Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với tinh thần là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đi theo con đường phát triển, đổi mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP, Thành phố đẩy mạnh toàn diện tiến trình chuyển đổi số nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự.

Đặt vấn đề

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực, thực hiện tăng trưởng xanh.

dia-ly1-1701403532.jpg
TP. Hồ Chí Minh phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Triển khai chính quyền số nhằm giảm số lượng các dịch vụ công rời rạc, thủ công và nâng cao độ hài lòng cho người dân

Trong những năm gần đây, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của xã hội số.

Thực hiện triển khai chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh” trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm một cửa điện tử rời rạc trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với tất cả dịch vụ hành chính công các cấp trên một cổng duy nhất. Hệ thống sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đối với các thủ tục đủ điều kiện, trong đó có nhiều dịch vụ công thiết yếu, sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 061.

Chiến lược triển khai chính quyền số Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm số lượng các dịch vụ công rời rạc, thủ công và nâng cao độ hài lòng cho người dân bằng cách tập trung sử dụng hiệu quả dữ liệu, ứng dụng các công nghệ phù hợp để hỗ trợ giải quyết kịp thời các yêu cầu xử lý thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận tiện ích của các dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp.

Đưa tiện ích đến người dân, doanh nghiệp

Với mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số gắn kết với xây dựng thành phố thông minh, công tác chuyển đổi số năm 2022 của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành vấn đề số hóa 4 loại sổ hộ tịch gồm: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ2.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai và tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng đô thị; hệ thống công viên cây xanh; xử lý nước thải; dữ liệu hạ tầng giao thông (cầu, đường, tín hiệu giao thông); dữ liệu điện lực; dữ liệu bản đồ địa chính, địa hình; dữ liệu quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Thành phố tổ chức thử nghiệm chia sẻ và khai thác dữ liệu nền thông tin địa lý tỉ lệ 1:2000, 1:5000 khu vực thành phố Thủ Đức. Hiện tại, dữ liệu nền thông tin địa lý gồm 87 lớp dữ liệu (nền địa lý, cơ sở đo đạc, dân cư, giao thông, thủy văn, địa hình, phủ bề mặt, biên giới địa giới)3.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển nhiều ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Điển hình như Cổng thông tin 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng4. Đây là kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân để tiếp nhận thông tin phản ánh trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: hạ tầng kỹ thuật đô thị (điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, viễn thông…), tài nguyên - môi trường, trật tự đô thị, tiếng ồn đô thị…; ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân gửi đến lãnh đạo để xây dựng và phát triển thành phố. Ngoài ra, còn có hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 và phòng chống thiên tai phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, thành phố đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Trong năm 2022, thông qua hệ thống giám sát, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (cùng với thiết bị kỹ thuật của một số tổ chức, cá nhân và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội), cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã phạt nguội 111.473 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua đó, xử phạt gần 40 tỷ đồng5.

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đang thực hiện phạt nguội theo quy trình 6 bước: thu thập hình ảnh vi phạm (từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc từ tổ chức, cá nhân cung cấp…); trích xuất hình ảnh; lập hồ sơ vi phạm, in thông báo; phát hành thông báo cho chủ phương tiện; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm; cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho biết, việc triển khai áp dụng biện pháp phạt nguội đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi số để xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Định hướng, giải pháp trong phối hợp hành động, kết nối đồng bộ các cơ quan, tổ chức trên cơ sở tối đa các lợi thế của nền tảng sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, bảo đảm công tác quản lý nhà công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; trong vai trò tham mưu Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu về tổ chức bộ máy và nhân sự cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức để có đầy đủ thông tin về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kịp thời khai thác khi cần báo cáo góp phần giảm thiểu thời gian tổng hợp, không phải đợi báo cáo từ cơ sở. Đồng thời, kết nối dữ liệu liên thông từ Bộ Nội vụ.

(1) Tiếp tục đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ, vận hành các hoạt động CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức. Hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân.

(2) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm phục vụ thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính.

(3) Tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử.

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuyển đổi số với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng, như: chương trình chuyển đổi số; đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh; đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu; năm 2022, Thành phố ở vị trí 111 tăng 68 bậc so với năm 2021. Thành phố xếp thứ 3 về chuyển đổi số toàn quốc năm 2021 (tăng 2 bậc so với năm 2020). Kinh tế số Thành phố năm 2022 chiếm 15,38% GRDP thành phố (vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 15%)6.

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ, Đề tài “Xây dựng khung kiến trúc hạ tầng Internet vạn vật (IoT) cho Thành phố Hồ Chí Minh” với mục tiêu nghiên cứu và đề xuất khung kiến trúc IoT phục vụ phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số cho Thành phố.

Thành phố đã tiến hành đánh giá qua một vài ứng dụng IoT, đề xuất khung kiến trúc hạ tầng IoT, đề xuất tiêu chuẩn về bảo mật và tính riêng tư cho ứng dụng IoT của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố tiếp tục triển khai theo kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố bằng các kế hoạch thực thi cụ thể, tập trung nguồn lực, cơ chế tài chính thúc đẩy chuyển đổi số những lĩnh vực thành phố đang xác định ưu tiên, như: nhóm dữ liệu phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển kinh tế, tài chính. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách về trí tuệ nhân tạo, trong đó xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng và triển khai cổng thông tin giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo với các nội dung quảng bá sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm đào tạo về AI của các trường đại học; thông tin về nhu cầu ứng dụng AI và nhu cầu đào tạo AI của các doanh nghiệp; thông tin các cuộc thi ứng dụng AI; thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo; đề xuất phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo…


1. Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng thiết thực, hiệu quả.

2, 3. Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mong muốn và thực sự sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

4, 5. Nghị quyết số 131/NQ-CP, ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

6. Diễn đàn và Triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á năm 2023, https://vista.goc.vn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

2. Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS, ngày 04/4/2023 của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.

4. Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

ThS. TRẦN ĐỨC TUẤN
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin