát huy vai trò của các nhà nghiên cứu, các giảng viên giảng dạy chính trị trong các trường chính trị, trường đại học, các học viện cũng như cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo thành thế trận vững chắc, chủ động đấu tranh ngăn chặn sự chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch.

Trong tình hình mới, nhất thiết phải coi trọng việc xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo đảm trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng các lực lượng chuyên trách, thường trực, tác chiến nhanh, chính xác, có thể xoay chuyển tương quan so sánh lực lượng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới gắn với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã hội.

Bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường; cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng ngày càng trở nên khó khăn. Vì vậy, cùng với việc tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải từng bước hiện thực hóa những mục tiêu, lý tưởng về chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Chứng minh tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở những kết quả, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.

Tóm lại, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là bảo vệ lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, toàn thể nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; bảo vệ linh hồn, mạch sống của Đảng, bảo vệ công cụ nhận thức vĩ đại, vũ khí tư tưởng sắc bén của cách mạng Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 21.

2, 3, 4, 9, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 2, tr. 289; t. 15, tr. 589-590; t. 4, tr. 315; t. 15, tr. 668; t. 1, tr. 509-510; t. 13, tr. 381.

5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 561, 563.

7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 290.

12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 88, 180.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 109.

ThS. NGUYỄN TRUNG DŨNG

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

ThS. ĐẶNG CÔNG THÀNH

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin