Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm thể chế1, thể chế kinh tế truyền thông, song có thể hiểu một cách khái quát nhất về khái niệm này như sau: Thể chế kinh tế truyền thông là hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng); các tổ chức kinh tế truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế truyền thông và cơ chế vận hành, điều chỉnh các hoạt động kinh tế truyền thông và quản lý kinh tế truyền thông vì mục tiêu xác định.
Thể chế kinh tế truyền thông là một chỉnh thể gồm 3 yếu tố cơ bản cấu thành: 1) Luật chơi, bao gồm hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng) với tư cách là những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của các chủ thể truyền thông và chủ thể quản lý hoạt động kinh tế truyền thông; 2) Người chơi, bao gồm các tổ chức hoạt động kinh tế truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế truyền thông, những chủ thể tham gia hoạt động và quản lý hoạt động kinh tế truyền thông; 3) Cách chơi, bao gồm cơ chế, chính sách tham gia vào quá trình vận hành, điều chính các hoạt động kinh tế truyền thông và quản lý kinh tế truyền thông phù hợp với các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ vì mục tiêu xác định.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại quan niệm về thể chế kinh tế truyền thông (theo nghĩa hẹp), chỉ bao gồm hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng) và thiết chế bao gồm các tổ chức hoạt động kinh tế truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế truyền thông. Như vậy, theo nghĩa đầy đủ nhất, thể chế bao gồm cả luật chơi, người chơi và cách chơi. Do đó, cho dù không có kinh tế truyền thông, hoạt động kinh tế của các tổ chức truyền thông vẫn vận hành một cách thông suốt, đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn (bảo đảm việc cung cấp thông tin, kinh doanh thông tin và định hướng chính trị xã hội).
Để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả kinh tế và mục đích chính trị - xã hội, cần có giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế truyền thông hoàn chỉnh, thông suốt. Có thể khái quát một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, cần thống nhất nhận thức về truyền thông, kinh tế truyền thông và thể chế kinh tế truyền thông
Trong xã hội nào cũng vậy, dù dưới hình thức và trình độ khác nhau, song hoạt động truyền thông với nghĩa chung nhất là hoạt động chia sẻ thông tin luôn là một yêu cầu tất yếu. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu trao đổi thông tin giữa con người trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, do đó truyền thông càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống xã hội. Không chỉ thực hiện chức năng thông tin, bao gồm cả thông tin phục vụ công việc chung của cộng đồng (quản lý, lãnh đạo) hay giải trí, mà truyền thông còn có vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm soát, động viên, biểu lộ cảm xúc của con người, đặc biệt là trong hoạt động kinh tế, chủ yếu là chia sẻ/mua bán thông tin, hoạt động quảng cáo…
Có thể nói, thuật ngữ truyền thông, kinh tế truyền thông, nền kinh tế truyền thông xuất hiện từ rất sớm, gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Ở Việt Nam, thuật ngữ này cũng được đề cập phổ biến từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986). Thuật ngữ thể chế xuất hiện gắn liền với thuật ngữ kinh tế tạo thành thuật ngữ, khái niệm thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một sáng tạo và phát triển độc đáo của Đảng ta về lý luận kinh tế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), Đảng ta đã có 2 nghị quyết chuyên đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những quan điểm, lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được bổ sung và hoàn thiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội2.
Khi thừa nhận kinh tế thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ những quy luật của thị trường và có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoạt động truyền thông trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, để hoạt động truyền thông diễn ra đúng chức năngvà đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hiệu quả kinh tế, cần xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế truyền thông, nhất là trong điều kiện các tập đoàn truyền thông quốc tế vẫn đang là những cái “bóng lớn” bao phủ lên các công ty truyền thông trong nước. Kinh tế truyền thông phải bảo đảm thỏa mãn ít nhất 3 yếu tố là luật chơi, người chơi và cách chơi3, trong đó cần sớm ban hành luật về truyền thông và kinh tế truyền thông.
Thứ hai, rà soát, tổ chức lại hệ thống các tập đoàn, các công ty truyền thông và cơ quan quản lý truyền thông
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các tập đoàn truyền thông, công ty truyền thông, kể cả các agency/đại lý của các tập đoàn truyền thông quốc tế tại Việt Nam ngày càng phát triển4. Đã đến lúc cần rà soát, đánh giá và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các tập đoàn, tổ chức truyền thông trên cơ sở hệ thống tiêu chí nhất định, bảo đảm cho các tổ chức truyền thông lớn, nhỏ ở cả trong và ngoài nước có cơ hội hoạt động kinh tế truyền thông một cách hiệu quả, đúng định hướng chính trị - xã hội. Tuy nhiên, cũng cần xem xét một cách kỹ lưỡng về chức năng của các cơ quan, tổ chức quản lý truyền thông và quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế của các tập đoàn, tổ chức truyền thông, bảo đảm cho việc quy hoạch lại nhằm tinh gọn bộ máy của các cơ quan, tổ chức quản lý truyền thông, trên cơ sở các quy định, định chế về kinh tế truyền thông (luật chơi). Có như vậy mới hạn chế được tình trạng hoạt động và quản lý hoạt động kinh doanh diễn ra tự phát, không hiệu quả, thiếu định hướng của các tổ chức truyền thông.
Thứ ba, có cơ chế, chính sách tạo động lực, điều chỉnh và quản lý hoạt động kinh tế truyền thông
Cơ chế tạo động lực, điều chỉnh và quản lý hoạt động kinh tế truyền thông cần tuân thủ quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, hoạt động và quản lý kinh tế truyền thông phải tuân thủ các quy luật kinh tế cơ bản: quy luật cung cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh. Thị trường tham gia điều tiết hoạt động kinh doanh và quản lý kinh doanh của các tập đoàn, tổ chức truyền thông, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng và hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không tránh khỏi những mặt trái của cơ chế thị trường, do đó đòi hỏi phải có sự can thiệp kịp thời của Nhà nước. Cơ chế, chính sách tạo động lực và tham gia kiểm soát, điều tiết hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổ chức truyền thông phải được xây dựng và vận hành đúng, bảo đảm các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế truyền thông luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp. Để hoạt động kinh tế truyền thông đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, cần đổi mới cả về nội dung, phương thức quản lý nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội và sự phát triển của công nghệ. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích và quản lý hoạt động kinh tế truyền thông phải bảo đảm định hướng xã hội vì nhân dân và định hướng chính trị vì thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tư, nâng cao uy tín của các chủ thể truyền thông trên cơ sở nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng hoạt động của các tổ chức truyền thông
Tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức truyền thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tùy thuộc vào năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp của chính các tổ chức truyền thông. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhiều tổ chức truyền thông vì lợi nhuận mà bất chấp “luật chơi” , chia sẻ thông tin, quảng cáo, marketing không đúng sự thật, gây bức xúc trong công chúng. Chính những hoạt động này đã làm xấu đi hình ảnh của các tập đoàn, tổ chức kinh tế truyền thông. Do đó, cần tăng cường pháp luật, kỷ cương đối với hoạt động thông tin, quảng cáo, marketing nhằm nâng cao uy tín và tăng tính chuyên nghiệp cho chính các tập đoàn và tổ chức truyền thông. Điều này đòi hỏi các tập đoàn, tổ chức truyền thông phải đổi mới công nghệ truyền thông, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức truyền thông, tiếp thị, marketing…; đồng thời, đổi mới mối quan hệ với công chúng theo hướng truyền thông dịch vụ, phục vụ công chúng, vì lợi ích của công chúng, vì sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
1. Theo tác giả cuốn sách Dictionnaire (Nxb. Laraousse, Bondas, 1999) và Dictionnaire Pratiquue du Francais (Nxb. Hacchette, 1987), thuật ngữ Institution có nghĩa là: 1) Thể chế - là sự đặt định những luật lệ, là những luật lệ cơ bản của một quốc gia; 2) Thiết chế - là các bộ phận cấu thành của một cấu trúc, cần phải duy trì và tôn trọng.
Theo Noth D. (1990), thể chế bao gồm cả những quy tắc chính thức và những chuẩn mực phi chính thức (những chuẩn mực hành vi được thừa nhận rộng rãi, những thỏa thuận đã đạt được, những hạn định bên trong của hoạt động) và cả những đặc trưng nhất định của sự bắt buộc thừa hành việc này hay việc khác. Thể chế gồm ba bộ phận cấu thành: Thứ nhất, những hạn định không chính thức (truyền thống, tập quán, dư luận xã hội); Thứ hai, những quy tắc chính thức (hiến pháp, luật, phán quyết của tòa án, xử lý hành chính); Thứ ba, những cơ chế cưỡng chế bảo đảm tuân thủ quy tắc.
Hội thảo Khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức (tháng 10/2004) cho rằng: Thể chế là các đạo luật, luật lệ, điều lệ, quy tắc, tập quán… được thừa nhận chung và các tổ chức kinh tế và chính trị cùng các định chế của nó và yếu tố văn hóa hình thành từ thực tiễn.
Các học giả Trung Quốc cho rằng, thể chế chính trị là các loại chế độ chính trị cụ thể, xây dựng trên cơ sở chế độ chính trị cơ bản và tổng hòa các cơ chế vận hành, thuộc kiến trúc thượng tầng; còn thể chế kinh tế là hình thức tổ chức cụ thể và chế độ quản lý kinh tế của một chế độ kinh tế - xã hội hoặc một quan hệ sản xuất.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128 - 129.
3. Cũng có ý kiến đòi hỏi thể chế bao gồm cả yếu tố “sân chơi”.
4. Hiện nay Việt Nam có: 4 tập đoàn truyền thông lớn nhất là: Tập Đoàn Công nghệ - Viễn thông quân đội Viettel; MobiFone; Vinaphone; FPT; 10 công ty truyền thông lớn nhất Việt Nam gồm: Dentsu Việt Nam; Interpublic; VCCorp; XPR; Omnicom; Daiko Việt Nam; WPP; Mắt Bão Corp; Vietba Media; Saatchi & Saatchi (https://topz.vn/cong-ty-truyen-thong-lon-nhat-viet-nam-9038-p4684.html); 20 công ty truyền thông giải trí lớn; 50 công ty truyền thông Marketing uy tín.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Chính trị học: Thể chế chính trị thế giới đương đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
3. ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân: Phát triển kinh tế báo chí trong xu thế hội nhập, Tạp chí Quản lý nhà nước điện tử, ngày 11/6/2020, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/06/11/phat-trien-kinh-te-bao-chi-trong-xu-/t/he-hoi-nhap/.
4. Nguyễn Đặng Hải Yến: Nền kinh tế số: Kinh nghiệm phát triển ở một số quốc gia - Bài học cho Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 24/2019.
GS, TS. DƯƠNG XUÂN NGỌC
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền