Nhân dân Điện Biên với Chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh

Phạm Thị Hương

CT&PT - Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Điện Biên được coi là “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc. Lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Điện Biên gắn liền với những chặng đường đấu tranh anh dũng, bất khuất, đầy hy sinh, gian khổ song cũng vô cùng vẻ vang của quân và dân nơi đây. Mặc dù phải trải qua những thăng trầm của lịch sử, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết một lòng, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có sự góp công to lớn của nhân dân Điện Biên

Năm 1953, trước nguy cơ thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, ép buộc Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh. Để tìm lối thoát cho quân đội, tranh thủ sự viện trợ của Mỹ, thực dân Pháp đẩy mạnh chiến tranh, cố tìm một thắng lợi quân sự để “rút lui trong danh dự”. Ngày 07/5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Nava sang làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đồng thời thông qua Kế hoạch Nava với hy vọng “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Điều này một mặt làm tăng thêm sự ngoan cố của thực dân Pháp; mặt khác, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn cho cách mạng Việt Nam.

Dưới sự giúp đỡ của Mỹ, thực dân Pháp nhanh chóng tiến hành xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương với 49 cứ điểm và ba phân khu liên hoàn; ra sức tăng cường binh lực với tổng số quân số lên đến 16.200 người, gồm 21 tiểu đoàn. Các tướng lĩnh và chính khách của Pháp, Mỹ đều khẳng định, Điện Biên Phủ là một pháo đài quân sự “bất khả xâm phạm”, một “con nhím” sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của đối phương. Những người cầm đầu bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã chọn Điện Biên Phủ làm nơi “thách đấu” sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.

Với tinh thần cả nước hướng về Điện Biên Phủ, quyết giành được hòa bình, độc lập, tự do, quân và dân ta đã huy động tối đa cho chiến dịch. Về lực lượng quân sự, Việt Nam huy động 5 đại đoàn chủ lực (308, 312, 316, 304, 351) với gần 5,5 vạn người. Lực lượng phục vụ chiến dịch gồm 260.000 dân công hỏa tuyến, hơn 600 xe ôtô, 20.000 xe thồ, 11.800 thuyền và hàng chục tấn đạn dược… Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, nhân dân ta đã “vét những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội ăn no đánh thắng”. Con đường vận chuyển lên chiến trường mặc dù gặp phải sự phá hoại dữ dội của máy bay địch, song hàng nghìn dân công hỏa tuyến vẫn ngày đêm đem những hạt gạo và niềm tin của hậu phương ra tiền tuyến.

Với quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, mặc dù điều kiện sống còn vô vàn khó khăn, song theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đóng góp một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội. Sự hy sinh lớn lao đó được các đồng chí ở mặt trận ghi lại: Chúng tôi hỏi mua thóc gạo, bà con chỉ ra đồng, bảo cứ đến chỗ đó mà lấy. Bộ đội chỉ việc gánh, còn việc định giá cả, trả tiền đã có cán bộ cơ sở phụ trách. Do đó, chỉ trong một ngày, quân đội ta đã huy động được hàng trăm tấn thóc1. Riêng ở huyện Điện Biên, khi cán bộ đến mua thóc cho Chính phủ, ngay lập tức đồng bào đã đồng ý để phục vụ bộ đội ăn no đánh giặc. Đồng bào Mông ở vùng cao Điện Biên đã đi bộ cả ngày để mang lợn về cho bộ đội, tăng thêm thực phẩm để nuôi quân2. Theo thống kê, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đóng góp 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh, 16.972 dân công vối 568.139 ngày công, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm bè vượt sông; đóng góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội ta vượt qua3. Riêng huyện Điện Biên - nơi trực tiếp diễn ra chiến dịch đã huy động được 3.600 dân công, 555 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 105 tấn), 36,7 tấn thịt và 104 tấn rau.

Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Điện Biên bị tổn thất nghiêm trọng: 328 người dân bị chết, 283 người bị thương, 1.255 nhà bị đốt phá... Những thiệt hại về người và của đã làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, “có đến 60% dân bị đói phải ăn củ nâu, củ bấu, vùng thấp phải ăn cháo”4. Trong hoàn cảnh thiếu, đói trầm trọng, song đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, tích cực, hăng hái tham gia phục vụ kháng chiến. Trên mảnh đất trực tiếp diễn ra chiến tranh ác liệt lúc bấy giờ, sự chi viện kịp thời của hậu phương tại chỗ là sự cố gắng vượt bậc và vô cùng quý giá. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp khẳng định: “một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”5, bởi những cân gạo, thịt, rau được huy động tại chỗ không chỉ có giá trị gấp hàng chục lần khối lượng huy động từ hậu phương xa đến, mà còn phục vụ nhanh chóng, kịp thời tại chỗ cho quân đội ta. Qua đó cho thấy sự nỗ lực to lớn của Ban Cán sự Đảng và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên; kết tinh của truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc Điện Biên và sự vận dụng sáng tạo chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ6.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu gian khổ và anh dũng, quân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của quân địch. Kế hoạch Nava của thực dân Pháp đã bị phá hủy hoàn toàn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”7.

Thất bại của thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự thất bại về chiến lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Nhà sử học người Pháp Giuyn Roa cho rằng: “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”. Với quân đội và nhân dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi lịch sử, bởi “Thắng lợi này chứng tỏ quân ta tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì trận Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử kháng chiến từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta. Thắng lợi này cũng chứng tỏ sức cố gắng phi thường của nhân dân ta và Đảng ta về phục vụ tiền tuyến. Nó cũng chứng tỏ tổ chức phục vụ tiền tuyến của ta đã tiến bộ nhiều để đáp ứng với cuộc chiến tranh quy mô lớn và đang bắt đầu hiện đại hóa. Chiến thắng ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường toàn quốc năm nay chứng tỏ không những bộ đội chủ lực của ta tiến bộ lớn, mà bộ đội địa phương, dân quân du kích trên các chiến trường cũng tiến bộ nhiều. Từ trước đến nay chưa lúc nào, quân ta phối hợp tác chiến rộng khắp và liên tục và thu nhiều thắng lợi như hiện nay”8. “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”9.

2. Sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Về kinh tế

Thứ nhất, quy mô, tốc độ tăng trưởng của tỉnh được duy trì, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu chi ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu. Kinh tế của tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng liên tục qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,83%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước trong cùng thời kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 23,96% (năm 2015) xuống còn 18,22% (năm 2020), trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,74% (năm 2015) lên 22,65% (năm 2020). Đặc biệt, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng vượt trội so với hai nhóm ngành trên, tăng từ 51,71% (năm 2015) lên 54,19% (năm 2020)10.

Cùng với quá trình chuyển dịch hoạt động sản xuất, sự chuyển dịch cơ cấu lao động cũng có sự thay đổi đáng kể theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ. Thu - chi ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ cấu chi trong cân đối thay đổi tích cực. Chi đầu tư năm 2020 tăng 6% so với năm 2015; chi thường xuyên giảm 4,3% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 55.257 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.794,01 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.249,94 tỷ đồng, tăng gấp 1,44 lần so với năm 2015 (vượt 4,16% so với mục tiêu đề ra. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 54.998 tỷ đồng (đạt 108%); tốc độ tăng chi bình quân trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt gần 8%/năm; cơ cấu chi trong cân đối thay đổi theo hướng tích cực11.

Thứ hai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan. Tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Sản lượng lương thực có hạt tăng đều qua các năm, trong đó chủ yếu là lúa, ngô. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh năm 2020 đạt 42,66%, cao hơn so với bình quân của cả nước. Các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất tiến bộ bước đầu hình thành. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc12.

Thứ ba, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, tập trung chủ yếu vào các ngành có tiềm năng, thế mạnh. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân đạt 7,79%/năm, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành: thủy điện; khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tiếp tục duy trì, khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống.

Thứ tư, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển. Thương mại phát triển khá, thu hút các thành phần kinh tế tham gia… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Ngành du lịch có bước phát triển nhanh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 21,13%/năm. Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển khá, chất lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19%/năm. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%/ năm. Hoạt động tín dụng, ngân hàng ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao13.

Thứ năm, huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển. Triển khai quyết liệt các đề án, kế hoạch, chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân đạt 13,1%/năm. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực14.

Thứ sáu, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng kinh tế và các thành phần kinh tế theo hướng đa dạng.

Đối với vùng kinh tế động lực xuyên suốt quốc lộ 279: Tập trung đầu tư từng bước nâng cấp đô thị thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; kết cấu hạ tầng trung tâm huyện Điện Biên, thị trấn huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tây Trang tiếp tục được hoàn thiện; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, góp phần đưa khu vực này tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động nhất, với mức đóng góp trên 70% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đối với vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà: Tiềm năng, lợi thế của vùng từng bước được khai thác và đem lại hiệu quả nhất định; xây dựng các nhà máy thủy điện, phát triển các loại cây công nghiệp có thế mạnh; từng bước triển khai tuyến vận tải đường thủy gắn với phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Đối với vùng kinh tế Mường Chà - Nậm Pồ - Mường Nhé: Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; kết cấu hạ tầng của huyện Nậm Pồ từng bước hoàn thiện. Bước đầu tổ chức khai thác các lợi thế về rừng, đất lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi đại gia súc; thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án trồng cây cao su, cây mắc ca, trồng rừng và thủy điện; từng bước khai thác tốt thương mại, mậu dịch biên giới với Trung Quốc qua lối mở A Pa Chải - Long Phú15.

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên quan tâm xây dựng, ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo đúng quy định. Phát triển các loại hình doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước. Cơ cấu thành phần kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước, từ 69,35% (năm 2015) lên 70,54% (năm 2019).

Thứ bảy, công tác sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La được quan tâm chỉ đạo và từng bước phát huy hiệu quả. Thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé và Nậm Pồ; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La16.

Thứ tám, quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động cấp phép, khai thác khoáng sản trái phép gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn; chú trọng bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Quản lý và thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, giao rừng; khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất, cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất được phát huy tạo nguồn lực nhất định cho đầu tư phát triển.

Về văn hóa - xã hội

Một là, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên. Mạng lưới trường, lớp học phát triển tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Việc rà soát, sắp xếp lại các trường, lớp học, nhằm tinh giản đầu mối và biên chế được quan tâm, chú trọng. Kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được giữ vững và từng bước nâng cao.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tăng cường liên kết đào tạo với các trường đại học, học viện, trong đó chú trọng đào tạo chính quy, liên thông cao đẳng, đại học, sau đại học. Đào tạo nghề gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Không ngừng tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo với các tỉnh Bắc Lào, Vân Nam (Trung Quốc) và Trường Đại học Udon Thani Rajabhat, Vương quốc Thái Lan. Các hoạt động xã hội hóa, khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực17.

Hai là, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ có sự chuyển biến tích cực. Các đề tài khoa học được triển khai theo hướng nghiên cứu gắn với ứng dụng, bám sát tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từng bước được áp dụng vào thực tế, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi. Nhiều đề tài, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi, cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn trong việc đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, lợi về nông nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh.

Ba là, công tác y tế, dân số được quan tâm, mạng lưới y tế từng bước được hoàn thiện. Triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao, trong đó có nhiều bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh. Dân số, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện hiệu quả, chất lượng dân số nâng lên. Tốc độ tăng dân số hằng năm đạt 1,73%; mức giảm tỷ suất sinh đạt 0,46‰/năm; tổng tỷ suất sinh đạt 2,7 con.

Bốn là, hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung đa dạng, phong phú, bảo đảm kế thừa truyền thống văn hóa của các dân tộc, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Số thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư và hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được gìn giữ, phát huy. Việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc phục vụ phát triển du lịch được quan tâm, chú trọng. Công tác xã hội hóa tiếp tục được đẩy mạnh; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển với các loại hình và phương thức hoạt động mới, đa dạng, phong phú18.

Năm là, hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình bảo đảm thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích và phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Hệ thống thông tin liên lạc được bảo đảm an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức và nhân dân. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông từng bước được đầu tư hiện đại hóa. Thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Sáu là, lao động, việc làm và an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và giải quyết việc làm, chất lượng lao động ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện giải quyết việc làm mới cho 45.030 lao động, bình quân đạt 9.006 lao động/ năm; đào tạo nghề cho 40.650 lao động, bình quân đạt 8.126 lao động/năm, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 57%, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2020 xuống còn 2,5%. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi và đối tượng hưởng trợ giúp xã hội; hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ cho các đối tượng chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ, trợ cấp góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế19.

Bảy là, công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm chỉ đạo. Các chương trình, dự án, đề án đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện hiệu quả, góp ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được tăng cường; tích cực tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động20.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng được bảo đảm, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng; công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được triển khai đồng bộ, khá toàn diện; công tác dân vận có bước đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng được triển khai sâu rộng và đạt kết quả quan trọng; phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp có nhiều đổi mới cả về lề lối làm việc và tác phong công tác; hoạt động của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng được quan tâm, chú trọng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới có nhiều bất ổn, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ vẫn đạt gần 7.500 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm, tăng 22 tỷ đồng so với thực hiện cùng kỳ năm 2022. Lượng khách đến tham quan du lịch và làm việc ước đạt 323 nghìn lượt người, tăng 95 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường21.

Có thể khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh lòng dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của nhân dân Điện Biên. Sức mạnh đó được nhân lên gấp bội trong công cuộc đổi mới nhằm xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh với mục tiêu “… phấn đấu xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”22.


1. Xem Phạm Kiệt, Nguyễn Thanh Bình: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, t. 2, tr. 51-52. 2, 3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, 1999, t. I, tr. 214, 216.

4, 5. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945 - 1975), Sđd, t. I, tr. 202-203.

6. Tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 22/2003/QH, ngày 26/11/2003 của Quốc hội về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên là 955.409,70 ha với dân số là 440.300 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi) và 6 huyện: Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay (trừ: xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng), Cổng Thông tin điện tử tỉnh Điện Biên, ngày 16/8/2021, https://www.dienbien.gov.vn/portal/Pages/2021-8-16/ Lich-su-hinh-thanh-tinh-Dien-Bienfext78.aspx.

7. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 50.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 100.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 315.

10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 22. Toàn văn dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên, ngày 02/07/2020, https://dienbientv.vn/tin-tuc-su-kien/chinh-tri/202007/ gop-y-du-thao-bao-cao-chinh-tri-dai-hoi-dang-bo-tinh-dien-bienlan-thu-xiv-nhiem-ky-2020-2025-toan-van-du-thao-bao-cao-chinhtri-cua-bch-dang-bo-tinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-dienbien-lan-th-5688983/.

21. Thanh Tùng: Thành phố Điện Biên Phủ: Thông qua báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023, Cổng thông tin điện tử thành phố Điện Biên Phủ, ngày 29/9/2023, http://tpdienbienphu. dienbien.gov.vn/portal/Pages/2023-9-29/Thanh-pho-Dien-Bien-PhuThong-qua-bao-cao-tinh-hin9ml8kg.aspx.

PGS, TS. VŨ QUANG VINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin