Công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên của Đảng bộ tỉnh Hà Nam hiện nay

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Người khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, công tác chính trị, tư tưởng nói chung và công tác giáo dục đạo đức cho đảng viên trong đảng bộ nói riêng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu, phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên, trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn quan tâm chú trọng công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU và Nghị quyết số 03-NQ/TU về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đây là một nghị quyết chuyên đề rất quan trọng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trước mắt là tập trung quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của bí thư cấp ủy, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ; tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, nhất là tự phê bình và phê bình việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện hằng năm.

Cùng với đó, công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên luôn bám sát với yêu cầu, nội dung lãnh đạo của cấp ủy, hoạt động nền nếp, đổi mới, từng bước đi vào chiều sâu, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Tình trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; xuất hiện ngày càng nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những cách làm hay, cụ thể; đa số cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; có tư tưởng tích cực, tiến công, giữ vững lập trường và bản lĩnh chính trị, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tự giác xây dựng và thể hiện rõ tư tưởng tích cực, tiến công, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm. Nhiều tập thể, cá nhân nêu cao tinh thần đoàn kết, tư tưởng tích cực, tiến công, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo; khắc phục tư tưởng ngại khó, thiếu trách nhiệm, bảo thủ, an phận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Chất lượng sinh hoạt đảng có lúc, có nơi chưa bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu; thực hiện tự phê bình và phê bình có nơi còn mang tính hình thức. Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình chưa thường xuyên, một số cán bộ, đảng viên còn thiếu tự giác trong tự phê bình và phê bình, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục cán bộ, đảng viên tại chi bộ chưa được cấp ủy quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên và thiếu cụ thể. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm chuyển biến, thể hiện thiếu tinh thần chủ động, thiếu tích cực trong công tác, thiếu gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một số cấp ủy và người đứng đầu thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu giúp việc chưa thật sự chủ động, làm việc theo lối mòn, còn trông chờ cấp trên; công tác tự phê bình và phê bình chưa thực hiện hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên trong chi bộ, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy về vai trò, vị trí của công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy về đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 272-QĐ/TU, ngày 22/10/2021 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên và tiêu chí đánh giá thực hiện trách nhiệm nêu gương, trong đó cần quán triệt sâu sắc nội dung: Mỗi cán bộ, công chức, viên cức phải nêu gương về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định khác. 

Thứ hai, quan tâm đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị tư tưởng theo hướng thiết thực, hiện đại, phù hợp đối tượng; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá", góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ ba, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng; đồng thời, cán bộ, đảng viên cần tự nghiên cứu, học tập lý luận chính trị trong điều kiện mới, chất lượng, trình độ nhận thức lý luận là phẩm chất cơ bản của chất lượng đội ngũ cán bộ. 

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ đảng viên; phát huy vai trò của tổ chức, chi bộ đảng trong giám sát, tổ chức thực hiện. Qua đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

TRỊNH KIỀU TRANG 

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin