Nâng cao chất lượng công tác đọc kiểm tra bản thảo ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Yêu cầu và giải pháp

CT&PT - Đọc kiểm tra bản thảo là một khâu quan trọng trong quy trình biên tập, xuất bản sách lý luận, chính trị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, bao gồm việc rà soát, góp ý về nội dung chính trị, nội dung khoa học của bản thảo để đơn vị biên tập sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện bản thảo. Việc xác định những yêu cầu đặt ra và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đọc kiểm tra bản thảo trong tình hình hiện nay là việc làm cần thiết, góp phần bảo đảm xuất bản phẩm ra đời đáp ứng được tôn chỉ, mục đích mà Đảng và Nhà nước giao phó cho Nhà xuất bản cũng như nhu cầu của đông đảo bạn đọc và xã hội.

1. Đặc điểm, tính chất của công tác đọc kiểm tra bản thảo ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Đọc kiểm tra bản thảo là nhiệm vụ của bộ phận Thư ký biên tập thuộc Vụ Kế hoạch - Thư ký biên tập, có chức năng tham mưu kiểm soát chất lượng nội dung chính trị và khoa học của bản thảo trước khi trình Lãnh đạo Nhà xuất bản duyệt in. Công tác đọc kiểm tra bản thảo giúp rút ngắn thời gian duyệt bản thảo ở cấp Lãnh đạo Nhà xuất bản. Có thể nói, đối với Lãnh đạo Nhà xuất bản, bộ phận Thư ký biên tập có vai trò “người gác cổng” kiểm soát “vòng ngoài” để duyệt in; còn đối với các ban biên tập, bộ phận Thư ký biên tập có vai trò như bộ phận “kiểm soát chất lượng” bản thảo ở khía cạnh nội dung. Việc bản thảo được đọc kiểm tra ở khâu trung gian này có tác dụng lọc thêm những “hạt sạn”, những lỗi sai sót trong quá trình biên tập bản thảo, đặc biệt là lỗi chính trị đối với sách lý luận, chính trị. Trong số gần 60 nhà xuất bản trong cả nước, không nhiều nhà xuất bản có quy định và thành lập đơn vị có chức năng đọc kiểm tra bản thảo. Các nhà xuất bản nhỏ với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ và yếu tố hiệu quả kinh tế đặt lên hàng đầu thường không có bộ phận/đơn vị đọc kiểm tra bản thảo, mà các biên tập viên chịu trách nhiệm xuyên suốt về nội dung bản thảo: từ biên tập viên, bản thảo sẽ được chuyển thẳng tới lãnh đạo Nhà xuất bản chịu trách nhiệm nội dung. Chính vì vậy, bộ phận Thư ký biên tập có thể xem là một nét riêng có trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Đọc kiểm tra bản thảo ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật mang những đặc điểm sau:

Về giai đoạn thực hiện: Công tác đọc kiểm tra bản thảo luôn được thực hiện sau công đoạn biên tập viên biên tập bản thảo bởi mục đích của công tác này là “kiểm tra” đúng sai, thừa thiếu, chỉ ra những vấn đề cần sửa chữa, bổ sung, làm rõ. Một số trường hợp, do yêu cầu về thời gian và tính chất của bản thảo, công tác đọc kiểm tra bản thảo được tiến hành song song với công tác biên tập.

Về người thực hiện: Đọc kiểm tra bản thảo được tiến hành bởi cán bộ đọc kiểm tra bản thảo, tức là một chủ thể độc lập với biên tập viên biên tập bản thảo, xuất phát từ lý do: Biên tập bản thảo là một hoạt động trí óc của con người, được tiến hành bằng những thao tác mang tính chất cá nhân, cá biệt của từng biên tập viên; nội dung biên tập được hình thành từ chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, sự hiểu biết kiến thức xã hội… của mỗi biên tập viên, do đó tất yếu mang tính chủ quan, và vì vậy không thể chắc chắn hoàn toàn là bản thảo sau khi được biên tập không còn một lỗi nào. Lỗi ở đây có thể là lỗi nội dung hoặc hình thức. Lỗi nội dung là lỗi chính trị hoặc khoa học. Các lỗi nội dung có thể có trong tra trích chú thích; sự chính xác của các sự kiện, nhân vật, tên đất, tên người, tiếng nước ngoài có trong bản thảo; sự nhầm lẫn, chưa chính xác trong các đánh giá, bình luận; lỗi về diễn đạt tế nhị, nhạy cảm hoặc lỗi về chính trị, tư tưởng, sai với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lỗi hình thức có thể có trong cách trình bày, bố cục, thể thức bản thảo theo quy định của Luật Xuất bản, theo các quy định của Nhà xuất bản, lỗi chính tả, lỗi thống nhất hình thức. Người biên tập bản thảo không dễ nhận thấy những lỗi sai của mình và vì vậy phải có người đọc kiểm tra với tính khách quan và độc lập trong công việc để thực hiện nhiệm vụ đó. Người đọc kiểm tra cần được đào tạo về chuyên môn để có thể đảm đương việc rà soát nội dung chính trị và khoa học; cần có trình độ lý luận chính trị phù hợp, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và quy định pháp luật trong lĩnh vực xuất bản nói riêng.

Về công việc thực hiện: Công tác đọc kiểm tra bản thảo phải bao quát, tổng thể, đa chiều. Một bản thảo được người đọc kiểm tra xem xét toàn diện cả về nội dung và hình thức, về tuân thủ quy định của pháp luật và quy trình xuất bản nội bộ. Người đọc kiểm tra có nhiệm vụ phát hiện, chỉ ra được lỗi sai sót trong bản thảo, góp ý với ban biên tập sửa chữa, hoàn thiện bản thảo. Các ý kiến góp ý của người đọc kiểm tra về nội dung và hình thức bản thảo không có tính bắt buộc đối với biên tập viên, song người đọc kiểm tra có thể bảo lưu ý kiến của mình, trình lên cấp Lãnh đạo Nhà xuất bản xem xét, quyết định.

Từ những đặc điểm phân tích ở trên có thể rút ra tính chất của công tác đọc kiểm tra như sau:

Tính khách quan và chủ quan: Tính khách quan là yêu cầu của công tác biên tập, xuất bản nhằm nâng cao chất lượng bản thảo. Khách quan cũng là yêu cầu về tâm thế, thái độ của người đọc kiểm tra khi tiến hành công việc của mình nhằm có được cách đánh giá, nhận xét khoa học, công tâm, thuyết phục về nội dung bản thảo. Để có thể chỉ ra được lỗi sai sót trong bản thảo, người đọc kiểm tra cần có sự nhìn nhận, đánh giá mang tính khách quan của một chủ thể có tư cách độc lập với biên tập viên, không chỉ độc lập trong công việc mà còn độc lập trong vị thế, trong vị trí việc làm.

Tính chủ quan trong đọc kiểm tra bản thảo là chủ thể đọc kiểm tra là con người, mà con người thì không giống nhau về năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng,… nên mức độ nông sâu của ý kiến góp ý (qua loa hay kỹ càng, sắc sảo hay chung chung) và hiệu quả nâng cao giá trị bản thảo mang tính chất chủ quan. Để khắc phục khía cạnh hạn chế của tính chất chủ quan này, khi tiến hành công tác đọc kiểm tra, người đọc kiểm tra phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, quy định của nội bộ đơn vị, những quy ước, kiến thức chung đã được thừa nhận.

Tính độc lập: Tính độc lập trong đọc kiểm tra bản thảo thể hiện ở hai khía cạnh: Người đọc kiểm tra độc lập trong mối quan hệ với biên tập viên biên tập bản thảo và độc lập trong khi thực hiện công việc. Có thể có trường hợp bản thảo dung lượng lớn (bộ sách lớn có nhiều tập, có yêu cầu gấp về tiến độ nên có nhóm cán bộ đọc kiểm tra cùng một bản thảo, song trong trường hợp đó thì mỗi người đọc kiểm tra cũng sẽ phụ trách một phần bản thảo và sẽ chịu trách nhiệm đối với phần việc đó của mình).

Tính tất yếu: Đọc kiểm tra là nhằm mục đích đánh giá, nhận xét, phát hiện lỗi sai sót để sửa chữa và hoàn thiện bản thảo kịp thời, giúp bảo đảm chất lượng của công tác biên tập, xuất bản, là một hoạt động không thể bỏ qua, một khâu không thể chểnh mảng trong quy trình xuất bản.

Trong quy trình xuất bản, mỗi một khâu/công đoạn có một vai trò, ý nghĩa và tác dụng nhất định, trong đó đọc kiểm tra liên quan chặt chẽ đến chất lượng nội dung khoa học, nội dung chính trị, hình thức của xuất bản phẩm. Do đó công tác đọc kiểm tra bản thảo phải được thực hiện thành nền nếp, hiệu quả. Đọc kiểm tra là khâu trung gian, “nhặt sạn”, “gác cửa” tham mưu cho Lãnh đạo Nhà xuất bản về nội dung bản thảo, đặc biệt là nội dung chính trị, tư tưởng, khoa học, giúp Lãnh đạo Nhà xuất bản không bị phân tâm vào việc phát hiện lỗi sai trong quá trình đọc duyệt mà có điều kiện tập trung chủ yếu vào việc quyết định chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo như thế nào.

Một bản thảo sau khi được đọc kiểm tra về cơ bản bảo đảm chất lượng nội dung chính trị, khoa học với các tiêu chí cụ thể sau:

- Bố cục bản thảo chặt chẽ, dễ theo dõi. Tên các phần, chương, mục rõ ràng, không trùng lặp, nhầm lẫn. Bản thảo có đủ Lời Nhà xuất bản hoặc Lời mở đầu, Lời giới thiệu, Lời tác giả, Kết luận, Tài liệu tham khảo… tùy tính chất từng loại sách.

- Về nội dung chính trị: Không còn lỗi chính trị, những diễn đạt gây hiểu nhầm, hiểu sai về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các giai đoạn, thời kỳ cách mạng.

- Về nội dung khoa học: Bản thảo không để sót thông tin thiếu chính xác, không có căn cứ khoa học, thông tin không cập nhật. Tính khoa học thể hiện ở việc các vấn đề trình bày trong bản thảo phải có cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, chặt chẽ, thuyết phục.

- Chất lượng nghiệp vụ biên tập: Bản thảo không để sót những câu sai ngữ pháp, ngữ nghĩa, diễn đạt không trong sáng, thừa, thiếu câu, chữ. Bảo đảm nguồn trích dẫn, nội dung trích dẫn chính xác; nội dung bản thảo thống nhất về tên tổ chức, tên người, tên địa danh, thời gian sự kiện, viết hoa, khớp các chương, phần và mục lục. Đối với sách dịch không được để sót từ, sót câu, sót đoạn, phải trung thành với bản gốc (văn phong, ngữ pháp đạt yêu cầu Việt hóa). Bản thảo văn kiện, văn bản pháp luật phải chính xác. Bản thảo sách viết phải bảo đảm tính chính trị, khoa học, tính chỉnh thể, cập nhật. Tuân thủ các quy định trong Luật Xuất bản, quy định về hình thức sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Yêu cầu đặt ra đối với công tác đọc kiểm tra bản thảo của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong tình hình hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta dành sự quan tâm đặc biết đối với công tác tư tưởng, lý luận, chính trị, trong đó có vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị. Từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thể hiện tập trung quan điểm, chủ trương của Đảng về định hướng phát triển, những nhiệm vụ cụ thể của hoạt động xuất bản và các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sự nghiệp xuất bản phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới và sau đó là Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị đều khẳng định Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có vai trò nòng cốt trong công tác xuất bản sách lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước.

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới có những biến đổi sâu sắc và vượt bậc về khoa học và công nghệ. Hiện nay, công nghệ số đã len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản. Việt Nam nói chung và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói riêng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Bạn đọc ngày càng có nhiều lựa chọn về phương thức tiếp cận tri thức, chứ không chỉ còn qua mỗi sách giấy. Làm cách nào để thu hút bạn đọc, xây dựng văn hóa đọc để sách mãi là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của xã hội? Nhà xuất bản cần xuất bản các ấn phẩm hay về nội dung, đẹp về hình thức, đa dạng về thể loại và phương thức xuất bản. Như vậy, mỗi biên tập viên Nhà xuất bản, trong đó có biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo, phải nỗ lực đóng góp sức lực, trí tuệ để sản phẩm của Nhà xuất bản ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Căn cứ định hướng phát triển của Nhà xuất bản trong tình hình hiện nay, công tác đọc kiểm tra bản thảo của Nhà xuất bản đứng trước những yêu cầu như sau:

Một là, phải góp phần xây dựng uy tín và định vị thương hiệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Đây là nội dung có ý nghĩa nền tảng, tạo nên sức hút mạnh mẽ của các ấn phẩm của Nhà xuất bản đối với độc giả. Các ấn phẩm mang logo của Nhà xuất bản đồng nghĩa với việc ấn phẩm đã được khẳng định về chất lượng nội dung, hình thức và được bạn đọc tin cậy đón nhận. Chất lượng biên tập là nền tảng tạo nên tính quy chuẩn cho thương hiệu của Nhà xuất bản.

Hai là, phải tổ chức, sắp xếp bộ máy thực hiện nhiệm vụ của đơn vị tinh, gọn, hiệu quả. Đa số các nhà xuất bản ở nước ta không có đơn vị chức năng riêng cho khâu đọc kiểm tra bản thảo, nên không tham khảo được mô hình để học hỏi, rút kinh nghiệm, song thực tế phân công biên tập viên chuyên quản tại Vụ Kế hoạch - Thư ký biên tập và thiết kế quy trình hoạt động thực tiễn kèm theo quy định về quy trình, định mức và chất lượng công việc cần đạt được là cơ sở để tổ chức công việc hiệu quả.

Ba là, phải nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo, bảo đảm cán bộ đáp ứng được cả hai phẩm chất vừa “hồng” vừa “chuyên”, thông qua việc tối ưu hóa bộ máy hiện có, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ. Không chỉ làm đúng vai trong việc phát hiện vấn đề đúng sai so với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ đọc kiểm tra bản thảo còn cần làm tròn vai trong việc gợi ý, đưa ra cho ban biên tập phương án sửa chữa, hoàn thiện giúp nâng cao chất lượng bản thảo; trong việc gợi ý đề tài, tham mưu góp ý cho kế hoạch đề tài xuất bản của các ban biên tập.

Bốn là, phải ứng dụng phương pháp và công cụ quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xuất bản của cơ quan và quy trình nội bộ của Vụ Kế hoạch - Thư ký biên tập. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị.

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác đọc kiểm tra bản thảo ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

3.1. Về tổ chức bộ máy, cán bộ

Biên tập viên, trong đó có biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo, được ví như “xương sống”, “cột trụ” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật bởi đây là khối sản xuất trực tiếp, có tính quyết định đến chất lượng ấn phẩm của Nhà xuất bản. Biên tập viên cần có năng lực xử lý bản thảo, nắm vững, vận dụng thành thạo các quy định, quy chế, có kỹ năng nắm bắt thông tin, xây dựng và xử lý mối quan hệ, đàm phán và tổ chức công việc. Để có được một đội ngũ biên tập viên giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, chuyên nghiệp về kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản, khuyến nghị thực hiện giải pháp về tổ chức bộ máy, cán bộ là:

- Tăng tỷ lệ tuyển dụng biên tập viên bởi lực lượng này của Nhà xuất bản hiện còn mỏng. Chú trọng tuyển nhân lực được đào tạo bài bản, tối thiểu có trình độ cử nhân, khuyến khích nhân lực có học vị cao ứng tuyển.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng biên tập viên trẻ về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị để Nhà xuất bản luôn có đội ngũ biên tập viên kế cận có khả năng đảm nhiệm hiệu quả công tác cộng tác viên, biên tập xử lý bản thảo và các khâu trong quy trình xuất bản.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác cộng tác viên mà nòng cốt là đội ngũ biên tập viên lành nghề, chuyên nghiệp.

- Sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ hiện có thông qua việc sắp xếp, tổ chức, phân công nhiệm vụ hợp lý để nâng cao hiệu suất công việc.

3.2. Về xây dựng, hoàn thiện quy trình, quy định

Khuyến nghị Nhà xuất bản nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hai quy trình: Quy trình đọc kiểm tra bản thảo của bộ phận Thư ký biên tập Vụ Kế hoạch - Thư ký biên tập và Quy trình xuất bản chung của Nhà xuất bản để áp dụng thống nhất, chặt chẽ, chuyên nghiệp.

Quy trình xuất bản là sự tổng quát đường đi của bản thảo, quy định cụ thể chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị, định mức thời gian và khối lượng công việc thực hiện. Quy trình xuất bản hiện tại Nhà xuất bản đang áp dụng là quy trình sửa đổi, bổ sung tháng 9/2011. Đến ngày 31/12/2023, về cơ bản vẫn tương đối phù hợp. Song thực tế, để nâng cao hiệu suất lao động, cơ quan đã có sự điều chỉnh, thay đổi tại một số đơn vị dẫn đến sự thêm hoặc bớt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó. Một số công đoạn/mô hình đang trong giai đoạn thử nghiệm chưa tổng kết (như cán bộ biên tập kỹ thuật, chế bản của Trung tâm Tổ chức in biệt phái về bộ phận hỗ trợ in Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học), do đó chưa lựa chọn được phương án tối ưu để bổ sung, sửa đổi vào Quy trình xuất bản. Trong thời gian tới, Nhà xuất bản cần nhanh chóng tổng kết ưu, nhược điểm của các công đoạn/mô hình thử nghiệm, để sửa đổi, hoàn thiện Quy trình xuất bản, làm cơ sở để các đơn vị/cá nhân thực hiện được thuận lợi.

Khuyến nghị Nhà xuất bản ban hành và áp dụng quy định về tiêu chuẩn chức danh biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo. Quy định này ngoài việc xác định chức năng, nhiệm vụ, định mức công việc phải hoàn thành của từng cán bộ đọc kiểm tra bản thảo mà còn giúp cho việc xác định vị trí việc làm, đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như những đóng góp của bộ phận Thư ký biên tập đối với việc biên tập, xuất bản.

3.3. Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo, biên tập viên đơn vị biên tập

Một là, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo.

- Tích cực tự học, tự rèn luyện về phẩm chất chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Biên tập viên đọc kiểm tra cần nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, khả năng nhạy cảm chính trị. Từng cá nhân liên tục tự đào tạo thông qua công việc chuyên môn hằng ngày, từ đồng nghiệp, từ cập nhật các thông tin thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và thế giới.

- Kết hợp chuyên biệt hóa chuyên môn được đào tạo với việc mở rộng, trang bị thêm những tri thức mới trong các lĩnh vực khác cho biên tập viên đọc kiểm tra. Lý luận chính trị là một lĩnh vực rộng và khó, không một cá nhân biên tập viên nào có đủ khả năng để nắm bắt mọi vấn đề cả về lý luận và thực tiễn. Mỗi biên tập viên đọc kiểm tra phải đào sâu kiến thức chuyên ngành, đồng thời học tập, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức xã hội, những tri thức trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc nghiên cứu học tập phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

- Rèn luyện kỹ năng đọc kiểm tra: Cách tốt nhất để hoàn toàn thẩm thấu được nội dung bản thảo, tránh bỏ sót lỗi là phải ghi chú ở bản thảo. Cụ thể là khi đọc kiểm tra, nên ghi chú lại ngay những phát hiện, nghi ngờ của mình ở trang bản thảo. Đây có thể là những dòng suy nghĩ thoáng qua, lời nhận xét hay những ghi chú mang tính học thuật. Việc viết ghi chú trong khi đọc kiểm tra giúp kích thích việc đọc chủ động, đọc sâu thay vì bị đọc lướt, thiếu tập trung. Bằng cách này biên tập viên đọc kiểm tra đang tạo ra một cuộc hội thoại hai chiều với bản thảo cũng như tác giả, giúp việc thấu hiểu nội dung trở nên dễ dàng hơn, dễ phát hiện những vấn đề về chính trị và khoa học hơn. 

- Rèn luyện thái độ, tác phong, ứng xử trong công việc: Ở khía cạnh chủ quan, nếu người đọc kiểm tra có tâm lý ngại việc xuất phát từ suy nghĩ bản thảo là sản phẩm của Ban biên tập, người đọc kiểm tra chỉ đóng góp thêm ý kiến, sự đóng góp đó là không bắt buộc, đóng góp nhiều hay ít, nông hay sâu thì ý kiến của người đọc kiểm tra chỉ là ý kiến tham khảo, không có tính quyết định, thì đó là sự thiếu trách nhiệm đối với công việc và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đọc kiểm tra. Bên cạnh đó, biên tập viên đọc kiểm tra cũng cần có thái độ khách quan, không nể nang, xuê xoa song cũng không cứng nhắc, gay gắt trong xử lý bản thảo, trong quan hệ với các đơn vị biên tập và biên tập viên.

Hai là, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với biên tập viên đơn vị biên tập.

- Nâng cao chất lượng biên tập viên đơn vị biên tập để nâng cao chất lượng bản thảo. Bản thảo tốt là bản thảo có bố cục chặt chẽ, hợp lý, nội dung chuyên ngành hấp dẫn, có tính khoa học, quán triệt và tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bản thảo có chất lượng tốt phụ thuộc rất nhiều yếu tố tác động như chất lượng cộng tác viên, chất lượng biên tập viên, chất lượng đọc duyệt cấp đơn vị biên tập. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch đề tài, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề biên tập viên và trình độ đọc duyệt của lãnh đạo đơn vị biên tập là những việc làm cần thiết.

- Đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cũng như đào tạo tại chỗ (học từ kinh nghiệm xử lý bản thảo của đồng nghiệp, người đi trước) đều có tầm quan trọng như nhau, bổ trợ lẫn nhau. Biên tập viên, đặc biệt là biên tập viên trẻ, cần chủ động, cầu tiến trong việc học hỏi kiến thức để kế thừa và phát triển kinh nghiệm nghề biên tập sách lý luận chính trị.

- Bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, lòng yêu nghề, say mê nghiên cứu, tìm tòi cách thức để đạt hiệu quả cao trong công việc. Với bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào muốn đạt hiệu quả cao thì chủ thể đều cần có ý thức trách nhiệm cao, lòng yêu nghề, gắn bó với nghề. Trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt là xuất bản sách lý luận, chính trị thì bản lĩnh chính trị, lòng yêu nghề, say mê cống hiến là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Nếu như để xuất bản ấn phẩm văn học nghệ thuật, biên tập viên chỉ cần đến tri thức và vốn sống, thì việc biên tập một ấn phẩm lý luận, chính trị, biên tập viên còn cần phải có sự nhạy cảm chính trị, sự am hiểu sâu sắc các hệ tư tưởng, tình hình chính trị trên thế giới, nền tảng tư tưởng của Đảng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… để từ đó có tri thức lý luận vững chắc, làm cơ sở để gia công, bồi đắp, tư vấn cho tác giả làm dày dặn thêm tác phẩm vừa có giá trị lý luận vừa thu hút được sự chú ý của bạn đọc.

- Sự cần cù, tỉ mỉ, cẩn thận trong công tác biên tập là những tố chất quan trọng để biên tập viên tạo nên những cuốn sách lý luận, chính trị chỉn chu về hình thức, sâu sắc về nội dung, vừa bảo đảm thể hiện được nội dung lý luận một cách chuẩn xác, khoa học, đúng đắn, vừa bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn.

3.4. Ứng dụng công nghệ thông tin

Công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ số có tác động đến tất cả các khâu trong hoạt động xuất bản từ tổ chức bản thảo, biên tập, chế bản, thiết kế mỹ thuật, in ấn, truyền thông và phát hành. Các nền tảng công nghệ số cho phép con người tổ chức được các đội, nhóm làm việc từ xa, cập nhật và tổng hợp thông tin nhanh. Khuyến nghị Nhà xuất bản xây dựng một phần mềm kết nối các khâu của Quy trình xuất bản mà mọi vị trí trong Quy trình ấy đều có thể theo dõi, nắm bắt những khâu, công đoạn liên quan đến nhiệm vụ của mình.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là nhà xuất bản có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống các nhà xuất bản của Việt Nam, bởi đây là cơ quan xuất bản sách lý luận, chính trị được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Sản phẩm của Nhà xuất bản là sách lý luận, chính trị có vai trò, vị trí quan trọng trong việc trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước; xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân cảnh giác nhận rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái; giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lập, tự cường của dân tộc; cổ vũ động viên phong trào hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo ra động lực mạnh mẽ, phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ biên tập viên, trong đó có biên tập viên đọc kiểm tra bản thảo, vừa vững vàng bản lĩnh chính trị vừa giàu chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế, vai trò của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

ThS. NGUYỄN HÀ GIANG,

ThS. NGUYỄN MINH HIỀN

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin