Tham dự Lễ kỷ niệm có PGS, TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện; PGS, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong hệ thống Học viện và đông đảo nhà khoa học trong hệ thống Học viện. Lễ kỷ niệm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với các điểm cầu Học viện Chính trị khu vực II, III, IV. Trong không gian Lễ kỷ niệm, Học viện đã tổ chức triển lãm, giới thiệu những công trình, sản phẩm khoa học tiêu biểu, sách, tạp chí khoa học do Học viện xuất bản trong năm 2022 và đầu năm 2023. Tại buổi Lễ, kết quả toàn diện hoạt động khoa học của Học viện trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 được báo cáo sinh động qua clip hình ảnh và âm thanh.
Về triển khai các đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học
Từ tháng 5/2022 đến nay, Học viện đã triển khai hơn 1.000 đề tài, nhiệm vụ khoa học gồm: 780 đề án, đề tài, nhiệm vụ khoa học; chủ trì tổ chức hơn 350 hội nghị, hội thảo, tọa đàm các cấp cùng nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát thực tế, thông tin khoa học. Đã có trên 2.000 công trình khoa học được xã hội hóa trên sách, báo, tạp chí.
Các nhiệm vụ khoa học đã được phân luồng rõ, các công trình trọng điểm bám sát các định hướng, chương trình công tác của Trung ương Đảng và Chính phủ, các nhiệm vụ cấp cơ sở phục vụ cho công tác hoàn thiện nội dung, chương trình và nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên.
Hiện tại, các đơn vị thuộc hệ thống Học viện đang tích cực triển khai 9 đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025 (KX.04/21-25) của Hội đồng Lý luận Trung ương, theo tiến độ; triển khai 7 nhiệm vụ khoa học thuộc đề án do Thủ tướng Chính phủ giao; nghiên cứu đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân. Học viện triển khai 62 đề tài khoa học cấp bộ xét tuyển, gồm 31 đề tài cấp bộ chuyển tiếp năm 2021-2022; 31 đề tài triển khai mới năm 2022; triển khai nghiên cứu 277 đề tài cơ sở phân cấp và không phân cấp, trong đó 140 đề tài thuộc nguồn kinh phí hoạt động khoa học của Học viện, 137 đề tài từ nguồn kinh phí tự chủ của các đơn vị. Kết quả nghiên cứu được cung cấp theo các địa chỉ ứng dụng và trực tiếp áp dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
Học viện đặc biệt chú trọng đề cao hiệu quả, tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của các công trình khoa học nhằm góp phần xây dựng các chủ trương, quyết sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước. Năm 2022 và năm 2023 là các năm quan trọng và có tính chất bản lề nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, cũng là các năm Học viện thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học, giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; bổ sung hoàn thiện các chính sách phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo; phân tích, đánh giá và lý giải những vấn đề nảy sinh trong quá trình đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống, từ đó đề xuất các kiến nghị về mặt chính sách đối với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành ở Trung ương và địa phương.
Qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học, Học viện đã xây dựng hệ thống các kiến nghị chính sách. Từ đầu năm 2022 đến nay, Học viện xây dựng được 19 báo cáo gửi, trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ. Một số báo cáo kiến nghị đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được các đồng chí chỉ đạo gửi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp nhận và ứng dụng sản phẩm.
Về hoạt động khoa học cung cấp luận cứ bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Học viện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm để luận giải, làm sáng tỏ và nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Các hoạt động khoa học có sự đổi mới theo hướng bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng để góp phần tuyên truyền, lan tỏa nội dung, giá trị cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Học viện đã xuất bản cuốn sách “Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tập hợp hơn 30 bài viết của các nhà khoa học Học viện đã đăng tải trên các báo, tạp chí.
Cùng với đó, ngay sau khi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố nhân dịp Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện đã chỉ đạo đặt hàng 12 bài viết nhằm tuyên truyền, lan tỏa nội dung, ý nghĩa cuốn sách; đã được đăng tải nhanh chóng trên các báo, tạp chí; góp phần định hướng và thông tin tích cực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngoài ra, Học viện còn tái bản cuốn “Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch” với số lượng 9.000 cuốn theo đặt hàng của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, Học viện đang biên soạn cuốn “Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng” dự kiến xuất bản tháng 9/2023, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Học viện vào tháng 10/2023. Để tuyên truyền lan tỏa những những tuyến bài viết có chất lượng trong Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ nhất năm 2021 và lần thứ hai năm 2022, Học viện đã phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch qua đấu tranh chính luận”.
Về phối hợp với các tổ chức trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Học viện đã phối hợp với nhiều tổ chức chính trị, tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học thiết thực, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Một số diễn đàn, hội thảo được Học viện và các đơn vị phối hợp tổ chức đã đem lại sự ảnh hưởng và tiếng vang lớn trong cộng đồng, tiêu biểu như: Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2022; Hội thảo văn hóa năm 2022; Hội thảo về chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên công an nhân dân; Hội thảo quốc gia về phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc đã góp phần vào nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc thành đối tác chiến lược toàn diện; Tọa đàm Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)… Qua các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, các ý kiến góp ý của Học viện đã góp phần bổ sung cho 54 dự thảo văn bản của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương; xây dựng 01 báo cáo chuyên đề theo đặt hàng của các cơ quan trung ương và triển khai nhiều đề tài liên kết với các địa phương.
Về hợp tác quốc tế trong hoạt động khoa học, Học viện đã phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức 18 hội thảo khoa học, tọa đàm.
Thông qua hình thức nghiên cứu, hợp tác, liên kết với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, năng lực nhận thức lý luận và thực tiễn, kỹ năng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện đã được tăng cường.
Về nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Năm 2022, Học viện đã tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện bộ công cụ phục vụ xây dựng, phát triển hệ thống chương trình đào tạo bồi dưỡng của Học viện, thể hiện tinh thần chủ động, đồng bộ, đổi mới, sáng tạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Nhiều nội dung mới trong các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đã được cập nhật, bổ sung vào hệ thống bài giảng các hệ lớp trong Học viện. Học viện đã phát triển 1 chương trình đào tạo lý luận chính trị, 8 chương trình bồi dưỡng chức danh, 2 chương trình đào tạo đại học, xây dựng chương trình đào tạo đại học ngành Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền, chuyên ngành Công tác tôn giáo cho người đã có bằng đại học, chương trình Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; nghiên cứu phát triển chương trình Trung cấp lý luận chính trị; chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên huấn, tổ chức kiểm tra dân vận, đối ngoại, bí thư cấp ủy, cấp huyện cho cán bộ lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; chương trình đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào…
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố
Cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, Học viện luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
Để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, Học viện đang từng bước xây dựng đề án phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành của Học viện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Học viện đã triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ trường chính trị cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học, tổ chức hoặc tham gia các hội thảo, đề tài khoa học, tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học. Năm 2022 đến nay, đề án 587 đã hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng các lớp: phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; bồi dưỡng giảng viên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, ban hành nội dung sư phạm thuộc chương trình đào tạo đại học văn bằng 2 ngành Chính trị học, chuyên ngành Lý luận chính trị. Triển khai nhiệm vụ xây dựng và biên soạn 7 chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng giảng dạy chuyên sâu dành cho cán bộ, giảng viên Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh.
Thông qua sự giúp đỡ, dìu dắt của các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ trẻ đã dần học hỏi và tự tin trong nghiên cứu khoa học; giảng viên, cán bộ khoa học trẻ được giao làm chủ nhiệm đề tài. Học viện cũng đã triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học, tổ chức hoặc tham gia các hội thảo, đề tài khoa học, các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học. Đồng thời, thông qua hình thức liên kết, hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước để tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, trao đổi học thuật trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến góp phần nâng cao năng lực nhận thức lý luận, thực tiễn và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện.
Các hoạt động khoa học của hệ thống Học viện từ năm 2022 đến nay được tổ chức đồng bộ, hệ thống, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, toàn diện không chỉ qua những đóng góp trực tiếp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần tạo nền tảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có uy tín mà còn qua hệ thống chính sách, kiến nghị kết tinh giá trị khoa học từ kết quả nghiên cứu của hệ thống nhiệm vụ khoa học các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học của Học viện trong năm 2022 cũng còn những hạn chế nhất định, như chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của các đơn vị trong hệ thống Học viện chưa đồng đều, kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh …
Phát biểu tại buổi Lễ, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động khoa học của Học viện năm 2022, các tháng đầu năm 2023. Kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ các nhà khoa học trong lịch sử phát triển của Học viện, kết quả hoạt động khoa học của các đơn vị trong hệ thống Học viện đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước; đồng thời phục vụ tốt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước. Đó là điều kiện, tiền đề để Học viện tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, huy động có hiệu quả mọi tiềm lực thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ khoa học năm 2023, và các nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang gần 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2024).
Về phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thời gian tới, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, nhận thức sâu sắc về hai nhiệm vụ trọng tâm của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, cũng như vai trò và đóng góp quan trọng của khoa học lý luận chính trị trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Với chức năng, nhiệm vụ của Học viện và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các nhà khoa học Học viện cần tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học, góp phần vào kiên định, kiên trì, củng cố và phát triển nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Mình phù hợp với tình hình thực tiễn sinh động của đất nước. Tiếp tục thực hiện, triển khai các nhiệm vụ khoa học trên tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương nhằm dự báo tình hình sát với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn, tổng kết toàn diện, hệ thống hóa lý luận về đường lối đổi mới sau 40 năm triển khai thực hiện để bổ sung vào kho tàng lý luận của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các chương trình cấp bộ, cấp bộ trọng điểm bám sát định hướng về nội dung tổng kết 40 năm đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Đồng chí tin tưởng, với niềm tự hào sâu sắc được sống và làm việc tại cơ quan hàng đầu cả nước về nghiên cứu lý luận chính trị, đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tổng kết thực tiễn, bổ sung kho tàng lý luận của Đảng; phục vụ nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện và tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
Lưu Thảo Tổng hợp