Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, với tổng diện tích tự nhiên 8.310,18 km2, quy mô dân số hơn 796,9 nghìn người1. Đây là tỉnh giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, cửa ngõ giao thương về kinh tế, khoa học, công nghệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; đầu cầu kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN thông qua cửa khẩu đường bộ quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu đường sắt quốc tế Ga Đồng Đăng, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ được hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 200 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 181 xã, 14 thị trấn và 5 phường2. Khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn có 20 xã và 1 thị trấn thuộc 5 huyện: Tràng Định, Đình Lập, Văn Lãng, Cao Lộc và Lộc Bình, với 180 thôn, hơn 70.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các xã khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn nằm trên địa hình hiểm trở, phức tạp, cách biệt với bên ngoài. Dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sống xen kẽ với những nét văn hóa đặc thù khác nhau. Mật độ dân thưa thớt, không tập trung, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, do đó gây khó khăn cho phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Bên cạnh điều kiện địa lý, dân cư, phong tục, tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, đời sống văn hóa - xã hội chậm được cải thiện, thông tin liên lạc còn nhiều bất cập, điều kiện cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng thiếu thốn... cũng là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế nói chung và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh nói riêng. Song, trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua nhiều chương trình, dự án, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được đầu tư, chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
1. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới tại tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012 - 2022
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU, ngày 13/02/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (theo Quyết định số 457-QĐ/TU, ngày 02/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Đề án “Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và những năm tiếp theo” (theo Quyết định số 456-QĐ/TU, ngày 02/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 04/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã có tác động to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, có 11/22 chỉ tiêu đạt và vượt so với trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo: Đối với cán bộ chủ chốt: Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 86,6%, vượt 6,6%; tỷ lệ có trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn đạt 93,8%, vượt 3,8%; tỷ lệ biết sử dụng máy vi tính trong công tác đạt 82,6%, vượt 7,6%. Đối với cấp trưởng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 78,2%, vượt 18,2%; tỷ lệ biết sử dụng máy vi tính trong công tác đạt 78,7%, vượt 28,7%; Đối với công chức cấp xã: Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,5%, vượt 2,5%; tỷ lệ có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 97%, vượt 7%; tỷ lệ có trình độ cao đẳng, đại học đạt 48,7%, vượt 18,7%; tỷ lệ có trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn đạt 68,9%, vượt 18,9%; tỷ lệ biết sử dụng máy vi tính trong công tác đạt 99,3%, vượt 9,3%. Đối với việc tăng cường tỷ lệ cán bộ trẻ: tỷ lệ số xã có 30% cán bộ là cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) là 62,4%, vượt 12,4%3. Công tác quy hoạch cán bộ cấp xã được quan tâm, chú trọng, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đưa vào quy hoạch tăng, tạo chuyển biến trong công tác tạo nguồn; tăng cường luân chuyển công chức cấp huyện về cấp xã nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Công tác tuyển dụng công chức được tổ chức công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên theo hướng chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước.
Song, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn một số hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong tổ chức quán triệt, thực hiện công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; một số cấp ủy có tình trạng ban hành kế hoạch nhưng triển khai thực hiện còn cầm chừng, hiệu quả không cao; công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra chưa thường xuyên, chặt chẽ; còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu: tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn, tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, tỷ lệ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, kỹ năng lãnh đạo quản lý theo chức vụ của cán bộ chủ chốt, cấp trưởng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của công chức cấp xã, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, tỷ lệ bồi dưỡng theo vị trí việc làm của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã4. Một số cấp ủy chưa làm tốt công tác quy hoạch; công tác kiểm tra, đánh giá có lúc, có nơi chưa phản ánh thực chất trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức; việc kiểm tra, giám sát công vụ, kỷ cương hành chính chưa thường xuyên, kịp thời. Một số huyện chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; việc đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm thực hiện. Ý thức tự giác học tập, khả năng vận dung vào thực tiễn công tác của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành, thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. Điều kiện cơ sở vật chất ở một số cơ sở còn khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự kịp thời, quyết liệt; công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ còn hạn chế; việc tham mưu, đề xuất của một số cơ quan chuyên môn còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, chưa bao quát hết nội dung. Một số cơ quan cấp huyện, xã chưa làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, bố trí và sử dụng cán bộ, vẫn còn tình trạng cục bộ địa phương. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức ở một số xã còn mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lớn, trong khi kinh phí còn hạn chế. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các xã vẫn còn những khó khăn nhất định.
2. Một số kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới tại tỉnh Lạng Sơn
Một là, thực hiện nghiêm túc, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với việc xây dựng môi trường, tạo điều kiện để cán bộ, công chức đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm.
Hai là, xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ đứng đầu, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.
Ba là, triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ và liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm phù hợp với tình hình địa phương. Những chủ trương mới về công tác cán bộ phải được thực hiện một cách thận trọng, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.
Bốn là, việc bố trí, sử dụng cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, trên cơ sở đánh giáthực tiễn công tác của cán bộ, công chức, phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ của cán bộ, công chức, với clĩnh vực, địa bàn công tác, đặt trong tổng thể mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.
Năm là, quan tâm, tạo điều kiện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực; bổ nhiệm những cán bộ trẻ nổi trội giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhằm chuẩn bị nguồn nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ sau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới tại tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân ở cơ sở đối với công tác xây dựng đội cán bộ, công chức xã biên giới. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện, các nghị quyết, quyết định, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới của tỉnh, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng đội cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Tăng cường đối thoại, hợp tác giữa các địa phương biên giới, địa phương trong cả nước và các đơn vị quân đội, công an, biên phòng.
Hai là, tăng cường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã khu vực biên giới, bảo đảm khoa học, đầy đủ, hiệu quả, thông qua nhiều hình thức: tọa đàm, hội thảo, tập huấn, phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình, phát thanh, phát hành tài liệu, mạng xã hội...).
Ba là, thực hành dân chủ công khai, rộng rãi các vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, đẩy mạnh chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới. Trước hết, cần đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức. Tích cực cải cách hành chính, đổi mới phương pháp làm việc, cải cách cơ chế, chính sách để thu hút tài năng. Đổi mới quy trình lựa chọn, bầu cử cán bộ cấp xã. Tăng cường đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng các tổ chức đoàn thể; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức trên cơ sở đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của cán bộ, công chức, gắn với công tác bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, từ đó phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khu vực biên giới của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức. Phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, tích cực tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả, trang bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để cán bộ, công chức yên tâm làm việc và cống hiến.
1. Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn: Niên giám thống kê tỉnh Lạng Sơn năm 2021, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2022, tr. 59.
2. Nghị quyết số 818-NQ/UBTVQH14, ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn.
3, 4. Báo cáo số 286-BC/TU, ngày 29/12/2017 Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU, ngày 13/02/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo”.
NGUYỄN VĂN TOÁN
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn