* Về chủ nghĩa yêu nước
Chủ nghĩa yêu nước là một hiện tượng xã hội có tính phổ quát trong lịch sử phát triển của nhân loại. Chủ nghĩa yêu nước luôn gắn liền với một quốc gia - dân tộc nhất định, chịu sự quy định bởi điều kiện riêng của dân tộc đó, nên cách tiếp cận và quan niệm về chủ nghĩa yêu nước giữa các quốc gia - dân tộc và cộng đồng người khác nhau cũng có sự khác biệt. Có thể nêu ra một số quan niệm tiêu biểu sau:
Khi bàn đến chủ nghĩa yêu nước, V.I. Lênin nhấn mạnh: “Một trong những tình cảm sâu sắc nhất, đã được củng cố qua hàng trăm, hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập”1. Ở đây chủ nghĩa yêu nước được V.I.Lênin xem xét với tư cách là tình cảm tự nhiên thiêng liêng gắn bó với mỗi thành viên của Tổ quốc, được truyền nối, kế thừa và phát huy theo dòng chảy lịch sử của mỗi quốc gia - dân tộc. Từ điển Triết học của Liên Xô tiếp tục làm rõ, chủ nghĩa yêu nước: “Một tình cảm xã hội, mà nội dung là tình yêu và lòng trung thành đối với Tổ quốc, là lòng tự hào về quá khứ và hiện tại của Tổ quốc, ý chí bảo vệ những lợi ích của Tổ quốc... Trong xã hội có giai cấp, nội dung chủ nghĩa yêu nước có tính chất giai cấp, bởi vì mỗi giai cấp biểu hiện thái độ của mình đối với Tổ quốc thông qua những lợi ích riêng vốn có của nó”2.
Một số công trình nghiên cứu tiếp cận chủ nghĩa yêu nước dưới góc độ đạo đức, văn hóa như Bách khoa thư Trung Quốc định nghĩa: “Chủ nghĩa yêu nước - Những quan điểm, tư tưởng và cách ứng xử, hành vi của con người xuất phát từ tình cảm nồng nàn đối với Tổ quốc. Đó cũng là quy phạm, chuẩn mực đạo đức để điều tiết giữa lợi ích cá nhân và lợi ích Tổ quốc... Đồng thời căn cứ vào đó để đánh giá hành vi là thiện hay ác, phù hợp với chuẩn mực đạo đức không”3.
Ở Việt Nam, Đại từ điển tiếng Việt (1998) khẳng định: chủ nghĩa yêu nước là “Lòng yêu nước biểu hiện ở tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc”4. Từ điển Công tác Đảng, công tác chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quan niệm: “Chủ nghĩa yêu nước, hệ thống tư tưởng, yếu tố tâm lý, tinh thần xã hội với sự sinh tồn, phát triển của đất nước, của dân tộc; tập trung ở tình yêu, lòng trung thành với Tổ quốc, ý thức sâu sắc về lãnh thổ và quốc gia dân tộc, lòng tự tôn và tự hào về văn hiến, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường trong quá trình dựng nước, giữ nước”5.
Như vậy, các quan niệm trên tuy khác nhau về hướng tiếp cận, nhưng đều chỉ ra một số đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa yêu nước, đó là:
Thứ nhất, chủ nghĩa yêu nước phản ánh hệ thống quan điểm, tư tưởng, tình cảm và thái độ của một cộng đồng người với Tổ quốc và dân tộc, được hình thành, củng cố trong quá trình sống và hoạt động của cộng đồng người đó. Biểu hiện ở sự hiểu biết của con người về điều kiện tự nhiên, xã hội của đất nước; về truyền thống lịch sử, văn hóa; ý thức tự tôn, lòng tự hào về những giá trị vật chất - tinh thần của dân tộc; tình cảm yêu quý và sự gắn bó của mỗi người với gia đình, quê hương, đất nước...
Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm của quá trình kế thừa, bổ sung, phát triển lâu dài và liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác, đạt đến độ bền vững cao, trở thành nguyên tắc đạo đức của cộng đồng người, thôi thúc mỗi cá nhân thực hiện trách nhiệm với gia đình, nghĩa vụ với Tổ quốc và dân tộc. Đặc biệt, trong trường hợp Tổ quốc lâm nguy, chủ nghĩa yêu nước đòi hỏi mỗi thành viên phải hy sinh quyền lợi của cá nhân, đặt lợi ích của cộng đồng lên trước, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, dân tộc.
Thứ ba, chủ nghĩa yêu nước là một hiện tượng xã hội - lịch sử, có nội dung và biểu hiện khác nhau ở từng thời đại, từng quốc gia - dân tộc. Trong xã hội có giai cấp, chủ nghĩa yêu nước mang bản chất giai cấp sâu sắc, phản ánh quan điểm, lợi ích của giai cấp thống trị tương quan với lợi ích của cộng đồng người. Trên bình diện thế giới, chủ nghĩa yêu nước phản ánh một dạng tình cảm có tính chất phổ biến của con người, tuy nhiên chủ nghĩa yêu nước luôn chịu sự quy định của điều kiện riêng về lịch sử, văn hóa, đặc trưng tộc người của mỗi quốc gia - dân tộc, nên nó vừa có tính phổ quát, vừa có tính đặc thù rõ nét.
Từ những cơ sở trên có thể hiểu chủ nghĩa yêu nước là tổng hòa những tư tưởng, tình cảm, ý chí yêu nước bền vững của một cộng đồng người với quê hương, đất nước, được hình thành phát triển trong lịch sử, trở thành nguyên tắc chuẩn mực chi phối tình cảm, thúc đẩy hành động tích cực, tự giác của mỗi cá nhân trong quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia - dân tộc.
* Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên một nền văn hóa rực rỡ, với vô vàn những giá trị vật chất tinh thần đặc sắc, trong đó “yêu nước” là giá trị tinh thần bền vững, truyền thống tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ và thường xuyên được bồi đắp, phát triển để trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, hạt nhân tinh thần tạo nên sức mạnh to lớn bảo đảm cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là kết quả của sự hòa quyện giữa tư tưởng yêu nước với tình cảm yêu nước của người Việt, là sự phát triển, nâng cao tinh thần yêu nước của mỗi cá nhân thành truyền thống yêu nước của cộng đồng dân tộc, đóng vai trò như một nguyên tắc chuẩn mực quy định thái độ, hành vi của mỗi người Việt Nam đối với quê hương, đất nước ngay từ khi họ được sinh ra.
Từ góc độ tiếp cận về chủ nghĩa yêu nước nêu trên, có thể khái quát: Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một hệ thống tổng hòa những tư tưởng, tình cảm, ý chí, quyết tâm yêu nước bền vững của dân tộc Việt Nam, được hình thành, phát triển trong tiến trình dựng nước và giữ nước, trở thành nguyên tắc đạo đức chi phối tình cảm, thúc đẩy mỗi người Việt Nam tự giác cống hiến, sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có một số đặc điểm nổi bật như sau:
Một là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành trong tiến trình dựng nước và giữ nước, bắt nguồn từ công cuộc chinh phục thiên nhiên phát triển nông nghiệp và quá trình đấu tranh chống xâm lăng của các thế hệ người Việt;
Hai là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là cội nguồn sức mạnh tinh thần của dân tộc, bảo đảm cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển;
Ba là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sự tổng hòa của tri thức, tình cảm, ý chí quyết tâm, chuyển hóa thành hành động yêu nước của mỗi người Việt Nam đối với quê hương, đất nước;
Bốn là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là dòng chảy phát triển liên tục từ truyền thống đến hiện đại;
Năm là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chịu sự quy định của các nhân tố khách quan và chủ quan của mỗi giai đoạn lịch sử.
* Giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên Việt Nam
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi dậy hoặc biến nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực, góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội. Hay nói cách khác, quá trình giáo dục là sự tổ chức, chỉ đạo có mục đích các loại hình hoạt động, các mối quan hệ nhiều mặt của người được giáo dục đối với người khác, với thế giới xung quanh, các dạng giao lưu đa dạng giữa họ với nhau và giữa họ đối với những người lớn tuổi khác, nhằm hình thành cho người được giáo dục quan điểm, niềm tin, định hướng giá trị, lý tưởng, động cơ, thái độ, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen ứng xử đúng đắn trong các quan hệ đạo đức, chính trị, pháp luật, thẩm mỹ, lao động, vệ sinh…
Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho đoàn viên, thanh niên trong thời kỳ mới chính là nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần và nghị lực, trí tuệ và tài năng của thế hệ trẻ để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và thành quả cách mạng, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giữ vững định hướng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho đoàn viên, thanh niên trong thời kỳ mới là giáo dục cho họ dù ở hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, từng bước đưa Việt Nam vươn lên theo kịp các nước trong khu vực và thế giới; giúp đoàn viên, thanh niên thể hiện lòng yêu nước bằng hành động dũng cảm, sáng tạo, xung kích trong phát triển kinh tế; năng động, nhạy bén “đi tắt đón đầu” trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, thanh niên phải không ngừng nâng cao lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tương lai tươi sáng của đất nước, tiền đồ của dân tộc; trung thành với mục tiêu lý tưởng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; tự giác chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
1. V.I. Lênin Toàn tập, t.37, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 226.
2. M.M. Rôdentan, Từ điển triết học, Nxb. Tiến bộ, Mátxơcơva, 1986, tr. 712.
3. Nguyễn Tuấn Dũng, Nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, Đề tài khoa học, Học viện Chính trị quân sự, Hà Nội, 1999, tr. 7.
4. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 394.
5. Tô Xuân Sinh, Từ điển Công tác Đảng, công tác chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 97.
Trần Nguyễn Bảo Minh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền