Quản lý cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quan điểm Mác - Lênin

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin là những người đặt nền móng lý luận để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mác và Ăngghen đã chỉ ra rằng giai cấp vô sản muốn giành được chính quyền thì phải xây dựng được một đội ngũ những người đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, mặc dù Mác, Ănggen chưa đưa bàn nhiều về cán bộ nhưng các ông đã đưa ra những luận điểm có giá trị để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1. Xác định về tiêu chuẩn của cán bộ
Xác định tiêu chuẩn của cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các nhà kinh điển đã chỉ ra những tiêu chuẩn của những người cộng sản.
Luôn đứng trên lập trường thế giới quan khoa học, cách mạng; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân
Theo C.Mác, Ph.Ăngghen, trong nhận thức, thực tiễn, những người cộng sản nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải luôn luôn đứng trên lập trường thế giới quan khoa học, cách mạng; tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân. Đây là tiêu chuẩn, thước đo đầu tiên, cần phải có của người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, đây cũng là nội dung có ý nghĩa định hướng, chi phối toàn bộ quá trình nhận thức, hoạt động thực tiễn, rèn luyện, trưởng thành của mỗi người đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

can-bo-13-11-44-438-1683267714.jpg
 


Đề cập thế giới quan cộng sản chủ nghĩa, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân, C.Mác và Ph.Ăngghen từng chỉ giáo, vì mục tiêu trước tiên của những người cộng sản là “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”1. Vì vậy, muốn trở thành hội viên của liên đoàn những người cộng sản cần phải có “a) lối sống và hoạt động phù hợp với mục đích ấy; b) nghị lực cách mạng và lòng nhiệt thành trong công tác tuyên truyền; c) thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; d) không tham gia vào mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống cộng sản, và có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan lãnh đạo hữu quan về việc mình tham gia vào một tổ chức nào đó; e) phục tùng các nghị quyết của Liên đoàn; f) giữ bí mật mọi công việc của Liên đoàn; g) được một chi bộ nhất trí kết nạp. Ai không còn đủ những điều kiện ấy sẽ bị khai trừ”2.
Như vậy, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, muốn vào Đảng, trở thành người đảng viên cộng sản, phải thừa nhận, đáp ứng được những tiêu chuẩn trên. Mặc dù, ở đây các ông chưa đề cập và dùng từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng đằng sau những tiêu chuẩn các ông nêu lên cũng cho thấy rằng tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý không thể nằm ngoài các tiêu chuẩn của người đảng viên. Vì vậy, những tiêu chuẩn, điều kiện được C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập, hiện nay vẫn còn giá trị sâu sắc về mặt lý luận, thực tiễn trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị ở nước ta.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, những người cộng sản không chỉ đứng trên lập trường, thế giới quan cộng sản chủ nghĩa, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của nhân dân mà còn phải luôn gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân lao động, luôn đặt lợi ích của giai cấp, của dân tộc lên trên hết; đồng thời, phải luôn nhận thức sâu sắc rằng, đảng cộng sản là một chính đảng cách mạng, độc lập của giai cấp công nhân. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác từng nhấn mạnh: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân”3, “Không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”4. Đồng thời, C.Mác - Ph.Ăngghen tiếp tục đánh giá vai trò to lớn của quần chúng trong bước ngoặt của cách mạng: “Hoạt động lịch sử càng lớn lao thì do đó, quần chúng, mà hoạt động lịch sử đó là sự nghiệp của mình, cũng sẽ lớn lên theo”5. V.I. Lênin từng khẳng định: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được... ”6. Vì vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng “những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”7. “Trong cuộc đấu tranh của mình chống quyền lực liên hợp của các giai cấp hữu sản, giai cấp công nhân, chỉ khi được tổ chức thành một chính đảng độc lập đối lập với tất cả các chính đảng cũ do các giai cấp hữu sản lập nên, thì mới có thể hành động với tư cách là một giai cấp”8.
Vì vậy, có thể nói, giữ vững lập trường giai cấp, bản chất giai cấp của Đảng là một trong những nguyên nhân giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải kiên định lập trường giai cấp, bản chất giai cấp của Đảng. V.I. Lênin từng nhấn mạnh: “không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình, và do đó, cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực sản xuất”9.
Tính tiên phong, gương mẫu
Theo các nhà kinh điển, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là tính tiên phong, gương mẫu. Trong tư tưởng của các nhà kinh điển về cán bộ, nội dung tính tiên phong, gương mẫu chiếm vị trí quan trọng, hàng đầu, thể hiện trong nhiều tác phẩm. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác, Ph. Ăngghen đã nhấn mạnh: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là một bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phát triển tiến lên, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”10.
Theo các nhà kinh điển, người cộng sản phải tiên phong gương mẫu trong bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, lĩnh vực nào của cách mạng; nhất là trong những khúc quanh khó khăn của phong trào. Vì vậy, sau khi tổng kết thực tiễn, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho phong trào công nhân, C. Mác, Ph. Ăngghen đã viết: “Dù cuộc đấu tranh giai cấp biểu hiện ra ở đâu và trong điều kiện nào, dù cuộc đấu tranh đó mang hình thức nào, đương nhiên là các hội viên của Hội liên hiệp chúng ta cũng đều đứng ở hàng đầu”11. Đây chính là những mệnh lệnh, yêu cầu của C. Mác - Ph. Ăngghen về tính tiên phong đối với người cộng sản đương thời cũng như ngày nay.
Thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng
Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng trực tiếp chi phối, quyết định đến toàn bộ hoạt động của của các đảng cộng sản nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Mặc dù, do điều kiện lịch sử, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không đề cập cụ thể đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng người cán bộ lãnh đạo, quản lý hơn ai hết phải tiên phong quán triệt sâu sắc các nguyên tắc này.
Vể nguyên tắc tập trung dân chủ, trong Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, Mác, Ăngghen đã chỉ rõ: “Về cơ cấu, Liên đoàn gồm chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội”12; trong đó “Đại hội có quyền lực lập pháp đối với toàn Liên đoàn”13; “Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan chấp hành quyền lực của toàn Liên đoàn và với tư cách đó, phải báo cáo công tác với Đại hội”14, “Tổng khu bộ là cơ quan chấp hành quyền lực đối với tất cả các khu bộ của một tỉnh”15, “Ban Chấp hành khu bộ là cơ quan chấp hành quyền lực đối với tất cả các chi bộ thuộc khu bộ”16. Tất cả các ủy viên trong ban lãnh đạo của Liên đoàn từ khu bộ đến Ban Chấp hành trung ương đều phải được bầu cử dân chủ, khi không còn uy tín thì chính những người bầu ra sẽ bãi miễn họ. Tất cả các đảng viên đều phải tuân thủ nghiêm túc Nghị quyết của liên đoàn, phát huy quyền dân chủ, thảo luận, tranh luận trong khuôn khổ tổ chức của Đảng. Lênin cũng chỉ rõ: “Chế độ tập trung dân chủ chỉ có nghĩa là đại biểu các địa phương hội họp lại và cử ra cơ quan có trách nhiệm để tiến hành việc quản lý”17; “Chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ”18. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình luôn là một yêu cầu, phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên, vừa góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vừa là một trong những giải pháp tăng cường sức mạnh nội sinh của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, nhờ có tự phê bình và phê bình mỗi cán bộ, đảng viên, chi bộ mới kịp thời phát hiện, đẩy lùi những hạn chế, bất cập, thậm chí những sai lầm; nhân rộng, phát huy những tiến bộ, tích cực tạo nên sức mạnh cho Đảng. Với tất cả những lý do trên, phê bình và tự phê bình trở thành sức mạnh cho sự tồn tại, phát triển của Đảng. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi đề cập xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc, giải pháp phê bình và tự phê bình. Theo Ph. Ăngghen, việc Đảng phê bình hoạt động đã qua của mình là một việc làm tuyệt đối cần thiết và bằng cách đó, Đảng học cách hoạt động tốt hơn.
Tinh thần phê bình và tự phê bình luôn soi rọi, chỉ dẫn cho chính C. Mác - Ph. Ăngghen trong quá trình xây dựng, bổ sung, phát triển học thuyết lý luận cách mạng, khoa học của mình. Do điều kiện của lịch sử, giới hạn nhận thức của cá nhân trong từng giai đoạn và các giai đoạn kế tiếp, các ông sẵn sàng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế những luận điểm lạc hậu của chính mình ở giai đoạn trước. Trong một lời tựa của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, có viết: “Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi. Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”19.
Quán triệt, thấm nhuần, vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của C. Mác- Ph. Ăngghen, V.I. Lênin luôn xác định: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”20. V.I. Lênin cũng chỉ ra rằng, một đảng không thấy được sức mạnh của phê bình và tự phê bình ắt sẽ dẫn đến nguy cơ diệt vong. Người viết: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”21. Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc tinh thần phê bình, tự phê bình trên của chủ nghĩa Mác - Lênin, chắc chắn họ sẽ luôn trưởng thành về tri thức, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.
Người cộng sản phải luôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí; đấu tranh phê phán, ngăn chặn chủ nghĩa xét lại, cơ hội
Đoàn kết, nhất trí, đấu tranh, phê phán, ngăn chặn kịp thời chủ nghĩa xét lại, cơ hội cũng là một trong những nguyên tắc, giải pháp nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực chất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không ngừng trưởng thành về tư tưởng, chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn. Vì vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin rất quan tâm đến vấn đề này. C.Mác - Ph. Ăngghen từng viết: “Quốc tế không thể được củng cố vững chắc nếu chủ nghĩa bè phái không bị tiến trình lịch sử đập tan”22. Không chỉ đề cập sức mạnh, sự cần thiết của tinh thần thống nhất, đoàn kết trong đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin còn chỉ rõ cơ sở cho sự đoàn kết ấy để những người cộng sản đương thời và hôm nay cần phải lưu ý, nhất là những người cán bộ giữ cương vị quản lý, lãnh đạo. Ph. Ăngghen từng nhấn mạnh: “Ở đâu không có lợi ích chung thì ở đó không thể có sự thống nhất về mục đích và càng không thể có sự thống nhất về hành động được”23. Rằng là: “Những lợi ích khác nhau, đối lập với nhau và chằng chịt với nhau một cách lạ lùng như vậy đi đến chỗ va chạm nhau mãnh liệt; khi những lợi ích chống đối lẫn nhau ấy ở mỗi khu, mỗi tỉnh đan xen lẫn nhau theo những tỷ lệ khác nhau thì người ta không thể chờ đợi cái gì khác hơn là cuộc đấu tranh sẽ tách rời thành vô số những trận chiến đấu lẻ tẻ và không có liên hệ với nhau, làm tiêu hao biết bao nhiêu máu, bao nhiêu sinh lực và của cải mà vẫn không đem lại được một kết quả quyết định nào”24.
Kế thừa, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn của C. Mác - Ph. Ăngghen về tư tưởng trên, V.I. Lênin luôn cảnh báo những cán bộ, đảng viên của Đảng về hậu quả nghiêm trọng của sự mất đoàn kết. Theo Người, bất cứ sự bất đồng nào, ngay cả sự bất đồng không đáng kể, cũng có thể trở thành nguy hiểm về mặt chính trị, “chỉ có chính đảng của giai cấp công nhân, tức là Đảng cộng sản, mới có thể tập hợp, giáo dục, tổ chức đội tiên phong của giai cấp vô sản và của tất cả quần chúng lao động, chỉ có đội tiên phong ấy mới có thể chống lại nổi những sự dao động tiểu tư sản không thể tránh khỏi của những quần chúng đó, chống lại nổi những truyền thống và những sự tái phạm không thể tránh khỏi của bệnh hẹp hòi phường hội hoặc của những thiên kiến phường hội trong giai cấp vô sản và lãnh đạo tất cả những hành động liên hợp của toàn bộ giai cấp vô sản, tức là lãnh đạo giai cấp đó về mặt chính trị, và thông qua giai cấp đó mà lãnh đạo tất cả quần chúng lao động. Nếu không thế, thì không thể thực hiện chuyên chính vô sản được”25.
Nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Đảng, đồng thời cũng phải thường xuyên phát hiện kịp thời, đấu tranh có hiệu quả với những tư tưởng cơ hội, xét lại. Bởi lẽ, tư tưởng cơ hội, xét lại là kẻ thù trực tiếp gây chia rẽ tinh thần đoàn kết nhất trí trong đảng, nhưng nó lại núp dưới nhiều hình thức, với nhiều thủ đoạn xảo quyệt, thâm độc. Theo V.I. Lênin, bảo vệ chủ nghĩa Mác, chống lại các mưu toan xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác là nghĩa vụ thiêng liêng của những người mácxít. Tư tưởng này của V.I. Lênin ngày nay vẫn còn nguyên giá trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. V.I. Lênin đã từng vạch ra bản chất của chủ nghĩa cơ hội như sau: “Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “thỏa thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại”26.
2. Lựa chọn, sử dụng cán bộ
C. Mác từng nhấn mạnh: “Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”27. Từ thực tiễn ở nước Nga, Lênin đã đặt ra yêu cầu là phải tìm kiếm những cán bộ có thâm niên, có uy tín trong Đảng, không thiên vị, có đầu óc khách quan, hăng hái, phẩm chất cao trong công tác hành chính, có hiều kinh nghiệm sống. Khi cách mạng vô sản đang trong quá trình đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, V.I. Lênin nhấn mạnh tính tất yếu khách quan, sự cần thiết, vai trò to lớn của những người cán bộ lãnh đạo, đó là: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị; những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”28. Đặc biệt, ngay trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò của người cán bộ càng trở nên cực kỳ quan trọng hơn bao giờ hết. V.I. Lênin cũng đã từng nhấn mạnh: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”29. Vì thế V.I. Lênin rất bức xúc, lo lắng trước thực trạng: thiếu vắng trầm trọng những cán bộ lãnh đạo chính trị có học thức, văn hóa và khả năng quản lý đất nước; không ít cán bộ lãnh đạo đã bị nhiễm bởi căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”; một bộ phận lãnh đạo và quản lý mắc bệnh quan liêu. Những cán bộ này đã “thiếu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế, thiếu trao đổi kinh nghiệm, thiếu kiểm tra lẫn nhau”30. Đề cập hậu quả nghiêm trọng bệnh quan liêu, V.I. Lênin viết: “Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu... nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”31.
Vì vậy, lựa chọn cán bộ, theo Lênin, ngoài tính tiên phong, gương mẫu, phải chú ý đến “một tinh thần giác ngộ cao, một tính kỷ luật cao, một lòng trung thành cao độ”. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải lựa chọn cán bộ là những người “có được uy tín chuyên môn”, “có kiến thức đầy đủ”, “có tinh thông khoa học quản lý” và “phải là một cán bộ quản lý giỏi”. Không những thế, người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải là người thường xuyên bám sát thực tiễn, nghiên cứu thực tiễn, không ngừng nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn. V.I. Lênin luôn chỉ giáo, yêu cầu các đảng viên của Đảng Cộng sản phải thường xuyên “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”. Đối với Người, việc “ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống, để giáo dục quần chúng”32 là cần phải rút kinh nghiệm, cần phải khắc phục và phê phán.
Đối với việc lựa chọn, tuyển dụng cán bộ, cũng theo Lênin, phải căn cứ vào tiêu chuẩn đặt ra và nhu cầu thực tiễn của phong trào, của từng lĩnh vực. Cụ thể là: “Một là, họ được nhiều đảng viên cộng sản giới thiệu; hai là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết bộ máy nhà nước của chúng ta; ba là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết lý luận thường thức về bộ máy nhà nước của chúng ta, những nguyên tắc của khoa học quản lý; bốn là, họ phải phối hợp tốt công tác với những ủy viên Ban kiểm tra trung ương và với ban thư ký riêng của mình, sao cho chúng ta có thể đảm bảo cho toàn thể bộ máy chạy tốt”33.
Lựa chọn cán bộ đúng rồi, nhưng đồng thời phải biết sử dụng đúng cán bộ, đúng người, đúng việc. Theo Lênin, làm tốt điều này vừa phát huy khả năng, sở trường người cán bộ, vừa nâng cao hiệu quả của phong trào cách mạng. Lênin viết: “Bất kỳ công tác quản lý nào cũng đều đòi hỏi phải có những đặc tính riêng biệt. Có người có thể là một nhà cách mạng và nhà cổ động cừ nhất, nhưng làm một cán bộ hành chính thì lại hoàn toàn không thích hợp”34.
Việc lựa chọn, sử dụng cán bộ không chỉ có đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, mà còn bao hàm luân chuyển cán bộ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ từng được chủ nghĩa Mác - Lênin quan tâm, đề cập. Lênin từng chỉ dẫn: “phải làm cho mỗi ủy viên trong xô-viết nhất thiết phải gánh vác một công tác nào đó trong lĩnh vực quản lý nhà nước làm cho những công tác đó được thay đổi liên tiếp để mỗi ủy viên đều nắm được toàn bộ các công việc quản lý nhà nước và tất cả các ngành của công tác quản lý đó”35. Song, Lênin cũng yêu cầu việc luân chuyển cán bộ “sao cho không làm ảnh hưởng đến việc giới thiệu công tác với những người mà vấn đề thuyên chuyển họ được bàn đến, và sao cho không ảnh hưởng đến công tác, nghĩa là chỉ tiến hành bằng cách nào để việc đảm nhiệm công tác luôn luôn nằm trong tay những cán bộ hoàn toàn am hiểu công việc chuyên môn và đảm bảo thắng lợi cho công tác”36.
3. Quản lý cán bộ
Để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn sau:
Thứ nhất, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ, công việc của cán bộ. V.I. Lênin viết: “Cái chúng ta cần, không phải là cái pháp lệnh mới, các cơ quan mới, hay các biện pháp đấu tranh mới. Chúng ta cần kiểm tra năng lực của nhân viên công tác kiểm tra việc chấp hành thực tế mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vấn đề là ở đấy và chỉ có ở đấy”37. Về cách thức kiểm tra công việc cán bộ là phải “kiên trì, từ từ, thận trọng, thiết thực” tránh bệnh hình thức, theo kiểu phong trào, chiến dịch, V.I. Lênin căn dặn như vậy.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đề cập vấn đề này, V.I. Lênin từng chỉ giáo: “Dầu sao và dầu trong trường hợp nào đi nữa, việc tập thể lãnh đạo cũng vẫn phải đi đôi với việc cá nhân phụ trách đã được quy định một cách rõ rệt cho từng người đối với một công tác nào đó đã được quy định một cách chính xác”38. Song khi triển khai công việc “thì chỉ nên giao cho một đồng chí thôi, một đồng chí có tiếng là cương nghị, có tinh thần quả quyết, mạnh dạn, có khả năng lãnh đạo công tác thực tiễn và được tín nhiệm nhất”39. Thực chất của nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo tinh thần của V.I. Lênin là nhằm phát huy trí tuệ của tập thể, khắc phục bệnh độc đoán chuyên quyền, bệnh vô trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo quản lý.
Thứ ba, thu hút, tập hợp tất cả các lực lượng, các tầng lớp nhân dân tham gia vào công việc của đơn vị, cơ quan, nhà nước, V.I. Lênin chỉ rõ: “Chính trị là vận mệnh thực tế của hàng triệu con người”40, “chính trị phải là việc của nhân dân, việc của giai cấp vô sản”41. Vì thế, có thể nói, người cán bộ giỏi phải là người biết thu hút, tập hợp được đông đảo mọi người tham gia vào việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cơ quan.
Thứ tư, cán bộ quản lý, lãnh đạo ngoài phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, phẩm chất chuyên môn nói chung, còn cần phải là người có lòng nhân ái, chân thành đối với đồng nghiệp, đồng chí và quần chúng nhân dân. Đây cần phải xem như là một nguyên tắc trong lãnh đạo, quản lý của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. V.I. Lênin từng nhấn mạnh: “Khoan dung hơn, từ tốn hơn, lịch thiệp và quan tâm đến đồng chí nhiều hơn, tính tình ít thất thường hơn”. Những đòi hỏi trên đây của V.I. Lênin phản ánh bản chất nhân văn sân sắc hàm chứa trong nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở chế độ mới.
Xuất phát từ vị trí, vai trò của cán bộ, Mác, Ăngghen đã đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Các ông đã chỉ rõ phải đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, giám sát, thậm chí phải bãi miễn cán bộ thì mới có được đội ngũ cán bộ tốt. Đó là những công việc không thể thiếu của đảng nếu muốn có một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, có trình độ, năng lực thực tiễn, gắn bó với nhân dân.
Những nội dung cơ bản trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có mối quan hệ mật thiết với nhau và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.


1, 2, 7, 10, 12, 13, 14, 16. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.615, tr.732-733, tr.614, tr.614-615, tr.733, tr.736, tr.735, tr.734.

3, 4. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr.347, tr.350.

5. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.123.

6. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.39, tr.251.

8. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.18, tr.203.

9. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.42, tr.350.

11. C.Mác và Ph. Ăngghen (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.17, tr.481.

15. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.734.

17. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.40, tr.303.

18. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.36, tr.185.

19. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.18, tr.128.

20. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.395-396.

21. V.I. Lênin (2006) Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.45, tr.141.

22. C.Mác và Ph. Ăngghen (1997), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.33, tr.449.

23, 24. C. Mác và Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.21.

25, 30. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.43, tr.112-113, tr.327.

26. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.476-477.

27. C.Mác và Ph. Ănghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.2, tr.181.

28. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.473.

29. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.44, tr.449.

31, 32. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.54, tr.235.

33, 37. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.45, tr.447, tr.19.

TS. NGUYỄN THỊ OANH

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin