Tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14

Phạm Thị Hương

CT&PT - Sau 3 năm triển khai vận hành chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là bảo đảm vai trò giám sát khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau ba năm triển khai Nghị quyết số 131/2020/QH14, bài viết đề xuất giải pháp tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 131) xác định: Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm: Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận; Lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền; Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn; Bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 131, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, song, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần có những giải pháp kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

1. Thực trạng thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 131/2020/QH14

Một số kết quả nổi bật

Một là, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố

Hội đồng nhân dân Thành phố tham mưu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy những vấn đề phát sinh, vướng mắc của chính quyền Thành phố, mạnh dạn đề xuất các giải pháp để tham mưu cho Thành ủy lãnh đạo kịp thời, đồng thời có chủ trương cụ thể nhằm giải quyết triệt để các vụ việc tồn đọng kéo dài. Việc ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021 - 2026” đã góp phần quan trọng trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân Thành phố theo Nghị quyết số 131. Cùng với việc thực hiện hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức cho đại biểu thực hiện quyền chất vấn đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận. Đồng thời, tăng cường giám sát việc trả lời các kiến nghị của cử tri, nắm bắt kết quả giải quyết, chấn chỉnh kịp thời những vụ việc kéo dài, các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm.

Hai là, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố không ngừng được nâng cao

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 quận tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận với nhân dân theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ, yêu cầu gửi báo cáo kết quả đối thoại về Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị. Quan tâm giám sát đối với Ủy ban nhân dân quận, phường nơi không có tổ chức Hội đồng nhân dân với các nội dung cụ thể; phát huy vai trò của chuyên gia trong tham gia hoạt động giám sát; tập trung theo dõi kiến nghị của cử tri thông qua Tổ đại biểu trực tiếp tại địa bàn được phân công; tiếp tục lắng nghe đề xuất, kiến nghị của cử tri qua tổng đài 1022. Nâng cao chất lượng giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. Phát huy vai trò của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tại địa bàn ứng cử, nhất là 16 quận không có Hội đồng nhân dân quận, phường; Tổ đại biểu chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân về những vấn đề giám sát, kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử và có giải pháp phối hợp các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các cơ quan, địa phương giám sát chuyên đề, theo dõi và thông tin kết quả giải quyết tới cử tri. Tổ đại biểu phối hợp với địa phương và tận dụng nguồn lực của từng đại biểu để làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa bàn ứng cử.

Ba là, công tác giám sát đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận được tăng cường

Thực hiện Nghị quyết số 131, Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện “Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận”. Định kỳ 6 tháng, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố tham mưu Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập Đoàn Giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn Thành phố.

Bốn là, thực hiện tốt quyền đại diện của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát khi thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 312 cuộc giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo. Đặc biệt, đã tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh1. Qua giám sát đã đề xuất Thành phố quan tâm một số vấn đề: công tác phân cấp ủy quyền đối với thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; đề xuất Trung ương các nội dung phân cấp quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố; công tác cải cách hành chính gắn với khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; định kỳ tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhằm lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn đối thoại với người dân thông qua 10 Chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, 5 Chương trình: “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, 9 Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố”; đồng thời tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, giới, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

Trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai Cổng thông tin 1022, với sự tham gia của 86 đơn vị, 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng của Thành phố. Cổng thông tin 1022 có nhiệm vụ tiếp nhận và giải đáp thông tin, là kênh kết nối chính quyền Thành phố với người dân, phản ánh thông tin thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: hạ tầng kỹ thuật đô thị (hệ thống điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, viễn thông…), tài nguyên, môi trường, trật tự đô thị, ý kiến, góp ý của người dân. Tháng 4/2022, Thành phố Hồ Chí Minh công bố và đưa vào hoạt động Hệ thống theo dõi việc xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022, góp phần giúp lãnh đạo Thành phố và các đơn vị dễ dàng tra cứu, theo dõi, giám sát dư luận từ đó kịp thời đưa ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp2.

Một số hạn chế, bất cập

Báo cáo số 500/BC-HĐND, ngày 06/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sơ kết việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021 - 2026” chỉ rõ một số hạn chế: (1) Số lượng các cuộc giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra; (2) Một số nội dung triển khai chậm, nhất là việc ký kết quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Thủ Đức và 5 huyện; (3) Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và các cơ quan còn một số hạn chế, đặc biệt là công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố trong chuẩn bị một số nội dung phục vụ kỳ họp; (4) Công tác đối thoại, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại một số nơi còn chậm trễ; (5) Hiệu quả cải cách hành chính chưa cao; (6) Công tác giám sát và phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, năng lực giám sát, phản biện xã hội của một bộ phận cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn.

2. Một số định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Thành ủy với tổ chức và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua: (1) Nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng về chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân; (2) Xác định rõ cơ chế lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố đối với Hội đồng nhân dân Thành phố. Chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo cấp ủy với lãnh đạo chính quyền như một sự bảo đảm lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng; (3) Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy thông qua việc giới thiệu, lựa chọn ứng viên bảo đảm năng lực đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố.

Hai là, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đặc biệt là đối với những địa phương thực hiện chính quyền đô thị không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường như Thành phố Hồ Chí Minh. Một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát cần kiến nghị hoàn thiện như: quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, hệ quả pháp lý đối với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp không thực hiện đúng quy định pháp luật trong hoạt động mà bị phát hiện thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; quy định bổ sung chế tài cụ thể bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân, chế tài đối với hành vi lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động, lôi kéo bè phái...; quy định rõ những nội dung cơ bản mang tính bắt buộc trong báo cáo để cung cấp, đánh giá, nhận định, tiêu chí cụ thể xác định chất lượng các báo cáo giám sát; tiêu chí, yêu cầu đối với các nghị quyết giám sát của Hội đồng nhân dân trong các lĩnh vực; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý của hoạt động giải trình của người có trách nhiệm giải trình. Chủ động xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố bảo đảm phù hợp với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019).

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng của các hoạt động giám sát như: (i) chất lượng giám sát tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân Thành phố; (ii) hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố (iii) hoạt động giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố; (iv) hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; (v) phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cần triển khai thực hiện tốt phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; chủ động đa dạng hóa cách thức tiếp cận, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân; tập hợp chính xác, đầy đủ các kiến nghị từ phía cử tri. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận, chi hội khu phố, tổ dân phố, bảo đảm điều kiện để công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố được triển khai thuận lợi.

Bốn là, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát về hoạt động giám sát. Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm của Đảng trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng của hoạt động giám sát; tạo điều kiện để các đối tượng chịu sự giám sát có môi trường tiếp cận, nghiên cứu quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để đối tượng chịu sự giám sát nhận thức rõ các quyền của mình đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân: quyền được thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát, nội dung yêu cầu báo cáo; quyền được giải trình, bảo vệ tính đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ của mình; quyền đề nghị chủ thể giám sát xem xét lại kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát liên quan đến hoạt động của mình. Cùng với việc thụ hưởng quyền, chủ thể chịu sự giám sát cũng phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng: thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin, báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời; chịu trách nhiệm pháp lý nếu có hành vi cản trở hoặc không thực hiện đúng nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hiện hoạt động giám sát trên cơ sở triển khai các phương thức: (i) Thông qua Quy chế phối hợp giữa Thành ủy, Quận ủy với Hội đồng nhân dân Thành phố. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra Thành phố, tăng cường giám sát theo Quyết định số 1374-QĐ/TU của Thành ủy; (ii) Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân với công tác thanh tra của Ủy ban nhân dân, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân quận, hoạt động giám sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân quận; (iii) Sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp của Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Quy chế phối hợp của Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, phường; (iv) Tăng cường công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra Thành phố trong xây dựng chương trình giám sát nhằm tránh sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, đối tượng giám sát; (v) Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông trong tổ chức diễn đàn đối thoại với người dân; (vi) Đổi mới hình thức đối thoại để kịp thời giải quyết ý kiến của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương: người khuyết tật, người khiếm thính, khiếm thị...

Sáu là, tăng cường hiệu quả thực hiện các quyết định giám sát của chủ thể giám sát. Muốn vậy, báo cáo giám sát phải bảo đảm toàn diện, chất lượng, đúng pháp luật; báo cáo kết quả giám sát cần được gửi kịp thời tới những chủ thể thực hiện hoạt động giám sát nhằm theo dõi, đôn đốc thực hiện: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đối với trường hợp chậm thực hiện, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân có văn bản nhắc nhở, yêu cầu khẩn trương thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ trong kết luận giám sát; coi hoạt động đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát là bước tiếp theo của hoạt động giám sát. Truyền thông đầy đủ, kịp thời quá trình giám sát và sau giám sát để cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân được biết và tham gia vào quy trình hoạch định, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn trực thuộc cần xác định việc giải quyết những kiến nghị sau giám sát của chủ thể giám sát là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành hệ thống chính trị địa phương.

Bảy là, nâng cao hiệu lực giám sát thông qua việc nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện hoạt động giám sát. Trước hết, cần bảo đảm hiệu quả hình thức xem xét, thẩm tra báo cáo, kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin...; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo không đúng quy định; bảo đảm chất lượng của hoạt động thẩm tra, các Ban Hội đồng nhân dân tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình, nghiên cứu tài liệu phục vụ hoạt động thẩm tra. Nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền ban hành theo quy định tại Điều 27, 28, 29, 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), về thể thức và kỹ thuật trình bày được thực hiện theo quy định hiện hành; về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật. Đổi mới hình thức giám sát thông qua việc tiếp công dân, theo dõi, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giám sát theo hình thức trực tuyến.

Tám là, tăng cường các điều kiện bảo đảm việc thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp: (1) Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân sự: thực hiện rà soát, sắp xếp, bảo đảm số lượng biên chế, chất lượng và tính chuyên nghiệp của nhân sự làm công tác tham mưu, phục vụ; năng lực, phẩm chất của nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân các cấp; nhân sự giữ chức vụ tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (số lượng đại biểu chuyên trách, kiêm nhiệm). (2) Bảo đảm kinh phí và điều kiện vật chất cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân. Bố trí các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ hoạt động giám sát: số hóa dữ liệu về kết quả báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân phục vụ công tác tái giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện hoạt động giám sát có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng, kỷ luật kịp thời theo quy định của pháp luật.


Bài đăng trên Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 3 năm 2024

Ngày nhận bài: 15/01/2024 Ngày phản biện: 17/02/2024 Ngày duyệt đăng: 03/3/2024

1. Giám sát tại các đơn vị: thành phố Thủ Đức, Quận 3, Quận 8, Quận Gò Vấp, Quận Tân Bình; 8 Sở: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Báo cáo số 171/BC-UBND, ngày 29/6/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

​​​​​​TS. QUÁCH THỊ MINH PHƯỢNG

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin