Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn

CT&PT - Ngày 22/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 79. Việt Nam cam kết đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại. Tạp chí Chính trị và Phát triển xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

“Thưa ngài Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc,
Thưa ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc,
Thưa các quý vị,

Lịch sử phát triển của loài người đến nay đã chứng kiến những tiến bộ to lớn. Trí tuệ con người đã giúp thay đổi thế giới, giúp cho cuộc sống nhân loại tốt đẹp hơn, phát triển hơn, hoàn thiện hơn về mọi mặt. Song cũng chính con người là tác nhân gây ra những khó khăn, thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt. Cụ thể, đó là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự suy kiệt tài nguyên hay chế tạo các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt... Ngay lúc này đây, sự lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai của chúng ta.

Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta. Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai.

Thành tựu khoa học - công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hoà bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc. Thành tựu của trí tuệ con người phải tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói giảm nghèo. Theo đó, chúng tôi đề nghị tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân, giảm thiểu đầu tư nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hủy diệt, với mục tiêu hoà bình, ổn định, phát triển bền vững, bình đẳng giữa các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới.

Trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, chúng ta càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, phải chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học - công nghệ để cùng phát triển. Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, cần phải đi đầu với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học - công nghệ.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân khi chúng ta thống nhất nhận thức cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hiệu quả.

Việt Nam hoan nghênh những văn kiện được thông qua tại hội nghị và hy vọng những nội dung văn kiện sẽ được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Chúng tôi mong muốn Liên hợp quốc với vai trò trung tâm, điều phối và các tổ chức quốc tế tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn trong mục tiêu ngăn ngừa hiểm hoạ đối với sự phát triển nhanh, bền vững của thế giới ngay từ ngày hôm nay.

Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.

Xin trân trọng cảm ơn./.”

Đại tướng, GS, TS. TÔ LÂM

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


* Đầu đề do Ban Biên tập Tạp chí Chính trị và Phát triển đặt.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin