1. Thực trạng lãnh đạo của Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc
Thời gian qua, Huyện ủy Than Uyên đã chú trọng quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy Lai Châu, định hướng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Các chủ trương, chính sách quan trọng của tỉnh Lai Châu trong giai đoạn 2021 - 2030 đã tạo cơ sở vững chắc cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra định hướng chiến lược cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 31/01/2024 về xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa bền vững… Huyện ủy Than Uyên đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/HU, ban hành ngày 26/4/2021 về triển khai Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức 02 Hội nghị quán triệt, triển khai học tập Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch thực hiện của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền triển khai như: Tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi bộ, cơ quan; sinh hoạt đoàn thể; sinh hoạt bản, khu dân cư. Trong năm 2024, các cấp, các ngành trong huyện tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Thực hiện có hiệu quả Kết luận 01- KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 20251… Trong đó, chú trọng tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của huyện.
Chỉ trong năm 2024, Huyện ủy đã tổ chức 02 lễ hội Lễ hội Xòe Chiêng và Lễ hội Lùng Tùng (xuống đồng dân tộc Thái xã Mường Cang); tổ chức phục dựng và duy trì 04 Lễ hội (Lễ hội Hạn Khuống dân tộc Thái đen xã Mường Mít; Kin Pang của dân tộc Thái đen xã Tà Hừa; Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông) và 02 chợ phiên (chợ phiên bản Nậm Pắt xã Tà Mung và chợ đêm Ta Gia); duy trì và thành lập mới 8 Câu lạc bộ đàn tính hát then dân tộc Thái tại các xã; 01 câu lạc bộ dân ca Khơ Mú cấp xã2.
Huyện ủy Than Uyên chú trọng lãnh đạo chính quyền tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trên cơ sở chủ trương đúng đắn, Huyện ủy chỉ đạo chính quyền cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Để hiện thực hóa các định hướng này, chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Than Uyên còn bố trí kinh phí thực hiện mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số tại huyện Than Uyên. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn huyện duy trì mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, tết. Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc tại toàn bộ các trường học trong huyện. Công tác xây dựng các điểm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đã được quan tâm thực hiện, qua đó, bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như: Du lịch cộng đồng dân tộc Mông Bản Huổi Bắc, xã Pha Mu; Chợ phiên bản Nậm Pắt, xã Tà Mung; Chợ đêm Ta Gia, xã Ta Gia; du lịch cộng đồng bản Thẳm Phé, xã Mường Kim; Du lịch cộng đồng dân tộc Thái khu 9 (bản Khiêng), thị trấn Than Uyên3.
Huyện ủy đã lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đoàn viên, hội viên hiểu sâu sắc về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc mình. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua loa lưu động, các hoạt động văn hóa, hội thi. Tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, nét đặc trưng trong trang phục các dân tộc, tìm hiểu về các trò chơi dân gian đặc trưng của các dân tộc: Tó má lẹ, tung còn, ném pao, máu tảu, khí mạ khửn khau khinh, tẻm chi, tổ chức nhảy sạp, múa xòe cho đoàn viên thanh niên, học sinh trong các trường học. Công tác vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được triển khai hiệu quả với mô hình “Đồng hành cùng nhân dân mỗi tháng một việc”. Tính đến hết năm 2024, toàn huyện duy trì hiệu quả 35 mô hình cuộc vận động cấp xã, thị trấn, 236 mô hình ở bản, khu dân cư trên các lĩnh vực. Các hoạt động chăm lo chính sách, nhân đạo từ thiện được quan tâm và triển khai kịp thời, trong năm tiếp nhận, phân bổ trên 1 ngàn suất quà, hiện vật cho bà con nhân dân trên địa bàn, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng4.
Huyện ủy luôn tích cực lãnh đạo công tác sơ kết, tổng kết công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Việc quán triệt, học tập, tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, của tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được tiến hành nghiêm túc, kịp thời với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nhiệm vụ bảo tồn văn hóa, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn huyện. Huyện cũng đã tổ chức sưu tầm phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hạn Khuống, Kin Pang, Xòe chiêng và Lùng Tùng5… Việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ văn hóa dân tộc, như đàn tính, hát Then, dân ca Khơ Msu vùng với các hoạt động văn nghệ tại phố đi bộ đã góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, tạo sân chơi văn hóa cho cộng đồng... Những nỗ lực trên đã được sơ kết, tổng kết định kỳ, nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề ra giải pháp sát với tình hình thực tế cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò lãnh đạo của Huyện ủy Than Uyên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh ủy Lai Châu đề định hướng về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên có thời điểm chưa làm tốt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số cơ quan, đơn vị chưa được chủ động kịp thời, vẫn còn có tư tưởng coi việc thực hiện Nghị quyết là việc riêng của các tổ chức chính trị và ngành văn hóa; chất lượng một số Đề án, Dự án về lĩnh vực văn hóa còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ thực tế được giao. Cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện ban hành chưa kịp thời, thiếu tính đồng bộ và chưa sát với thực tiễn đời sống. Việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao. Công tác lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc có lúc, có nơi còn hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, dẫn đến nguy cơ mai một, thất truyền các di sản văn hóa phi vật thể. Nguồn kinh phí dành cho công tác tuyên truyền còn hạn chế; các hoạt động tổ chức: Văn hóa, văn nghệ tại một số thời điểm chưa đảm bảo thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực từ cộng đồng và chưa được duy trì tổ chức thường xuyên hoặc còn sơ sài trong khi đó, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên để thực hiện các nội dung này còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở. Công tác sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn còn mang tính hình thức.
2. Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu trong công tác bảo tổn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Huyện ủy và đảng bộ huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đối với việc lãnh đạo công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng và toàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu. Đây là căn cứ, cơ sở đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành những chính sách đảm bảo xây dựng chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với các nghệ sĩ, các hạt nhân phong trào, cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ nghệ nhân ưu tú tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc Hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn...
Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ ván hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Bảo tồn, phát huy giá trị ván hóa tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh”6. Các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ huyện cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng trong bối cảnh hiện nay. Cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có hiểu biết sâu sắc và am tường về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, bảo đảm quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, định hướng từ cấp trên, nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong thực tiễn. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò quan trọng của mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa, đồng thời làm rõ sự ảnh hưởng qua lại của văn hóa tới kinh tế cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Để làm tốt công tác này, Huyện ủy Than Uyên cần cụ thể hóa các Nghị quyết, quyết định của Trung ương và Tỉnh ủy Lai Châu thành những chương trình hành động thiết thực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để Nhân dân nhận thức sâu sắc về giá trị và ý nghĩa của văn hóa truyền thống. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa mà cha ông đã tạo dựng, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển bền vững.
Trên thực tế, để nâng cao trình độ dân trí và cải thiện hệ thống giao thông của huyện, cần khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có, đồng thời phối hợp với sự hỗ trợ từ Nhà nước nhằm thúc đẩy các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo tồn, khai thác hợp lý di sản văn hóa, hướng đến sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong huyện, cần khai thác tối đa các phương tiện truyền thông đại chúng. Cụ thể, tận dụng hệ thống đài phát thanh - truyền hình ở các cấp, báo chí, trung tâm văn hóa - thể thao, cũng như các loại hình nghệ thuật như phim ảnh, chương trình biểu diễn… Đẩy mạnh kết hợp hài hòa giữa các thiết chế xã hội hiện đại với những giá trị truyền thống là giải pháp thiết thực nhằm củng cố hệ thống chính trị, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức, lực lượng trên địa bàn huyện Than Uyên tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bám sát Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần có sự đồng thuận, nhất trí trong việc huy động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc hiện nay.
Phát huy sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở đó, đưa nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết vào các chương trình hành động, chương trình, Kế hoạch công tác hàng năm… Nghiên cứu, tổ chức phát động các phong trào thi đua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc cho Hội viên, đoàn viên thanh niên và học sinh, đưa các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc vào chương trình giáo dục ngoại khóa và các hoạt động tập thể của các nhà trường. Mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, dân tộc Mông cho học sinh, triển khai mặc trang phục truyền thống cho học sinh trong trường học. Tích cực vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, giảm bớt nghi lễ rườm rà trong cưới hỏi, tang lễ, lễ hội, cũng như trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực tổ chức triển khai hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”, tạo niềm tin của nhân dân. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Đặc biệt, trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam mang tính tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã, thị trấn về văn hóa, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thực hiện. Khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên.
Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng như đội ngũ cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Việc này không chỉ đảm bảo đủ về số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng, giúp đội ngũ này đáp ứng hiệu quả các yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tạo điều kiện thuận lợi để họ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ công tác kiểm tra, đồng thời tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức quyền để trục lợi hoặc vi phạm nguyên tắc, trách nhiệm được giao…
1. Than Uyên: Phát huy tốt vai trò đội ngũ báo cáo viên cơ sở, https://trangtraiviet.danviet.vn/than-uyen-nang-cao-chat-luong-cong-tac-tuyen-truyen-20240614113909963-d60389.html, ngày 14/6/2024.
2. Than Uyên: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch, https://www.baolaichau.vn/van-hoa/than-uyen-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-cua-dong-bao-dan-toc-gan-voi-phat-trien-du-lich, ngày 17/5/2024.
3. Than Uyên: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch, https://www.baolaichau.vn/van-hoa/than-uyen-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-cua-dong-bao-dan-toc-gan-voi-phat-trien-du-lich, ngày 17/5/2024.
4. Than Uyên: Tổng kết công tác dân vận, vận động quần chúng năm 2024, https://baolaichau.vn/chinh-tri/than-uyen-tong-ket-cong-tac-dan-van-van-dong-quan-chung-nam-2024, ngày 16/1/2025.
5. Huyện Than Uyên bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, https://dantocmiennui.vn/huyen-than-uyen-bao-ton-gia-tri-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-post305822.html, ngày 19/8/2021.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 263.