1. Kinh nghiệm kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của một số nước theo tiếp cận ngành, nhóm ngành ưu tiên
Năng lượng
Hàn Quốc xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu phát triển và “thực hiện các giải pháp giảm nhu cầu năng lượng, cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả và triển khai năng lượng tái tạo nhằm “cải thiện hoạt động môi trường và chuyển sang cơ cấu kinh tế” gọn gàng hơn, sạch hơn. Trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo, Hàn Quốc đưa ra một số giải pháp như: Cơ chế giá FIT (feed-in tariff), Renewable Portfolio Standard (RPS), Renewable Fuel Standard (RFS), tăng cường độ năng lượng cho các ngành công nghiệp chính.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng, công cụ giá là công cụ chiến lược cho tăng trưởng xanh, sử dụng các công cụ cơ chế giao dịch phát thải (Emission Trading Schemes - ETC) liên quan đến giá phát thải carbon. Hiện tại, ETC đã được áp dụng ở các nước châu Âu, một số tiểu bang ở Hoa Kỳ hoặc tỉnh British Columbia của Canada. Các lĩnh vực áp dụng gồm lâm nghiệp, nhiên liệu giao thông, khí thải của quá trình công nghiệp và có thể mở rộng hơn.
Xây dựng
Liên minh châu Âu: Ngành công nghiệp xây dựng đóng một vai trò rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Để thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh đối với ngành xây dựng, Liên minh châu Âu đã xây dựng và thực hiện một loạt các giải pháp bao gồm: Kế hoạch hành động về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong đó có các chiến lược phát triển bền vững cho ngành xây dựng với các chính sách về cắt giảm khí nhà kính, năng lượng và hiệu quả tài nguyên, quản lý chất thải rắn xây dựng, số hóa ngành xây dựng hướng tới mục tiêu thúc đẩy nguyên tắc tuần hoàn trong suốt vòng đời của các công trình xây dựng: các sản phẩm xây dựng bền vững có sử dụng các nguyên, vật liệu tái chế; áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong thiết kế các công trình xây dựng; tích hợp nội dung đánh giá vòng đời trong chính sách mua sắm công và khuôn khổ tài chính bền vững; sửa đổi các mục tiêu về thu hồi nguyên, vật liệu đối với các quy định pháp lý về chất thải rắn xây dựng và các thành phần nguyên, vật liệu xác định.
Mỹ: Áp dụng một cách phổ biến các sản phẩm xanh và thiết kế bền vững, tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh LEED nhằm thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp xây dựng. Trong giai đoạn 2000 - 2015, trong tổng số 70.000 dự án xây dựng ở Mỹ đã đăng ký với Hội đồng công trình xanh của Mỹ (USGBC), có 52,6% đạt được chứng nhận công trình xanh LEED. Trong số các dự án đăng ký chứng nhận công trình xanh LEED, khoảng 42,4% được sở hữu bởi các doanh nghiệp và các tổ chức có lợi nhuận. Các cơ quan quản lý nhà nước cấp liên bang, bang và địa phương đã đóng góp đáng kể vào chiến lược tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp xây dựng, với các công trình công chiếm hơn 1/5 tổng số dự án đăng ký chứng nhận công trình xanh LEED. Xu hướng xanh cũng được thúc đẩy đối với các công trình nhà ở dân dụng. Tỷ lệ các công trình nhà ở dân dụng tham gia vào ngành công nghiệp xanh được dự báo gia tăng trong giai đoạn tới khi số lượng các chủ đầu tư dự án xây dựng thực hiện các dự án xây dựng xanh gia tăng. Đến năm 2020, các hoạt động xây dựng đối với khoảng 1/3 các công trình nhà ở dân dụng được đánh giá là xanh, và dự báo đến năm 2030, khoảng 20% lượng năng lượng tiêu thụ của các công trình nhà ở dân dụng sẽ được cắt giảm nhờ áp dụng các công nghệ tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Châu Á: Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp xây dựng. Singapore đã thực hiện Quy hoạch xây dựng bền vững với 5 chiến lược chính bao gồm: (1) Thực hiện ngành công nghiệp xây dựng bền vững với sự dẫn dắt thực hiện của Chính phủ; (2) Thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng bền vững đối với khối tư nhân; (3) Cải thiện năng lực ngành công nghiệp xây dựng; (4) Tăng cường phổ biến kiến thức để duy trì nhu cầu; (5) Các tiêu chuẩn tối thiểu thông qua các yêu cầu pháp lý. Bên cạnh đó, Singapore cũng đã thực hiện một loạt sáng kiến để thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng bền vững như: quy định phá dỡ công trình; hướng dẫn thiết kế về sử dụng các vật liệu thép thay thế; hệ thống chứng nhận đối với tái chế chất thải rắn xây dựng; quy định pháp lý về sử dụng thép kết cấu có thể tái sử dụng; quỹ phát triển năng lực ngành công nghiệp xây dựng bền vững.
Công nghiệp
Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đã xác định công nghiệp là một trong sáu lĩnh vực chịu trách nhiệm phát thải và cần phải đóng góp vào mục tiêu của Liên minh châu Âu tới năm 2050 là giảm 80% phát thải khí nhà kính so với năm 1990. Các chính sách ngành công nghiệp được liên kết với chiến lược dài hạn theo hướng xanh của Liên minh châu Âu. Chiến lược khí hậu dài hạn cập nhật mới nhất năm 2021 của Pháp đưa ra 4 nhóm giải pháp cho ngành công nghiệp với định hướng chuyển đổi sang nền công nghiệp “gần nhất có thể” không carbon (zero carbon) vào năm 2050. Trong khi đó, chiến lược dài hạn theo hướng xanh của Vương quốc Anh đưa ra 17 chính sách và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng sạch ngành kinh doanh và công nghiệp. Để đạt được mục tiêu trung lập khí nhà kính vào năm 2050 đề cập trong chiến lược khí hậu dài hạn, Cộng hòa Liên bang Đức đang hướng tới số hóa ngành công nghiệp. Đây là điều kiện cần để quốc gia này đạt được thành công về kinh tế và duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu về sản xuất công nghiệp. Chiến lược dài hạn theo hướng xanh của Áo đã vạch ra các hành động cho mục tiêu phát triển sạch (hay nói cách khác là phi carbon hóa) trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu tập trung vào chuyển đổi sử dụng năng lượng từ nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Với trọng tâm là ứng dụng hydro tái tạo (renewable hydrogen) trong ngành công nghiệp sắt thép, chiến lược dài hạn theo hướng xanh của Bồ Đào Nha với mục đích trung lập carbon đến năm 2050. Các hướng phi carbon hóa trong ngành công nghiệp tập trung vào hiệu quả năng lượng và tài nguyên, điện khí hóa, sử dụng năng lượng mặt trời và sinh khối, cộng sinh công nghiệp và tái sử dụng tài nguyên.
Châu Á: Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa lĩnh vực công nghiệp vào chiến lược khí hậu dài hạn. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, khi xây dựng chiến lược ngành với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, cần tính đến các đặc điểm của phân ngành và các yếu tố trong các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính khác nhau khi xem xét các khả năng ứng dụng. Riêng các giải pháp về công nghệ không chỉ bao gồm những giải pháp công nghệ đã được áp dụng thành công trong công nghiệp, mà còn tính đến cả các công nghệ khác chưa được phát triển cho mục đích thương mại nhưng có tiềm năng ứng dụng cao trong tương lai gần.
Nông nghiệp
Pháp: Chiến lược khí hậu dài hạn cập nhật mới nhất năm 2021 đã chỉ ra những thách thức mà ngành phải đối mặt như lượng vật nuôi lớn cần cung cấp năng lượng, nguyên liệu, bảo đảm tính bền vững và đa dạng sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng vệ sinh và các vấn đề môi trường trong sản xuất, cây trồng vẫn phải cần nitơ để phát triển, kể cả khi đã tối ưu hóa việc sử dụng nitơ để nâng cao hiệu quả của cây trồng mà bất kỳ loại nitơ nào đưa vào đất đều phát thải N2O là một loại khí nhà kính mạnh. Quá trình lên men đường ruột do nhai lại của gia súc cũng phát thải lớn lượng khí CH4 mặc dù khẩu phần thức ăn được nâng cao chất lượng để giảm phát thải nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Chiến lược đặt mục tiêu giảm 18% lượng phát thải của ngành nông nghiệp vào năm 2030 so với năm 2015 và giảm 46% vào năm 2050.
Các chiến lược cho ngành trước hết vẫn dựa trên việc tối ưu hóa quản lý diện tích đồng cỏ, tối ưu hóa nitơ, cải thiện protein trong thức ăn chăn nuôi, ngăn ngừa tồn đọng carbon và khuyến khích lưu trữ carbon trong đất bằng cách tăng lượng chất hữu cơ trong đất và các phúc lợi cho động vật. Ngoài ra, chiến lược còn tính đến nhu cầu, tránh tổn thất lãng phí trong quá trình tiêu thụ nông sản, thực phẩm và nâng cao giáo dục, nhận thức cho công dân trong thói quen ăn uống. Cuối cùng, trong dài hạn, xu hướng khử carbon có thể đi đôi với việc chuyển địa điểm sản xuất vì nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm địa phương. Bên cạnh thực tế là cần phải có một nền nông nghiệp quốc gia vững chắc để chuyển đổi carbon thấp một cách cân bằng và việc chuyển địa điểm sản xuất trở lại Pháp có thể giúp kiểm soát tốt hơn lượng khí thải carbon của Pháp.
Thụy Sĩ: Đến năm 2050 ngành nông nghiệp đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính. Chiến lược tăng trưởng xanh đối với ngành nông nghiệp của Thụy Sĩ bao gồm:
-
Tài trợ cho các dự án và tư vấn cho việc ra quyết định đối với chính sách nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong việc triển khai các kết quả khoa học vào thực tế. Ngoài ra, Liên đoàn Thụy Sĩ cũng hỗ trợ Hiệp hội AgroClean Tech thiết lập một nền tảng để cung cấp thông tin và trao đổi kiến thức về năng lượng và bảo vệ khí hậu;
-
Thúc đẩy chất lượng, nâng cao tính bền vững của các sản phẩm nông nghiệp, xúc tiến hoạt động bán hàng, chương trình bảo vệ nguồn nước, phát triển nông thôn, cải thiện chăn nuôi và trồng trọt, các trang trại lớn có thể được miễn thuế CO2 nếu họ cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm với Liên đoàn Thụy Sĩ;
-
Các nhà sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch có nghĩa vụ bù đắp một phần lượng khí thải CO2 từ giao thông vận tải bằng cách hỗ trợ các dự án của Thụy Sĩ nhằm giảm phát thải; một số công trình khí sinh học và sử dụng phân bón hữu cơ đã được đăng ký như là các dự án bù đắp trong nông nghiệp.
Thụy Điển: Luật khí hậu thiết lập khí hậu mới phải không kém tham vọng so với mục tiêu gần đây nhất đã đặt ra, phù hợp với nguyên tắc “không đi lùi” của thỏa thuận Paris. Một mặt, Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ các sáng kiến ngắn hạn; mặt khác, phân bổ nguồn lực cho các nghiên cứu đầy tham vọng, tập trung vào các công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp với tiềm năng tạo ra mức giảm chi phí lớn, hiệu quả hơn trong dài hạn. Kể từ năm 1990, đã có sự tách biệt quy mô sản xuất khỏi phạm vi phát thải khí nhà kính. Từ năm 1990 đến năm 2017, sản xuất tăng 35% trong khi phát thải khí nhà kính giảm 16%.
Hàn Quốc: Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp của Hàn Quốc bao gồm:
- Chuyển sang canh tác thông minh bằng công nghiệp 4.0 bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, dữ liệu lớn cung cấp cho ngành nông nghiệp các cơ hội để giảm phát thải khí nhà kính hơn nữa. Hàn Quốc đang sử dụng ngày càng nhiều công nghệ thông minh trong lĩnh vực trồng trọt, Chính phủ có kế hoạch triển khai 7.000ha trang trại thông minh và 5.000 chuồng trại chăn nuôi thông minh vào năm 2022 cùng với 3 trang trại nuôi cá thông minh trên vùng ven biển vào năm 2023.
- Mở rộng quy mô triển khai các phương pháp canh tác carbon thấp như quản lý nước trong các cánh đồng lúa và thức ăn gia súc có hàm lượng khí metan thấp giúp cải thiện quá trình lên men đường ruột. Để nông dân áp dụng các phương thức như vậy trong canh tác, các chương trình giáo dục liên quan và hỗ trợ công nghệ cần được cung cấp liên tục cho họ.
- Các chính sách hợp tác cho nông dân và người tiêu dùng: Chính phủ Hàn Quốc đã vận hành một chương trình giảm phát thải khuyến khích cho nông dân từ năm 2012. Sản phẩm nông nghiệp, thịt hoặc các sản phẩm từ sữa được sản xuất theo phương thức canh tác giảm thiểu đầu vào, tức là phân bón, thuốc trừ sâu và vật tư canh tác, được chứng nhận là sản phẩm carbon thấp và Chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng các chương trình chứng nhận này.
- Mở rộng quy mô triển khai năng lượng thân thiện với môi trường. Thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng carbon thấp trong lĩnh vực trồng trọt là phương án giảm thiểu khả thi nhất với tiềm năng giảm phát thải lớn nhất. Chuyển phân thành năng lượng, triển khai năng lượng mặt trời và sử dụng máy bơm địa nhiệt là những lựa chọn có sẵn có thể làm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sử dụng đèn LED và rèm cửa nhiệt cũng rất hữu ích vì chúng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Tàu cá thân thiện với môi trường chạy bằng điện và hydro giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất thủy sản. Phát triển các tàu này là một lựa chọn quan trọng nhằm đưa ra một cơ cấu sản xuất carbon thấp sẽ giúp đạt được nghề đánh bắt cá bền vững và xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu. Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích việc triển khai các tàu cá như vậy trong tương lai.
- Sử dụng phụ phẩm làm tài nguyên cho công nghiệp sinh học: Vỏ hàu là sản phẩm phụ tái chế được đánh giá cao, được tạo ra trong quá trình sản xuất, tiêu thụ và phân phối các sản phẩm thủy sản. Nếu chúng được sử dụng làm vật liệu thay thế cho đá vôi, lượng phát thải khí nhà kính có thể được giảm thiểu. Khi vỏ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp sinh học (tức là thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm), nó cũng có thể làm giảm số lượng phụ phẩm thủy sản.
2. Hàm ý chính sách cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Những quan sát bước đầu về chiến lược, lộ trình tăng trưởng xanh của các quốc gia, các định chế toàn cầu, tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhiều hàm ý chiến lược cho Việt Nam trước bối cảnh phát triển mới theo một số ngành ưu tiên như sau:
Năng lượng: Xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng tin cậy và hiệu quả; thúc đẩy tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; đảm bảo nhập khẩu năng lượng ổn định và tăng cường an ninh năng lượng; tạo ra thị trường năng lượng cạnh tranh hoạt động hiệu quả để huy động nguồn lực từ xã hội; đề ra các biện pháp đảm bảo nguồn tài chính bền vững cần thiết cho việc thực hiện các chính sách năng lượng.
Xây dựng: Hoàn thiện khung pháp lý về các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; các giải pháp quản lý bền vững chất thải rắn xây dựng, các giải pháp, nguyên tắc kinh tế tuần hoàn áp dụng đối với ngành công nghiệp xây dựng; thúc đẩy sự hợp tác giữa Nhà nước - doanh nghiệp, tăng cường vai trò của khối tư nhân đối với phát triển bền vững ngành công nghiệp xây dựng.
Công nghiệp: Xây dựng các giải pháp chính sách kỹ thuật phù hợp với bối cảnh đất nước và đặc thù ngành công nghiệp Việt Nam, có xét đến yếu tố kế thừa kinh nghiệm thế giới và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; liên kết, kế thừa các quy hoạch, chiến lược định hướng phát triển ngành, phân ngành công nghiệp; có tính đến các giải pháp của tương lai tương ứng với tầm nhìn dài hạn của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Nông nghiệp: Đối với ngành trồng trọt, chăn nuôi có thể thừa kế các công nghệ thông tin và trí tuệ thông minh nhân tạo của Hàn Quốc, Nhật Bản để giám sát phát thải khí nhà kính cũng như cải tiến vật liệu; mở rộng quy mô triển khai năng lượng thân thiện với môi trường như thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng carbon thấp trong lĩnh vực trồng trọt, hay áp dụng các cải tiến thức ăn chăn nuôi, sử dụng hiệu quả nguồn sinh khối dồi dào từ phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo ra năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch.
ThS. NGUYỄN MINH HÀ
Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội