Những thách thức về phương diện đạo đức trong truyền thông số ở Việt Nam hiện nay

Vũ Thị Kiều Trang

CT&PT - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ với những thành tựu đặc sắc của khoa học - công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành truyền thông phát triển, nhất là truyền thông số, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn trên phương diện đạo đức, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để bảo đảm môi trường truyền thông số trong sạch, lành mạnh.

1. Vai trò của truyền thông số đối với nền kinh tế - xã hội

Truyền thông là quá trình trao đổi và tương tác các thông tin giữa hai người hoặc nhiều người với nhau để tăng sự hiểu biết, nhận thức, thông qua các phương tiện truyền thông như báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình, internet, mạng xã hội,… Truyền thông số hay còn gọi là truyền thông kỹ thuật số là truyền thông trong môi trường kỹ thuật số, xây dựng sản phẩm truyền thông dựa trên nền tảng số và chuyển tải sản phẩm đó trên các thiết bị số. Sản phẩm truyền thông số có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với sản phẩm truyền thông truyền thống, cho phép người dùng trải nghiệm liên tục, mọi lúc, mọi nơi và tiếp nhận nhiều thông tin cùng một lúc. Ngôn ngữ của sản phẩm truyền thông số là ngôn ngữ truyền thông đa phương tiện với nhiều hình thức trực quan, bắt mắt, hấp dẫn, lôi cuốn như video, âm thanh, hình ảnh, đồ họa,... Sự tiện ích và khả năng hướng đến chính xác đối tượng mục tiêu, đo lường được nhu cầu, thói quen và hành vi của người dùng cũng là một điểm mạnh vượt trội của truyền thông số so với truyền thông truyền thống.

Thứ nhất, truyền thông số giúp con người tiếp cận thông tin thuận tiện và nhanh chóng hơn.

Thứ hai, con người có nhiều sự lựa chọn để tiếp cận tin tức hơn qua các kênh/các sản phẩm truyền thông số như mạng xã hội, blog, website, ứng dụng trên điện thoại di động thông minh, email, podcast,… Sự đa dạng các kênh/sản phẩm truyền thông đòi hỏi nguồn nhân lực lớn để quản trị, vận hành hệ thống kênh/sản phẩm đó, vì vậy, nhiều cơ hội việc làm mới nảy sinh trong môi trường truyền thông số.

Thứ ba, con người có thể trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông số với vai trò tiếp nhận, phản hồi và tạo lập nội dung truyền thông số. Ngành truyền thông cũng có thể tiếp nhận bình luận và ý kiến đóng góp của khán giả để thay đổi, bổ sung, sửa chữa, khắc phục và quá trình truyền thông đạt hiệu quả hơn.

2. Những thách thức trên phương diện đạo đức trong truyền thông số

Truyền thông số là một loại sức mạnh mềm có tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ trên không gian mạng mà cả ở thực tiễn cuộc sống trên khắp thế giới. Cuốn sách Thế giới phẳng của Thomas Friedman cho rằng tác động của truyền thông số lên con người, cộng đồng, quốc gia, dân tộc là không giới hạn. …Thông tin được truyền tải quá nhanh trên internet và việc ngăn chặn nó gần như bất khả thi. Bên cạnh đó, lượng thông tin khổng lồ được đăng tải từng giây, từng phút trên môi trường số nhưng thiếu sự kiểm duyệt và quản lý là thách thức lớn cho mỗi khán giả khi không thể phân biệt được đúng sai, thật giả. Mức độ chính xác, tin cậy của tin tức mạng cũng như sự lạm dụng chủ nghĩa tự do trên môi trường truyền thông số đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc lộ lọt thông tin cá nhân và các thông tin quan trọng trên môi trường truyền thông số cũng diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người dùng và cộng đồng, thậm chí các đối tượng xấu còn lợi dụng các thông tin này để lừa đảo trên các phương tiện truyền thông số.

Trên môi trường truyền thông số, đặc biệt là các trang mạng xã hội, con người gần như chia sẻ cuộc sống thường nhật, suy nghĩ cá nhân hoặc rất nhiều vấn đề khác để tương tác ở thế giới ảo. Con người trở thành người truyền thông và trực tiếp nhận các phản hồi từ cộng đồng, có tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, do thang đo đạo đức của mỗi người mà cách phản hồi và nội dung phản hồi trên truyền thông số là khác nhau. Không ít trường hợp phản hồi tiêu cực qua các hình thức tin đồn thất thiệt, bình luận miệt thị… trở thành “vũ khí” bạo lực mạng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Xét trên khía cạnh của các kênh truyền thông và các cơ quan truyền thông số, nguồn thông tin bị chi phối bởi mục tiêu, định hướng của các kênh truyền thông và các cơ quan truyền thông kỹ thuật số. Đây chính là thời điểm các thông tin giả, không đúng sự thật bắt đầu xuất hiện để trục lợi cá nhân, để lại những tổn thất to lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, lực lượng nhân lực có kiến thức, đạo đức, trình độ chuyên môn về công nghệ số, quản lý dữ liệu, phân tích dữ liệu số, marketing… trong ngành truyền thông số còn khá thiếu hụt. Việc tuyển dụng và thu hút nhân tài còn nhiều khó khăn.

3. Phương hướng khắc phục, phòng ngừa những nguy cơ về vi phạm đạo đức trong truyền thông số

Thứ nhất, thống nhất về cách ứng xử văn minh trên mạng và quy tắc tuân thủ an ninh mạng. Thống nhất điều lệ các thành viên không được tiết lộ và phát tán những nội dung được chia sẻ trong nhóm ra bên ngoài.

Thứ hai, đề cao các nguyên tắc ứng xử của nhóm, thường xuyên theo dõi sát sao quá trình hoạt động của thành viên tham gia nghiên cứu, sửa chữa những từ ngữ - nội dung chưa phù hợp, có ý xúc phạm, công kích các thành viên khác trong nhóm...

Thứ ba, bảo đảm tất cả những ai sử dụng internet hiểu rõ bản chất và rủi ro khi giao tiếp trên mạng. Suy nghĩ và cân nhắc thật kĩ khi chia sẻ hay gửi các thông tin cá nhân tới ai đó trên mạng.

Thứ tư, để tránh rủi ro, những người sử dụng internet có thể chọn các biệt danh riêng để bảo vệ nhân dạng và nơi ở của bản thân. Cần lường trước những mối nguy cơ tiềm tàng về việc làm lộ thông tin cá nhân khi sử dụng các trích dẫn từ một cuộc trao đổi trực tuyến trên intenet.

Thứ năm, đào tạo và tìm các nhân tài đủ giỏi để giải quyết các vấn đề, hạn chế trong lĩnh vực này, linh hoạt ứng phó để thích nghi và biến thách thức thành cơ hội tạo ra những giải pháp sáng tạo, giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường và hoàn thiện ngành truyền thông.

Thứ sáu, các cấp lãnh đạo phải đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền, đảm bảo an ninh mạng. Thường xuyên đưa lên các tin tức, bài báo có tính tích cực, đặc biệt là liên quan tới con người và các giá trị về xã hội chủ nghĩa, thêm vào đó là sự đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.

Thứ bảy, tăng cường tìm tòi, nghiên cứu khách quan, khoa học các vấn đề mà xã hội quan tâm. Từ đó, có đủ khả năng phản bác, tranh luận lại các quan điểm có xu hướng bịa đặt, lệch lạc, góp phần định hướng tư tưởng theo con đường đúng đắn, đồng thời, củng cố vốn hiểu biết, kiến thức cho bản thân, sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, làm công tác tư tưởng. Thời kỳ 4.0, cần linh hoạt và sáng tạo kết hợp giữa quảng cáo truyền thông giải trí với truyền bá, định hướng tư tưởng về những việc tốt, tấm gương đạo đức.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công an, Học viện An ninh nhân dân: Bảo đảm an ninh thông tin trong kỷ nguyên 4.0, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng: Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.

ThS. HOÀNG NHẬT ANH

Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin