Công tác giảm nghèo bền vững ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Thị Hương

CT&PT - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, chính sách xóa đói, giảm nghèo các địa phương thực hiện đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, tốc độ giảm nghèo nhanh. Hiện nay để thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững, đa chiều cần có những giải pháp phù hợp, bảo đảm mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Diện tích tự nhiên của vùng là 40.553 km2 (chiếm 12,2% diện tích cả nước); có 04 tỉnh giáp Campuchia với đường biên giới trên bộ 338km/1.137km, dân số khoảng 17,422 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, với 73% dân số sống ở khu vực nông thôn1. Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi với đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, hệ thống sông, ngòi dày đặc, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đây là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer và một số dân tộc khác.

Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp đặc biệt quan tâm và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

1. Kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 4,1 triệu đồng/tháng2. Mức này thấp hơn mức trung bình của cả nước là 4,673 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn xếp thứ 3 trong các vùng, sau Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng3.

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức rất cao 36,9% năm 1998 xuống 12,6% năm 2010 và đến năm 2022 là 2,26%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (4,03%) và chỉ xếp sau khu vực đồng bằng sông Hồng (1,00%) và Đông Nam Bộ (0,21%)4.

Theo Quyết định Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của cả nước là 7,52%; tỷ lệ nghèo đa chiều của đồng bằng sông Cửu Long là 5,73%. Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao ở đồng bằng sông Cửu Long là Bến Tre (7,16%), Hậu Giang (8,53%), Sóc Trăng (12,40%), An Giang (7,42%), Bạc Liêu (8,5%). Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp là Cần Thơ (2,58%), Long An (3,27%), Tiền Giang (3,28%)5. Đặc biệt, các tỉnh/ thành phố, như thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp đã “xóa trắng” các xã nghèo.

Bảng 1: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước và các khu vực năm 2022

STT

Khu vực

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Tổng số hộ nghèo (hộ)

1

Cả nước

4,03

1.057.374

2

Trung du và miền núi phía Bắc

14,23

455,271

3

Đồng bằng sông Hồng

1,00

69,239

4

Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

4,99

284.137

5

Tây Nguyên

8,39

129,160

6

Đông Nam Bộ

0,21

9,710

7

Đồng bằng sông Cửu Long

2,26

109,767

Nguồn: Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

Nhờ những chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo, số hộ nghèo và cận nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm qua các năm. Tuy nhiên, năm 2022, số hộ nghèo và cận nghèo ở một số tỉnh tăng lên so với năm 2021 (hình 1, 2) là do việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2022.

Nét nổi bật trong thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long là đã vận dụng các cách làm, mô hình hiệu quả để thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo được thực hiện từ năm 1992 đến nay. Chính quyền các địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ sở, bộ phận chuyên môn. Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, như chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế cho người nghèo; các chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm, chính sách nhà ở, trợ giúp pháp lý… Công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng, bảo đảm yêu cầu. Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố kịp thời, bảo đảm cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, với độ tin cậy và chính xác cao. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của đồng bằng sông Cửu Long đạt nhiều kết quả thiết thực, hướng trọng tâm vào giảm nghèo bền vững.

Đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng được tiếp cận đầy đủ, góp phần cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Nhận thức trong nhân dân, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên khá giàu. Nguồn đầu tư cho hộ nghèo ngày càng được quan tâm, có sự tập trung, không phân tán, dàn trải. Nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ và phù hợp, có sự tác động mạnh mẽ giúp cho nhiều hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc giảm nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn bộc lộ nhiều hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, cụ thể là:

Một là, mặc dù tỷ lệ nghèo và cận nghèo có giảm, song chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (độ rộng của nghèo) giảm mạnh từ 19,5% năm 2016 xuống 2,26% năm 2022 nhưng mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) gần như không được cải thiện - vẫn thiếu hụt trung bình khoảng 34% trong 10 chỉ số đo lường6. Số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, khiến nguy cơ tái nghèo cao, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài như rủi ro do thiên tai, thời tiết, biến động kinh tế, hay gần đây là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hầu hết những hộ này là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ở những nơi này, do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn và cơ hội chuyển đổi sang nghề khác rất thấp. Vì vậy, họ rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói, không thoát ra được.

Hai là, trong thiết kế và thực hiện chính sách vừa có sự chồng chéo và vừa có sự phân mảnh. Thiếu gắn kết giữa các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo với các chính sách, chương trình, dự án trợ giúp xã hội, phòng ngừa, khắc phục rủi ro theo vòng đời (bảo hiểm xã hội) và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc xã hội, trong đó có người nghèo

Ba là, sự tham gia của các thiết chế địa phương trong triển khai thực hiện chính sách còn yếu và thiếu. Sự tham gia của người nghèo vào xây dựng các chính sách xóa đói, giảm nghèo còn thấp. Trong khi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo vì họ mới chính là đối tượng thụ hưởng của chính sách này. Vì thế, việc xây dựng chính sách giảm nghèo cần được dựa trên cơ sở khảo sát mong muốn, kỳ vọng của người nghèo, hộ nghèo vào chính sách giảm nghèo.

Thực tế thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo hiện nay chủ yếu vẫn rơi vào tình trạng bình quân và dựa trên ý chí của Nhà nước mà chưa có sự tìm hiểu nhu cầu và thực tế khả năng sử dụng nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Một số chính sách xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa đối với các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có sự tìm hiểu về phong tục, tập quán của họ. Vì vậy, một số phương thức và các hình thức hỗ trợ chưa phù hợp, dẫn đến các đối tượng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần hoặc một vài lần rồi quay về với phương thức sản xuất trước đây dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn đầu tư hỗ trợ.

Bốn là, nguồn lực để thực hiện mục tiêu chương trình xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế. Nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác xóa đói, giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của một số địa phương và còn giảm theo các năm, thí dụ như tại tỉnh Sóc Trăng.

Bảng 2: Nguồn kinh phí Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2020

ĐVT: Triệu đồng

Tổng kinh phí

Ngân sách Nhà nước

Ngân sách địa phương

Nguồn huy động

Giai đoạn 2011 - 2015

3.549.260

2.921.615

46.447

58.198

Giai đoạn 2016 - 2020

1.214.204

449.277

724

40.927

Nguồn: Tổng hợp báo cáo của tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn lực bị phân tán, trùng lắp; cơ chế quản lý, bố trí, sử dụng nguồn lực còn lỏng lẻo, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực cho giảm nghèo thấp.

Năm là, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo được tách thành hai nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp với bản chất nghèo đa chiều cũng như phương pháp đo lường xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm chưa được quy định; một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới như chỉ số về tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông; chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương.

Sáu là, vấn đề cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giảm nghèo. Hiệu quả thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo ngoài sự phụ thuộc vào nguồn lực, phương pháp giảm nghèo… còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Cũng vì thế, những vấn đề có liên quan đến năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, cùng với những quy định chưa thật rõ ràng về vị trí, vai trò của cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến công tác xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất và giúp việc Ban chỉ đạo giảm nghèo.

Bên cạnh đó, kinh phí cho các hoạt động đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo nhìn chung còn thấp (kinh phí phân bổ cho phần đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 - 2005 chưa đến 1%). Theo báo cáo của các tỉnh, trong thời gian từ 2015 - 2022, số cán bộ làm công tác giảm nghèo được đào tạo, bồi dưỡng là hơn 12.000 lượt người, đạt khoảng 65% kế hoạch đề ra và mức độ giải ngân kinh phí là 57%7. Kinh phí dành cho hoạt động này cũng chiếm tỷ lệ thấp so với các hoạt động khác. Đồng thời, nội dung và hình thức tập huấn cũng có những hạn chế nhất định.

Bảy là, có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp nên chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân, chưa tạo động lực về sinh kế cho hộ tự vươn lên (thí dụ như chính sách hỗ trợ ti vi nhằm giảm nghèo đa chiều về tiếp cận thông tin); mặt khác, dẫn đến một số hộ nghèo còn ỷ lại, trông chờ Nhà nước, thiếu năng lực và ý chí vươn lên thoát nghèo và không muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Tám là, việc giám sát, đánh giá, theo dõi thực hiện các chính sách, dự án hoặc các giải pháp giảm nghèo có lúc có nơi triển khai chưa kịp thời, một số địa phương còn nặng về thành tích, đưa nhiều hộ thoát nghèo nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và nguy cơ tái nghèo cao, nhất là khi gặp các bất lợi từ bên ngoài hoặc sau khi thoát nghèo nếu không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi. Đối với khu vực đô thị đồng bằng sông Cửu Long, một bộ phận người nghèo có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa.

2. Một số giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”8. Trong thời gian tới, xác định giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các đơn vị, địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn các hộ nghèo, hộ cận nghèo; phân loại các chính sách giảm nghèo thành 3 nhóm: hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (không có khả năng lao động, đưa vào đối tượng bảo trợ xã hội) và hộ không muốn thoát nghèo (cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại) để bảo đảm mức thu nhập thực tế cho các hộ. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng.

Thứ hai, tuyên truyền sâu rộng việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị địa phương, cơ sở và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo.

Công tác tuyên truyền cần tạo bước chuyển về nhận thức, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, để họ có ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đồng thời, phải nhằm mục tiêu động viên người dân phát triển sản xuất, thay đổi các thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu, ảnh hưởng đến tình trạng nghèo và giảm nghèo.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ tác động đến nhu cầu tối thiểu của người nghèo, hộ nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu, tập trung triển khai đồng bộ các dự án bảo đảm 3 yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững. Theo đó, chương trình thực hiện tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Trong đó, ưu tiên lưu ý giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm tại chỗ. Nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cùng với đó là việc ưu đãi tín dụng, trợ giá, trợ cước; các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Để hộ nghèo thoát nghèo bền vững, các tỉnh, thành phố cần tập trung các nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo mọi điều kiện bảo đảm hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình như chăn nuôi, trồng màu, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mở các điểm du lịch… Đồng thời, ưu tiên các chính sách cho các hộ thuộc diện nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, học nghề, đi xuất khẩu lao động.

Thứ tư, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới phải được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần tính trợ cấp. Cần tăng cường các chính sách và giải pháp thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ cao để tổ chức sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho làm ăn. Tạo cơ hội học tập cho con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ người nghèo trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, để hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm, tự tin tổ chức làm ăn sinh sống, giảm được nghèo, tiến đến vươn lên khá, giàu; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự chăm lo của đoàn thể, cộng đồng xã hội, thiếu ý chí tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo.

Thứ năm, chủ động lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tập trung, tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn với các dự án đầu tư, hoạt động có cùng mục tiêu, trên cùng địa bàn. Việc lồng ghép phải bảo đảm không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung; tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.

Huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đa dạng các nguồn lực trong thực hiện chính sách giảm nghèo.

Thứ sáu, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo. Tăng cường các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ. Tạo cơ chế động viên, khuyến khích cán bộ chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ, yên tâm gắn bó với cơ sở, nhất là ở những nơi khó khăn, nơi có nhiều người dân tộc sinh sống, các tỉnh biên giới.

Thứ bảy, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên, chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách và nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với các chương trình giảm nghèo. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, từ đó kịp thời kiến nghị điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong chính sách, đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo bền vững.


1. Lê Đức Thọ, Nguyễn Quốc Thành: Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, https://www.tapchicongsan.org.vn/, ngày 19/02/2023.

2, 3. Tổng Cục Thống kê: Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022, https://www.gso.gov.vn/.

4, 5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH, ngày 19/01/2023 Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022.

6. Các chỉ số đo lường nghèo đa chiều là: Giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà, nguồn nước hợp vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin và tài sản thông tin

7. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo Về việc đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các năm 2015 - 2022 của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

8.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.138.

ThS. VÕ THỊ KIM HUỆ

Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin